17. NAM ĐẠI HOÀNG (tục danh là cỏ Lưỡi bò): sách “Bản thảo Cương mục” gọi là: Dương đề, Ngưu thiệt thái, Dương đề đại hoàng, Ngưu đồi, Bại độc thái. Thường mọc ở gần nước và chỗ đất ẩm ướt; lá dài hơn một thước, giống lưỡi bò; mùa hè nở hoa và kết quả, đến tiết hạ chí thì quả khô. Hai lá mới mọc mài với giấm, đắp vào chỗ lở, lác, có công hiệu ngay lập tức.

18. THIẾT TUYỀN THẢO (tục danh là cỏ Muồng trâu): công dụng:  lá có thể trị bệnh mụn nhọt, ghẻ lở, lác.

19. NAM BA ĐẬU (tục danh là cây Ba đậu): công dụng: lá chữa được chứng đau khớp xương; hạt có lợi cho đại tràng; dầu dùng để thắp đèn; cành cỏ mũ trắng, nếu mủ rơi vào mắt thì bị đau mắt. Ngoài ra loại cây này còn chữa được bệnh cho voi, khi con voi mắc bệnh voi ăn đất.

20. NAM ĐỘC HOẠT (tục danh là cỏ Vòi voi): đầu bông sắc xanh có pha sắc trắng, cuốn cong như hình vòi voi. Sách “Bản thảo Cương mục” viết: “cỏ này đầu như con tằm, đốt như đốt măng, lá giống như lá cây “Thanh ma”. Loại cở này dùng để chữa nhọt ở đầu gối, bệnh đau lưng và chứng phong thấp rất hiệu quả.

21. TẦM BẶC: có hình dạng giống như cây khoai nước; cây này mọc nhiều ở bờ ruộng; lá non có thể nấu với thịt lươn để ăn. Công dụng: rễ cây dùng để chữa bệnh phong thấp.

Mộc bản bìa sách Đại Nam nhất thống chí, trong bộ sách này có ghi về các loại thảo dược chữa bệnh

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

22. NAM KHỔ SÂM: lá giống lá cây Thủy lục; hạt như hạt đậu nhỏ, đen và rất cứng. Có công dụng chữa bệnh hậu sản của đàn bà.

23. KIM CHÂM THẢO (tục danh là cỏ May): rễ còn gọi là Nam hoàng liên, lại có một loại gọi là Qủy châm. Sách “Bản thảo Cương mục” viết: Kim Châm Thảo mọc theo bờ đất; thân và lá có gai; quả như chân cái trâm cài đầu, dính vào quần áo sắc như mũi kim nên mới gọi là Qủy châm. Loại cây này có công dụng chữa chứng bệnh xích bạch lỵ của trẻ em.

24. NGƯ NGẠNH THẢO (tục danh là cây Xương cá): mọc nhiều ở bờ cát trên biển; vị đắng. Lá có công dụng chữa bệnh sản hậu cho phụ nữ.

25. LONG CỐT THẢO (tục danh là cỏ Xương rồng): rễ to bằng nắm tay người lớn; lá dày, có ba khía và nhiều gai; mũ cây dính vào mắt thì sẽ bị đau mắt. Sách “Lĩnh nam tạp ký”  gọi là Tiên nhân chưởng. Cây này thường được trồng ở bờ ruộng, không cho người giẫm xéo vào ruộng; trồng ở đầu tường để tránh hỏa tai. Công dụng: lá non có thể chữa bệnh đau lưng.

26. LONG THIỆT THẢO (tục danh là cây Lưỡi rồng): Lá dày, xanh non, dẹt và có gai. Công dụng: trị bệnh nhiệt lậu và nấu ăn được. Sách “ Bản thảo cương mục” viết: “có loại Long thiệt thảo mọc ở vùng nước đầm hồ; cùng tên nhưng khác loại”.

27. LONG TU THẢO (tục danh là cây Nha đam): hình dáng như Long cốt thảo, lá dày nhỏ dẹt, tựa như sống gươm, hai bên có gai, nhiều nhớt, tính mát. Có công dụng chữa bệnh đau mắt đỏ.

28. KÊ CƯỚC THẢO (tục danh là cỏ Bàn chầu): rễ mọc nhiều thành chùm; một cây vươn thẳng chừng 4,5 tấc, nảy ra 5,6 bông, như hình chân gà. Công dụng: chữa bệnh xích bạch lỵ và huyết chứng phụ nữ.

Bản thảo sách “Danh y biệt lục” viết: “mọc nhiều ở bờ ao; thân màu đỏ; lá đối nhau như mầm cỏ Bách hợp; chất đắng; tính ôn hòa, không độc. Công dụng: chủ trị chứng xích bạch lỵ mãn tính”.

29. NGŨ VỊ TỬ (tục danh là hột Nắm cơm): Sách “Bản thảo cương mục” còn có tên gọi là Huyền cập hay Hội cập. Tháng 3, cây nở hoa vàng, hoa trắng; tháng 7 kết quả. Công dụng: thanh lọc phổi, lưu khí huyết và chữa bệnh ho suyễn,

30. PHÚC BỒN TỬ (tục danh là hột dây Cơm xôi): “Bản thảo cương mục” gọi là Khuyết bồn hay Khuê đằng. Dây bò leo, thân có gai cong , một cành có 5 lá. Tháng 4, tháng 5 quả chín. Qủa lớn bằng đầu ngón tay, vị ngọt, ăn được; quả chưa chín thì màu xanh, khi chín thì màu đỏ. Có công dụng lưu thông khí huyết; rễ có tác dụng thông tiểu tiện, chữa thủy thũng; lá chữa chứng lở mí mắt.

 

Tài liệu tham khảo:

Hồ sơ số: H.20/5, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đăng trên Tạp chí VTLTVN SỐ 3/2010