Ngày 3/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15. Nghị định là bước triển khai cụ thể nhằm bảo đảm Luật Lưu trữ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đồng thời khẳng định quyết tâm xây dựng nền lưu trữ hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.
Trao đổi tìm hiểu về Nghị định 113/2025/NĐ-CP
Nhiều điểm mới phù hợp xu thế hiện đại hóa:
Nghị định 113/2025/NĐ-CP là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực lưu trữ, góp phần cụ thể hóa các quy định của Luật Lưu trữ 2024, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định là quy định chi tiết về xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, trong đó xác định rõ cấu trúc thông tin hồ sơ, trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Các cơ sở dữ liệu này sẽ được kết nối để phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng làm rõ yêu cầu đối với kho lưu trữ chuyên dụng và kho lưu trữ số, bao gồm cả các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô, hạ tầng công nghệ cũng như hệ thống quản lý phù hợp. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành hệ thống lưu trữ điện tử đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Đáng chú ý, Nghị định quy định cụ thể về lưu trữ dự phòng đối với các loại tài liệu có giá trị đặc biệt hoặc có nguy cơ hư hỏng. Những quy định này được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn vẹn, khả năng khai thác lâu dài và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng thời xác định rõ vật mang tin, địa điểm lưu trữ và chế độ bảo quản phù hợp.
Lần đầu tiên, Nghị định cũng liệt kê rõ các nhóm tài liệu bị hạn chế tiếp cận, bao gồm những thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp cận các tài liệu này sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định nhằm bảo đảm an toàn thông tin và lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định chi tiết về điều kiện và thủ tục kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực có chứng chỉ hành nghề và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ:
Nghị định 113/2025/NĐ-CP tiếp tục khẳng định nguyên tắc quản lý nhà nước thống nhất về lưu trữ, với Chính phủ là cơ quan quản lý cao nhất; Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương. Các bộ như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao có trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhận việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng trong lưu trữ điện tử.
Tại địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lưu trữ lịch sử cấp tỉnh, quản lý cơ sở dữ liệu và danh mục tài liệu tiếp cận có điều kiện, đồng thời giám sát hoạt động dịch vụ lưu trữ và triển khai các chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Nghị định số 113/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15
Đẩy mạnh vai trò của Lưu trữ lịch sử và nâng cao chất lượng nghiệp vụ:
Lưu trữ lịch sử ở trung ương và cấp tỉnh, trong đó có các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, đóng vai trò trực tiếp trong quản lý tài liệu vĩnh viễn. Các đơn vị này thực hiện đầy đủ nghiệp vụ chuyên môn từ thu nộp, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, số hóa, tổ chức sử dụng đến phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Đặc biệt, Nghị định cũng nhấn mạnh nghĩa vụ nộp hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử theo thời hạn quy định: tối đa 1 năm đối với lưu trữ hiện hành và 5 năm đối với lưu trữ lịch sử, trừ trường hợp đặc biệt được phép kéo dài đến 30 năm. Tài liệu phải là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp pháp và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hồ sơ giấy và điện tử.
Công chức, viên chức làm công tác lưu trữ được hưởng chế độ ưu đãi theo ngành nghề đặc thù, đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc quy trình nghiệp vụ. Cá nhân làm việc tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trữ buộc phải có chứng chỉ hành nghề và thực hiện đúng quy định pháp luật.
Khẳng định quyết tâm hiện đại hóa ngành lưu trữ:
Việc ban hành Nghị định 113/2025/NĐ-CP cùng với Luật Lưu trữ 2024 là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hiện đại hóa công tác lưu trữ quốc gia. Nghị định không chỉ tạo nền tảng pháp lý đồng bộ mà còn giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng lưu trữ và phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ trong việc bảo vệ quyền lợi công dân, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và gìn giữ ký ức lịch sử dân tộc.
Thanh Vân