ĐỊA DANH CHI LĂNG VÀ NHỮNG CHIẾN CÔNG TRONG LỊCH SỬ

 

Thời kỳ Đại Cồ Việt đánh dấu lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng. Việc thành lập nhà nước Đại Cồ Việt là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.

Khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị sát hại, con thứ là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi, triều đình nhà Đinh suy yếu. Nhân cơ hội này, nhà Tống ráo riết tập trung binh lực chuẩn bị xâm lược nước ta. Đứng trước vận mệnh nguy nan của đất nước, triều đình đã suy tôn Lê Hoàn làm vua, lập ra nhà Tiền Lê vào năm 980. Ngay khi lên ngôi, Lê Hoàn liền cử sứ đoàn sang Tống hoãn binh, đồng thời ráo riết bố phòng, lập đồn lũy, tích trữ lương thảo, rèn vũ khí, tuyển thêm quân, quyết tâm kháng chiến giữ nước.

Nhà Tống lấy cớ Lê Hoàn tự xưng Đế, đổi niên hiệu để đem quân thôn tính nước ta. Chúng sai sứ sang nước ta đưa ra hai yêu cầu: hoặc Đinh Toàn thống soái, Lê Hoàn làm Phó, hoặc phải đưa hai mẹ con Dương Vân Nga – Đinh Toàn sang quy phục, nhà Tống sẽ trao Tiết Việt (***) cho Lê Hoàn. Lê Hoàn không chịu, vì thế, đầu năm 981, quân Tống đem 4 vạn quân sang xâm lược nước ta.

Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á thời bấy giờ mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương, sứ thần Tống còn làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống.

Theo Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 1, mặt khắc 12 chép vào năm Tân Tỵ (981) cuộc kháng chiến chống quân Tống diễn ra ở nhiều nơi trong đó địa danh Chi Lăng đóng vai trò cũng hết sức quan trọng “Tháng 3, mùa xuân. Quân Tống sang xâm lược. Nhà vua tự làm tướng, đánh bại quân địch. Bấy giờ quân Tống chia đường sang xâm lấn: Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng kéo đến Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến sông Bạch Đằng. Nhà vua tự làm tướng, ra kháng chiến: sai quân sĩ đóng cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn cản địch. Quan quân Tống đông lắm. Quan quân ta đánh bất lợi: hai trăm thuyền chiến đều bị địch lấy mất cả. Hầu Nhân Bảo đem tiền quân tiến lên trước. Tôn Toàn Hưng đóng quân lại, không đi; Nhân Bảo thường phải thúc giục. Khi quân Tống kéo đến sông Chi Lăng, nhà vua sai người trá hàng, dụ bắt được Nhân Bảo, đem chém. Bọn Lưu Trừng rút lui. Khâm Tộ nghe tin, trút quân quay về. Nhà vua lại đem các tướng truy kích: quân Khâm Tộ thua to, chết mất quá nửa. Bên ta bắt được bộ tướng của địch là bọn Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân, điệu về kinh đô. Chuyển vận sứ nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem tình hình thua trận tâu bày về triều, vua Tống xuống chiếu rút quân về”([1]).

Trận chiến chống quân Tống xâm lược đã giành được chiến thắng khi Lê Hoàn bằng nghệ thuật quân sự tài ba đã tiêu diệt được tên chủ tướng địch là Nhu Bảo, đồng thời tiếp tục truy kích địch, tiêu diệt quá nửa quân của Trần Khâm Tộ, bắt sống nhiều tướng giặc như: Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân… Đại quân Tống bị đánh tan, vua Tống Thái Tông buộc phải ra lệnh bãi binh, rút tàn quân về nước, chịu thất bại thảm hại trong cuộc xâm lược Đại Cồ Việt. Cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược do Lê Hoàn chỉ huy đã thắng lợi vẻ vang, nền độc lập dân tộc được bảo toàn.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống đã làm nức lòng nhân dân cả nước, củng cố vững chắc lòng tin vào khả năng bảo vệ độc lập của dân tộc Việt Nam. Trong đó cửa ải Chi Lăng đã ghi dấu là bức bình phong vững trãi trong việc chống kẻ thù xâm lược.

Năm 1076, Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân và dân Đại Việt lập phòng tuyến đánh địch dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Tại Ải Chi Lăng, Thái úy cũng bố trí quân mai phục do thủ lĩnh Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã triệt để sử dụng vách đá, lùm cây, bờ sông, ngọn suối thành một trận đồ bát quái của chiến tranh toàn dân. Đánh một trận, khi giặc rút lui đã làm cho chánh tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết nổi danh tài ba “xuất quỷ nhập thần” của nhà Tống phải “vỡ mật”, “giập gan” chạy thoát thân về quê cha đất tổ vẫn không tin mình còn sống.

Năm 1285, quân Nguyên hùng hổ kéo sang nước ta lần thứ hai như muốn nuốt chửng một nước bé nhỏ. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thân chinh đến Ải Chi Lăng khảo sát và lập trận đồ để đánh phủ đầu quân giặc. Ông nhận định: Quân Nguyên mạnh nhất là kỵ binh, kỵ binh mạnh nhất là ngựa chiến. Ông đã cho đào vô vàn hố bẫy ngựa từ Ải Chi Lăng vào sâu mấy chục dặm. Hố bẫy ngựa trên có lắp ngụy trang, bên trong có một “hàm ếch” và có lính mai phục, cầm sẵn mã tấu cực sắc để chặt chân ngựa và “độn thổ” chiến đấu.

Ở Ải Chi Lăng, khi quân Nguyên vào và ra lại bị những bẫy đá ụp xuống đầu, lao phóng ngang sườn, tên từ vách núi, lùm cây bắn ra rào rào, nhất là những cái “hố bẫy ngựa” đã làm cho những vó ngựa từng tung hoành khắp châu Âu và gần hết châu Á ngã quỵ, loang máu. Cũng ở đây, Trần Nam Vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn, bỏ mặc hai tướng Lý Hằng, Lý Quán và hàng vạn binh lính bỏ xác nơi Cửa Tử này.

Tiếp đó, lịch sử hào hùng của dân tộc ta còn chứng minh cuộc kháng chiến chống gần 10 vạn quân Minh xâm lược vào năm 1427 bằng chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang lừng lẫy. Ải Chi Lăng đã trở thành nơi ghi công một trong trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo quân chủ lực của nhà Minh do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy hơn 10 vạn quân kéo sang để dẹp khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ quân địch ở Chi Lăng – Xương Giang.

Mộc bản sách Đại Việt Sử ký toàn thư quyển 10, mặt khắc 39, 40 chép về diễn biến của chiến dịch chống 10 vạn quân Minh như sau: “Ngày 18, nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy.  Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa. Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta”.

Vua họp các tướng bàn rằng: “Giặc vốn khinh ta, cho là ngưới nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lần ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng”.

Bèn sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt,  Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi giặc.

Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa ải [Lưu]. Giặc tiến đánh, Lưu lại bỏ cửa [Ải] Lưu* lui về đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân đánh phá uy hiếp Chi Lăng**. Bọn Sát và Nhân Chú mật sai Lựu ra  đánh rồi giả cách thua chạy. Giặc quả nhiên rất mừng. Ngày 20, Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặr đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc”([2]).

Trận Chi Lăng – Xương Giang đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Với chiến công hiển hách này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ chống giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Trận chiến này đã cống hiến xuất sắc những kinh nghiệm thực tiễn về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, mãi mãi là niềm tự hào to lớn cho chúng ta, là những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị trong việc nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chi Lăng nơi lưu giữ những giá trị di sản lịch sử, di sản thiên nhiên vô cùng phong phú, với vị trí địa lý bao gồm toàn bộ lòng chảo thung lũng dài khoảng 15 km dọc theo thung lũng sông Thương thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy bền vững những chứng tích lịch sử còn lưu giữ đến ngày nay là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Đây chính là nhiệm vụ hàng đầu của các ngành, các cấp trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử cho các thế hệ mai sau./.

Phạm Yến

Chú thích:

(*). Ải Lưu: (nguyên văn thiếu chữ Lưu) cũng là cửa ải trên đường từ Khâu Ôn đến Chi Lăng, nằm ở khoảng Lạng Nắc, hoặc trên đó không xa lắm, vùng giáp giới hai xã Nhân Lý và Sao Mai, huyện Chi Lăng ngày nay.

(**). Chi Lăng: Là ải hiểm trở nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan, cách Pha Lũy khoảng 60 km, thuộc xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

(***) Tiết Việt: “Tiết” nghĩa là cờ tiết mao; “việt” nghĩa là lưỡi búa lớn có cán dài. Khi xưa, một ông vua phong ai làm đại tướng thì giao cho hai thứ ấy để làm tượng trưng cho sự thay quyền mình. Do đó, chữ “tiết việt” đã trở nên danh từ và các đồ vật ban cho ai khi cho người ấy làm một chức quan to, đầu một xứ.

 

[1] H63/2, Mộc bản triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên.

[2] H53/2, Mộc bản Mộc bản triều Nguyễn, Đại Việt Sử ký toàn thư.