Hiện nay, trên thế giới hiếm có Mộc bản là những bộ chính văn, chính sử do triều đình tổ chức biên soạn, khắc in như Mộc bản Triều Nguyễn
Mộc bản Triều Nguyễn là khối tài liệu gồm nhiều pho sách quý, mang tính biểu trưng của một vương triều. Mỗi tác phẩm từ khi biên soạn cho đến khi khắc in đều phải theo mệnh lệnh của vua.
Năm Giáp Thìn (1844), sau khi tiếp nhận biểu tâu trình của các đại thần về việc khắc in bộ Liệt thánh thực lục (Đại Nam thực lục tiền biên), Vua Thiệu Trị đã ban dụ: “Xem qua tờ tâu, trẫm rất vui lòng, vì tín sử của đời thanh bình là để lại chỉ bảo cho đời sau, sự thể rất là quan trọng… Vậy nên cho khắc vào gỗ lê gỗ táo, in để dài lâu. Rồi đến các bộ Thực lục chính biên về đời Thế tổ Cao hoàng đế và Thánh tổ Nhân hoàng đế, soạn xong cũng lần lượt kính cẩn cho khắc in nộp vào kho sách, càng thêm vẻ vang cho các đời của nước Đại Nam ta, đời nào cũng thịnh và để truyền bảo phép tắc lớn mãi mãi đến triệu muôn năm sau”.
Trong lời dụ phê chuẩn bản thảo đem đi khắc in, ngay cả vua cũng phải dùng từ “kính cẩn” thì chỉ cần nhắc tới ván khắc (Mộc bản), các sử thần đều phải tỏ lòng kính ngưỡng vì đó là sách của triều đình. Như vậy, khác với những khối Mộc bản tồn tại cùng thời kỳ, Mộc bản Hoàng triều được sản sinh theo quy trình nghiêm ngặt, cẩn trọng và luôn được bảo quản trong điều kiện tốt nhất của triều đình.
Về kỹ thuật khắc in Mộc bản Triều Nguyễn, nhiều nhà nghiên cứu và du khách tham quan đã phải thốt lên rằng: “Mỗi bản khắc là một tác phẩm nghệ thuật điêu luyện!”; bởi những nét chữ sắc sảo, uyển chuyển, đều đặn hiện lên trên thớ gỗ như họa bút của các bậc danh gia thư pháp nổi tiếng đương thời.
Đỉnh cao của kỹ thuật chế tác Mộc bản Triều Nguyễn chính là nghệ thuật khắc họa chi tiết từng đường nét rồng bay, phượng múa, hoa văn, họa tiết, bản đồ, họa đồ và hình ấn triện của nhà vua.Như vậy, có thể thấy rằng, Mộc bản Triều Nguyễn có giá trị rất cao về mỹ thuật, là đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua của nghệ thuật thư pháp, hội họa và đặc biệt là điêu khắc.
Trong kho tàng Mộc bản mà Triều Nguyễn để lại cho hậu thế, có rất nhiều pho sách quý, đặc biệt là những bộ quốc sử, được triều đình biên soạn hết sức công phu, có giá trị lớn, chứa đựng nhiều thông tin chân xác về thời cuộc.
Bên cạnh đó, các vua Triều Nguyễn cũng rất coi trọng những bộ sách được biên soạn và khắc in từ thời Lê. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Vua sai quan Bắc thành “kiểm xét những bản in nguyên trữ ở Văn Miếu về các sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Vũ kinh trực giải (bản in của Quốc Tử giám nhà Lê) cùng Tiền Hậu chính sử (bản in riêng của Hậu quân tham mưu Nguyễn Bá Khoa) và Tứ trường văn thể (bản in riêng của Trấn thủ Hải Dương Trần Công Hiến), gửi về Kinh để ở Quốc Tử Giám”. Do vậy, Mộc bản của Triều Nguyễn vừa phong phú, chuẩn xác về nội dung vừa đa dạng về nguồn gốc xuất xứ.
Ngày nay, khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội thời cổ đại, trung đại và cận đại Việt Nam, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa trên những cứ liệu của các tác phẩm còn lưu giữ được như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam nhất thống chí,… Các bộ sách này đều được in từ khối Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Copyright © 2020 TTLTQG4. All Rights Reserved. Powered by Thanh Nien Corp.