Vào năm 1924, nhận thấy vai trò và vị trí quan trọng của Nha Trang, nên chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập một Trung tâm đô thị tại nơi đây. Việc quy hoạch Trung tâm đô thị Nha Trang đã góp phần trong sự định hình phát triển một thành phố biển xinh đẹp như ngày nay!
Ảnh sưu tầm
Nha Trang xưa là một khu dân cư rải rác ven biển gồm các làng cổ Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải và Xương Huân thuộc phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1884, với việc ký Hòa ước Giáp Thân (Hòa ước Patenôtre) thực dân Pháp đã hoàn tất việc xâm lược nước ta. Sau đó, chúng chia nước ta thành 3 phần là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, đồng thời đặt Trung Kỳ dưới sự bảo hộ một viên quan cai trị là Khâm sứ Trung Kỳ thuộc Liên bang Đông Dương. Do vậy, tại Khánh Hòa tồn tại đồng thời 2 chính quyền của nhà Nguyễn và của Pháp. Trong khi triều đình nhà Nguyễn cho đóng trụ sở tỉnh thành tại thành Diên Khánh thì Chính quyền bảo hộ của Pháp lại đặt tỉnh lỵ tại Nha Trang.
Nhận thấy vai trò và vị trí quan trọng của Nha Trang trong việc điều hành bộ máy cai trị cả về hành chính và quân sự, chính quyền Pháp đã yêu cầu triều đình nhà Nguyễn phải thành lập một đô thị tại nơi đây.
Ngày 11 tháng 6 năm 1924 (tức ngày 10 tháng 5 năm Khải Định thứ 9), Cơ mật Viện Triều Nguyễn do Viện trưởng Nguyễn Hữu Bài cùng các vị đại thần khác đã tổ chức ban bố Dụ của Vua Khải Định về việc thành lập Trung tâm đô thị (Centre urbain) Nha Trang. Theo đó, việc thành lập Trung tâm đô thị là để cải thiện tình trạng vệ sinh và mỹ quan nhằm nâng cao phúc lợi cho người dân sở tại cũng như các công dân và thực thể Pháp quốc tại đây.
Dụ ngày 11/6/1924 của Vua Khải Định về việc thành lập Trung tâm đô thị Nha Trang (Nguồn: TTLTQGIV)
Tiếp theo, Dụ cũng quy định địa giới hành chính của Trung tâm đô thị gồm lãnh thổ các xã Phương Câu, Vạn Thạnh và một phần của các xã Phương Sài, Phước Hải và Xương Huân; đồng thời cho thiết lập một ủy ban do Công sứ Khánh Hòa đứng đầu và các quan lại địa phương nhằm xác định các khu đất có thể sang nhượng. Ngoài ra, Dụ còn quy định các loại đất không được chuyển nhượng như đất của người bản địa sở hữu (do thừa kế hoặc chứng minh được nguồn gốc đất), những khu đất dành để xây dựng các công trình công cộng như chùa, đền, bến cảng, đường lớn, đất quân sự,…
Điều này cũng tạo ra cơ sở pháp lý cho việc đầu tư và phát triển hạ tầng của Nha Trang. Và sau cùng, Dụ cũng không quên nhắc đến việc thu nộp thuế tại địa phương sẽ được thực hiện theo quy định tại nghị định sẽ được ban hành của Toàn quyền Đông Dương.
Đến ngày 30 tháng 8 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định về việc thi hành Dụ trên của Vua Khải Định. Theo đó, Toàn quyền yêu cầu cấp bất động sản để tổ chức quy hoạch đô thị Nha Trang đồng thời giao cho Khâm sứ Trung Kỳ ban hành nghị định ấn định khu vực và các sắc thuế tại đô thị mới này.
Nghị định ngày 30/8/1924 của Toàn quyền Đông Dương về việc thi hành rộng rãi Dụ của Vua Khải Định (Nguồn: TTLTQGIV)
Có thể thấy rằng, thông qua các văn bản hành chính này, chính quyền Pháp đánh giá rất cao về tầm quan trọng của Nha Trang trong thời kỳ đó, góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc và định hình sự phát triển của một đô thị biển trong tương lai. Cho đến nay, nhiều “di sản” từ sắc Dụ này vẫn còn tồn tại và có ảnh hưởng sâu sắc đến Nha Trang ngày nay, là một thành phố biển nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, du lịch, và các ngành kinh tế phát triển khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Công báo Trung kỳ: TC24, TC57;
2. Hồ sơ 2435, Phông Khâm sứ Trung kỳ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Vân Thanh