Nhà sử học Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?

Đinh Bộ Lĩnh, ông Vua xứ hoa lau, người lớn lên trong thời bình, lập nghiệp trong dẹp loạn, đã xứng đáng là người giữ vị trí trụ cột trong việc củng cố quốc gia thống nhất, tập quyền trong thế kỷ thứ X.

Đinh Bộ Lĩnh là người tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn.

Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập ghi chép v/v Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi và đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, năm 968

(Nguồn: TTLTQGIV)

1. Nhân vật và Sự kiện

Năm 944, Ngô Quyền mất. Các phe phái nổi lên khắp nơi, đất nước lâm vào tình trạng không ổn định. Năm 950, Ngô Xương Văn được sự ủng hộ của các tướng lĩnh đã lật đổ được Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua. Xương Văn mời anh về cùng nhau trông coi việc nước. Song, do mâu thuẫn nội bộ, uy tín nhà Ngô giảm sút.

Năm 965, Ngô Xương Văn chết. Cuộc tranh chấp giữa các thế lực cát cứ, thổ hào địa phương vẫn tiếp diễn. Lúc đó, đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn bởi 12 tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau. Sử cũ gọi là “loạn 12 sứ quân”.

Trong hoàn cảnh nói trên, tại đất Hoa Lư (Ninh Bình) xuất hiện nhân vật Đinh Bộ Lĩnh – người sau này lập ra nhà Đinh.

Đinh Bộ Lĩnh (924-979) là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là vùng Gia Viễn -Ninh Bình). Cha là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Do cha mất sớm, ông theo mẹ về quê ở, thường đi chơi với kẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.

Vào độ tuổi trưởng thành, Đinh Bộ Lĩnh là người có khí phách phi thường lại có tài thao lược và nung nấu ước mong lập nên nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông. Vốn là con quan đứng đầu một châu, có uy thế lại thu phục được nhân tâm bằng tài năng của mình, nhưng vì bất hòa với chú, Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu.

Một trong số 12 sứ quân là Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) là một trong những sứ quân mạnh về kinh tế, lại chiếm giữ vùng đất quan trọng là Bố Hải khẩu (phủ Kiến Xương, Thái Bình). Trần Lãm thấy ông là người khôi ngô, có chí khí, đem lòng yêu mến, cho được giữ binh quyền. Đến khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ người hào kiệt, hùng cứ một phương.

Địa bàn hoạt động của Đinh Bộ Lĩnh được mở rộng, quân số, binh lương ngày càng lớn mạnh. Được sự ủng hộ của nhân dân, ông đánh đâu thắng đó, nên được gọi là Vạn Thắng Vương. Hai sứ quân Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội ngày nay) và Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là con cháu Ngô Vương. Đinh Bộ Lĩnh đã dùng mưu hàng phục được Ngô Nhật Khánh, hàng phục được cả Ngô Xương Xí.

Đinh Bộ Lĩnh đi tới đâu, đều được nhân dân góp sức ủng hộ tới đó. Với những sứ quân mạnh như Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, ông đã dùng cung kiếm tiến quân kết hợp với mưu lược. Đỗ Cảnh Thạc chiếm vùng Đỗ Đông Giang (Quốc Oai, Hà Tây) có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh. Theo thần phả Độc Nhĩ Đại vương, Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, nên phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ. Đỗ Cảnh Thạc quân tướng không ứng cứu được nhau, bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đỗ Cảnh Thạc bị thua. Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Đinh Bộ Lĩnh bày binh bố trận giao chiến. Nguyễn Siêu thua, phải ngầm qua sông xin cứu viện sứ quân khác. Đinh Bộ Lĩnh biết tin, bèn sai võ sĩ nửa đêm phóng lửa đốt doanh trại. Quân Nguyễn Siêu tan. Các sứ quân Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thủ Tiệp, Phạm Bạch Hổ… đã thất bại ngay từ trận đánh đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Đất nước thống nhất. Loạn 12 sứ quân đã dẹp xong.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt lớn), đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, cho đúc tiền để tiêu dùng trong nước; đối với những kẻ phạm tội, thì dùng những hình phạt khắc nghiệt như ném vào vạc dầu sôi, hay vứt vào chuồng hổ. Đinh Tiên Hoàng phong vương cho các con, cử các tướng lĩnh thân cận nắm giữ các chức vụ chủ chốt như phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân (Tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con Đinh Liễn là Nam Việt vương.

Về ngoại giao, để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống năm Nhâm Thân (972), Đinh Tiên Hoàng sai con là Đinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương và phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Đinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn sứ quân. Nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa tuân theo luật lệ của triều đình. Bởi vậy để răn đe kẻ phản loạn, Đinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt để giữ vững kỷ luật yên ổn.

Việc binh lính thì Đinh Tiên Hoàng phân ra đạo, quân, lữ, tốt, ngũ. Mỗi một đạo có 10 quân; 1 quân 10 lữ; 1 lữ 10 tốt; 1 tốt 10 ngũ; 1 ngũ 10 người. Vậy một đạo là 100.000 người, và cứ số ấy mà tính thì nhà Đinh bấy giờ có 10 đạo, là 1.000.000 người.

Nhưng rồi Đinh Tiên Hoàng phạm sai lầm, ấy là bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thuở hàn vi, không được kế vị, tức giận, sai người giết Hạng Lang, gây nên mối họa hoàng tộc.

Năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.

 2. Tư liệu trích dẫn từ chính sử Mộc bản Triều Nguyễn

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 chép:

Họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm [968-979], bị nội nhân là Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi [924-979], tán ở sơn lăng Trường Yên.

Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ [Đế], song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!

Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”…

Mậu Thìn, năm thứ 1 (968), (Tống Khai Bảo năm thứ 1). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 1, mặt khắc 1, 2, 3, 4 chép:

Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng năm thứ nhất (Tống Thái tổ, năm Khai Bảo thứ nhất).

Vạn Thắng vương lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (không rõ tháng nào).

Vua là người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, cha là Đinh Công Trứ, mẹ là Đàm thị. Đinh Công Trứ trước kia làm nha tướng của Dương Diên Nghệ, quyền giữ chức Thứ sử Hoan Châu, sau theo Ngô Vương, vẫn làm chức cũ. Khi Đinh Công Trứ mất, ngài hãy còn nhỏ, Đàm thị đưa về ở trong động núi. Khi chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng phục tùng cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ chéo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; chúng lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. Khi đánh trẻ con thôn khác, đi đến đâu ngài đều được phục tùng đến đấy. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc. Mẹ ngài thấy thế mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách đều bảo nhau rằng: “Đứa bé này có khí chất độ lượng phi thường, chắc sẽ làm nên sự nghiệp lớn”. Họ liền đưa con em theo ngài, lập ngài làm trưởng. Ngài ở sách Đào Úc, hàng ngày đi đánh các sách khác chưa chịu phục tùng.

Bấy giờ có Thúc Dự giữ sách Bông chống cự với vua. Vua vì quân ít, không địch nổi, bị thua chạy. Khi qua cầu Đàm Gia. Cầu gẫy, vua bị sa xuống bùn lầy. Dự đuổi theo, toan đâm thì bỗng thấy rồng vàng che phủ hai bên, Dự sợ nên rút lui. Vua thu nhặt tàn quân rồi đánh lại, Dự phải xin hàng.

Lúc ấy phương Nam, phương Bắc đang rối ren. Sứ quân các bộ thay nhau nổi lên, mỗi người xưng hùng một nơi, chia cắt đất nước. Nghe tin Trần Minh Công là người có đức, vua đến nương nhờ, Minh Công cho giữ binh quyền. Khi Minh Công mất, vua sẵn có quân ấy nên chiếm giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt, dựa chỗ hiểm để đóng giữ. Hai vua Nam Tấn và Thiên Sách nhà Ngô đánh mãi không được. Đến khi nhà Ngô mất, vua hàng phục được Phạm Phòng Át, phá được Đỗ Động, hạ thành, đánh ấp, đến đâu thắng đấy nên được tôn gọi là Vạn Thắng Vương. Dẹp tan mười hai sứ quân, tự lập làm đế.

Vua đóng đô ở Hoa Lư. Vua muốn đóng đô ở thôn Đàm nhưng vì ở đấy đất chật hẹp, lại không có thế hiểm trở, nên dựng kinh đô mới ở Hoa Lư. Vua đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt nghi lễ trong triều.

Quần thần dâng tôn hiệu. Tôn hiệu của vua là Đại Thắng Minh hoàng đế.

Vua đặt vạc, nuôi cọp để thị uy với người có tội. Vua muốn dùng uy để trị thiên hạ, mới đặt vạc lớn ở sân, nuôi hổ dữ ở cũi, vua hạ lệnh “Hễ kẻ nào vi phạm thì bắt bỏ vào nấu trong vạc, hay cho hổ ăn thịt”. Mọi người đều sợ hãi, không dám phạm pháp.

Năm Kỷ Mão, năm thứ 10 (979) (nhà Tống, năm Thái Bình hưng quốc thứ 4).

Trước kia, Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm ở trên cầu bỗng thấy sao sa vào miệng, tự cho là điềm lạ bèn manh tâm làm điều trái nghĩa. Lúc ấy, nhân dịp ban đêm vua dự yến tiệc, say rượu, nằm trong sân cung, bèn giết vua và Nam Việt vương Đinh Liễn. Lúc ấy việc truy bắt Đỗ Thích rất gắt gao. Đỗ Thích núp ở lòng máng trong cung đã hơn ba ngày nê rất khát. Gặp trời mưa, Đỗ Thích thò tay ra hứng nước uống. Cung nữ trông thấy liền báo cho Nguyễn Bặc. Nguyễn Bặc bắt Đỗ Thích đem chém rồi cùng Đinh Điền, Lê Hoàn rước Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi; truy tôn vua là Tiên Hoàng đế.

Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm, thọ 56 tuổi.

Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 19, 20 chép:

Vua Đinh Tiên Hoàng.

Sách Sử ký bản kỷ chép: Vua Tiên Hoàng họ Đinh, tên là Bộ Lĩnh, là người ở động Hoa Lư (nay là tỉnh hạt Ninh Bình) đất Đại Hoàng. Ngài là con của thứ sử châu Hoan là Đinh Công Trứ.

Mồ côi cha từ lúc nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh cùng với bọn tiểu đồng đi chăn trâu ở ngoài đồng ruộng. Bọn tiểu đồng kia tự biết học thức và khí chất của mình không bằng Bộ Lĩnh nên suy tôn Bộ Lĩnh làm đầu. Mỗi khi nô đùa bọn tiểu đồng thường rủ nhau đâu tay lại làm kiệu để công kênh Bộ Lĩnh, và lấy hoa lan làm cờ, bọn ấy đi kèm hai bên Bộ Lĩnh, biểu tượng nghi vệ của thiên tử.

Các bậc phụ lão của các sách kháo chuyền với nhau rằng: “Đứa bé kia có khí chất và tài năng khác thường, thế nào nó cũng sẽ làm nên việc lớn”. Họ mới đốc suất con em họ đi theo Bộ Lĩnh. Và bọn trẻ con ấy đều suy tôn Bộ Lĩnh và lập Bộ Lĩnh làm thủ lĩnh.

Bộ Lĩnh ở sách Đào Úc còn người chú thì chiếm cứ sách Bồng, chống cự Bộ Lĩnh và hai bên đánh nhau. Bộ Lĩnh đương còn trẻ tuổi, thế lực về quân sự chưa được mạnh, nhân thua trận phải chạy qua cầu Nương Loan của nhà họ Đàm. Cầu ấy bị gãy, Bộ Lĩnh rơi xuống bùn lầy và mắc kẹt ở đấy. Người chú muốn đâm chết Bộ Lĩnh, nhưng thấy hai con rồng vàng tới hộ vệ Bộ Lĩnh, chú mới sợ hãi rồi rút lui mất. Bộ Lĩnh thu góp số tàn quân, rồi đánh lại chú, chú phải xin hàng. Từ đấy, việc chinh chiến của Bộ Lĩnh dễ dàng như chẻ tre. Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó, nên gọi là Vạn Thắng Vương.

Lúc bấy giờ nhà Ngô (tức Ngô Vương Quyền, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn) đã hoàn toàn suy sụp, mười hai sứ quân mạnh ai kẻ ấy tự xưng là hùng trưởng và tự cắt đất đai để chiếm cứ, Bộ Lĩnh chỉ một phen cất quân mà bình định được cả đất nước. Đinh Bộ Lĩnh tự lập lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt và sai sứ thần qua nhà Tống kết tình nghĩa giao hảo. Nhà Tống sai sứ thần qua phong Đế làm Giao Chỉ quận vương.

Đế muốn lấy uy quyền của mình để chế ngự thiên hạ, bèn đặt cái vạc lớn ở giữa sân rồng và nuôi mãnh hổ ở trong cũi gỗ lớn.

Đế hạ lệnh nói: Ai mà trái phép luật nhà nước thì sẽ bị bỏ vào vạc nấu, hay bỏ vào cũi cho cọp ăn thịt, cho nên các tội nhân đều khiếp sợ, không ai dám tái phạm nữa. Đinh Tiên Hoàng sắp đặt phẩm trật và giai cấp cho các quan văn, võ và phong Lê Hoàn làm tướng chỉ huy mười đạo quân. Đinh Tiên Hoàng trị vì được 12 năm. Chi hậu Nội nhân là Đỗ Thích thừa dịp Tiên Hoàng ăn tiệc ban đêm say nằm giữa sân, mới lén ám sát nhà vua. Các quan đại thần trong triều bắt giết Đỗ Thích rồi lập Hoàng tử là Vệ Vương Toàn (hay Duệ) lên nối ngôi. Vệ Vương Toàn còn thơ ấu, Lê Hoàn lên nhiếp chính rồi cướp ngôi vua luôn.

Thơ vịnh Đinh Tiên Hoàng:

Lau vác đua phò “Vạn Thắng Vương”

Hoa Lư định đỉnh khác tầm thường

Phạt ai, mãnh hổ nuôi trong cũi?

Họ Đỗ, nhà Lê chực sẵn sàng.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H60/1, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Mộc bản triều Nguyễn.

2. Hồ sơ 97/2, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Mộc bản triều Nguyễn.

3. Hồ sơ H31/7, Đại Việt sử ký toàn thư, Mộc bản triều Nguyễn.