“Đèo Ngang nặng gánh hai vai

Một bên Hà Tĩnh một bên Quảng Bình”.

Đèo Ngang (Hoành Sơn) là tên một con đèo nằm ở ranh giới xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn chạy ngang ra biển và được xem là một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Qua Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, cùng hiểu thêm về con đèo đặc biệt này.

Trong lịch sử, Đèo Ngang được biết với câu sấm truyền nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vào năm Ất Tỵ (1545), sau khi Nguyễn Kim bị mưu sát, Trịnh Kiểm được vua Lê lựa chọn chỉ huy công việc triều chính. Để giữ vững quyền hành của mình, Trịnh Kiểm tìm cách loại trừ phe cánh của Nguyễn Kim mà trước hết là các con trai của ông. Người con đầu là Nguyễn Uông bị ám hại. Người con thứ là Nguyễn Hoàng lo lắng, băn khoăn chưa biết làm gì, bèn sai người đến hỏi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì được tâu: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời được). Nguyễn Hoàng sau đó đã qua Hoành Sơn đến Thuận Hóa và làm nên nghiệp lớn của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Về núi Hoành Sơn, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 20 ghi chép như sau: “Núi Hoành Sơn ở cách huyện Bình Chính 42 dặm về phía đông bắc, giáp địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh), một dải núi từ xa ở phía tây dăng dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra đến biển, trông cho bức trường thành…”.

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 20 ghi chép về núi Hoành Sơn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Năm Quý Sửu (1613), trước khi mất, Nguyễn Hoàng lại dặn dò con là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Thạch Bi, địa thế hiểm cố, thật là một nơi để cho người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ kháng cự lại họ Trịnh thì gây được cơ nghiệp muôn đời”.

Sau khi vua Quang Trung thống nhất đất nước, chấm dứt tình trạng Trịnh – Nguyễn phân tranh thì Đèo Ngang trở thành cửa ngõ ra Bắc vào Nam. Thế nhưng, khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh vào năm Kỷ Dậu (1789), nhà vua đã quyết định không qua cổng của những thành lũy dựng từ trước mà trổ một con đường khác, với ý nghĩ muốn đất nước liền một dải, không có sự phân chia.

Dưới triều vua Nguyễn, Đèo Ngang đã được khai phá và đắp đá thành đường nối liền hai bên chân núi Hoành Sơn. Đến tháng 3, năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mạng đã cho dựng Hoành Sơn quan. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 90, mặt khắc 24 ghi rằng: “Thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn (Hoành Sơn trên liền núi cao dưới giáp biển lớn, ở khoảng tiếp giáp giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở 1 cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi; bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng; có chỗ cao 3, 4 thước, có chỗ cao 5, 6 thước không chừng. Trong dựng một trại lính 3 gian để làm chỗ biền binh đóng giữ. Lấy 300 biền binh ở Quảng Bình và Hà Tĩnh để làm việc xây dựng đó). Sai thự Thị lang bộ Công là Đoàn Văn Phú đến quản đốc. Khi Phú đi, vua dụ bảo rằng: “Nay Nam, Bắc một nhà, bốn phương vô sự, trong có các cửa ải Quảng Bình, Vũ Thắng là nơi hiểm yếu đủ cậy rồi. Còn cửa ải Hoành Sơn này lập nên chỉ để xét hỏi quân gian, cũng là một đồn phân phòng đó thôi. Ngươi nên xét kỹ hình thế, trù tính việc làm, cốt sao đỡ tốn”. Sau đó vì thấy bộ Công nhiều việc, bèn sai thự Bố chính Quảng Bình là Trần Văn Tuân chuyên coi mọi việc, mà vời Phú về. Một tháng làm xong, phái 1 Suất đội và 20 lính Quảng Bình đến đóng giữ, mỗi tháng 1 lần thay phiên”. Cho đến nay, công trình này vẫn còn lại dấu tích uy nghi, cổ kính nơi đỉnh đèo.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 90, mặt khắc 24 ghi chép việc vua Minh Mạng cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Với vị trí xung yếu, huyết mạch của đất nước nên vào mùa đông tháng 12 năm Ất Mùi (1835), quan tỉnh Quảng Bình tâu lên vua: “Một dải Hoành Sơn thuộc tỉnh, về lối đi lên phía Bắc, rừng núi trùng điệp, giáp giới Hà Tĩnh. Trong ấy các nơi Lệ Quán, Kiện Tuần đều có đường tắt, quân gian thường do lối ấy lén lút qua lại. Chỗ đó rất là xung yếu. Vậy xin đặt ở Lệ Quán 1 tấn sở gọi là Hùng Sơn dùng 50 người dân ở gần đấy để đóng giữ, miễn cho dao dịch. ở Kiện Tuần đặt 1 tấn sở, gọi là Kiên Khê, lấy 50 biền binh ở đội Ngũ thuộc cơ Quảng Bình, mới mộ, chia làm 2 ban và cho thổ dân phụ vào, thay phiên canh giữ. Lại ở Quan Thượng, núi, khe nước độc, xa cách nơi dân ở, vậy xin chuyển 20 thú binh trước về đồn cũ (ở phía bắc sông) Tiến Giang, liệu rút lấy 6, 7 người lưu lại ở cửa ải để khám xét, cứ 10 ngày thay phiên 1 lần”. Vua chuẩn y lời bàn.

Đến năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng đã cho khắc hình ảnh núi Hoành Sơn vào Huyền đỉnh (tên một trong chín cái đỉnh) đặt trước Thế miếu. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 177, mặt khắc 22 cho biết: “Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái”.

Đến triều vua Thiệu Trị, vào năm Nhâm Dần (1842), vua ngự giá Bắc tuần, khi qua Đèo Ngang, vua đã ban thưởng cho binh lính. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 16, mặt khắc 1 ghi rằng: “Mùa xuân, tháng 2, ngày Tân Tỵ. Ngự giá qua cửa ải Hoành Sơn, biền binh theo hầu tề chỉnh. Vua khen thưởng ngân tiền hạng lớn, hạng nhỏ cho viên Vệ uý ty Loan nghi Tôn Thất Đàm, Phó vệ uý Tôn Thất Hàn và bọn suất đội, có thứ bậc. Các binh đinh được thưởng tiền 50 quan”. Ngoài ra khi đi ngang qua cửa ải Hoành Sơn, cũng giống như nhiều bậc thi nhân khác như Bà Huyện Thanh Quan, trước cảnh non mây trời của dãy Hoành Sơn hùng vĩ chạy chắn ngang ra biển lớn, đứng trước cổng Hoành Sơn cổ kính, rêu phong, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã làm bài thơ ngự chế với nhan đề là “Quá Hoành Sơn quan”.

Dưới triều vua Tự Đức, vào tháng 11, năm Mậu Ngọ (1858), vua đã sai phái lính ở 2 tỉnh Quảng Bình, Nghệ An đến đóng giữ ở cửa ải Hoành Sơn.

Trải bao thăng trầm của thời cuộc, Đèo Ngang giờ đây vẫn hiên ngang, sừng sững giữa đất trời và trở thành tuyến đường du lịch cho những du khách ưa chinh phục những cung đường mạo hiểm. Đứng ở cửa ải Hoành Sơn mới thấy được cảnh núi non trùng điệp, nhìn xuống Quảng Bình là biển Đông bao la với những đảo Hòn La, Vũng Chùa, Đảo Yến…; phía Hà Tĩnh là những dải ghềnh đá lô nhô đâm ngang ra bờ biển tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp, cát trắng mịn màng./.

Cao Thị Quang