“Máu của C759 có thể đổ, đường C759 không thể tắc” là khẩu hiệu như một lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những chàng trai, cô gái thuộc Đại đội thanh niên xung phong C759 Quảng Bình để chia lửa với tiền tuyến miền Nam.
Để giữ vững tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho tiền tuyến miền Nam, ngày 06 tháng 5 năm 1965, gần 180 thanh niên xung phong của huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình, tuổi vừa 19, đôi mươi, được tổ chức thành một Đại đội, lấy tên là C759. C759 được biên chế thành 8 tiểu đội, quản lý 10km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh, với nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến.
Chuẩn bị cho hành trang sau chiến tranh, năm 1967
Trong những năm tháng bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, đường 12A lên đèo Mụ Dạ, phía Tây Quảng Bình có một vị trí đặc biệt quan trọng. Vì ngày ấy, những tuyến đường vượt Trường Sơn như đường 20 Quyết Thắng, đường 10 ở phà Long Đại chỉ mới hiện hình trên bản đồ. Do đó, những đoàn xe pháo vượt Trường Sơn tiến vào mặt trận chỉ bằng một con đường duy nhất là đường 12A. Vì thế, đường 12A trở thành con đường bị đánh phá ác liệt nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Các trọng điểm La Trọng, Ka Tang, Khe Ve, Bãi Dinh, Mụ Dạ, Cha Quang trở thành những toạ độ lửa mà máy bay Mỹ đánh phá ác liệt suốt ngày đêm.
Thanh niên xung phong C759 Quảng Bình mở nhánh đường Trường Sơn, năm 1967
Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 7 năm 1966, máy bay Mỹ đã dội xuống cung đường do C759 chốt giữ trên 14.400 quả bom các loại, chưa kể bom bi, bom lá. Trung bình mỗi đội viên hứng chịu hơn 80 quả bom. Cuộc chiến đấu ngày càng khốc liệt hơn khi địch chọn điểm xung yếu nhất là cung đường men theo sườn núi cao tại Km21 từ Khe Ve lên do C759 chốt giữ để thí điểm chiến thuật mới “bom toạ độ”. Vì vậy, hầu như cây số đường nào cũng thấm đẫm máu của các chiến sĩ thanh niên xung phong. Cứ mỗi ngày ra đường phá bom nổ chậm, lại một lần tổ chức truy điệu sống đồng đội của mình.
Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt và sự tấn công ác liệt của địch, chiến sĩ của C759 luôn giữ tinh thần lạc quan, không ngại hi sinh, gian khổ. Với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc. Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” và lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh “Máu của C759 có thể đổ, đường C759 không thể tắc”, C759 đã lập nên nhiều huyền thoại. Trong đó phải kể đến khúc bi tráng tại đồi Cha Quang vào ngày 03/7/1966.
Khoảng 14h ngày 03/7/1966, máy bay Mỹ ném xuống hàng trăm quả bom, đất đá lấp đường thêm hàng trăm m3. Ngay lập tức, 5 tiểu đội của C759 và một trung đội bộ đội công binh ứng cứu, dùng mìn phá đá để san lấp mặt đường. Đến 22h cùng ngày khi nhiệm vụ sắp sửa hoàn thành, bất ngờ địch thay đổi giờ đánh toạ độ. Một loạt bom nổ kinh hoàng giữa lưng chừng núi, trúng đội hình C759 đang làm nhiệm vụ. Hàng nghìn m3 đá sập xuống lấp kín 200m đường. Các chiến sĩ của C759 đã kịp thời đào bới cứu được một số đồng chí, còn lại 7 thanh niên xung phong và 10 chiến sĩ công binh bị hi sinh vẫn nằm trong khối đất đá khổng lồ. Không quản ngại bom rơi, đạn nổ, các chiến sĩ C759 cùng với cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã dồn hết sức lực để tìm kiếm thi hài các liệt sĩ. Nhưng do khối đất đá quá lớn đã vùi sâu thi thể của các anh chị và vì tiếng gọi khẩn cấp của tiền tuyến, nén đau thương, toàn đơn vị quyết định vừa san đường mở lối cho xe qua, vừa tìm kiếm thi hài đồng đội.
Tiếng hát át tiếng bom, bẩy đá mở đường, năm 1967
Để ghi nhớ chiến công vẻ vang và sự hi sinh anh dũng của các đồng đội, đơn vị C759 đã quyết định lấy ngày mùng 3 tháng 7 làm tên gọi cho ngọn đồi Cha Quang thành đồi 37 để khắc ghi một sự kiện bi tráng, không thể nào quên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ của C759 anh hùng.
Những chiến công của Đại đội thanh niên xung phong C759 Quảng Bình đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đại đội C759 anh hùng đã ghi tên vào trang sử vàng của dân tộc. Bảy liệt sĩ hi sinh ngày 03/7/1966 được công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cánh chim đầu đàn Nguyễn Thị Kim Huế – A trưởng A6 được phong tặng Anh hùng Lao động năm 1967.
A trưởng A6, C759 Nguyễn Thị Kim Huế được biểu dương anh hùng năm 1967 thay mặt 300 đại biểu dự Đại hội Đại biểu thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huyền thoại về C759 anh hùng đã trở thành một biểu tượng vĩ đại của sự hi sinh và lòng dũng cảm trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Câu chuyện về họ sẽ mãi mãi được kể lại để truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Qua những hình ảnh chân thực về C759 của cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết, chúng ta cảm thấy tự hào về những người lính C759 và tất cả những người đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã làm nên những điều kỳ diệu.
Tài liệu tham khảo:
1. Sưu tập ảnh của Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
2. Bản hùng ca thanh niên xung phong Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ của Phan Thị Hằng, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình.
3. Sách Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Nxb Giáo Dục, năm 2006.
4. Chân trần chí thép, James G.Zumwalt, NXb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011.
5. Trường Sơn – Con đường huyền thoại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009.
Mai Duyên – TTLTQGIV