Thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần Trống Đồng – là vị thần có phép thần thông, biến hóa phi thường, từng giúp tướng lĩnh và phò vua khi đi đánh trận. Hiện nay tại một số địa phương vẫn còn lưu giữ được một số đền, miếu liên quan đến lễ thề thần Đồng Cổ. Lễ hội đền Đồng Cổ vẫn được nhân dân duy trì vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch, theo đúng như sử cũ đã ghi.
Nghi thức Lễ cáo yết (Ảnh: Sưu tầm)
Sự tích thần Đồng Cổ
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thần Đồng Cổ xuất hiện rất sớm, từ thời Hùng Vương dựng nước, thần Đồng Cổ đã phù trợ vua Hùng trong quá trình ra trận đánh giặc. Sự đồng hành của thần Đồng Cổ đã giúp làm nên chiến thắng trước quân thù. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, mặt khắc 5 mục đền miếu, tỉnh Thanh Hoá có ghi lại rằng: “Đền thần Đồng Cổ: ở trên núi xã Đan Nê, huyện Yên Định (có tên là núi Khả Lao). Xưa kia, vua Hùng Vương đi đánh giặc, đóng quân ở núi Khả Lao. Đêm nằm mơ thấy thần báo mộng, bảo với vua rằng: “Xin cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này”. Đến lúc ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống đồng, rồi quả nhiên vua được toàn thắng. Vua bèn sắc phong thần làm Đồng cổ Đại vương”.
Như vậy, đền thần Đồng Cổ ở núi Đan Nê, Thanh Hoá được xem là một trong những nơi thờ thần Trống Đồng sớm nhất ở nước ta.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, mặt khắc 5 ghi chép về đền Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trải qua các triều đại lịch sử, những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ vẫn được các bộ chính sử ghi lại, thông qua các lần hiển linh báo mộng cho vua biết. Năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tông đã cho lập miếu thờ thần Đồng Cổ ở ngoài phía Bắc của Hoàng Thành, tại thôn Đông, làng Yên Thái (tức làng Bưởi) ngày nay. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 15 biên chép về sự kiện này như sau: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ”.
Lời thề Đồng Cổ
Sau sự kiện Tam vương nổi loạn và được Thái tử Phật Mã dẹp yên vào năm 1028 (sau này là vua Lý Thái Tông), thần Đồng Cổ đã được phong lên với tư cách là thần bảo trợ của vương triều. Cùng với việc xây dựng đền Đồng Cổ, năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tông cũng bắt đầu cho lập hội thề tại đền mang tầm cỡ quốc gia.
Hội thề được tổ chức hằng năm vào ngày 25 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ nên hội thề được đổi sang ngày 4 tháng 4 âm lịch. Lễ hội đền Đồng Cổ trước đây được gọi là hội thề Trung Hiếu. Đây là một nghi lễ cung đình, được tổ chức với những nghi thức nghiêm ngặt và chặt chẽ. Trong hội thề Trung Hiếu, người thề trước linh vị thần Đồng Cổ là vua chúa, văn võ bá quan, đại diện cho những người điều hành đất nước. Mục đích của lễ thề là các thành viên tham dự tuyên thệ khẳng định sự trung hiếu của cá nhân đối với vua và đất nước. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 15 còn ghi lại lễ hội thề xưa rằng: “Lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng:
“Làm con bất hiếu,
Làm tôi bất trung,
Xin thần minh giết chết”.
Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường”.
Kể từ năm diễn ra hội thề ở miếu Đồng Cổ đời vua Lý Thái Tông. Các đời vua sau vẫn duy trì tục lệ như thế.
Năm Đinh Hợi (1227), vua Trần Thái Tông cũng ra lệnh cho các vương hầu, quan lại phải làm lễ tuyên thệ vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm giống như triều Lý, tuy nhiên có sửa đổi lại lời thề. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 6, mặt khắc 5 ghi chép: “Tháng 4, mùa hạ, họp các quan làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ. Ngày hôm ấy, nhà vua ngự ở điện Đại Minh, viên Tể tướng và trăm quan tiến triều xong, đều phải sửa soạn đủ đội ngũ, nghi trượng, người cưỡi ngựa đi hộ vệ, kéo ra cửa phía Tây kinh thành, đến đền thờ thần Đồng Cổ, để uống máu ăn thề; viên Trung thư kiểm chính tuyên đọc thệ thư rằng:
“Người làm tôi phải hết lòng trung với vua,
Người làm quan phải giữ phẩm hạnh trong trắng,
Nếu ai trái lời thề này, xin thần linh làm hại người ấy”.
Tuyên đọc xong, viên Tể tướng đóng cửa đền lại, kiểm điểm trăm quan, người nào vắng mặt phạt 5 quan tiền. Việc này theo thể lệ cũ của triều Lý. Từ năm nay trở đi, năm nào cũng cử hành lễ này. Ngày hôm ấy, con trai con gái kéo nhau ra xem kín cả hai bên đường, họ nhận đấy là việc tốt”.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 6, mặt khắc 5 ghi chép về lời tuyên thệ ở miếu Đồng Cổ dưới triều vua Trần Thái Tông
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trải qua các dấu mốc lịch sử, đến đời Hồ Quý Ly, vì có vụ Trần Khát Chân, nên lễ minh thệ này bị phế bỏ. Đến đầu đời Lê, lễ tuyên thệ này cũng không được nhắc tới. Mãi năm Giáp Dần (1434), Lê Sát mới xin với vua Lê Thái Tông cho lập đàn thờ ở trường đua, khấn cáo với thần linh trên trời dưới đất, tập hợp trăm quan văn võ trong kinh đô và ngoài các đạo, cắt tiết ngựa bạch làm lễ ăn thề. Năm đó, vua cũng tới xem. Về điều này, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 16, mặt khắc 5 cũng có ghi: “Hồi đầu thời Lý, hằng năm, cứ đến tháng trọng xuân, hội họp quần thần ăn thề ở đền thờ thần Đồng Cổ. Nhà Trần vẫn làm theo. Đến đời Hồ Quý Ly, vì có vụ Trần Khát Chân, nên lễ minh thệ này mới phế bỏ. Đầu đời Lê, lễ này cũng bỏ qua, không nói tới. Đến đây, bọn Lê Sát mới xin với nhà vua, lập đàn thờ ở trường đua, khấn cáo với thần linh trên trời dưới đất, tập hợp trăm quan văn võ trong kinh đô và ngoài các đạo, cắt tiết ngựa bạch làm lễ ăn thề”.
Trải qua thời gian, ngày nay, cứ vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) và Khu Di tích quốc gia và núi Đồng Cổ (huyện Yên Định – Thanh Hoá) lại nô nức mở hội đền Đồng Cổ nhằm duy trì, thực hành, lưu truyền nét văn hoá đặc sắc trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá truyền thống trong dòng chảy lịch sử. Việc tổ chức Hội thề đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở, giáo dục con người phải hiếu nghĩa trong gia đình, trung thành với non sông xã tắc. Năm 2023, Hội thề Trung hiếu ở đền Đồng Cổ đã được ghi danh là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia./.
Tài liệu tham khảo.
1. Hồ sơ H31/4 Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H60/6, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H60/8, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
4. Hồ sơ H60/9, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Cao Quang