Thành cổ Sơn Tây – công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo được xây dựng bằng đá ong dưới triều Nguyễn. Thành được xây dựng với mục đích bảo vệ thủ phủ của ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thành cổ đã trở thành cứ điểm quân sự. Ngày nay, tòa thành vẫn còn tồn tại và được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia vào năm 1994. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những thông tin ghi chép về tòa thành này qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn!
Thành cổ Sơn Tây
Nguồn: Sưu tầm
Thành Sơn Tây là lỵ sở của trấn Sơn Tây và tỉnh Sơn Tây vào thời Nguyễn. Ban đầu, lỵ sở của trấn Sơn Tây thời Nguyễn vốn đặt ở xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời vua Minh Mệnh thì được về địa phận hai xã Mai Trai và Thuần Nghệ thuộc huyện Phúc Lộc (Sơn Tây).
Theo ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí thì vào “đời Lê đắp thành ở địa phận xã La Phẩm, huyện Tiên Phong. Đời Cảnh Hưng dời đến địa phận xã Mông Phụ, huyện Phúc Thọ. Bản triều, đầu đời vua gia Long vẫn giữ nguyên như thế. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng đá ong. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), lại xây đá ong cả bờ hào”.
Ảnh Kỳ đài cao 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong
Ảnh: Phong Linh
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ cũng ghi chép việc dựng thành Sơn Tây như sau: vào tháng 3 nhuận, năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho “Dời đắp thành trấn Sơn Tây. Thành cũ ở xã Cam Giá (thuộc huyện Phúc Lộc) bị sông lở. Ngày vua đi Bắc tuần, đã sai giám thành đi ngắm địa thế và cho dời đến hai xã Mai Trai và Thuần Nghệ (thuộc huyện Phúc Lộc)”.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ ghi chép về việc vua Minh Mệnh cho dời đắp thành trấn Sơn Tây từ xã Cam Giá về xã Mai Trai và Thuần Nghệ vào năm Nhâm Ngọ (1822)
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Việc xây thành được nhà vua giao phó cho “Phó thống thập cơ Tả quân là Vũ Văn Thân trông coi công việc. Ông đã lấy 2.000 người ở Bắc Thành phục vụ cho việc xây dựng thành. Sau khi thành xây xong, thưởng cho các giám ty và chuyên biện mỗi người 5 tháng tiền bổng và một thứ kỷ lục”.
Thành Sơn Tây được xây hoàn toàn bằng đá ong – loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, rất sẵn có ở xứ Đoài. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết “Thành có chu vi 316 trượng 2 thước [1], cao 1 trượng, 1 thước, xây bằng đá ong, mở 4 cửa, 01 kỳ đài, hào rộng 6 trượng 7 thước.”
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép về kiến trúc của thành Sơn Tây
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trải qua hơn 200 năm với bao thăng trầm của lịch sử, thành cổ Sơn Tây phần nhiều đã bị phá hủy, nhưng những dấu tích xưa vẫn không bị xóa mờ hết, bởi lối kiến trúc, hệ thống đá ong vững chắc đã khẳng định đây là công trình kiến trúc quân sự độc đáo.
Chú thích:
[1] Sách Đại Nam nhất thống chí chép thành có chu vi 326 trượng 2 thước.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa – Huế, năm 2006;
3. Viện Sử học, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, năm 2005;
4. Hồ sơ H22/15, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H48/209, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Bùi Mai