Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân gây chấn động nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Chủ tư bản bóc lột trả lương phụ nữ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 08/3/1899 nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ và đòi một số quyền lợi. Mặc dù giai cấp tư bản ra tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ như tăng lương, giảm giờ làm. Những thập niên sau đó, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã phát triển và cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới.

Đến năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ” và đề ra khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau”, “ Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Từ đó, ngày mùng 8/3 trở thành ngày biểu dương ý chí đấu tranh độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giữ yên bờ cõi và giành lại chủ quyền dân tộc.

Đến năm 1950, vua Bảo Đại đã chuẩn định “lấy ngày lễ kỷ niệm vị nữ anh kiệt Trưng Trắc, Trưng Nhị làm ngày đại hội của nữ giới nước Việt Nam”.

Công văn số 105 BXH/VP của Quyền Tổng trưởng Bộ xã hội gửi Thủ Hiến Trung Việt liên quan đến việc Đức Quốc Trưởng Bảo Đại chuẩn định ngày 01.3 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Hội của người Đàn Bà Việt Nam (Nguồn: Trung tâm LTQGIV)

Ở các Phần (Bắc, Trung, Nam) đều tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng với nhiều hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn và đề cao vai trò của người phụ nữ lúc bấy giờ. Ở Huế, lễ rước Hai Bà Trưng được tổ chức rất long trọng, thường có Đoan Huy Hoàng Thái hậu tham dự. Còn đoàn rước Hai Bà Trưng bắt đầu đi từ sân Trần Hưng Đạo, gần chợ Đông Ba, đi qua đường Gia Long, vào cửa Đông Ba, ra cửa Thượng Tứ và tụ họp tại Phu Vân Lâu. Đóng vai Trưng Nữ Vương là 2 nữ học sinh Hoàng tộc ưu tú của trường Trung học Đồng Khánh, có vóc dáng và tầm thướt vừa, mặc áo ngự bào của Đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu ngự trên bành voi và đeo thanh kiếm, xung quanh có lính bận áo dâu theo hầu, cùng chinh cổ, nhạc Bác âm … Trước đoàn rước có xe phóng thanh đi giải thích lịch sử hai Bà. Tại Phu Vân Lâu, tất cả quan khách và những người có mặt đều phải đứng dậy khi Đức Huy Hoàng Thái Hậu làm lễ rước Hai Bà Trưng. Bà Hồ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường nữ sinh Trung học Đồng Khánh kể lại lịch sử của hai Bà tại Phu Văn Lâu. Bài diễn văn kết thúc, “Hai Bà Trưng” trao thanh kiếm cho đại diện phụ nữ. Tiếp đến là Tuyên cáo của Đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, sau đó các nữ sinh hát bài “Hai Bà Trưng”.

Lễ rước Hai Bà Trưng thường đi kèm với nhiều hoạt động sôi nổi khác như: tổ chức các cuộc thi về thủ công, nội trợ, thể thảo để biểu dương đức tính và tài năng của phụ nữ Việt Nam; thi rước đèn và đấu đèn trên Sông Hương, …

Công văn số 456 TT/VP của Nha Thông Tin Trung Việt gửi Thủ Hiến Trung Việt v/v tổ chức ngày Hội Đàn Bà Việt Nam

Lễ rước Hai Bà Trưng hàng năm thể hiện niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó. Từ những Bà Trưng, Bà Triệu “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”. Đến những phụ nữ trong Hoàng tộc như Nguyên phi Ỷ Lan, công chúa An Tư, công chúa Huyền Trân,… đều đóng góp công sức to lớn cho công cuộc an dân, chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi của dân tộc.

Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng của phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương kiên trung, bất khuất như nữ chiến sỹ cộng sản đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai, nữ anh hùng lực lượng vũ trang trẻ tuổi nhất Võ Thị Sáu, Nữ tướng miền Nam bưng điền Nguyễn Thị Định hay nữ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – người đàn bà thép trên bàn đàm phán Hiệp định Paris,… Đó còn là hàng ngàn phụ nữ đã hiến dâng tuổi thanh xuân “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”; là hàng vạn người mẹ, người vợ lặng lẽ hy sinh, tiễn đưa chồng con vào chiến trường; là hàng trăm ngàn phụ nữ tay cày tay súng đảm đang, vừa chiến đấu bảo vệ xóm làng, vừa làm nhiệm vụ hậu phương chi viện cho tiền tuyến trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nguồn: Sưu tập tài liệu NSNA Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Sưu tập tài liệu Phóng viên ảnh chiến trường Đỗ Kết

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam với những đức tính tốt đẹp, vừa tham gia hoạt động xã hội đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, vừa hoàn thành xuất sắc thiên chức nuôi dạy, giáo dục con cái, vun vén tổ ấm gia đình.

Với nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 trở thành ngày để tôn vinh những người phụ nữ và những giá trị đóng góp của họ cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hs 2350 – Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt

2. Sưu tập tài liệu NSNA Mầu Hoàng Thiết

3. Sưu tập tài liệu Phóng viên chiến trường Đỗ Kết

Thanh Biên – Ngọc Châu