Mộc bản triều Nguyễn là những ván gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược để in thành sách được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Thành phần của tài liệu Mộc bản bao gồm các tác phẩm chính sử, chính văn của vương triều Nguyễn; những ván khắc các sách kinh điển của Nho gia và những ván khắc trước thời Nguyễn được chuyển từ Bắc Thành về lưu giữ tại Huế dưới hai đời vua Minh Mệnh và Thiệu Trị.

Trong đó, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chính biên và tục biên là một trong những công trình đồ sộ nhất được Nội các triều Nguyễn biên soạn, về quy mô có thể xếp ngang hàng với bộ Đại Nam thực lục. Đây là một trong hai bộ chính sử lớn nhất của triều Nguyễn.

Mộc bản Triều Nguyễn đang bảo quản trong kho chuyên dụng của TTLTQGIV

Hiện nay, trong kho Mộc bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có ba phần của bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm chính biên; tục biên và tục biên hậu thứ (còn gọi là tục biên A và B).

Phần chính biên của bộ sách đã được Tổ phiên dịch Viện Sử học nhiều năm miệt mài làm việc (từ những năm 1960) chuyển ngữ và chú giải tiếng Việt. Năm 1993, phần chính biên mới được in ấn xuất bản gồm 15 tập.

Về phần tục biên, theo nhà Hán học Trần Văn Giáp, người có nhiều năm làm việc tại Trường Viễn đông Bác cổ và sau đó tại Viện Sử học, thì bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên được biên soạn vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) đến năm Thành Thái thứ 7 (1895) mới hoàn thành; vì nhiều lý do khác nhau nên mãi đến năm Khải Định thứ 2 (1917) công trình này mới được đem đi khắc in.

Bộ Tục biên A gồm 60 quyển và 1 quyển Mục lục cũng đã được Viện Sử học và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp hiệu đính, chỉnh sửa và cho xuất bản năm 2004 gồm 10 tập.

Về phần tục biên hậu thứ là những ghi chép về tổ chức bộ máy, hoạt động của triều Nguyễn từ năm 1890 đến 1914, gồm Tôn Nhân phủ; Phủ Phụ chính; Cơ mật viện, Lại bộ; Hộ bộ; Lễ bộ; Học bộ; Binh bộ; Hình bộ; Công bộ; Nội các; Quốc Sử quán; Đô Sát viện; Quốc Tử giám; Trường hậu bổ . Đây là nguồn tư liệu quan trọng về mọi mặt trong thể chế chính trị xã hội của triều Nguyễn.

Hiện nay, bộ Tục biên hậu thứ (bộ B) gồm 53 quyển và 1 quyển thủ, đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức dịch thuật.

Dự kiến trong 3 năm, hai đơn vị sẽ nỗ lực chỉnh lý, biên phiên dịch, tiến tới hoàn thiện và cùng tìm nguồn vốn hỗ trợ, xuất bản, để ra mắt độc giả một ấn phẩm quan trọng, phục vụ cho nghiên cứu và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Việc dịch thuật bộ Hội điển Tục biên hậu thứ đã thể hiện sự kế thừa, tiếp nối, làm rõ hơn “dòng chảy lịch sử triều Nguyễn” được ghi chép từ Hội điển – chính biên, Hội điển – tục biên, đồng thời phản ánh rõ những cơ quan mới trong hệ thống chính trị văn hóa triều Nguyễn, mang đậm dấu ấn đặc trưng của thời cuộc, như “Học bộ”, “Hậu Bổ trường”,…

          Về quy mô biên dịch bộ Tục biên B gồm 2.619 bản dập tương đương với 5.238 trang chữ Hán.

Phạm Yến