Nguyễn Huy Khuyến

Tập san Khát vọng mùa xuân – Tân Mão 2011

 

1. Dẫn luận

Trong kho chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV hiện còn lưu giữ được một số bộ sách Mộc bản có ngôn ngữ bằng cả chữ Hán và chữ Nôm là Luận ngữ thích nghĩa ca, Tự học giải nghĩa ca, Tam thiên tự. Trong đó bộ sách Tự học giải nghĩa ca do vua Tự Đức biên soạn (1848-1883). Sách gồm 13 quyển và hiện còn 180 tờ khổ 20x30cm. Đây là một bộ sách làm theo thể thơ lục bát và là cuốn sách nhằm phổ biến việc học chữ Hán và cả chữ Nôm trong cung đình.

Hiện nay trong các bản Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca (gọi tắt là Tự học giải nghĩa ca) hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm: gồm 9 bản in bộ 13 quyển, có mục lục, có chữ Hán: VHv.626/1 – 4; VHv.627/1 – 4; VHv.628/1 – 4; VHv.629/1 – 4; VHv.630/1 – 4; VHv.631/1 – 4; VHv.363/1 – 4. In năm Thành Thái thứ 9 (1897), 610 tr, 28×18. Các bản VHv.626 đến VHv 631 đều cùng một ván khắc, giấy lệnh hội. Riêng VHv.626 ngay đầu cuốn sách có sắc chỉ của nhà vua cho in sách, cùng các bài biểu do bề tôi phụng soạn, giấy còn mới, có thể in muộn hơn nhưng vẫn cùng một ván khắc với các bản VHv.627 – VHv.631. AB.5/1-2 in năm Thành Thái thứ 10 (1898), 602 tr, 28×17. AB.311 in năm Thành Thái thứ 10 (1898), 144 tr, 29×17 (chỉ còn từ quyển 7 đến quyển 9). Các bản này đều đã được in và đã được độc giả nghiên cứu tiếp cận rất nhiều, song bản gốc duy nhất của bộ sách này thì chưa có nhà nghiên cứu nào quan tâm tới. Trong bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu một số nét về bộ ván in sách Tự học giải nghĩa ca qua Mộc bản để các nhà nghiên cứu quan tâm.

Bộ sách mang ký hiệu H135 có số ký hiệu từ 28039 đến 28147, bản ván in này còn tổng cộng 108 tấm, trong đó có 36 tấm khắc 1 mặt với 72 trang, còn lại 72 tấm khắc 2 mặt với 288 trang, tổng cộng hiện sách còn 360 trang mỗi trang khắc khổ 13x22cm (không kể gáy ở giữa mặt khắc), mỗi trang 5 dòng, mỗi dòng trung bình từ 4 đến 5 chữ Hán khắc lớn hơn các chữ Nôm dùng để giải nghĩa. Chữ khắc đẹp, chữ Hán cỡ to ghi trên, chữ Nôm cỡ nhỏ hơn ghi dưới để giải nghĩa cho chữ Hán theo vần lục bát, nhiều chỗ có chép chữ đôi và thêm chữ đệm, ví dụ: phong là gió, thì chữ là ở đây đóng vai trò chữ đệm.

2. Quan điểm làm sử và những tác phẩm của vua Tự Đức

Ngoài bộ sách Tự học giải nghĩa ca, vua Tự Đức còn có nhiều những đóng góp đáng quý cho nền văn hóa nước nhà. Đối với việc biên soạn sách sử nhà vua rất có nhiệt tâm, các sử quan chép sử trọng yếu đều hoàn thành dưới triều đại này. Như bộ sách quan trọng như Khâm định Việt sử thông giám cương mục gồm 52 quyển (5 quyển tiền biên và 47 quyển chính biên), đây là bộ sách lịch sử từ thời thượng cổ đến đời nhà Hậu Lê được soạn từ năm 1856-1859 và đến đầu năm 1884 mới ấn hành. Trong tờ dụ, đình thần chuẩn bị biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cươn mục vua Tự Đức cũng đã viết: “Nhất đại chi hưng, tất hữu nhất đại chi sử”, nghĩa là đời nào lập nên sự nghiệp, tất nhiên phải có sử của đời ấy. Hay như trong tờ dụ đề ngày 22 tháng 01 năm 1856 nói về việc biên soạn bộ sử này, vua Tự Đức cũng viết: “Gần đây, việc học quốc sử chưa ra mệnh lệnh bắt phải gia công, cho nên học trò đọc sách hoặc làm văn, chỉ biết có sử Trung Quốc, ít người đoái hoài đến sử nước nhà… Đạo học sở dĩ chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng phải vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”. Hai bộ sử quan trọng khác là Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đã bắt đầu biên soạn từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) cũng được biên soạn dưới triều vua Tự Đức. Đại Nam liệt truyện tiền biên hoàn thành năm 1852. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ hoàn thành năm 1861, Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ hoàn thành năm 1879. Riêng những sáng tác của vua Tự Đức có các tác phẩm sau:

Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập

Ngự chế thi văn tập

Tư huấn lục

Khâm định đối sách chuẩn thằng

Cơ dự tự tỉnh thi tập

Thập điều diễn ca

Luận ngữ thích nghĩa ca

Tự học giải nghĩa ca

Ngự định tam diệu pháp thiếp

Thánh chế thi tam tập

Thánh chế văn tam tập…

Trong đó bản gốc những bộ sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Khâm định đối sách chuẩn thằng, Luận ngữ thích nghĩa ca, Tự học giải nghĩa ca, Ngự định tam diệu pháp thiếp, Thánh chế thi tam tập, Thánh chế văn tam tập… hiện đang bảo quản tại kho chuyên dụng Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

3. Về mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca

Chữ Hán trong tự học giải nghĩa ca được phân chia làm 7 môn loại (gồm: Kham dư, chính hóa, nhân sự, khí dụng, thảo mộc, cầm thú và trùng ngư), riêng môn loại nhân sự có thêm phần trung.

Chữ Nôm trong Tự học giải nghĩa ca là một giai đoạn chữ Nôm cuối cùng được sử dụng, nó ghi dấu một thời kỳ chữ Nôm phát triển đã đến độ ổn định và tương đối hoàn thiện về nhiều mặt. Nghiên cứu và giải mã Tự học giải nghĩa ca để làm sáng tỏ sự hoàn thiện của chữ Nôm thế kỷ XIX, cũng là giai đoạn cuối của chặng đường hình thành – phát triển – ổn định và hoàn thiện; về mục đích chuẩn hóa, phổ biến và tiến tới phổ cập chữ Nôm cũng như nhu cầu sử dụng chữ Nôm như là một văn tự quan phương chính thức của dân tộc, nhằm thay thế cho địa vị thống trị của chữ Hán cũng như văn hóa Hán từ đó về trước của triều đình nhà Nguyễn.

Tự học giải nghĩa ca là một cuốn sách do một vị vua nổi tiếng hay chữ, học rộng của triều Nguyễn làm ra, bên cạnh đó là một tập thể học giả uyên bác kiểm đính như Ngô Huệ Liên, Hoàng Hữu Xứng, Hoàng Bính và được khắc in công phu. Như vậy chừng tỏ là một cuốn sách được điển chế cao, chữ nghĩa có tính chuẩn mực và là quyển sách rất tốt cho công việc học tập tra cứu chữ Hán và chữ Nôm đương thời.

Về cách giải nghĩa của sách chúng tôi xin lược khảo như sau:

Chữ lớn nhất: Trên một trang sách là những chữ Hán đọc âm như: Thiên, địa, vị, phúc, tài, lưu, mãn… Những chữ Hán này được tác giả giải nghĩa bằng chữ Nôm, và được khắc ngay bên cạnh hoặc bên dưới những chữ Hán.

Chữ lớn vừa: Là những chữ Nôm dùng để giải nghĩa cho chữ Hán lớn, ví dụ: trời, đất, ngôi, che, chở, trôi, đầy.

Chữ nhỏ vừa: Đó là những chữ Hán nhỏ, khi cần chú thích nghĩa cho chữ Nôm, ví dụ: “Yêm bất minh dã, Trầm cửu âm dã” (yêm là không sáng vậy, trầm là râm vậy).

Chữ nhỏ nhất: Là những chữ Hán nằm ngay bên cạnh chữ Hán lớn nhất, tác dụng của những chữ Hán nhỏ này là dùng để đọc âm cho chữ Hán lớn.

Tự học giả nghĩa ca là một cuốn sách tự điển dạy chữ Hán bằng cách dùng chữ Nôm giải nghĩa chữ Hán, đây là cách làm không mới mà đã có truyền thống từ các thế kỷ trước. Thông qua cách làm này tác giả muốn chữ Nôm có một lối viết ổn định, tiến tới cố định nhất nhằm phổ biến việc truyền bá chữ Nôm trong quần chúng về các mặt như: cách viết chữ và các thói quen dùng chữ, tiến tới sử dụng chữ Nôm như một công cụ giao tiếp… hạn chế tầm ảnh hưởng của chữ Hán trong các lĩnh vực trước tác, hành chính và giáo dục. Vì vậy mà việc học tập chữ Hán và chữ Nôm trong cung và ngoài dân gian đều có sự thống nhất về mặt hiểu nghĩa và cách viết chữ.

Tự học giải nghĩa ca của vua Tự Đức cũng đã phần nào kế thừa các tác phẩm cùng loại trước đó, tuy vậy số lượng chữ Hán được tác giả phát triển thêm lớn hơn rất nhiều so với các tác phẩm cùng thời. Đã xuất hiện rất nhiều chữ khó đọc hoặc là những chữ rất ít được sử dụng trong các văn bản trước đây. Song bộ sách này cũng là một cuốn từ điển Hán Nôm tương đối đầy đủ thuận tiện cho việc tra cứu, đặc biệt là những từ phương ngữ của miền Trung hay của Huế và nó cũng là một cuốn từ điển rất có giá trị cho giới nghiên cứu ngôn ngữ hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Nguyễn Thị Lan trong luận văn Thạc sĩ Hán Nôm tìm hiểu loại hình sách song ngữ Hán Nôm dạy chữ Hán (qua nghiên cứu tam thiên tự giải âm thì số mục từ Hán được giải nghĩa trong các tự – từ điển Hán – Nôm như sau: Đại Nam quốc ngữ: 4.779 mục từ, Nam phương danh vật bị khảo: 4.461 mục từ, Nan tự giải âm: 1.066 chữ, Ngũ thiên tự: khoảng 5.000 chữ, Nhật dụng thường đàm: 2.560 mục từ, Tam thiên tự giải âm: 2.988 chữ, Thiên tự văn giải âm: khoảng 1.000 chữ. Riêng Tự học giải nghĩa ca, theo thống kê của Hà Đăng Việt thống kê phần Kham dư loại được 727 mục từ và lấy con số này để ước lượng chung số lượng chung cho cả cuốn sách là 9.500 mục từ, sau đây chúng tôi sẽ đi vào ví dụ cụ thể cách giải nghĩa từng quyển một trong bộ sách này. Tuy nhiên, do dung lượng bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ xin trích dẫn mỗi quyển 10 câu đầu.

Quyển 1: còn 4 tờ ứng với 8 trang, đây là môn loại Kham Dư thượng dùng để chỉ Thiên văn và địa lý. Những hiện tượng trong tự nhiên như trời đất, mây mưa, các hiện tượng địa lý, ngày đêm… được ghi chép lại đầy đủ trong quyển 1 này với cách giải âm theo thể lục bát làm cho người học dễ nhớ và dễ học. Ví dụ:

Thiên trời địa đất vị ngôi

Phúc che tái chở lưu trôi mãn đầy

Cao cao bát rộng hậu dày

Thần mai mộ tối chuyển xây di dời

Nguyệt mặt trăng nhật mặt trời

Chiếu soi lâm tới thế đời niên năm

Sóc mùng một vọng ngày rằm

Trú ngày hối tối thô nhem minh mờ

Muội khi ban sáng lờ đờ

Ngũ giờ chính ngọ, bô giờ quá trưa…

Mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca, quyển 1, mặt khắc 1, Kham dư loại thượng

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Quyển 2: Còn 12 tờ với 22 trang Kham dư hạ nói về thiên văn và địa lý. Ở quyển này tác giả tập trung đi sâu giải nghĩa các địa danh về địa lý như núi non đường sá.

Ví dụ:

Đại núi Thái Đại phương đông

Hoa núi Tây Nhạc ở vùng châu Lương

Tung núi Tung Nhạc trung ương

Không Đồng núi ở chính phương bắc thần

Mân là núi ở châu Mân

Bi Đế hình núi dần dần thấp xuôi

Giới là núi Giới Chi Thôi

Kê là núi gọi tên người Kê Khang

Bí là núi đứng theo hàng

Bành hang cửa mã Tất đường núi nam

Quyển 3: Còn 13 tờ với 26 trang Nhân sự loại phần thượng. Trong quyển này tác giả đã đi vào chú giải những chữ Hán có liên quan đến con người, các bộ phận trên cơ thể của con người. Ví dụ:

Phụ cha mẫu mẹ sản sinh

Phu da phát tóc thân mình kiên vai

Đầu đầu tỉ mũi nhĩ tai

Ngạch trán mục mắt đồng ngươi mi mày

Xỉ răng thiệt lưỡi thần môi

Bối lưng diện mặt yêm tai tình tròng

Não óc huyết máu mao lông

Yêu lưng dịch nách dương trong trang mày

Túc chân khang bụng thủ tay

Khẩu miệng cảnh cổ mâu ngươi thủ đầu…

Mộc bản sách Tự học giải nghĩa ca, quyển 3, mặt khắc 1, Nhân sự loại loại thượng

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

(còn nữa)