Nghiên cứu đời sống văn hoá các dân tộc thiểu số là một đề tài khó, bởi muốn tiếp cận cuộc sống người đồng bào thì các nhà nghiên cứu “phải” được sự đồng ý của già làng và những người trong bộ tộc. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cần dành thời gian để cùng sinh hoạt, tìm hiểu về các phong tục tập quán sinh sống cư ngụ của người dân nơi đây. Mặc dù vậy, đây cũng là đề tài thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học sẵn sàng dành thời gian, tâm huyết để giới thiệu rộng rãi nét văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Khố nam của người Ba – na (Ảnh: Sưu tầm)

Trong quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ thuộc phông Khâm sứ Trung kỳ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, chúng tôi đã đọc được những tư liệu là công trình nghiên cứu([1]) của ông Guilleminet Paul, Công sứ Kontum lúc bấy giờ, ông đồng thời là một nhà dân tộc học đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về đời sống văn hoá của người Mọi([2]) ở Kontum.

Nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4), chúng tôi xin giới thiệu những nét văn hóa của người Ba-na ở Kontum thông qua tư liệu bài viết của ông Guilleminet Paul và các nguồn tài liệu lưu trữ khác.


Công văn số 63g, 64g ngày 10/01/1935 của Khâm sứ Trung kỳ gửi Công sứ Ban Ma Thuột, Kontum về việc đề nghị cung cấp bài nghiên cứu và hình ảnh liên quan đến xứ “Mọi”. Nguồn TTLTQG IV

1. Nguồn gốc lịch sử và quá trình hình thành làng của người Ba-na

Tổ tiên người Ba-na chủ yếu sinh sống tại vùng dưới núi Mang Yang, dọc theo hai bờ sông Ba và một số huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Do tác động của quá trình di dân qua các thời kỳ, người Ba-na chuyển cư dần tới lưu vực các sông Ayun, Đắk Bla và đến tận Kontum như hiện nay.

Ở phía tây của dãy Trường Sơn, có nhiều cao nguyên rộng rãi. Ở đó chính phủ bảo hộ lập ra bốn tỉnh gọi là tỉnh thượng du. Trong số ấy có tỉnh Kontum. Theo số liệu thống kê của Công sứ Kontum, đến năm 1935, tại vùng đất này có khoảng  210.000 người Mọi (trong đó người Ba-na 110.000, người Xơ-đăng và Bơ Nâm 72.000, người Đié 8.000 v.v…) ngoài ra còn có 7.800 người An Nam và 200 người Lào.


 Tư liệu thống kê về số người An Nam và người Mọi sinh sống tại tỉnh Kontum năm 1935. Nguồn TTLTQG IV

Cộng đồng người Ba-na sống quây quần bên nhau tạo thành một làng, nhiều làng lớn nhỏ hợp lại tạo thành một bộ lạc. Khi bắt đầu lập làng, người Ba-na tìm kiếm đất đai cẩn thận, không phải gặp đâu làm đó. Mảnh đất mà họ chọn để lập làng phải có những yếu tố như: đất tốt để trồng trọt, địa thế hiểm trở đề phòng bị giặc cướp, có nguồn nước để sinh hoạt v.v…Sau khi kiếm được một mảnh đất ưng ý, họ phải dâng lễ để khấn xin các thần linh cho phép lập làng. Thời gian để lập một làng mới mất độ chừng vài ba tháng. Người Ba-na vốn thích sống cố định chứ không thích nay đây mai đó. Nhưng trong một số trường hợp, người Ba-na phải chuyển cả làng hoặc một phần làng đi nơi khác như: ở làng cũ nương rẫy không làm ra ăn nữa, trong làng có phát bệnh dịch người, dịch trâu bò, có người chết bất đắc kỳ tử, bị làng bên tấn công cướp phá..v.v…

Biểu tượng không thể thiếu của một ngôi làng Ba-na đó là nhà làng hay còn gọi là nhà rông, ngôi nhà cao ngất ngưỡng và rộng thênh thang, trong nhà để trống chứ không chia ra từng phòng, ở giữa sàn nhà có đặt đến tận chín, mười cái bếp. Đây là nơi để người Ba-na cất giữ những hòn đá tín vật của làng, nơi hội họp bàn việc công và phân xử kiện cáo, nơi để tiếp khách lạ và ăn uống chơi bời khi có lễ chung của làng. Nhà rông còn là nơi để cho những chàng trai Ba-na chưa vợ ra ngủ vào ban đêm.

Nhà rông của người Ba-na. Nguồn: TTLTQG IV

2. Tín ngưỡng

Người Ba-na không có phong tục thờ cúng tổ tiên như người An Nam. Trong đời sống tâm linh, họ tin thần là có thật và thần là những đấng linh thiêng có quyền phép giáng họa, phúc cho con người. Người Ba-na giao tế với thần bằng cách cầu khấn, nguyện hứa, báo mộng v.v… Họ luôn tin rằng thần có thể ban hạnh phúc cho mình. Bên cạnh những vị thần phù hộ thì có một loại thần chỉ biết hại người, họ gọi những vị thần này là hung thần và không bao giờ cầu xin một việc gì mà chỉ tìm cách trừ đuổi. Những vị thần hiện hữu trong đời sống của người Ba-na đó là: Thần sấm sét, Nử thần, Thần lúa, Thần nước, Thần núi, Thần cây v.v…

3. Sinh tử giá thú

Sau chín tháng mười ngày mang thai, phụ nữ Ba-na chuyển dạ sinh con. Khi thai phụ nghe râm rỉ đau bụng thì người nhà lập tức đi mời bà mụ đến. “Lúc đẻ người đàn bà ở trong phòng một mình, thân thể trần truồng, hai gối quỳ xuống sàn nhà mà rặn, sau lưng có một người ngồi đỡ. Nếu rặn mãi mà lâu ra thì chồng phải nắm tay phải vợ xin các thần giúp đẻ cho mau”([3]). Đứa bé đẻ ra bà mụ phải đặt tên liền cho nó. Còn người mẹ thì nằm độ bốn đến tám ngày tùy theo sức khỏe của từng sản phụ rồi dậy ra chỗ giọt nước hoặc khe suối tắm rửa sạch sẽ. Đàn bà Ba-na khi mới đẻ hay ăn muối và bóp muối vào vú cho có nhiều sửa. Ăn uống thì họ không kiêng cử kỉ như người An Nam, chỉ có điều khi ăn thịt họ không ăn phần mỡ.

Người An Nam đẻ con ra có lễ đầy cữ (con trai đẻ được bảy ngày, con gái đẻ được chín ngày); lễ khẳm tháng (con tròn một tháng); lễ thôi nôi (con tròn một năm). Còn người Ba-na thì có lễ thổi tai với ý nghĩa mong muốn cho đứa bé lớn lên biết làm người, biết buôn bán, làm rẫy, có lúa gạo,..v.v…

Con gái Ba-na chửa hoang không được đẻ ở trong làng vì sợ cả làng bị tai họa. Họ phải đẻ ở ngoài rừng rồi mới bồng con về nhà.

Con trai, con gái Ba-na lớn lên chừng mười lăm cho đến hai mươi tuổi thì dựng vợ gả chồng. Người Ba-na cho phép tự do yêu đương và lựa chọn bạn đời chung sống với họ. Đối với người Ba-na, hôn nhân một vợ một chồng từ lâu đã mang tính phổ biến và bền vững. Tối đến, nhóm con trai ngủ ở nhà rông rủ nhau đi tán tỉnh các cô gái chưa chồng trong làng hoặc các làng lân cận. Những chàng trai ôm đàn gãy bính bong dưới sân nhà có con gái chưa chồng. Nghe tiếng đàn, cô gái trong nhà chạy ra mở cửa nhìn xuống, nếu không thích thì đóng cửa lại và quay vào nhà. Những chàng trai đó tiếp tục đi đến nhà của các cô gái khác. Nếu thích thì cô gái chạy xuống sân mời các chàng trai vào nhà chơi. Cô gái ấy còn đi gọi những cô gái chưa chồng khác trong làng đến chơi cùng. Cả bọn trai gái nói chuyện trầm trồ, ăn uống, múa hát bên bếp lửa cả đêm, có khi các chàng trai chơi đến sáng hôm sau mới về. Cặp nào yêu nhau thì họ véo vào trán, cánh tay, bắp chân của người họ thích. Sau một thời gian tìm hiểu và cảm thấy muốn lấy người con gái nào làm vợ thì người con trai đó phải tìm người làm mối đến thưa chuyện với nhà gái. Người làm mối đưa tin phản hồi của nhà gái cho nhà trai và ngược lại đến mấy lần mới xong việc. Khi cả hai bên gia đình thống nhất, họ tổ chức lễ cưới.

 Khi có một người trong nhà đau ốm nặng, không kể già trẻ, người nhà lập tức vào rừng làm hòm. Người trong làng thấy vậy cũng đi theo làm giúp. Nhà nào có người chết cả nhà than khóc rất thảm thương. Có người quá thương yêu, lấy dao đâm vào đùi, vào cổ, đập đầu vào cột nhà hoặc thui lửa vào da để tỏ lòng thương tiếc. Trong làng có người chết thì cả làng nghỉ việc để tới phụ giúp một tay một chân, người thì làm giường cho người chết nằm, người thì làm nhà mồ, người thì đi báo tin cho họ hàng trong làng và các làng lân cận, trai gái thay phiên nhau đánh chiêng trống và múa điệu múa của người Ba-na. Đám tang của người Ba-na thường chỉ để trong nhà hai ngày, chết hôm nay chôn vào ngày mai, những nhà giàu thường để lâu hơn, độ chừng ba đến bốn ngày. Người An Nam để xác chết trong hòm rồi đưa ra nghĩa địa để chôn. Còn người Ba-na thì đặt xác chết ở trên một cái giường, đầu quay về phía mặt trời mọc và quấn chặt chăn mền lại, chỉ chừa cái mặt lòi ra ngoài. Hòm của người Ba-na đặt sẵn ở dưới huyệt, khi đoàn đưa tang khiêng cái giường ra nghĩa địa thì mới để xác vào hòm kèm theo một số của chia cho người chết như: chiếu, mền, lưỡi cuốc v.v… Chôn xong, chủ khách đem nhau ra về tắm rửa sạch sẽ rồi ăn uống. Qua ngày mai, người nhà đều cắt tóc để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất. Rồi đem nhau ra nghĩa địa, chặt cây cối trồng xung quanh mả, làm một cái hàng rào tạm cho trâu bò khỏi vào quấy phá. Trước khi ra về, họ bỏ đồ ăn thức uống vào trong ống lồ ô và than khóc một hồi lâu. Nếu tang gia nghèo khổ thì từ đây bỏ mả luôn, không tới lui gì nữa. Nếu nhà có điều kiện thì họ còn mang thức ăn nước uống cho người chết một thời gian rồi mới bỏ mả.

 Mả của ông Hma, phủ Mọi ở gần thành phố Kontum, cột trâu xung quanh mả vì con cháu sắp ăn lễ bỏ mả. Nguồn: TTLTQG IV

4. Lễ hội

Người Ba-na tổ chức nhiều lễ hội trong một năm, thời gian tổ chức lễ hội không cố định, họ tổ chức lễ hội vào thời gian rảnh rỗi và hợp lý, chỉ trừ lễ tang thì phải tổ chức đúng vào lúc có người chết.

Có những lễ hội chỉ tổ chức gói gọn trong gia đình của mỗi người khi họ được thần ban cho một điều may mắn nào đấy trong cuộc sống. Họ sẽ làm một cái lễ đơn giản hoặc long trọng tùy theo nhà giàu nhà nghèo để tạ ơn các thần.

Lễ ăn lúa mới: mỗi năm mùa màng xong và bắt đầu ăn lúa mới thì họ dâng lễ này.

Lễ lên nhà mới: Khi có một gia đình dựng nhà mới thì họ sẽ dâng lễ này trước khi chuyển về sống ở nhà mới.

Lễ ăn mừng sau khi ốm đau được lành mạnh: Có người ốm đau nặng, sau một thời gian khỏe mạnh lại, họ làm lễ dâng thần để tạ ơn thần đã cho họ khỏe mạnh trở lại.

Người Ba-na không có nhà riêng để thờ thần nên mỗi lần dâng lễ, họ thiết lễ ở trên nhà. Lễ vật dâng thần chủ yếu là rượu và gan của các con vật như: gà, heo, dê, trâu.

Ngoài những lễ riêng của gia đình, người Ba-na còn có những lễ dâng chung của cả làng như lễ ăn mừng thắng trận, lễ dời làng hoặc làm nhà rông.

Những lễ này được tổ chức ở trên hoặc dưới sân nhà rông của làng. Nếu làm lễ dưới sân thì họ phải dựng một cây nêu (người Ba-na gọi là gơng) ở trước sân. Cây nêu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba-na. Thông qua cây nêu người Ba-na cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người khỏe mạnh, bình an, ấm no.

Những người Ba-na tham dự các lễ hội lớn của làng thường ăn uống no say cho đến lúc tàn cuộc mới trở về nhà.

 Cây nêu được trồng trước sân nhà rông. Nguồn: TTLTQG IV

Trải qua gần một thế kỷ, những phong tục xưa của người Ba-na ít nhiều thay đổi. Một số phong tục xưa hiện không còn thấy trong đời sống thường nhật của người Ba-na. Nhưng bằng một tình yêu giản dị và niềm tự hào với nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình, người Ba-na luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đó từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những sắc màu văn hóa của người Ba-na đã góp phần tô đậm cho bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

                                                                                 Thanh Biên

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ 5906, Phông Khâm sứ Trung kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, Người BaNa ở Kontum, Nxb Tri thức, 2011.

Chú thích:

[1] Năm 1935, trong chuyến thăm và làm việc tại Huế, ông Moresthe- Giám đốc tờ báo “Shanhai” “Thượng Hải” đã bày tỏ mong muốn của mình với Khâm sứ Trung kỳ về ý định sẽ công bố một vài bài báo kèm theo hình ảnh minh họa liên quan đến xứ “Mọi”. Sau chuyến công tác của ông Moresthe, Khâm sứ đã có công văn chỉ đạo các tỉnh Trung kỳ, đặc biệt là các tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và Đồng Nai Thượng cung cấp thông tin và hình ảnh liên quan đến xứ “Mọi”. Ông Guilleminet Paul – Công sứ Kontum lúc bấy giờ, đồng thời cũng là một học giả dân tộc học, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về xứ “Mọi”, thực hiện bài viết kèm theo nhiều bức ảnh chụp các dân tộc thiểu số ở Kontum để gửi cho tờ báo “Shanhai”.
[2] Mọi là từ dùng để chỉ các dân tộc thiểu số sinh sống ở Trùng kỳ và Nam kỳ.
[3] Sách “Người Ba-na ở Kontum” của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, NXB Tri Thức, trang 216.