Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, là một trong những địa danh xuất hiện rất sớm trên bản đồ Đại Việt. Dựa trên các tư liệu lịch sử, đặc biệt là những ghi chép trong các bộ chính sử Mộc bản triều Nguyễn, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả những những thông tin về quá trình hình thành và thay đổi địa giới hành chính tỉnh Cao Bằng từ thời khởi thủy đến triều Nguyễn.
Thành phố Cao Bằng ngày nay (Nguồn: TTXVN)
Theo nguồn sử liệu cổ, vùng đất Cao Bằng xưa thuộc bộ Vũ Định. Ngay từ khi vua Hùng dựng nước đóng đô ở Phong Châu, chia nước thành 15 bộ gồm: “Giao Chỉ, bộ Chu Diên, bộ Vũ Ninh, bộ Phúc Lộc, bộ Việt Thường, bộ Ninh Hải, bộ Dương Tuyền, bộ Lục Hải, bộ Vũ Định, bộ Hoài Hoan, bộ Cửu Châu, bộ Bình Văn, bộ Tân Hưng, bộ Cửu Đức, còn bộ Văn Lang là chỗ nhà vua đóng đô”, khi ấy vùng đất Cao Bằng đã dần được định hình. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 1 chép “Thái Nguyên, Cao Bằng xưa là bộ Vũ định nội ngoại”.
Trải qua các triều đại Lý – Trần, địa danh này từng mang nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh quá trình biến đổi hành chính phức tạp và liên tục. Năm 1014, địa danh Quảng Uyên được xác lập; đến thời Lý, đổi thành Quảng Nguyên; khi bị nhà Minh đô hộ, đổi thành Uyên huyện; đến thời Lê, gọi là Lộng Nguyên (châu Quảng Uyên). Tên gọi các châu khác như Vũ Lặc, Định Biên, Tư Lang (Thượng Lang, Hạ Lang), Tô Châu, Mậu Châu, Thông Nông, Thạch Lâm… đều phản ánh sự hiện diện sớm của các đơn vị hành chính địa phương thuộc Cao Bằng.
Theo Đồng Khánh địa dư chí thì, đầu đời Lê Thái Tổ đổi làm phủ Bắc Bình, sau đổi làm phủ Cao Bình gồm 4 huyện Thượng Tư Lang, Hạ Tư Lang, Thái Nguyên, Lộng Nguyên. Đời Lê Thánh Tông vẫn gọi là phủ Cao Bình thuộc Thừa tuyên Ninh Sóc.
Dưới thời Hậu Lê, các cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông mang tính hệ thống. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm Bính Tuất (1466), triều đình chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó vùng đất Cao Bằng thuộc Thừa tuyên Thái Nguyên. Đến năm Kỷ Sửu (1469), Vua Lê Thánh Tông cho đổi Thừa tuyên Thái Nguyên thành Thừa tuyên Ninh Sóc. Cụ thể “Thái Nguyên nay đổi làm Ninh Sóc, quản lĩnh 3 phủ, 8 huyện, 7 châu…, trong đó “phủ Cao Bằng quản lĩnh 4 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm và Quảng Uyên”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về Thừa tuyên Ninh Sóc như sau “Đời Hùng Vương xưa, Ninh Sóc thuộc bộ Vũ Định; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Đường là châu Vũ Nga. Nhà Đinh chia làm đạo; nhà Tiền Lê và nhà Lý là Thái Nguyên châu; nhà Trần, năm Quang Thái thứ 10 đổi làm Thái Nguyên trấn; thuộc Minh, là phủ Thái Nguyên; hồi đầu triều Lê, thuộc về Bắc đạo; năm Quang Thuận thứ 7 đặt Thái Nguyên Thừa tuyên; đến đây đổi làm Ninh Sóc thừa tuyên, đem phủ Bắc Bình lệ thuộc vào; giữa niên hiệu Hồng Đức đổi Bắc Bình phủ làm Cao Bằng phủ, vẫn lệ thuộc vào Ninh Sóc”.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì trong các sách “Phương Đình địa chí và Đại Việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu có chép sự kiện năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời vua Lê Hiến Tông đã cho tách và đặt vùng đất Cao Bằng thành một đơn vị hành chính trấn[1]. Từ khi tách ra, Cao Bằng có bộ máy riêng để quản lý lãnh thổ, bộ máy đó chịu sự quản lý điều hành của chính quyền nhà nước Trung ương gồm 3 ty: Đô tổng binh sứ ty (Đô ty), Thừa chính sứ ty (Thừa ty), Hiến sát sứ ty (Hiến ty). Đây cũng là bộ máy tổ chức ở mỗi đạo thừa tuyên lúc đó. Việc tổ chức trọn vẹn ba ty: Đô ty, Thừa ty, Hiến ty ở trấn Cao Bằng với chức năng của từng ty chứng tỏ và khẳng định bộ máy quyền lực của nhà nước đã phát triển, quyền lực đó được tăng cường ở các địa phương.
Dưới thời nhà Mạc, vùng đất Cao Bằng là nơi định đô của vương triều, trải qua các đời vua như Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ… Cao Bằng là căn cứ quan trọng của nhà Mạc để chống lại chính quyền Lê – Trịnh.
Năm Đinh Tỵ (1677), nhà Mạc mất. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 34 ghi: “Mùa xuân, sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh. Địa phương Cao Bằng hết thảy đều bình định được”. Thời kỳ này, Trấn Cao Bằng có 1 phủ Cao Bằng và 4 châu đều theo tên cũ. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21 ghi: “năm Vĩnh Trị thứ 2 dẹp được nhà Mạc, bình định được cả bốn châu thuộc Cao Bằng, mới đặt riêng làm Cao Bằng trấn, chỉ để hai phủ Phú Bình và Thông Hóa lệ thuộc vào trấn Thái Nguyên”.
Thời Tây Sơn, theo sách Đồng Khánh địa dư chí, vì kiêng húy chữ Bình (Nguyễn Văn Bình), tên gọi vua Quang Trung, nên đổi trấn Cao Bình thành trấn Cao Bằng.
Năm Gia Long nguyên niên (1802) vẫn để là trấn Cao Bình, lệ thuộc vào Bắc Thành nhưng theo thói quen vẫn đọc âm là Cao Bằng. Trấn Cao Bằng gồm 1 phủ là Cao Bằng, 4 châu là Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang. Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), đổi tên phủ Cao Bình thành phủ Trùng Khánh. Sách sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 40 chép “Bắt đầu đặt phủ An Biên ở Hà Tiên, phủ Trùng Khánh ở Cao Bằng. Phủ An Biên lấy ba huyện Hà Tiên, Long Xuyên, Kiên Giang lệ vào, phủ Trùng Khánh lấy bốn châu Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm, Quảng Uyên lệ vào. Vua cho rằng hai phủ ấy công việc còn ít, dụ sai trấn thần kiêm lý, đợi nhân khẩu ngày nhiều, đất đai ngày mở để đặt Tri phủ”.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đặt làm tỉnh Cao Bằng, đơn vị hành chính tỉnh bắt đầu được xác lập từ đây. “Cao Bằng: thống trị 1 phủ là Trùng Khánh; 4 châu là Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 17 chép về việc xác lập tỉnh Cao Bằng (Nguồn: TTLTQGIV)
Như vậy, đơn vị hành chính cấp tỉnh tên gọi tỉnh Cao Bằng xuất hiện vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) và đơn vị hành chính châu chính thức bị bãi bỏ, thay vào đó là đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập gồm huyện Thạch Lâm, huyện Thượng Lang, huyện Quảng Uyên và huyện Hạ Lang vào năm 1834.
Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), tách huyện Thạch Lâm để lập thêm phủ Hòa An cho đến năm Tự Đức thứ 27 (1874).
Như vậy đến đời vua Đồng Khánh, thì tỉnh Cao Bằng quản lĩnh 2 phủ (Hòa An, Trùng Khánh), 6 huyện gồm: Thạch Lâm, Thạch Na, Nguyên Bình, Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Uyên.
Lịch sử hành chính tỉnh Cao Bằng là một quá trình phát triển liên tục từ thời khởi thuỷ đến thời Nguyễn. Với vai trò là vùng đất biên cương chiến lược, Cao Bằng luôn được các triều đại quan tâm, đầu tư xây dựng bộ máy quản lý hành chính chặt chẽ, điều đó đã phản ánh sự phát triển và ổn định của vùng đất biên cương quan trọng này trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, 17
2. Mộc bản triều Nguyễn, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 2, 20,21,31,33.
3. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 17,18,60.
4. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 40,76,87,122,126,149,152.
5. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 54.
Phạm Yến
[1] Năm Cảnh Thống thứ 2 mới đặt riêng làm trấn Cao Bằng.