Trong các Nhà nước phong kiến Việt Nam, Triều Nguyễn là triều đại liên tục thực thi chủ quyền biển, đảo quốc gia. Triều Nguyễn đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách cũng như tài liệu về biển, đảo nhằm bảo vệ, khai thác vùng lãnh thổ này.

Trong số những tài liệu về biển, đảo đó, những văn bản chữ Hán – Nôm được khắc ngược trên gỗ – vẫn được gọi với cái tên “Mộc bản” – là di sản vô giá khẳng định chủ quyền biển đảo.

Quốc Sử quán Triều Nguyễn và hơn 34.000 tấm Mộc bản

Theo tài liệu từ Trung tâm lưu trữ quốc gia, Quốc sử quán Triều Nguyễn là cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu, lưu trữ sử liệu, biên soạn các bộ sử chính thống của triều đình. Quốc sử quán bắt đầu dựng đặt tháng 6 năm Canh Thìn (1820) và chính thức đi vào hoạt động năm 1821 đời vua Minh Mệnh. “Nhà nước ta từ khi mở mang đến nay, các thánh nối nhau hàng 200 năm. Kịp đến Thế tổ Cao hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Trẫm muốn lập Sử quán, sai các nho thần biên soạn quốc sử thực lục để nêu công đức về kiến, đốc, cơ, cần làm phép cho đời sau, cũng chẳng là phải sao” – Vua Minh Mạng chỉ dụ về sự ra đời của Quốc sử quán.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được hình thành chính trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán tại Huế. Quốc sử quán chính là nơi biên soạn hàng vạn tấm Mộc bản của Triều Nguyễn. Về Mộc bản, theo tài liệu của Cục Di sản văn hóa, dưới Triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử…, triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là Mộc bản.

Cũng bởi Mộc bản là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, nên chúng được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng, quy trình san khắc và ấn hành cũng hết sức nghiêm ngặt. Do tính chất cực kỳ quan trọng của Mộc bản, dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (Kinh đô Huế)”. Gỗ dùng làm ván khắc Mộc bản Triều Nguyễn cũng rất đặc biệt, là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng, vừa mềm, vừa mịn, thớ gỗ trắng, mịn, nhẹ, khi khắc dấu không nứt mẻ, không cong vênh.

Thợ khắc Mộc bản là những thợ cực lành nghề, được tuyển chọn kỹ càng, phải làm sao để nét chữ khắc trên Mộc bản phải điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Có lẽ bởi sự tỉ mẩn, thủ công này mà các tấm Mộc bản không những là tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Cũng theo nhiều tài liệu, để chế tác tài liệu Mộc bản phải trải qua một quy trình chặt chẽ. Trước hết, vua ban dụ cho phép biên soạn sách. Sau đó cơ quan biên soạn dâng tấu xin được nghiên cứu châu bản để biên soạn sách bản thảo hoàn thành dâng lên vua ngự lãm. Bản thảo được giao trở lại cơ quan biên soạn bổ sung chỉnh sửa theo ý của vua. Bản thảo được chép “tinh tả” (rõ ràng). Cơ quan biên soạn lập biểu dâng sách lên vua ngự phê. Sách sau khi được ngự phê chuyển xuống giao cho cơ quan san khắc dưới sự kiểm soát của các quan theo chỉ dụ của vua. Mộc bản sau khi khắc xong các quan dâng biểu xin cho in thành sách. Mỗi bộ sách chỉ được khắc in khi có lệnh của vua.

Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán Triều Nguyễn tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Kho tàng tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn có hơn 34 nghìn tấm, phần lớn được khắc hai mặt, có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo – tư tưởng – triết học, ngôn ngữ – văn tự, chính trị – xã hội, văn hóa – giáo dục.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt.

Ngày 30/7/2009, Mộc bản Triều Nguyễn đã là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được công nhận là “Di sản tư liệu thế giới” thông qua tại kỳ họp từ ngày 29/7 đến ngày 31/7/2009 tại thành phố Bridgetown (Barbados) của Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) thuộc UNESCO. Mộc bản triều Nguyễn đã chính thức được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” (Memory of the World Programme) của UNESCO.

Bảo vật ghi khắc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Một điều rất đặc biệt và cũng vô cùng giá trị mà 34.619 tấm Mộc bản với 55.320 mặt khắc để lại cho hậu thế là việc trong đó có 17 tấm với 19 mặt khắc mô tả vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; quá trình xác lập chủ quyền và quản lý của Triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặt khắc 24, quyển 10 của sách “Đại Nam thực lục tiền biên” ghi chép các sự kiện lịch sử đời chúa Nguyễn từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, tương đương với giai đoạn 1558-1777, trong đó miêu tả cụ thể về Hoàng Sa: “Ở ngoài biển thuộc về xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Hoàng Sa – Bãi cát vàng vạn dặm”. Trên bãi cát có nguồn nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, đi độ 3 ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng tám thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa cai quản”.

Mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí”, sách địa lý chính thức của Triều Nguyễn do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865 đến năm 1910, quyển 6, mặt khắc số 5 ghi: “Phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi có đảo Hoành Sa – tức Trường Sa”; quyển 6, mặt khắc 18 ghi: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi. Trên đảo quần tụ nhiều núi, có đến 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi “Vạn Lý Trường Sa”, trên đảo có nguồn nước ngọt chảy ra, chim biển quần tụ”.

Việc Triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên biển thông qua việc cử các đội quân ra Hoàng Sa, Trường Sa cũng được ghi nhận khá rõ trong các tấm Mộc bản. Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” có 5 mặt khắc kể việc vua nhà Nguyễn sai các đội thủy quân ra khảo sát, xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa. Mặt khắc 2, quyển 22 ghi rõ vào năm Quý Hợi 1803 (tức chỉ mới 1 năm sau khi lên ngôi), vua Gia Long đã cho tái lập đội Hoàng Sa: “Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự của biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa”… Quyển 165, mặt khắc 25 ghi: “Vua Minh Mạng sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đi đo đạc, vẽ bản đồ đảo Hoàng Sa, năm 1836”. Quyển 8, mặt khắc 10 ghi rõ vào tháng 4 mùa hạ, năm Tân Mão (1711) chúa Nguyễn Phúc Chu “sai người đi đo đạc bãi biển Trường Sa, chiều dài, ngắn, rộng, hẹp là bao nhiêu”…

Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành. Từ năm 1961 – 1975, tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn được cất giữ tại chi nhánh văn khố Đà Lạt; do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984, được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

Nguồn: congluan.vn