Nghề in được ghi nhận xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, ít nhất là từ thời Lý trong lĩnh vực in ấn kinh, sách. Tuy nhiên, để khắc in trên mộc bản trở nên phổ biến rộng rãi, đạt đến trình độ kỹ thuật cao và phát triển thành một nghề, mở rộng thành các làng nghề trong cả nước thì phải nhờ vào sự truyền dạy của Đệ nhất giáp tiến sĩ Lương Như Hộc.

Lương Như Hộc người làng Hồng Lục, huyện Gia Lộc (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương). Dưới triều vua Lê Thái Tông, vào khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), ông đã thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cùng với Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ và Ngô Sĩ Liên.

Sau khi thi đỗ, Lương Như Hộc đã trải giữ nhiều chức vụ khác nhau như An phủ phó sứ lộ Quốc Oai Hạ, Trung thư lệnh Bí thư giám học sinh, Tả Thị lang rồi Thị Lang bộ Lễ… Trong sự nghiệp làm quan, ông từng hai lần đi sứ sang nhà Minh theo mệnh lệnh của triều đình vào các năm 1443 và 1459. Chính nhờ hai lần đi sứ ấy mà Lương Như Hộc đã học hỏi được kỹ thuật khắc in mộc bản và về truyền dạy lại cho nhân dân quê hương là làng Hồng Lục và Liễu Chàng; sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép: “Lương Như Hộc, hai lần phụng mệnh đi sứ, khi về đem nghề khắc in dạy người hai xã Hồng Lục và Liễu Chàng”.

Sau khi học được nghề khắc ván từ Thám hoa Lương Như Hộc, người dân hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng đã dần hình thành và phát triển thành làng nghề khắc in chuyên nghiệp. Họ tỏa đi nhiều nơi và thành lập các phường khắc in có quy mô như Hội Văn đường, Quảng Thịnh đường, Phúc Văn đường, Lạc Thiện đường, Thụ Văn đường, Đức Văn đường, Thịnh Văn đường cùng nhiều thư phường nổi tiếng khác.

Về sau, những nghệ nhân này còn được tuyển chọn về Kinh đô để tham gia vào việc khắc in các tác phẩm chính văn, chính sử của triều đình.

Thành quả của hai làng khắc in Hồng Lục và Liễu Chàng lúc bấy giờ là san khắc được nhiều bộ sách nổi tiếng trong đó phải kể đến như bộ “Lam Sơn thực lục” đặc biệt là bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書) – một trong những bộ sách lịch sử quan trọng bậc nhất ở nước ta. Chính trong bài tựa “tục biên” của tác giả Lê Hy và Nguyễn Quốc Đức cũng còn khẳng định công lao ấy: “Thợ khắc ván in của làng Hồng Lục và Liễu Chàng vâng chỉ khắc in”. Hiện nay, trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới còn lưu giữ được khá đầy đủ bộ ván khắc quý giá này.

Bản dập Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép về thợ khắc ván in các làng Hồng Lục và Liễu Chàng

Như vậy, có thể khẳng định rằng, nhờ sự truyền dạy của Đệ nhất giáp Tiến sĩ Lương Như Hộc, nghề khắc in mộc bản ở nước ta mới trở nên phổ biến và phát triển rộng rãi. Sau khi ông mất, nhân dân các làng Hồng Lục (Thanh Liễu), Liễu Chàng và nhiều địa phương khác đã lập đền thờ và tôn xưng ông là “ông Tổ nghề khắc ván in”.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/18, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H141/12, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H24/69, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, trang 518, nxb Thuận Hoá, năm 2006.

Ánh Phượng