Đỗ Quang – vị quan thanh liêm được dân yêu như cha

Cao Quang

Đỗ Tông Quang sau đổi tên thành Đỗ Quang, tự là Huy Cát, người ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông làm quan trải ba triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đỗ Quang được đánh giá là vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Mộc bản Triều Nguyễn còn ghi danh và tôn vinh công trạng của Đỗ Quang – một người con ưu tú của xứ Đông. Điều đó thật xứng đáng với tầm vóc và đóng góp của ông.

Một năm đỗ 2 kỳ thi

Đỗ Quang sinh ra trong một gia đình có dòng dõi khoa bảng. Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh. Vào mùa xuân, tháng 3, năm Mậu Tý (1828), niên hiệu Minh Mạng thứ 9, khi mới 21 tuổi, Đỗ Quang tham dự kỳ thi Hương và đã đỗ Cử nhân.

Bốn năm sau, tức năm Nhâm Thìn (1832), ông tiếp tục tham dự lỳ thi Hội, và đỗ Giải nguyên (tức đỗ đầu). Mộc bản sách Quốc triều Đăng khoa lục, quyển 1, mặt khắc 7 có ghi về nhà Khoa bảng Đỗ Quang như sau:

“Đỗ Tông Quang 杜 宗 光

(Sau đổi thành Đỗ Quang 杜 光)

Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân)

Ông đỗ đầu khoa thi Hội.

Sinh năm: Giáp Tý (1804).

Quê quán: Hoa Điếm, Gia Lộc, Hải Dương.

Đỗ Cử nhân khoa thi năm Mậu Tý (1828).

Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi.

Làm quan tới chức Hộ đốc Ninh Thái, được ban hàm Thượng thư.

Ông nổi tiếng là quan thanh liêm mẫn cán, được vua quý trọng”.

Đến mùa hạ, tháng 5, năm ấy ông dự kỳ thi Đình và đỗ luôn Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 80, mặt khắc 9 ghi rằng: “Mở kỳ thi đình. Vua sai thự Tiền quân là Trần Văn Năng sung làm Giám thí đại thần, Thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Thực, Tả tham tri bộ Binh là Lê Văn Đức, Tả tham tri bộ Hộ là Trương Đăng Quế và Phủ doãn Thừa Thiên là Đỗ Khắc Thư sung làm việc đọc quyển, Thiếu khanh Đại lý là Nguyễn Công Hoán, Lang trung bộ Lại là Phạm Thế Hiển, sung làm việc nhận quyển và duyệt văn. Cho: Phan Trước và Phạm Sĩ ái đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân; Nguyễn Văn Lý, Đỗ Quang, Phạm Bá Thiều, Vũ Công Độ, Nguyễn Tán và Phạm Gia Chuyên đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân”.

 

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ ghi chép về Nhà khoa bảng Đỗ Quang đỗ đầu khoa thi Hội và đỗ thi Đình, năm Nhâm Thìn (1832)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Như vậy, chỉ trong năm Nhâm Thìn (1832), Đỗ Quang đã đỗ cả 2 kỳ thi do vua Minh Mạng tổ chức đó là thi Hội và thi Đình, trong đó kỳ thi Hội ông đã đỗ đầu. Khi đang sung chức Kinh diên nhật giảng quan, vua Tự Đức khen cách giảng luận của Đỗ Quang có lời lẽ đơn giản, nghĩa lý minh bạch, sánh ngang với Tô Trân.

           Được dân yêu như cha

Sau khi thi đỗ, Đỗ Quang làm quan, trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Tri phủ Diễn Châu, Án sát Quảng Trị, Thị lang, Lang trung bộ Công, duyệt quyển thi Điện dưới triều vua Minh Mạng. Đến triều vua Thiệu Trị, ông giữ các chức như Thamtri bộ Lễ, Toản tu Quốc Sử quán, Giảng quan, Giám khảo trường thi Hương và duyệt quyển thi Đình… Dù ở vị trí nào, Đỗ Quang cũng mang hết tài năng và tình cảm của mình chăm lo đời sống nhân dân.

Năm Canh Tuất (1850), khi đang giữ chức Thự Tuần phủ Định Tường, vì để tàu ngoại quốc trốn thuế nên Đỗ Quang bị miễn chức. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 5, mặt khắc 38 có ghi vụ việc này rằng: “Phận đồn cửa biển tỉnh Định Tường có người buôn nước Thanh trốn thuế. Bộ Hộ tâu bàn: vì quan lại canh phòng sơ sài để đến nỗi người buôn trốn thuế), Tuần phủ Đỗ Quang, án sát Lê Văn Thành bị khép vào tội trượng, đem đi đồ (cho là cố ý trái điều cấm, dung túng kẻ phạm. Vua gia ơn giảm tội xuống, cách chức, theo làm việc ở bộ Lại, gắng sức báo hiệu”. Hay tin Đỗ Quang bị miễn chức, dân Định Tường đã rất buồn lòng, tiếc nhớ. Chính bản thân vua Tự Đức trong một lần thiết triều cũng đã nói với quần thần về việc này: “Nghe tin Đỗ Quang ở Định Tường bị mất chức, dân ở hạt ấy khóc như mưa, nếu không phải ngày thường được lòng dân thì sao có thể được như thế”.

5 năm sau (tức năm Ất Mão – 1855), vì vụ việc trên ở Định Tường mà ông phải bồi thường. Tổng đốc Tôn Thất Cáp đã dâng sớ cho rằng Đỗ Quang là người liêm chính, xin được miễn tội nên ông được vua tha. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 12, mặt khắc 32 có ghi rằng: “Miễn cho Đỗ Quang, lĩnh Bố chính Nam Định về khoản tiền bồi tang vật, vì đã lầm lỗi trong khi làm việc công. Vua bảo bộ Hình rằng: Đỗ Quang làm quan giữ được thanh liêm, nên miễn cho viên ấy, để tỏ sự khuyến khích”.

Tháng 2 năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Trước tình hình rối ren ấy, năm 1860, triều đình cử Đỗ Quang vào Nam giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định để hiệp cùng quan quân đối phó thực dân Pháp. Năm Nhâm Tuất (1862), khi hòa nghị thành, triều đình triệu Đỗ Quang về kinh làm Tham tri bộ Hộ, sung chức Tuần phủ Nam Định. Đỗ Quang dâng sớ tâu vua lời lẽ khẩn thiết, Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 31, mặt khắc 4 ghi rằng: “Hôm thần về, dân chúng đứng chặn kín và nói: Nay cha bỏ con, quan bỏ dân, quan về lại làm quan, dân thì không được làm dân của triều đình nữa. Tiếng khóc đầy đường, thần cũng phải gạt nước mắt mà đi. Thiết nghĩ, thần hèn kém không có tài năng, nhưng từ trước đến nay luôn có dân xung quanh, vốn không dám tính đến ngày nào về. Nay, thần được gia ơn gọi về, mà nghĩa tình dân chúng lại hướng đến, vì triều đình xuất của cải, sức lực, không biết đặt tấm thân nơi nào. Như thế thì trên phụ triều đình, dưới phụ trăm họ, tội không thể chối được. Nếu lại nhận bừa chức ở vùng Nam Định, thì dân chúng ở Gia Định sẽ ra sao? Công luận trong thiên hạ sẽ thế nào? Thần còn có tấm lòng, nên rất biết hổ thẹn. Huống hồ kiến thức của thần lại nông cạn, nếu có gắng gượng làm việc thì chỉ là cầu lợi lộc chứ cũng không có chút công trạng gì. Xin thu hồi lệnh đã ban, bãi chức, cho thần về với ruộng vườn làng xóm, để trút lòng oán giận của dân chúng, mà phần nào hạ thần vẫn còn tiết liêm sỉ”.

Vua xem lời tâu xong, cho triệu ông vào yết kiến và dụ rằng: “Trẫm đã biết tấm lòng của khanh, mà khanh cũng nên biết lòng của trẫm không phải như thế”.

Được nhà vua nể trọng

Đỗ Quang được vua Tự Đức đánh giá là vị quan tốt, thương dân như con, trong triều ngoài trấn thanh liêm chính trực, cần mẫn thận trọng, từ Nam ra Bắc mấy bận bôn ba, người người đều ca ngợi. Năm Bính Dần (1866), Đỗ Quang mất, thọ 60 tuổi. Biết tin, vua Tự Đức truy tặng Tư Thiện Đại Phu, Thượng thư bộ Lễ và ban tên thụy là Trang Lược. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 31, mặt khắc 5 ghi: “Vua ban dụ rằng: “Đỗ Quang ra làm quan đã hơn 30 năm, trong sạch, trung chính, chăm chỉ, cẩn thận, được tiếng cả trong lẫn ngoài. Trước đây, ở Nam kỳ dẫu gặp gian nan vẫn giữ tiết tháo, khi làm Tham tán quân vụ ở Hải An có công lao rõ rệt. Đến năm nay, ngoài biên có biến loạn, được đặc cách khởi phục chức trong khi đang bị bệnh để vỗ yên nơi trọng yếu, không ngờ bệnh ngày càng nặng thêm, bèn cho nghỉ việc về làng. Trẫm vẫn nghĩ tới người đang lúc cần dùng, không may lại mất, thực là đau xót. Cho Đỗ Quang được truy tặng là Thượng thư bộ Lễ, còn con của khanh thì đợi chỉ sẽ được bổ dụng, ban lộc cho mẹ già để sinh sống và lệnh cho quan Hữu ty thường xuyên tới thăm hỏi”.

Nhiều năm sau khi ông mất, vua Tự Đức vẫn thường nhắc tới Đỗ Quang như một tấm gương sáng cho các quan viên noi theo. Có thể kể đến là mùa đông, tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), khi định lại phép thi văn, vua Tự Đức sắc xuống cho bộ Lễ, trong đó đoạn rằng: “…Vả lại xét ra khoảng năm Minh Mạng, người dự giáp khoa phần nhiều là những người học nhiều rộng khắp như bọn Tô Trân, Đỗ Quang, dự hầu ở nhà Kinh diên thấy rất tinh kỹ…”.

Lại đến năm Kỷ Mão (1879), khi định lại phép thi Hội trúng cách vào thi Đình, vua Tự Đức xuống dụ cho quần thần, trong đó cũng có nói về Đỗ Quang, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 61, mặt khắc 24, 25 còn ghi rằng: “Khoa thi Tiến sĩ là phép lớn kén chọn nhân tài từ nhà Đường, nhà Tống trở về sau, các bậc danh nho cự khanh đều ở đấy mà ra, thực là chọn rất tinh tường, lấy rất xứng đáng. Quốc triều ta, khoảng năm Minh Mạng, người đỗ giáp đệ như Hà Quyền, lời văn thanh nhã đẹp đẽ, chầu thực ở Nội các, công việc phần nhiều tinh nhanh, thường được khen thưởng; Phan Thanh Giản nết thuần thục học nhiều, thơ văn cũng nhiều bài được; lại như Trương Quốc Dụng, Tô Trân, Đỗ Quang mọi người đều là người học uẩn súc, Đỗ Quang, Tô Trân trước ở toà Kinh diên, mỗi khi tiến giảng một bài, thì dẫn rộng các sách cùng nhau diễn dịch, nghĩa lý có phát minh nhiều”.

Còn nhiều lời tốt đẹp mà người đời danh cho Thượng thư Đỗ Quang cả khi ông còn sống cũng như lúc ông đã khuất 155 năm nay./.

……………………………………………..

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ sơ H17/32, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H22/81, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H24/62, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H62A/1, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.