Cách đây tròn 1050 năm, vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt” Bắc Ninh đã sản sinh và nuôi dưỡng một bậc đế vương, đó là Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn – Vị vua khai mở nền văn minh Đại Việt. Ngoài những đóng góp to lớn đối với nhà Lý trên các phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố thế độc lập tự chủ dân tộc, Vua Lý Công Uẩn còn có một đóng góp mang ý nghĩa lịch sử, đó là công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nhà nước phong kiến độc lập và mở ra một giai đoạn lịch sử mới có ý nghĩa quyết định với vận mệnh dân tộc tại kinh đô Thăng Long.

Vua họ Lý, húy Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất (974), người châu Cổ Pháp, nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ghi chép về thân thế của Vua, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư quyển 2, mặt khắc 1, Kỷ nhà Lý chép: “Thái Tổ Hoàng Đế họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp,… vua sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974)”.

Năm lên 3 tuổi, Lý Công Uẩn được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Từ nhỏ Lý Công Uẩn đã rất thông minh, vẻ ngoài tuấn tú khác thường. Lúc đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Lớn lên, Lý Công Uẩn không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khảng khái có chí lớn, làm quan cho nhà Tiền Lê, phò tá Thái tử Lê Long Việt.

 Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư quyển 2, mặt khắc 1 ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Vị vua sáng lập Triều Lý

Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), sau khi vua Lê Đại Hành mất, triều đình Tiền Lê loạn lạc vì các con tranh giành ngôi báu với Thái tử Long Việt. Phải đến tháng 10 năm ấy, Thái tử Long Việt mới dẹp yên được loạn và lên ngôi. Tuy nhiên chỉ sau 3 ngày, ông bị em trai Lê Long Đĩnh giết hại và cướp ngôi. Khi vua Long Việt bị giết, bầy tôi đều chạy trốn cả, chỉ có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm thây nhà vua mà khóc. Lê Long Đĩnh cho là trung nghĩa nên phong cho Lý Công Uẩn làm Tứ Sương quân Phó chỉ huy sứ. Tháng 10 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh băng hà ở tuổi 24, không có con nối dõi, quần thần đồng thuận suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Lý.

Về việc Lý Thái Tổ lên ngôi vua, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 2, mặt khắc 6 chép việc vua Tự Đức phê rằng: “Nhà Lý được nước, cũng không phải chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngoạ Triều, lòng người lìa tan, dân chúng hỗn loạn, không về với Công Uẩn còn biết theo ai? Cho nên, nhà Lý thì dường như được trời tựa, người theo; nhà Lê thì rõ là thoán đoạt. Còn việc làm của hai nhà ấy, đằng nhân nghĩa, đằng bạo ngược, rõ rệt khác nhau; mà các vua kế tự, bên hiền tài, bên hư hỏng, cũng sai biệt hẳn. Vì thế, một nhà thì ngắn ngủi, một nhà thì lâu dài. Phải lắm!”.

Thành tựu nổi bật của Vua Lý Thái Tổ

Sau khi lên ngôi, với tầm nhìn chiến lược, nhận thấy “thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương”, vua Lý Thái Tổ đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử là dời đô.

Vua tự tay viết chiếu truyền rằng: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (3), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư quyển 2, mặt khắc 2 khắc tác phẩm Chiếu Dời Đô

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ nhận được sự đồng thuận của tất cả quần thần trong triều. Mùa thu năm 1010, Vua Lý Thái Tổ công bố Thiên Đô chiếu (Chiếu Dời Đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Thăng Long).

Ngay sau khi dời đô, Lý Thái Tổ đã gấp rút cho xây dựng Kinh thành Thăng Long. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 3 chép “… xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghêng Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có 3 thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở bốn cửa: phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức. Lại ở trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm”. Đầu năm 1011, việc xây dựng hoàn thành.

Việc dời đô là dấu ấn to lớn đầu tiên mà Lý Thái Tổ để lại cho hậu thế. Đây là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc Đại Việt. Dân tộc Việt không cần phải sống phòng thủ, phải dựa vào thế hiểm trở như ở Hoa Lư để đối phó với quân thù. Bên cạnh đó, quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt. Thực tế đã chứng minh, Thăng Long – Hà Nội đã bừng sáng, vươn mình với vị thế mới. Trải qua hơn 1000 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long – Hà Nội – hình tượng tiêu biểu nhất cho “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi” vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều, là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước.

Từ những quyết sách đầu tiên, vua Lý Công Uẩn đã thực hiện nhiều chính sách để ổn định xã hội, phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá đất nước. Nhìn chung, nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định. Và từ những nền móng mà vua Lý Công Uẩn xây dựng đã ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước ngàn năm sau, giúp nhà Lý đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh, vương triều Lý được đánh giá là một triều đại lớn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước Việt Nam và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện.

Năm 2024, tròn 1050 năm sinh của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, xin được giới thiệu đến quý độc giả những tư liệu Mộc bản Triều Nguyễn khắc về thân thế, sự nghiệp của Đức Thái tổ Lý Công Uẩn để tưởng nhớ bậc đế vương, người đã có công khai mở vương triều Lý, phát triển nền văn minh Đại Việt.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/2, H31/8, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

2. Ngô Đức Thọ, Bản dịch sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản in Nội các quan bản – Chính Hòa 1697), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004;

3. Viện Sử học, Bản dịch sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001;

4. Lê Xuân Giáo, Nguyễn Quang Tô, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, Ban Cổ văn – Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1970.

Mai Duyên