KẾ SÁCH ĐÁNH GIẶC VÀ TÍNH NHÂN ĐẠO TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

          Phần I:

Họ Hồ thoán nghịch, tự chuốc bại vong, giặc Minh tàn bạo, hòng thay bờ cõi. Chúng giả nhân, diệt nước, giết hại, làm càn. Dân nước Việt ta, gan óc lầy đất. Con thơ cháu bé bị giáo gươm đâm chém, quăng xác thảm thê. Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý. Làng mạc hoang phế, xã tắc thành gò cho thỏ chui, cho hươu chạy, thành bãi hoang cho chim đỗ, thành rừng rậm cho hổ báo náu mình. Rồi giặc chia châu, đặt huyện, đắp lũy, đào hào, đóng quân trấn giữ đến hơn 20  năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng, biến người nước ta trở thành người Ngô. Than ôi! Họa loạn tột cùng đến mức như vậy! (trích lời Sử thần Phan Phu Tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư).

Từ khi nhà Minh đặt ách cai trị, nhân dân ta chịu cảnh khổ nhục trăm bề, quân giặc “đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc xếp thây người làm quả núi, hoặc moi ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình “bào lạc” (1) để mua vui, thậm chí có người theo lệnh giặc, mổ bụng người chửa, cắt lấy hai tai của mẹ và con để dâng cho giặc”. Nỗi thống khổ của dân lành kêu trời không thấu, chúng bắt dân ta làm tôi tớ, lao dịch, thuế khóa nặng nề phục vụ cho chính sách vơ vét của cải, bóc lột dân ta một cách tham tàn. Trong hoàn cảnh ấy, có một người anh hùng đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ nghĩa sĩ, trong hơn 10 năm trời ròng rã biến khó khăn, nguy nan thành sức mạnh toàn dân, đoàn kết, quyết tâm đánh đuổi bè lũ cướp nước ra khỏi giang sơn, giành lại độc lập cho dân tộc. Người anh hùng đó chính là Lê Lợi.

Năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi xưng là Bình Định vương cùng các hào kiệt dựng cơ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa, quân sĩ còn ít, thiếu thốn trăm bề, nghĩa quân Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của một người cầm quân, Lê Lợi cho rằng “Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”. Với chiến lược cuộc chiến tranh nhân dân, dùng chiến thuật đánh du kích để tiêu hao sinh lực địch, đóng giữ chỗ hiểm, đặt phục binh, lấy ít để địch nhiều, tính toán thời cơ, nắm chắc thắng, lấy yếu để chống mạnh. Đó là nước cờ từng bước giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua những khó khăn ban đầu để giành thắng lợi.

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Sửu (1421), tướng nhà Minh là Trần Trí đem hơn 10 vạn quân tiến sang để dẹp cuộc nổi dậy của nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi họp các tướng bàn rằng: “Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng”.

Mùa đông, tháng 12, năm Nhâm Dần (1422), Lê Lợi tiến quân đóng ở Quan Da (Thanh Hóa). Quân Ai Lao lại phối hợp với quân Minh đánh vào trước mặt và sau lưng quân ta, nhiều người chết và bị thương. Lê Lợi bèn bí mật rút quân về sách Khôi. Mới được 7 ngày, giặc Minh lại đem đại binh đến vây. Lê Lợi bảo các tướng sĩ: “Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là “tử địa” mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết”. Lê Lợi nói xong chảy nước mắt. Các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến, xông lên phá trận địa của giặc, chém được tham tướng quân Minh và hơn 1000 thủ cấp giặc, bắt được trăm con ngựa, số quân Minh còn lại chạy thoát thân về Đông Quan, quân Ai Lao cũng bỏ trốn.

Lê Lợi cho rút quân về núi Chí Linh, hai tháng sau quân lính hết lương, chỉ ăn rau củ và măng tre, Lê Lợi phải giết 4 con voi và ngựa của mình để nuôi quân sĩ. Nhưng do trải qua nhiều phen hoạn nạn, quân lính đã mỏi mệt, muốn được nghỉ ngơi, bất đắc dĩ Lê Lợi phải hòa hiếu với quân giặc để vỗ về quân lính và có thời cơ chuẩn bị chiến đấu.

Tháng 12 năm Giáp Thìn (1424), bấy giờ lương thực của giặc tích được rất nhiều mà quân của Lê Lợi thì không đủ lương ăn cho 10 ngày. Lê Lợi nói với tướng sĩ: “Giặc cậy có nhiều lương, cố thủ để làm kế lâu dài, ta lương ít không thể cầm cự dài ngày với giặc”. Rồi cho đốt cháy doanh trại, ngược dòng sông giả cách trốn đi, nhưng lại ngầm đi đường tắt trở về, đợi giặc đến thì đánh. Quân Minh cho là Lê Lợi đã chạy, mừng lắm, bèn tiến quân vào đóng ở doanh trại cũ của Lê Lợi, lên núi đắp lũy. Ngày hôm sau, Lê Lợi cho quân tinh nhuệ ra khiêu chiến. Giặc đem quân ra ngoài lũy để đánh. Lê Lợi phục sẵn ở Bồ Ải, giữa nơi hiểm yếu. Giặc lại không ngờ tới, đem hết quân ra đánh. Lê Lợi bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An tranh nhau nên trước phá quân giặc, chém đầu giặc không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác người chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi. Quân Lam Sơn bắt sống Đô ty Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Đô ty Hoành Thành, bắt sống hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Lê Lợi thừa thắng đuổi dài suốt 3 ngày, đến tận dưới chân thành. Bọn Trần Trí vào thành cố thủ.

Mùa xuân, năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi đem quân đến huyện Thổ Du, trấn Nghệ An. Tri phủ châu Ngọc Ma là Cầm Quý đem hơn 8.000 quân và hơn 10 con voi đến theo giúp. Lê Lợi ra lệnh cho các tướng rằng: “Dân chúng khổ về chính sách bạo ngược của giặc đã lâu rồi. Những châu huyện nào chúng ta đi tới, không được mảy may xâm phạm của dân. Nếu không phải là trâu bò, thóc lúa của bọn nguỵ quan, thì dẫu đói khát khốn khó đến đâu cũng không được lấy bậy”. Mọi người đều tuân lệnh. Bấy giờ, quân lính đã ba ngày chưa được ăn mà vẫn không có ai vi phạm lệnh đó. Dân thấy pháp lệnh đã được ban ra và thi hành nghiêm ngặt như vậy, liền đem hết trâu bò, thóc lúa cấp cho quân lính. Lê Lợi chia quân đi lấy lại đất đai các nơi. Đến châu huyện nào, người ta đều nghe tiếng mà quy phục, cùng nhau hợp sức vây đánh thành Nghệ An. Giặc cố thủ không dám ra nữa. Do đó, đất Nghệ An đều được giải phóng.

Lê Lợi tiếp tục huấn luyện tướng sĩ, sửa chữa chữa vũ khí, chưa đầy 10 ngày, chiến cụ đã đầy đủ cả. Bèn duyệt võ nghệ, dạy cho binh sĩ phép ngồi, đứng, đánh, đâm, chỉ bảo các thế kỳ, chính, phân, hợp, cho họ biết hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu cờ. Kỷ luật quân đội đã nghiêm chỉnh, tinh thần binh sĩ càng tăng thêm. Thưởng phạt thi hành, nên quân lính gan dạ quyết chiến. Nhân dân trong vùng đều dắt díu nhau tới, đông vui như đi chợ. Lê Lợi vỗ về phủ dụ, mọi người đều hân hoan vui mừng.

Mùa thu, tháng 7, Lê Lợi dự đoán thành giặc ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô, bảo các tướng: “Người làm tướng giỏi ngày xưa bỏ chỗ rắn đánh chỗ mền, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, như thế chỉ dùng một nửa sức mà nên công gấp đôi”. Bèn cho đặt phục binh tiến đánh các thành Tân Bình (Quảng Bình), Thuận Hóa (Quảng Trị-Huế) và giành được thắng lợi.

Sang năm Bính Ngọ (1426), khi Lê Lợi mới tới thành Đông Đô, những hào kiệt ở kinh lộ và nhân dân các phủ huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập kéo đến cửa quân, xin hết sức liều chết đánh thành giặc ở các xứ. Lê Lợi biểu dương lòng thành của họ, phủ dụ, an ủi, báo cho họ biết lẽ phải, bỏ điều nghịch theo lẽ thuận. Từ kẻ sĩ tới dân chúng, hễ ai đến quân doanh, Lê Lợi đều dùng lời lẽ  khiêm tốn, dùng nghi lễ trang trọng để tiếp đãi, rồi tùy theo tài năng hơn hay kém của từng người để bố trí các chức vụ khác nhau. Lấy thưởng để khích lệ khiến người người đều hăng hái, dùng hình phạt mà răn đe, nên ai ai cũng giữ gìn. Vì vậy, mọi người đều cảm kích mong được dốc trọn sức mình, quân đi đến đâu là thành công đến đấy. Ông chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo. Đặt quan lại văn võ trong ngoài và tuần hành, kiểm soát ở các cửa biển để khám xét những người qua lại và bắt bọn nguỵ quan, bọn phản bội, bọn ngang ngạnh không chịu cải hóa, bọn ăn ở hai lòng, bọn mang thư chạy về phương Bắc.

Mùa đông, tháng 10, nhà Minh lại sai bọn Tổng binh Vương Thông và Tham tướng Mã Anh đem 5 vạn quân, 5000 ngựa chia đường sang cứu viện các thành Đông Đô. Ngày 6 tháng 10, bọn Vương Thông tiếp tục đem các quân mới cũ gồm hơn 10 vạn tên, chia ba đường tiến đánh nghĩa quân. Bọn Vương Thông, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ dàn doanh trại đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận là bắt hết được quân Lam Sơn.

Trước tình hình đó, một mặt Lê Lợi cho đặt phục binh ở các cứ điểm, một mặt do thám cách hành quân của giặc, linh động thay đổi phương án tác chiến, khi giặc tiến sâu vào trận địa thì phục binh của ta ba mặt xông lên, hăng hái đánh vào các xứ Tốt Động, Chúc Động, phá tan được được quân giặc, giặc chết đuối rất nhiều, nước sông Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn. Quân ta bắt sống được hơn 1 vạn tên giặc, thu được ngựa, quân tư, khí giới, xe cộ nhiều không kể xiết. Phương Chính theo đường bộ trốn về, Vương Thông, Mã Kỳ chỉ thoát được thân chạy về thành Đông Quan.

Để thêm người hiền tài giúp sức, Lê Lợi còn phát động các cuộc thi để chọn người tài đức, dụ cho những người có tài văn chương mà chưa được nhận chức, nếu ai viết thư dụ được người thành Đông Quan, khiến họ mở cửa thành ra hàng và giảng hòa về nước, thì sẽ được thăng chức vượt cấp.

Tháng 12, Lê Lợi thân đốc suất tướng sĩ ngày đêm tiến đánh Đông Đô (Thăng Long). Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua, chán nản lo sợ, mưu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn quẫn, bèn sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước. Lê Lợi nói: “Binh pháp không đánh mà khuất phục được quân giặc là kế hay hơn cả”. Bèn bằng lòng cho giảng hòa, hẹn ngày gọi quân sĩ ở các thành cùng một lúc về tập hợp tại thành Đông Quan để cho về nước cả.

Khi vây đánh thành Đông Quan, với tinh thần nhân đạo, Lê Lợi nhiều lần cho viết thư dụ hàng bọn Vương Thông, hứa sẽ cho chúng an toàn về nước. Nhưng khi Vương Thông định nghe theo, thì bọn nguỵ quan Lương Nhữ Hốt bèn ngấm ngầm làm kế phản gián, dẫn việc xưa Hưng Đạo Vương cho người dùi thuyền giết tù binh, Vương Thông tin lời, đem lòng ngờ vực, lại nảy ý khác, đắp thêm tầng lũy kép hào, thả chông để làm kế tạm bợ, ngoài mặt nói hoà hiếu, nhưng ngấm ngầm bày mưu tính kế. Chúng bí mật sai mấy chục bọn mang thư bọc sáp đi lối tắt về xin viện binh. Lê Lợi bắt được người mang thư, ghét bọn chúng tráo trở, bèn bí mật phục quân ở bốn phía quanh thành Đông Quan, đón giặc ra vào, bắt được hơn 3 nghìn tên do thám, hơn 500 con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành không ra.

Năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi tiến quân sang bờ bắc sông Lô, chia quân vây đánh thành Đông Quan, tiếp tục dùng kế sách “vây thành diệt viện” kết hợp với việc thuyết phục giặc đầu hàng.

Để chuẩn bị cho thời cơ quyết chiến, Lê Lợi hạ lệnh cho các tướng và quân rằng: Giặc Minh tàn hại dân ta đã hơn hai chục năm. Buổi đầu số quân của ta có mấy trăm người. Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để đề phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, mọi loại phú dịch đều tha cho 3 năm. Lại nêu 10 điều quân luật cho các tướng hiệu và quân nhân biết: 1-Làm huyên náo trong quân. 2-Gây kinh động hão, bịa điều họa phúc làm dao động lòng quân. 3-Khi ra trận, nghe tiếng trống, thấy cờ hiệu mà giả cách không nghe, không thấy, dùng dằng không tiến. 4-Khi ra trận, trông thấy cờ dừng quân, nghe thanh la dừng quân mà không đứng lại. 5-Nghe tiếng chiêng lui quân mà cưỡng lại không lui. 6-Canh phòng túc trực không siêng, hoặc ngủ say bỏ canh, bỏ hàng ngũ ngầm trốn về. 7-Đắm đuối nữ sắc, lén lút thả riêng cho người họ nhà vợ không làm quân dịch. 8-Thả quân lính để lấy tiền và che dấu không biên vào sổ quân. 9-Theo thói ưa ghét của riêng mình mà đảo lộn công tội của người. 10-Bất hoà với mọi người, gian ác, trộm cắp. Mười điều trên đây, kẻ nào phạm phải đều bị chém.

Lấy 3 điều răn bảo các quan văn võ:1- Chớ thờ ơ. 2- Chớ lừa dối. 3-Chớ tham lam. Dụ các hào kiệt trong nước rằng: “Các thành đã phá được rồi, chỉ còn thành Đông Quan chưa hạ được. Ta vì thế mà nằm không yên chiếu, ăn không ngon miệng, sớm khuya suy nghĩ, khô héo ruột gan. Thế mà bên cạnh ta, vẫn chưa có được người giúp đỡ. Ta tuy là chủ tướng, nhưng xét lại bản thân mình một là già ốm, bất tài, hai là học thức nông cạn, ba là trách nhiệm nặng nề khó bề kham nổi, mà các đại thần như tả, hữu tướng quốc, thái phó, thái bảo vẫn chưa đặt, thái úy, đô nguyên soái vẫn còn khuyết, hành khiển và các quan, mười phần mới được một, hai phần. Cho nên, ta nhún mình thành thực khuyên bảo các hào kiệt cùng nhau dốc sức, cứu giúp muôn dân, chớ có mai danh ẩn tích, để thiên hạ phải lầm than mãi mãi. Nếu có ai khí tiết thanh cao như Tứ Hạo, lánh đời ẩn tích như Tử Phòng cũng hãy ra cứu nạn cho dân đã, đợi khi thành công, muốn thoả chí xưa thì lại trở về rừng núi, không hề cấm giữ”. Hạ lệnh rằng: Khi sai phái thuộc hạ dưới quyền, đều phải cấp giấy tờ có đóng dấu, phải ký họ tên quan phụ trách và ghi rõ số người đi là bao nhiêu, đến chỗ nào, làm việc gì, hạn định ngày nào phải về dinh, không được đi lại tự do. Quan phụ trách và người dưới quyền nếu không tuân lệnh này thì tùy tội nặng nhẹ, mà xử giáng cấp, phạt trượng, chặt chân, hay chém đầu. Nếu xét được tình trạng bọn giặc móc nối với nhau thì có trọng thưởng.

Lại ra lệnh cho các tướng rằng: “Người cầm quân phải chăm đánh dẹp, người coi chuyên chở phải chăm tải lương. Vào núi xẻ ván, nấu cát làm muối, ngăn giữ trên bộ, dưới sông, chặn bắt những kẻ gian phi, ai nấy đều phải quên mình hết sức, cùng nhau lo việc diệt giặc. Ta là cha mẹ dân, có đâu lại không nghĩ tới nỗi gian lao mà dám gây ra việc đau khổ? Đó chỉ là do bắc đắc dĩ mà thôi”.

Tháng 8, ban dụ cho cả nước rằng: “Giặc còn ở trong nước ta, dân chúng vẫn chưa được yên, liệu các ngươi có yên được không? Trước kia, họ Hồ vô đạo, giặc thừa dịp ấy mà cướp nước ta. Tội ác tàn bạo của chúng, các ngươi cũng đã thấy cả rồi. Vả lại, ra sức khó nhọc trong một năm mà có cơ nghiệp thái bình muôn thuở, các ngươi hãy nghĩ cho kỹ điều đó, chớ để phải hối hận về sau”.

Phạm Yến

(Còn tiếp…)