Nguyễn Huy Khuyến

Tập san Khát vọng mùa xuân – Tân Mão 2011

(Tiếp theo và hết)

Quyển 4: Còn 15 tờ với 30 trang Nhân sự phần loại trung. Trong quyển này tác giả lại đi sâu vào giải nghĩa những chữ Hán nói về cách ăn nói, tính cách của con người. Ví dụ: Ở quyển này là một cách giải nghĩa chữ Hán theo công việc riêng của từng nghề.

Ví dụ:

Túc thợ ngọc huỳnh thếp vàng

Ma mài trác chạm viên mang bả cầm

Chiêm nhìn thuyết nói thai cười

Biển lời nói khéo ngạn lời nói quê

Lũy nói đón bộc nói che

Dự khen thí ví san chê đàm bàn

Trọng nói khích hu nói càn

Khá trách mạ mắng tá than đê ừ

Miến nói dỗ tấn nói lừa

Du dua trước mặt duyệt ưa trong lòng

Mỵ nói dối thiềm nói không

Tố kêu oan uổng yết cùng tâm tư

Quyển 5: Còn 11 tờ với 22 trang Nhân sự loại phần hạ.

Dung là người mướn cố làm việc thuê

Vãn là dắt ở trước xe

Lao mò dưới nước phu bè đưa qua

Tạm khắc đá kiệt thuộc da

Truy là đẽo ngọc xốt là tôi dao

Hợp là giấu lửa phiếu dựng nêu

Đà kéo thuyền xuống ba chèo thuyền lên…

Quyển 6: Có 10 tờ với 20 trang Chính hóa loại phần thượng.

Tập trung giải nghĩa trong quyển sách này là những chữ Hán có nghĩa chính thống với tiếng Việt.

Ví dụ:

Từ từ tiền trước viễn xa

Đế vua hoàng cả thi ra triệu gầy

Triệp bèn trạch chọn ai bày

Can gốc chi nhánh điệt thay lũy chồng

Y nương di để hổ thông

Hậu sau tiên trước tương cùng giám soi

Tồn còn cử cất duật noi

Quân vua thánh thánh thần tôi hiền hiền

Đại đời thị họ danh tên

Hiệu hiệu thế thế quyền quyền oai oai…

Quyển 7: Còn 14 tờ với 28 trang Chính hóa loại phần hạ. Tập trung giải nghĩa trong quyển này là những chữ Hán có nghĩa chính thống với tiếng Việt.

Ví dụ:

Vũ oai mạnh huy phất cờ

Đản tin hoàn mạnh đương vừa trương trương

Toản nối nhung binh liệt hàng

Nhiễu nhương rối loạn dụ càng tư thêm

Duy lo chửng vớt nịch chìm

Cứu cứu phần cháy nhu dầm tế qua

Thảo đánh bất chẳng xá tha

Điển là dứt hết khứu là tay giơ

Cạnh đua bôn chạy ngự ngừa

Tốt quân soái tướng sĩ chờ mại qua…

Quyển 8: Còn 15 tờ với 30 trang Khí dụng loại phần thượng. Trong quyển này tác giả tập trung giải nghĩa những chữ Hán dùng để chỉ tên gọi của đồ vật, vật dụng lớn nhỏ…

Ví dụ:

Khí là giống dụng là dùng

Cơ máy xảo khéo cung cung thất nhà

Miếu tôn miếu điện đền tòa

Thự nhà quan thự thinh nhà công thinh

Đài đài các các đình đình

Viện viện phủ phủ thành thành lâu lầu

Đường nhà chính thang nhà cầu

Trữ nơi chỗ đứng tộ đầu thêm đông

Vu nhà tiếp thát cửa trong

Quai lầu quán quán phòng phòng nha nha…

Quyển 9: Còn 20 tờ với 40 trang Khí dụng loại phần hạ. Trong quyển này tác giả tập trung giải nghĩa những chữ Hán dùng để chỉ tên gọi của đồ vật, vật dụng lớn nhỏ…

Ví dụ:

Tổ giải tổ anh giải anh

Thông màu ngại đạo màu xanh ánh vàng

Mạo ngọc mạo ly chuỗi hương

Châu lụa sắc đỏ cừ hàng không bông

Tăng giải tóc chi áo lông

Chẩn áo đơn cách lót trong áo cừu

Đóa áo rộng ổ khăn lau

Thông màu trứng sáo nhiên màu nha lang

Phi lụa đỏ lật lụa vàng

Huệ vải nhỏ mỏng kiên hàng bền thưa…

Mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca, quyển 9, mặt khắc 1, Khí dụng loại hạ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Quyển 10: Còn 22 tờ với 44 trang Thảo mộc loại phần thượng.

Tập trung lý giải những chữ Hán dùng để chỉ những giống loài thảo mộc khắp nơi.

Ví dụ:

Thụ cây thảo cỏ hoa hoa

Cốc trăm giống lúa ấy là tên chung

Hòa lúa ương mạ thực trồng

Túc thóc phu vỏ huệ bông bỉnh cùi

Đạo là giống gạo tháng mười

Trác là lúa đạo còn trồi lại lên

Man gạo đỏ phu gạo đen

Duệ là gạo trắng tra tên gạo hồng

Đảng hoàng cốc khởi bạch lương

Lăng là gạo hắc kiêm rằng gạo xanh…

Quyển 11: Còn 14 tờ với 28 trang Thảo mộc loại phần hạ. Tập trung lý giải những chữ Hán dùng để chỉ những giống loài thảo mộc khắp nơi.

Ví dụ:

Thiều thử vĩ lộc lộc song

Tường phi với vị hấn đông một loài

Nhĩ mộc nhĩ mọc trên cây

Kiết mã liễu thôi ngưu đồi là tên

Phầu phầu dĩ là xa tiền

Giải là tỳ giải tục truyền kim cương

Lỗ cũng loài mã đề hương

Kế cỏ cẩu độc hu xà sàng biệt danh

Cốt cẩu cốt tập ngư tinh

Thỏ là phục thỏ phục linh cùng loài…

Mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca, quyển 11, mặt khắc 1, Thảo mộc loại hạ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Quyển 12: Còn 21 tờ với 42 trang Cầm thú loại. Ở trong quyển này tác giả lại tập trung giải nghĩa những chữ Hán có liên quan đến muôn loài cầm thú, những hoạt động của cầm thú.

Ví dụ:

Cầm chim độc nghé thú muông

Vĩ đuôi linh cánh vũ lông tố điều

Phi bay tẩu chạy minh kêu

Hoạn nuôi tư đẻ khỏa nhiều phiền đông

Phượng chim phượng nông chim nông

Khôi khôi sạt sạt ung ung hòa hòa

Diên điều áp vịt kê gà

Trĩ là chim trĩ loan là chim loan

Hạc chim hạc nhàn chim nhàn

Thê là chim đậu thì đoàn chim bay…

Quyển 13: Còn 13 tờ với 26 trang Trùng ngư loại. Cuối cùng ở trong quyển này những chữ Hán được tác giả giải nghĩa chủ yếu tập trung vào những loài sâu bọ, các loài cá trong tự nhiên.

Ví dụ:

Trùng sâu ngư cá long rồng

Quy rùa xà rắn ly dòng rồng con

Ngoan con trạch miết con hon

Ngạc là con sấu giao con thuồng luồng

Tự cá tự thường cá thường

Lý gáy tức giếc kiều măng phường mè

Ương loát là con cá tre

Thiện lươn thu trách man lê con trình

Chiên cá chiên kình cá kình

Bạch là cá bạch thanh cá thanh nhận đầy…

4. Thay lời kết

Vốn chữ Hán trong Tự học giải nghĩa ca là rất lớn được chia thành 7 môn loại, cách phân chia, sắp xếp tự – từ theo các nhóm, phạm trù… khác nhau căn cứ vào ý nghĩa của các chữ Hán. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các chữ Hán trong cuốn sách hầu hết là những chữ ghi các tên riêng, về địa danh, nhân vật, loại vật, đồ dùng…và các khái niệm ít dùng trong ngôn ngữ quần chúng hàng ngày, vì thế nó được xem là những chữ khó hoặc vì thế mà nó khó đối với những người chưa học nhiều chữ Hán cũng như chữ Nôm.

Về chữ Nôm trong sách Tự học giải nghĩa ca nhìn chung không tách khỏi loại hình văn tự biểu ý – âm. Trong Tự học giải nghĩa ca, hầu như không thấy xuất hiện chữ Nôm có cầu tạo hay âm đọc đặt biệt nào, mà chỉ có các chữ Nôm lược nét hoặc viết tắt, như chữ (làm) – vốn từ chữ vi của chữ Hán viết giản thể rồi đọc theo nghĩa mà thành (làm); chữ (là) là do chữ Hán viết tắt rồi đọc chệch âm Hán Việt (la)… Những chữ loại này không nhiều, nếu có thì được dùng tương đối thống nhất.

Như vậy, qua việc tìm hiểu cách giải nghĩa trong Tự học giải nghĩa ca chúng tôi cho rằng đây là một cuốn từ điển chữ Hán – Nôm đồ sộ về số lượng chữ nghĩa, vì vậy nó được xem như là cuốn từ điển tra cứu hữu hiệu cho việc học chữ Hán Nôm trong cung cũng như ngoài cung trong thời điểm hiện tại.

Ngày nay, với việc nghiên cứu Hán Nôm đang phát triển mạnh mẽ thì bộ sách này được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm trong việc nghiên cứu sự phát triển của chữ Nôm và cấu trúc của chữ Nôm thế kỷ 19. Hơn nữa đây cũng là bộ sách dùng để nghiên cứu về ngôn ngữ khu vực miền Trung và của Huế, góp phần giữ gìn vào bản sắc văn hóa của xứ Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1.       Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (2004), Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

2.       Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca H135.

3.       Tạp chí Hán Nôm, số 3/2007, tr54.

4.       Thơ văn Tự Đức (1996), Nxb Thuận Hóa, Huế.

5.       Hà Đăng Việt, chữ Nôm trong Tự học giải nghĩa ca, Luận văn cao học.