MỐI QUAN TÂM CỦA TRIỀU NGUYỄN ĐẾN MIẾU NHÀ LÊ

Nhật Phương

Triều Lê khởi đầu với vị anh hùng đất Lam Sơn – Thái tổ Lê Lợi có công đánh đuổi giặc Minh, đại định đất nước. Kế đến là vua Lê Thái Tông thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình, bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di Địch. Hay như vua Thánh Tông mưu trí tài lược, mở mang bờ cõi rộng lớn. Mỗi vị vua trị vì là một chính sách nhằm gây dựng nước Đại Việt vững mạnh. Triều Nguyễn kế tục sự nghiệp vinh quang đó, người trước để lại, người sau nhớ ơn triều đại đã bại vong. Chính vì thế mà suốt thời gian trị vì, triều Nguyễn đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến miếu nhà Lê, nơi thờ tự các bậc vua hiền của nhà Hậu Lê.

Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ nhất (1802), ngày Quý Sửu, xa giá đến Thanh Hoa, vua dạo xem hình thế sông núi rồi vời những người già ở làng Bố Vệ (thuộc huyện Đông Sơn) để hỏi về sự tích cũ miếu nhà Lê. Những người dòng dõi họ Lê tranh nhau đem trâu rượu đến lạy mừng. Vua yên ủi rồi cho về.

Vua Gia Long từng ban chiếu rằng: “Vương giả dựng nước, suy tôn dòng dõi đời trước là giữ hậu đạo. Nhà Lê từ khi mở nước đến lúc trung hưng, đời đời nối nhau hơn 300 năm, trước sau 25 vua. Quãng giữa tuy là không quyền những vẫn là vua chung cả nước. Kịp khi Tây Sơn nổi loạn, miếu thờ bỏ nát. Nay ta vâng đem uy trời, thống nhất bờ cõi, nghĩ tôn điển lễ để giữ thờ cúng cho họ Lê”. Vì vậy, vua đặc phong cho Lê Duy Hoán làm Diên Tự công, cho thế tập tước vị, để vâng giữ việc thờ cúng ở miếu nhà Lê, cấp cho tự dân 1.016 người, tư điền 10.000 mẫu. (Dân tạo lệ 100 người, dân ngụ lộc 916 người, hằng năm thu tiền tô dung hơn 2.600 quan tiền, lại thêm tiền kho 370 quan để cung việc tế tự; ruộng 10.000 mẫu, hằng năm thu thóc tô hơn 6.000 hộc, chia cấp cho người trong họ làm lộc thường).

Năm 1804, họ Lê tâu xin dời Miếu nhà Lê. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 18 chép: Dời dựng miếu nhà Lê về Thanh Hoa. Miếu nhà Lê ở thành Thăng Long, họ Lê tâu xin dời về Bố Vệ (thuộc huyện Đông Sơn, là đất cũ trung hưng nhà Lê). Vua nói: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điển của Triều đình”. Sai trấn thần Thanh Hoa thúc dân sửa sang. Lấy Phan Tiến Quý làm quản phủ Thiệu Thiên để coi công việc. Rồi lấy 100 người dân xã Bố Vệ làm miếu phu.

 

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 18

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Mậu Thìn, năm Gia Long thứ 7 (1808), đặt thêm miếu phu ở miếu nhà Lê. Lê Duy Hoán tâu nói: “Ba thôn xã Bố Vệ thì Kiều Đại là một, thế mà trước đây chuẩn định 100 miếu phu toàn lấy ở hai thôn Mật Sơn và Tạnh Xá, thôn Kiều Đại không dự. Nay xin cho 48 người dân thôn ấy cũng sung miếu phu, miễn trừ dao dịch, để đều được ơn”. Vua y cho.

Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), lại cấp ruộng tự điền và phu coi mộ cho miếu thờ các vua nhà Lê. Vua dụ Nội các rằng: “Nhà Tiền Lê vua Thái Tổ đánh đuổi quân Minh, lấy lại bờ cõi, vua Thánh Tông thì văn đức, võ công, ơn trạch thấm khắp nước Nam. Triều ta kế tục sự nghiệp vinh quang đó, người trước để lại, nhớ ơn triều đại đã bại vong, vì thế đã chọn đặt người giữ việc thờ tự nhà Lê, và ban tước công cho người giám tự. Điển lễ như vậy, kể đã long trọng. Chẳng ngờ bố con Lê Duy Hoán, Lê Duy Lương, nối nhau làm phản, đời làm việc ác! Thế không những phải tội với triều đình, mà cũng đắc tội với các vua nhà Lê. Tội bởi mình làm tự phạm vào hình phạt không thể tha được. Nhiều lần quan trọng, bộ đã xin bỏ bớt ruộng tự điền và ruộng dưỡng thiệm (ruộng cho người giám tự ở đền vua Lê được hưởng hoa lợi khi tuổi già), tước bỏ ngạch tịch (bỏ quan tước tên tuổi ở trong sổ, được ban chức tước). Việc đưa ra công nghị. Hiện đã chuẩn cho thi hành. Đó vì xét theo pháp chế, so sánh với lẽ công bình, thì thực không thể không làm như thế được. Nhưng nghĩ lại: nhà nước làm cho dòng đứt được nối, họ mất được còn, truy tôn các triều đại trước như Hùng Vương, Sĩ Vương, An Dương Vương cho đến Đinh, Lê, Lý, Trần cũng có cấp cho tự điền và phu coi mộ để thờ cúng lâu dài. Huống chi các vua triều Lê so với các triều đại trước lại còn trội hơn. Đối với những con cháu hư hỏng phạm pháp, phải tội, thì giết chết là phải, chứ như các vua nhà Lê trước đó công đức với dân cũng nên châm chước theo lễ phép để cho hương lửa lâu dài, tức như vua Nghiêu vua Thuấn có đức trạch nhuần thấm đến người ta, há cứ phải Đan Chu và Thương Quân(1) đời giữ tế tự rồi sau mới được huyết thực(2) nghìn năm hay sao ? Nay chuẩn cho đặt lại miếu thờ họ Lê, cấp cho 100 mẫu tự điền, 60 người phu giữ mộ do quan tỉnh Thanh Hoa chiếu chỗ gần mà tiện cấp cho, rồi giao dân xã sở tại hằng năm thờ cúng. Quan tỉnh cũng thường thường sức lại, chớ để xao lãng, chểnh mảng, khiến đạo trung hậu được tỏ sáng. Đó là hết lòng nhân nghĩa, một mực công bằng, chẳng những phô bày rõ rệt ở trước tai mắt người ta, mà cũng làm hả anh linh các vua nhà Tiền Lê ở dưới suối vàng nữa”.

Tổng đốc Nguyễn Khả Bằng bèn xin trích lấy 50 người dân thôn Kiều Đại, cộng với 8 người giản binh mới được rút về (miếu nhà Lê ở địa phận thôn Kiều Đại xã Bố Vệ, 58 người dân thôn ấy được cho làm thủ hộ. Năm ngoái rút bớt, theo lệ, lựa 8 người làm giản binh) và 2 con Lê Duy Cát, được ghi vào sổ thôn ấy để đủ số 60 người làm phu coi mộ, chịu nộp thuế thân như lệ. Còn ruộng tự điền 100 mẫu ruộng công, xin cấp cho thôn Kiều Đại cùng với 3 thôn lân cận là Tĩnh Xá, Đông Sơn và Đông Cầu, cho dân các thôn ấy chia nhau cày cấy, hằng năm nộp thuế, để dùng vào việc cúng tế. Năm nào có ân điển được tha thuế hay là gặp năm lúa bị thiệt hại, được giảm thuế, thì chỉ căn cứ vào số đáng phải thu mà chi dùng. Duy gặp năm nào tha toàn số thuế, do quan tỉnh tâu xin, sẽ liệu phát để cấp cho”. Vua chuẩn y.

Năm Kỷ Hợi, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), ngày Mậu Tý, tiết Thanh minh, vua đến thăm ở yết lăng Thiên Thụ, lễ xong, sai rước lên núi Kiều Long xem đất lành Vạn Niên. Đến khi về, cùng quần thần bàn cách thức xây dựng, vua hỏi Phan Huy Thực rằng: trẫm nghe phần mộ nhà Lê trước không đắp nấm, không trồng cây, không muốn người đời sau biết chỗ chôn, phải không? Phan Huy Thực thưa rằng: nhà Lê trước có làm lăng tẩm, dựng cột mốc, bia đá, đến lúc suy, dần dần phải để đồi bại; phần mộ họ Trịnh thì ở dưới xây gạch đá kiên cố, mà mặt trên không
đắp nấm. Vua cười bảo rằng: “Sao phải ngờ sợ mà giấu giếm như thế”. Hà Duy Phiên nhân đấy tâu nói: năm trước thần từ Ninh Bình về qua Thanh Hoa, thấy 1 ngôi mộ cũ cách sông mới đào độ 3, 4 trượng, ở mặt trên bằng phẳng, bên cạnh có bia đá khắc rằng lăng vua mỗ nhà Lê. Vua vì thế thương lắm, bèn sai bộ Lễ tư đi các địa phương hỏi khắp lăng các vua từ nhà Lê trở về trước, sửa lễ cáo yết, chỗ nào hư thì đắp lại.

Vua sai quan đến tế miếu nhà Lê. Dụ rằng: “Triều ta được thiên hạ, nguyên là lấy ở tay nhà Tây Sơn, không phải lấy ở con cháu nhà Lê, sau khi đã được, đối đãi với họ Lê, con cháu nối dõi, có người được phong tước công, miếu còn lại, có điển lệ, bốn mùa đến tế, tuy nhà Chu xưa trung hậu, thực không hơn được. Không ngờ con cháu còn sót lại của họ Lê bọn Duy Hoán, Duy Lương, quên ơn cắn lại, tự đi đến chém giết, mà họ hàng cũng không ai từng phải tội lây, xếp đặt cho bị liên luỵ, chia ghép ở địa phương Nam Trực kỳ; miếu thờ của nhà Lê, lại chuẩn cấp cho ruộng thờ cúng, phu coi miếu, giao cho dân sở tại nhận làm khói hương nghi ngút mãi mãi, để tâm như thế thực nhân nghĩa rất chu đáo. Lại nghĩ nhà Lê vua hiền kế tiếp, ơn đức ở người, so với các triều ở An Nam, là hơn cả, không nỡ vì con cháu họ ấy không hiền mà vội vàng bỏ bẵng. Nay đến tiết Thanh minh, lại nghĩ đến dấu vết trước, hầu như canh cánh trong lòng, chuẩn cho bộ Lễ soạn nghĩ văn cáo, tư ngay cho tỉnh Thanh Hoa dự bị lễ phẩm tam sinh, lại phái một viên khoa đạo đến miếu nhà Lê để tế”.

Khi vua đến Thế miếu xem thợ làm, nhân hỏi Phan Huy Thực rằng phép làm miếu của nhà Lê thế nào. Phan Huy Thực thưa rằng: miếu nhà Lê theo hình chữ Công. Gian giữa thờ Thái Tổ, hai bên thờ vị các vua, mỗi khi gặp ngày huý, chỉ cứ làm lễ ở án chính, không rước ra nơi khác. Vua cười bảo rằng: “Phàm có việc ở thần vị hai bên tả hữu phải tế cáo ở án chính, há không phải chưa hợp lễ ư ?”. Nhân đấy bảo thị thần rằng: Nhà nước ta xưng hiệu, thực từ Hoàng khảo ta trước, trẫm sáng chế điển lễ cho muôn đời, làm riêng Thế miếu, sau theo thế thứ thờ phụng cùng ở miếu này, may được trời thương, ngôi báu của nước lâu dài, sau 9 thời đại lại làm một miếu cũng không ngại, đời sau có bàn đến thì lễ thà lỗi về hậu, có gì là không nên đâu?

Dưới thời vua Tự Đức, năm 1874, khi định lại điển lễ thờ tự miếu đế vương các triều đại ở các địa phương, miếu nhà Lê được cấp 800 quan tiền, 30 người phu coi miếu.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 52, mặt khắc 7: Cấp tiền và phu coi miếu cho miếu nhà Lê

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Miếu nhà Lê không chỉ là mối quan tâm của riêng hậu thế nhà Lê để thể hiện sự tưởng nhớ đối với tổ tiên mà còn là nơi triều Nguyễn tỏ lòng kính ngưỡng với một vương triều hưng thịnh, kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến dân tộc.

 

Chú thích:

(1) Đan Chu: con vua Nghiêu: Thương Quân: con vua Thuấn. Cả hai đều hư hỏng.

(2) Huyết thực: tượng trưng cho sự được hưởng lễ thờ cúng.

…………..

Tài liệu tham khảo:

1.    Hồ sơ H21/24, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.    Hồ sơ H24/53, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3.    Bản dịch sách Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).