MỐI QUAN TÂM CỦA VUA MINH MỆNH ĐẾN SÁCH VỞ

 

Vua Minh Mệnh từng ban dụ cho bề tồi rằng: Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ thì không thể biết hết được. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian trị vì của mình, vua Minh Mệnh có mối quan tâm đặc biệt đến sách vở. Vua khuyên mọi người chăm chỉ đọc sách, cũng không ít lần vua sai tìm mua sách vở trong dân gian và ban sách cho kẻ sĩ, cho các quan.

Năm 1821, vua Minh Mệnh cho tìm sách xưa còn lại. Vua ban dụ: Khi trẫm được rảnh việc một chút, lại tìm tòi sách vở. Phàm từ xưa đến nay, những dấu vết phế hưng của các đời, những việc đổi thay của chế độ, cả đến nhân vật tốt xấu, phong thổ khác nhau giống nhau, vẫn muốn góp nhặt chuyện cũ để tham khảo. Trước kia có hỏi tìm sách cũ, cũng đã có người dâng lên, nhưng còn thiếu sót nhiều. Nay nhân có việc Bắc tuần, xem rộng địa dư, nghĩ rằng Bắc Thành là đất văn hiến, tất có thể tìm tòi được. Vậy tất cả những văn tự còn sót lại của đời trước hoặc những sách vặt của các tư gia, cho cả đến những sách kín của nước ngoài, phàm là ghi chép sự thực, có thể giúp ích cho đời, thì không câu nệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng dấu, đều do sở tại chuyển dâng, trẫm sẽ thu xem và hậu thưởng.

Năm Mậu Tý, năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), vua sai bộ Lễ tư hỏi những việc cũ của Tây Sơn. Vua bảo Phan Huy Thực rằng: Khi mới đại định, thu nhặt được văn thư sách vở của Tây Sơn rất nhiều, ý trẫm cho là vô dụng nên gần đây sai đốt hết cả. Nay lại nghĩ chúng tuy bội nghịch, những việc chúng làm thật không đáng kể, song cũng là dấu tích một đời, kho sách chứa cất không nên thiếu sót. Nên tư giấy cho Bắc Thành, hỏi khắp các cố gia và sĩ thứ ai có ghi chép được việc cũ của Tây Sơn, từ năm Bính Ngọ trở đi, từ Nhâm Tuất trở lại, phàm một chính một lệnh và chiếu sắc tấu sớ, cùng mọi điều mục nhỏ mọn chúng đã làm, không nệ kỵ huý không kể lời văn quê mùa, hết thảy đem nộp quan sẽ lượng khen thưởng.

 

 

 Bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 56, mặt khắc 4: Vua sai tìm những ghi chép cũ của Tây Sơn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Không chỉ tìm mua sách trong nước, vua Minh Mệnh còn sai tìm các sách hay của nước ngoài. Năm Tân Mão (1831), mùa xuân, tháng 3, người lái buôn nước Thanh là Trần Ứng dâng hai bộ sách là Hoàng Thanh Kinh giải và Thông giám tập yếu. Trấn thần Quảng Nam tâu lên. Vua bảo Nội các rằng: Những sách này đều đã có ở trong kho sách, duy nghĩ người ta là người ở xa, biết trẫm vốn thích sách vở, lòng thành vượt biển đem đến kính dâng, thực cũng đáng khen. Sai thu lấy bộ Kinh giải đưa vào nhà Quốc tử giám và thưởng cho 20 lạng bạc.

Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), vua nói: Ra đề bài thi thì dễ, làm bài văn thì khó. Vì quan trường ra bài thì có sách để tra cứu, mà học trò làm văn chỉ nhờ ký ức mà thôi. Trước đây, có câu hỏi “Phó Nê, Trường Lệ là vật gì”, người bị hỏi không biết là vật gì cả. Phó Nê, Trường Lệ là tên ngôi sao, xuất xứ ở sách Sự vật dị danh. Vì sách vở ở nước ta có ít, tuy người có tài học rộng, cũng không lấy đâu mà đọc được. Từ nay về sau, hễ có phái người đi sang nhà Thanh, nên mua nhiều sách ban bố cho các người đi học, để họ mắt thấy tai nghe rộng ra mới được.

Đối với vua, sách vở là để rộng kiến văn, việc học của sĩ tử cạn hẹp là vì cớ ít sách. Vua lệnh cho bộ Lễ phải sai các Tế tửu, Tư nghiệp xét sách trong Quốc tử giám, nếu chưa đủ thì tâu xin ban cấp để giảng tập.

 

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 13, mặt khắc 8: Vua dụ bầy tôi rằng: Đạo  trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết hết được.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Khi các quan định sách giảng học cho Tập thiện đường (chỗ các hoàng tử học), vua rất khen ngợi. Đó là các sách về Tứ thư giải nghĩa, Thư kinh giải nghĩa, Lễ ký giải nghĩa, Xuân Thu giải nghĩa, Dịch kinh giải nghĩa, Ngự toản thi nghĩa chiết trung, Ngự định Hiếu kinh, Tập chú Hiếu kinh, Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm, dùng làm sách giảng luận, ban cho các vị học tập. Còn các sách Ngự toản Chu dịch chiết trung, Khâm định Thi thư Xuân Thu truyện thuyết vựng toản, Khâm định tam lễ nghĩa sớ, Ngự phê Tư trị thông giám cương mục, Ngự toản Xuân Thu trực giải, Ngự toản Chu dịch thuật nghĩa, thì chứa ở học đường để tra cứu. Các sách học thường của dân gian, như Ngũ kinh Tứ thư và các sách Cương giám, Thiếu vi, đều là sách riêng của một nhà, có chú ý khác nhau, để làm sách bị khảo, không đem giảng học.

Khi ngự ở Đông Các, vua ban dụ cho các hoàng tử rằng: Đến giờ theo lệ định, khi các con vào chầu phải dâng trình sách vở giảng tập để ta hỏi thử. Chẳng qua chỉ lấy đó làm chương trình hạn định. Các con càng phải xét lại ở mình lấy sách làm thầy trọng tình hữu ái, bỏ ý riêng tư không một việc nào, không một ngày nào không phải là học. Ngày sau con lên nối ngôi thì được có dân, được có người, các con làm thân vương, cũng lấy trung hiếu giữ trọn tiếng tốt, cái gì chẳng phải bởi học mà ra?

Vua cũng rộng ban sách vở cho trong Kinh và các tỉnh. Năm 1835, vua dụ Nội các rằng: Ta muốn chấn hưng văn giáo, ban ơn cho bọn sĩ tử, nên đã sắc sai thu mua sách vở để chuẩn bị thưởng cấp. Trong đó Ngũ kinh, Tứ thư và Tiểu học Thể chú đều là những sách sơ học nhập môn. Vậy nên ban cấp cho Quốc tử giám mỗi thứ 50 bộ, do giám thần châm chước cấp phát cho các tông sinh, ấm sinh ở trong nhà Giám và những sơ học sĩ nhân. Còn những loại sách về văn sách, kinh nghĩa, phú luật và thiếp tập chữ, mỗi thứ 200 bộ, đều là lề lối thi cử, thì sai bộ Lễ liệu phát cho Quốc tử giám cùng với học đường ở các trực và các tỉnh để mở rộng việc học tập.

Mối quan tâm đến đến sách vở của vua Minh Mệnh không chỉ thể hiện ở việc tìm sách, ban sách, mà vua còn sai ghi chép thành sách để lưu lại cho đời sau. Năm 1837, vua bảo viện Cơ mật rằng: Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng đời xưa đều là bậc đại thánh nhân, nhưng chính sự nói và làm, không có sách vở chép đủ thì người đời sau nghe thấy sẽ tất nói rằng: Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng là người đời xưa, ta cũng là người, biết theo và bắt chước ai, bởi thế nên trẫm đối với các việc ở triều đình, ngày đêm lo lắng, lần lượt làm hết, là muốn chép thành sách vở cho con cháu ta, có chỗ dựa theo, không thế thì không chứng tỏ, tất không tin, lấy gì làm phép trước để lưu mãi về sau. Ngoài ra, vua còn sai soạn các bộ sử như Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu để đời sau được biết việc đời nay. Đặc biệt, Ngự chế văn và Ngự chế thi do vua sáng tác là tác phẩm nổi tiếng thể hiện tài làm văn, tài làm thơ của vua.

Vua Minh Mệnh nổi tiếng là vị vua tài về thơ, giỏi về văn. Tài năng của vua ngoài tư chất bẩm sinh cũng do chăm học hỏi từ sách vở. Mối quan tâm sách vở không chỉ giúp vua mà còn giúp cho kẻ sĩ việc mở mang kiến thức, phục vụ đất nước sau này./.

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H22/14, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H22/57, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004);

4.    Bản dịch sách Minh Mệnh chính yếu, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa (2010).

Nhật Phương