Long (chữ Hán 龍) có nghĩa là con rồng, đó là một linh vật tồn tại trong sự tưởng tượng của cư dân Việt Nam nói riêng và cư dân nhiều nước Đông Nam Á nói chung. Ở Việt Nam, hình ảnh rồng đã trở thành nguồn mạch thẩm mỹ và được xem như thủy tổ của dân tộc qua quan niệm: “Con rồng cháu tiên”. Dưới triều Nguyễn, với việc lấy nền tảng tư tưởng Nho giáo làm trọng nên các đời vua cũng đặc biệt tôn vinh rồng và xem đó là biểu tượng quyền uy của bản thân và triều đại mình. Rất nhiều di tích, cổ vật, đồ ngự dụng… của vương triều cho đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều chi tiết về rồng. Nhân dịp năm Giáp Thìn (năm con rồng), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV xin được giới thiệu đến Quý vị những hình ảnh đẹp về rồng được chạm khắc trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới.

Mộc bản triều Nguyễn bao gồm 33.791 tấm mộc bản, tương đương với hơn 100 đầu sách. Với khối lượng ván khắc đồ sộ như vậy nhưng hình tượng rồng được trang trí trên Mộc bản lại khá ít. Sở dĩ, rồng là biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn của vương triều, nên hình ảnh rồng chỉ được chạm khắc theo mệnh lệnh của vua và chỉ được san khắc trên các tờ bìa của các bộ chính văn, chính sử quan trọng của triều đình. Ngoài ra, còn có các tập thơ ngự chế của các bậc hoàng đế như Ngự chế thi, Ngự chế văn, Thánh chế văn… Đây được xem là một trong những sưu tập có giá trị không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về mặt mỹ thuật.

Trên mỗi bìa sách, hình tượng rồng cũng được thể hiện với nhiều motif khác nhau. Đó là hình ảnh hai con rồng chầu vào một khối cầu hình tròn, là đại diện cho châu báu, gọi là “Lưỡng Long tranh châu”. Hay hình thức “Lưỡng Long chầu nhật” với chi tiết nhận dạng ở hình tròn có tia lửa bùng lên thẳng đứng… Rồng được khắc trong Mộc bản được tạo dáng toàn thân ở thế dựng thẳng, có sừng, ngạnh, mũi lớn, miệng rộng, râu dài… Thân rồng được khắc uốn lượn thành nhiều khúc mềm mại, mỗi khúc uốn lượn lại được liên kết bởi các lọn mây xoắn vào chân rồng làm cho mảng chạm lộng trở nên kín đặc, tạo nên hình dáng con rồng oai phong nổi lên giữa một không gian bầu trời và mặt đất. Với kiểu rồng trang trí này, đòi hỏi các nghệ nhân san khắc phải có tư duy khoa học để tạo nên bố cục hợp lý, cùng sự khéo léo, chạm khắc một cách công phu với các lớp vẩy trên thân cũng như sự uốn lượn của các vân mây. Việc kết hợp rồng – mây đã tạo nên tổng thể hài hòa trên các bìa sách Mộc bản. Đây được xem là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất trong khối Mộc bản Triều Nguyễn.

rồng

Hình tượng rồng trên bìa sách Đại Nam thực lục (tiền biên và chính biên đệ nhị kỷ)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Hình tượng rồng trên bìa sách Hoàng Việt luật lệ hay còn là Luật Gia Long là một bộ luật lớn nhất của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Rồng trên Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu – còn được gọi tắt là “Chính yếu”.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Hình ảnh rồng trên các bìa sách ngự chế của vua

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Rồng được khắc trên Mộc bản triều Nguyễn rất đa dạng và phong phú
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Có thể nói, từ một con vật không có thật trong đời sống, hình tượng rồng đã được thể hiện sinh động, sắc nét trên các ván khắc thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới. Các nghệ nhân tạo nên hình ảnh rồng không chỉ vì phụng sự mục đích nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội, những thiết chế văn hóa đương thời. Vì vậy mà cách thể hiện hình tượng rồng trên Mộc bản dưới thời Nguyễn rất phong phú và đa dạng. Ngày nay, du khách đến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt có dịp được ngắm nhìn những bìa sách khắc hình tượng rồng để thấy được đôi tay tài hoa cũng như khả năng sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam một thời./.

Tài liệu tham khảo.

1. Hồ sơ H20, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

6. Hồ sơ H43, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

7. Hồ sơ H74, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

8. Hồ sơ H78, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

9. Hồ sơ H88, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

10. Hồ sơ H97, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

11. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Quang