Sáng ngày 19.3, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Quảng Nam, đường Nguyễn Hoàng, khối phố Mỹ Nam, Phường An Mỹ, Thành phố Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Triển lãm chuyên đề “Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ”. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đơn vị phối hợp thực hiện nội dung trưng bày, triển lãm.

Triển lãm là sự kiện Kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 – 24/3/2025) và 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Đại biểu cắt băng Khai mạc triển lãm “Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ” (Nguồn: TTLTQGIV)

Triển lãm trưng bày hơn 150 tài liệu, hình ảnh quý giá, trong đó có những tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu Thế giới giới thiệu về lịch sử tỉnh Quảng Nam – vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và hun đúc tinh thần yêu nước qua bao thế hệ. Từ thuở hoang sơ cho đến những năm tháng kháng chiến đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy gian khổ và quá trình đổi mới để trở thành một Quảng Nam năng động của ngày nay. Quảng Nam luôn khẳng định vị thế quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thông qua những tư liệu quý hiếm, người xem sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về hành trình hình thành, phát triển của Quảng Nam từ thuở lập đất cho đến ngày nay.

Triển lãm không chỉ là hoạt động nhân kỷ niệm ngày lễ lớn của tỉnh Quảng Nam, mà còn góp phần tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Nam, giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Sự kiện cũng được kỳ vọng thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Các Đại biểu tham dự Khai mạc triển lãm Khai mạc triển lãm “Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ” (Nguồn: TTLTQGIV)

Triển lãm gồm 3 phần:

Phần I: Những dấu mốc lịch sử hình thành

Sẽ giới thiệu về Quảng Nam xưa, vốn là vùng đất Việt Thường, trải qua nhiều biến đổi, từ Nhật Nam, Cảnh Châu, Châu Ô – Châu Lý, rồi chính thức trở thành một phần của Đại Việt vào năm 1306. Qua từng thời kỳ, địa danh, địa giới hành chính không ngừng thay đổi, khẳng định vai trò chiến lược của vùng đất trọng yếu này.

Dưới thời phong kiến, Quảng Nam không chỉ là trung tâm giao thương sầm uất mà còn là vùng đất giàu tiềm năng, luôn giữ vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị.Dấu mốc quan trọng vào năm 1832, khi vua Minh Mạng chính thức thiết lập tỉnh Quảng Nam, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới.

Phần II: Lịch sử đấu tranh Cách mạng của nhân dân Quảng Nam

Không chỉ là vùng đất văn hiến, Quảng Nam còn nổi tiếng với truyền thống đấu tranh kiên cường. Từ năm 1858, nhân dân nơi đây đã sớm đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào phong trào chống sưu thuế, phong trào Nghĩa hội Cần Vương và phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, tiếp tục kiên cường kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những chiến công vang dội như trận Bồ Bồ, chiến thắng Núi Thành, Thượng Đức và giải phóng Tam Kỳ ngày 24/3/1975, đã khẳng định khí phách kiên trung của vùng đất “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Chiến tranh qua đi, những con người Quảng Nam anh dũng trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.

Phần III: Quảng Nam thời kỳ đổi mới

Sau giải phóng năm 1975, Quảng Nam bước vào giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội. Với tinh thần đổi mới và sáng tạo, tỉnh đã từng bước vươn lên, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của miền Trung.

Triển lãm “Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ” không chỉ giới thiệu về lịch sử hào hùng của tỉnh Quảng Nam mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Quảng Nam.

Triển lãm sẽ mở cửa thường xuyên để đón công chúng đến tham quan.

Một số hình ảnh Lễ Khai mạc triển lãm “Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2025)”: