Ngày 30/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn – một khái niệm có lẽ còn xa lạ với nhiều người Việt Nam hiện nay đã trở thành Di sản tư liệu đầu tiên của nước ta được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”. Phiên bản của di sản này hiện đang trưng bày tại Đà Lạt.

Đến Đà Lạt, vào thăm Khu trưng bày tài liệu lưu trữ quốc gia của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (trực thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), số 2 Yết Kiêu, TP Đà Lạt, các nhà nghiên cứu và du khách sẽ rất ngạc nhiên và hãnh diện khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay những tấm phiên bản tài liệu mộc bản triều Nguyễn được sản sinh cách nay gần 200 năm.

Nội dung phong phú, đa dạng

Nội dung của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Về địa lý: có 02 bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép về hoàng thành Huế.

Về chính trị xã hội: có 05 bộ sách gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự: có 05 bộ sách gồm 151 quyển, ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Về văn hóa – giáo dục: có 31 bộ sách gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.

Về tư tưởng triết học – tôn giáo: có 13 bộ sách gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.

Về văn thơ: có 39 bộ gồm 265 quyển, ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam…

Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách gồm 50 quyển, giải nghĩa luận ngữ bằng thơ Nôm.

Về quan hệ quốc tế: tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử và văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp…

Mộc bản về Hoàng Sa

Trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc Mộc bản mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bản gốc sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về các sự kiện xảy ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trải qua chín đời chúa (1558-1777), đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát.
Trên bãi cát có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ, lập đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sung vào. Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 8, đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa lượm hóa vật về nộp…

Từ Mộc bản đến… sách điện tử

Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được sản sinh chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Ngoài ra còn bao gồm cả những ván khắc in được thu ở Văn miếu – Quốc tử giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc tử giám dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành.

Từ năm 1961-1975 tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại Chi nhánh văn khố Đà Lạt. Do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, tài liệu được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984 được chuyển về bảo quản tại khu Biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng. Để phát huy giá trị khối tài liệu này, năm 2004 Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu. Năm 2009, cuốn sách đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV biên soạn lại và bổ sung để tái bản dưới dạng sách điện tử nhằm giới thiệu rộng rãi tới các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về khối tài liệu quý hiếm này.

Cùng với các loại tài liệu lưu trữ khác, các phiên bản tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trưng bày tại Đà Lạt đã thu hút đông đảo công chúng trong nước và quốc tế đến tham quan và chiêm ngưỡng.

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm là những văn bản chữ Hán – Nôm được khắc trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn cũng rất đặc biệt, vừa mềm, vừa mịn. Theo tài liệu của triều Nguyễn để lại, gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng. Thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét.

                                                                                    Thạc sĩ Phạm Thị Huệ

Đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 18/8/2009