KẾ SÁCH ĐÁNH GIẶC VÀ TÍNH NHÂN ĐẠO TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

         Phần II:

Họ Hồ thoán nghịch, tự chuốc bại vong, giặc Minh tàn bạo, hòng thay bờ cõi. Chúng giả nhân, diệt nước, giết hại, làm càn. Dân nước Việt ta, gan óc lầy đất. Con thơ cháu bé bị giáo gươm đâm chém, quăng xác thảm thê. Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý. Làng mạc hoang phế, xã tắc thành gò cho thỏ chui, cho hươu chạy, thành bãi hoang cho chim đỗ, thành rừng rậm cho hổ báo náu mình. Rồi giặc chia châu, đặt huyện, đắp lũy, đào hào, đóng quân trấn giữ đến hơn 20  năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng, biến người nước ta trở thành người Ngô. Than ôi! Họa loạn tột cùng đến mức như vậy! (trích lời Sử thần Phan Phu Tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư).

Lê Lợi cho rằng “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi, chí nhụt, nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, là mưu chước vẹn toàn”.

Ngày 18 tháng 9 nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy.  Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa. Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta.

Lê Lợi họp các tướng bàn rằng: “Giặc vốn khinh ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng”.

Lê Lợi dụ các tướng hiệu, quan nhân 6 điều là: 1- Kẻ làm tôi con phải trung thành thờ Lê Lợi, không được làm điều dối trá. 2- Ở với mọi người phải cho ngay thẳng, không được làm điều gian phi. 3- Khi ra trận đánh giặc có bắt được tù binh, chém được giặc không được cướp công của nhau. 4- Có kẻ nào gian ác, phi pháp ở trong quân, trong dân thì phải bắt giữ để trị tội, mà các ngươi cũng phải lấy đó làm gương răn, chớ để tội đến thân mình. 5- Các quan thị vệ chớ cậy mình được yêu quý mà ngược đãi, bắt nạt mọi người. 6- Khi làm việc, lúc lập công, phải tự mình làm gương trước, để mọi người dưới trông vào bắt chước.

Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu. Ngày 15 tháng 10 quân Minh đại bại, ta chém hơn 5 vạn thủ cấp giặc, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên, thu được vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết. Cánh quân của Mộc Thạnh khi biết Liễu Thăng đại bại cũng tự tan vỡ tháo chạy.

Ngày 22, tháng 11, Lê Lợi cùng với Tổng binh quan nhà Minh Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, Tham tướng hữu đô đốc Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh Xương bá Trần Tứ, Anh Bình bá Lý An, Đô đốc Phương Chính, chưởng Đô ty sự đô đốc thiêm sự Trần Tuấn, Đô chỉ huy thiêm sự Trần Hựu, Giám sát ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Quách Vĩnh Thanh, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm, Hữu tham chính Lục Quảng Bình, Tả tham chính Hồng Binh Lương, Lục Trinh, Án sát sứ Dương Thì Tập, Thiêm sự Quách Đoan, hội thề ở phía nam thành. Họ hẹn đến ngày 12 tháng 12 thì đem quân về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất đai cho ta. Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi, chỉ còn trông cây vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước.

Khi ấy, các tướng sĩ và người nước ta, khổ vì bọn giặc tàn ngược đã lâu, rủ nhau cố xin với Lê Lợi rằng giặc nhiều mánh khoé biến trá, phải dùng quân mà đánh thắng chúng, khuyên Lê Lợi hãy giết chúng đi. Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gởi về nước nói rằng: “Chớ vì một góc đất đai nhỏ nhoi mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng… như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được”. Nên Nguyễn Trãi biết rất rõ chỗ mạnh yếu của giặc, nên mới đề nghị chủ trương hoà nghị. Lê Lợi nghe theo. Đây chính là tinh thần nhân đạo cao cả của nghĩa quân Lam Sơn đối với bọn giặc tàn bạo.

Tháng 12 ngày 12 năm 1427, Vương Thông nhà Minh sai quân bộ rút về qua sông Lô, quân thủy theo sau. Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích của họ, liền rủ nhau tới khuyên Lê Lợi giết bọn chúng đi. Lê Lợi dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho triệu vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”.

Lê Lợi bèn hạ lệnh cấp cho cánh đường thủy 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lĩnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.

Ngày 17 tháng 12, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Vương Thông cùng Lê Lợi nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Lê Lợi sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình.

Tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ, được cấp trước 500 chiếc thuyền đã vượt biển, vẫn hồn bay phách lạc. Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại được cho mấy ngàn cỗ ngựa, về nước rồi, còn tim thót chân run. (Bình Ngô đại cáo)

Cuối cùng tha cho mười vạn quân hàng, được toàn mạng mà về Bắc. Bốn biển hân hoan chiêm ngưỡng, thỏa lòng đã được hồi sinh, phương xa mến đức sợ uy. Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô Đại cáo để tổng kết về cuộc kháng chiến vĩ đại của của dân tộc từ những ngày gian khổ ở núi Chí Linh đến các chiến thắng lẫy lừng Tốt Động – Chúc Động, Chi Lăng – Xương Giang. Cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn thắng lợi, đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho một triều đại hưng thịnh.

Phạm Yến

Chú thích:

(1): Nhục hình bào lạc do chúa Trụ nhà Thương đặt ra. Hình phạt ấy như thế này: Dùng cái cột đồng có bôi mỡ sẵn, hơ vào lửa cho nóng, xung quanh cột đồng đều có đốt lửa. Bọn hung ác bắt người ta phải đi lên trên cột đồng, nếu rơi xuống thì rơi vào đống lửa, chúng thấy thế cùng nhau vui cười.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/13, H60/14, H60/15 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2. Hồ sơ H31/15 Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Viện sử học, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2004.