Đắp đê hay bỏ đê, cái nào lợi cái nào hại? Đây là vấn đề mà vua Gia Long đã nêu ra cho các đình thần để lấy ý kiến, trị thủy là một vấn đề vừa cấp bách vừa nan giải của vùng Bắc Thành vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân nơi đây. Với vai trò người đứng đầu nhà nước trung ương tập quyền, để cố kết nhân tâm, ổn định cuộc sống người dân, vua Gia Long luôn mong muốn có được các kế sách phát triển kinh tế cho các trấn ở phía Bắc. Với đặc thù tình hình địa lý nơi đây là khu vực đồng bằng châu thổ chiếm phần lớn, việc trị thủy đã được các đời trước thực hiện nhưng vấn đề vỡ đê, lụt lội vẫn thường xuyên xảy ra, dù hệ thống đê điều ngày càng được kéo dài để phòng chống lũ lụt. Vì vậy, vấn đề trị thủy là vấn đề được vua Gia Long hết sức quan tâm và lo lắng.

Năm 1803, ngay sau khi lên ngôi không lâu, nhà vua đã xa giá đến Bắc Thành, vua Gia Long đã “Hạ lệnh cho quan lại sĩ thứ ở Bắc Thành điều trần về lợi hại của việc đê. Chiếu rằng: “Làm lợi bỏ hại là việc trước tiên của chính trị. Xét xưa sánh nay, phải sao cho đúng lẽ. Những huyện ở ven sông trong địa phương các ngươi từ trước đã lập đê điều để phòng nước lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê điều vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và súc vật cũng bị hại. Bọn ngươi, người thì sinh ở nơi đó, người thì làm việc ở nơi đó, thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê và bỏ đê, cách nào lợi, cách nào hại, cho được tỏ bày ý kiến. Lời nói mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng”.

Khi vua đi thăm xã Thanh Khúc (thuộc huyện Thanh Trì), xem đường đê, quan dân đều dâng phong thư, có người nói đắp đê thì lợi, có người nói bỏ đê thì lợi. Vua cho rằng dư luận phân vân, chưa biết thế nào là đúng. Bèn sai Hộ bộ Nguyễn Văn Khiêm đi khắp các đường xem dòng sông uốn khúc, thế nào, nước phân hợp thế nào, vẽ thành đồ bản để dâng.

Sau đó vua Gia Long đã tiến hành nhiều biện pháp để phòng chống việc vỡ đê gây lụt lội như đặt chức quan đê chính để trông coi, ban bố các điều lệ về đê chính ở Bắc Thành.

Một đoạn đê sông Hồng (Ảnh: Sưu tầm)

1. Đặt chức quan trông coi và ban hành điều lệ về Đê chính

Năm Gia Long thứ 8 [1809], nhà vua đã cho thiết lập chức quan đê chính ở Bắc Thành, người đầu tiên giữ chức quan này là Đặng trần Thường và Dụ rằng: “Sông có đê, đời sống của dân quan hệ ở đó, bọn ngươi phải kính cẩn nhé!”. Chuẩn định đê điều các trấn thuộc Bắc Thành cứ tháng 10 hằng năm các quan phủ huyện trấn phải lần lượt đến khám, quan Đê chính khám lại. Đê nào nên sửa đắp thì xét định công trình lớn hay nhỏ, thành thần xét công trình nhỏ thì giao cho phủ huyện lấy dân ở những nơi thế nước đến được mà làm, công trình lớn thì sai người hiệp cùng trấn thần thuê dân làm; đều khởi công vào khoảng hai tháng giêng và hai, hạn tới tháng tư thì xong. Quan Đê chính khám đúng thực, do thành thần làm sổ vẽ đồ tâu lên”.

Tiếp đó nhà vua cho ban hành điều lệ về Đê chính cho Bắc Thành gồm 8 khoản rất cụ thể về tổ chức quản lý, kỹ thuật đắp đê và phòng hộ đê. Đây là bản điều lệ đầu tiên và đầy đủ nhất trong lịch sử trị thủy thời kỳ phong kiến ở nước ta đến thế kỷ XIX:

– Làm sổ chung: (Phàm đê điều và cống nước sở tại, quan trấn biên đủ số để làm ngạch nhất định).

– Khám xét: (Mỗi năm đến tháng 10, các quan phủ huyện đi khám trước, xem chỗ nào nên đắp mới và nên sửa lại thì trình rõ quan trấn để khám lại. Quan trấn lại trình rõ quan Đê chính khám nghiệm, phân biệt công trình lớn nhỏ để quan tổng trấn xét duyệt).

– Công việc: (Phàm đắp đê mới và sửa đê cũ rộng từ 5 thước trở lên và làm cống mới, những việc ấy là công trình lớn, đều phải lượng nhân công vật liệu và số tiền công nên chi bao nhiêu, quan Đê chính chép đưa cho quan trấn rồi sai các phủ huyện mộ dân làm phu khoán. Việc sửa đắp đê cũ rộng từ 4 thước trở xuống và tu bổ cống cũ là công trình nhỏ, chỉ sai dân chỗ nào mà thế nước chảy đến ứng dịch. Công việc đều bắt đầu làm từ tháng giêng tháng 2. Công việc nhỏ hạn một tháng làm xong, thượng tuần tháng 3 thì quan Đê chính đến khám nghiệm. Công trình lớn thì hạn hai tháng làm xong, thượng tuần tháng 4 thì quan Đê chính đến khám nghiệm. Nếu có chỗ nào sơ lược, làm không đúng cách thức, tùy theo nặng nhẹ mà kết tội, bắt phu khoán làm đền. Quan Đê chính phải vẽ bản đồ và làm sổ, quan tổng trấn phải ghi những số tiền đã chi tiêu tâu hết lên).

– Tính giá: (ở thượng lưu trung lưu sông cái, mặt đê rộng 2 trượng, chân rộng 7 trượng, cao 1 trượng, 2 thước, mỗi trượng lấy đất chứa trên mặt bằng 54 đống làm hạn. ở hạ lưu thì mặt đê rộng 1 trượng 5 thước, chân rộng 5 trượng cao 1 trượng, mỗi trượng lấy đất chứa 32 đống 5 thước làm hạn. Những sông vừa, mặt đê rộng 1 trượng 2 thước, chân rộng 4 trượng cao 1 trượng, mỗi trượng lấy đất chứa 26 đống làm hạn. Những sông nhỏ, mặt đê rộng 9 thước, chân rộng 3 trượng cao 9 thước, mỗi trượng lấy đất chứa 17 đống 5 thước 5 tấc làm hạn. Chỗ bùn lầy, sâu từ 1 thước đến 4 thước, mỗi trượng dùng 46 cây gỗ, 6 cây tre tươi. Bùn lầy sâu 5, 6 thước trở lên, mỗi trượng phải dùng 73 cây gỗ, 6 cây tre tươi, đều chi tiền mua dùng để làm cọc cốt đê, cánh phên, cầu dài, cầu ngang, cùng cừ gỗ, sách gỗ hai bên. Lại sai dân đào hết bùn lầy đi, đến đất chắc mới cho đắp làm. Phàm đắp đê mới hay sửa đê cũ, về công trình lớn thì định đống đất bốn bề mỗi bề dài 1 trượng sâu 1 thước làm một đống. Xem lấy đất gần xa khó dễ để định tiền công thuê. Như ngoài chân đê 5 trượng hai bên có thể lấy được đất thì tiền công bớt đi. Nếu chỗ lấy đất được có một bên, hay bị hồ ao gián cách thì tiền công tăng lên. Đê ở sông cái tính để lại mỗi trượng 3 quan, đê ở sông nhỏ, tính để lại mỗi trượng 1, 2 quan, đợi sau có phải đắp đền hay không sẽ chiếu số trả lại. Làm cống nước, đào đất cũ đi và lấy đất lấp đầy lên, cứ mỗi đống đất cấp cho 6 tiền. Mua gỗ lim, cây dài 12 thước, ngang 1 thước, trị tiền 22 quan. Cứt sắt, đá trấy, mỗi 100 cân trị giá 3 tiền. Mây chão mỗi 100 cân trị giá 4 tiền. Lấy sắt cống rèn đanh, thiếu phải mua thêm mỗi 100 cân trị giá 12 quan. Than gỗ 100 cân trị giá 1 quan. Cây gỗ làm chày, hai đầu bọc sắt, mỗi cây dài 4 thước 3 tấc, ngang 3 tấc, trị giá 1 tiền 30 đồng, nện chày mỗi ngày 2 tiền).

– Giám đốc: (Quan Đê chính ủy cho thuộc viên cùng với thuộc viên của trấn chia nhau đi trông coi đốc suất).

– Bảo cố. (Đê và cống đã làm xong, đều sai phu khoán phòng giữ, đê hạn 3 năm, cống hạn 5 năm, trong hạn ấy, có chỗ nứt lở sụt đổ thì phải làm đền. Quan trấn và người trông coi đốc suất đều tùy theo nhẹ nặng mà luận tội. Quan Đê chính cũng bị phạt. Nếu đê vì nước lên mạnh quá sức người không thể chống giữ được thì miễn tội).

– Phòng và hộ đê: (Hằng năm cứ đến kỳ tháng 4 nước sông lên to, quan trấn chia nhau đi khám xét. Đoạn nào xung yếu, khiến phủ huyện bắt dân đắp phụ ngay. Chỗ nào nước chảy xói mạnh quá thì đốc quân và dân để sẵn nhiều sọt đất và cây gỗ để tùy thế chống giữ. Đoạn nào thế khó giữ được thì báo ngay cho thành, để phái thêm quan và binh góp sức chống giữ. Ở ngoài chân các đê sông lớn cách 5 trượng hoặc 7 trượng, mỗi trượng trồng sáu cây tre để chống sóng dữ và khi khuyết vỡ thì lấy mà chống chữa, không quan hệ đến việc chống chữa thì không ai được chém tre ấy).

– Răn cấm: (Những quan lại quân lính khám xét, trông coi, làm việc, đều không được sách nhiễu tiền gạo của dân và bắt dân khiêng chở. Làm trái thì thành thần xét trị tội).

2. Thực hiện các biện pháp phòng chống lụt

Nhà vua đã cho thực hiện việc đắp đê, hàng loạt các con đê đã được cho tiến thăm xét và tiến hành bồi đắp chống xói lở, ngập lụt hàng năm. Ví như năm Gia Long thứ 8 (1809), sau khi Đặng Trần Thường và Nguyễn Khắc Thiệu tâu rằng: “Đê điều các trấn Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng đều bị sụt lở, nên đắp ba đoạn đê mới khác và đắp thêm hai đoạn đê cũ, xin thuê dân làm. Còn các đoạn khác thế nước chảy không xói lắm có thể chống đỡ được thì bắt dân sở tại ra sức sửa đắp”. Vua y lời tâu. (Trấn Sơn Tây một đoạn đê mới, từ xã An Lão Thị huyện Yên Lạc đến xã Kim Đà huyện Yên Lãng, dài 1.282 trượng 8 thước 4 tấc; trấn Kinh Bắc, một đoạn từ xã Đông Dư huyện Gia Lâm đến xã Kim Quan dài 637 trượng 8 thước 7 tấc; trấn Sơn Nam thượng, một đoạn từ xã Đội Xuyên huyện Nam Xang đến xã Như Trác dài 508 trượng 1 thước. Đê cũ ở Sơn Nam thượng, một đoạn ở xã Nho Lâm huyện Kim Động dài 125 trượng, một đoạn xã Quỳnh Trân huyện Duy Tiên dài 18 trượng. Tính giá tiền là 87.000 quan). Nhà vua đã cho tiến hành thực hiện.

Năm Gia Long thứ 10 [1811], cho đắp đê mới ở huyện Yên Lãng trấn Sơn Tây. (Đê ở các xã Văn Quán, Hạ Lôi, Đông Cao, Trang Việt, Mạch Lũng, dài hơn 1.350 trượng).

Khi sông Nhĩ Hà lở, nhà cửa dân huyện Hoài Đức hư hỏng nhiều, thành thần xin sai khiến dân cư các phố ở thành tự đem gạch đá và cây gỗ làm kè đá khác để ngăn giữ. Vua nói: “Nước sông gây hoạn nạn, dân chúng thở than. Nhà nước không thiếu gì của, không nên so tính với dân. Vá đắp kè đá, đắp rồi lại lở, không phải là kế lâu dài. Sai xuất tiền kho 47.000 quan thuê dân đắp đê mới (từ phường Đông Hà đến cửa ô Ông Tượng 108 trượng) để bảo vệ.

Quan Bắc Thành tâu rằng : “Thế nước sông Nhị Hà rất mạnh, đê bên tả bên hữu ven sông thuộc Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng, hạ nhiều chỗ vỡ lở, xin thuê dân sửa đắp để chống lụt mùa thu. Lại thủy đạo các trấn nhiều nơi ứ tắc, xin hạ lệnh cho trấn thần tùy thế khơi vét”. Vua theo lời tâu. Đắp bảy đoạn đê mới ở Bắc Thành. (Một đoạn ở xã Nại Tử Châu huyện Yên Lạc trấn Sơn Tây, dài hơn 220 trượng, một đoạn ở xã Kim Xà, huyện Yên Lãng, dài hơn 298 trượng, một đoạn ở xã Thổ Khối huyện Gia Lâm trấn Kinh Bắc, dài hơn 400 trượng, một đoạn ở xã Tào Nha huyện Nam Xang trấn Sơn Nam thượng, dài hơn 513 trượng, một đoạn ở thôn Ngọ Xá huyện Sơn Minh, dài hơn 178 trượng, một đoạn ở xã Mễ Trường huyện Thanh Liêm, dài 53 trượng, một đoạn ở xã Lại Trì huyện Thư Trì trấn Sơn Nam hạ, dài hơn 42 trượng); lại bồi đắp một đoạn hưu đê cũ (ở xã Vĩnh Thái huyện Phú Xuyên trấn Sơn Nam thượng, dài hơn 65 trượng). Chi tiền hơn 80.400 quan.

Vua Gia Long còn cho tiến hành vét sông, việc khơi thông dòng chảy để chống úng lụt cũng được thi hành không chỉ ở Bắc Thành mà còn ở trong kinh và ngoài các trấn.

3. Cứu trợ dân vùng bị lụt

Đặc biệt việc cứu trợ người dân trong vùng bị lũ cũng được triều vua Gia Long thực hiện khẩn trương, “Năm Kỷ Tỵ (1809), Bắc Thành bị gió bão, nước biển tràn lên, Hải Dương, Yên Quảng và Sơn Nam hạ nặng nhất, nhân dân bị hại nhiều. Thành thần đem việc tâu lên và xin sai người đến khám xét để bàn việc chẩn cấp”.

Bản dập Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ về việc cứu trợ dân ở vùng lũ lụt tại Bắc Thành (Nguồn: TTLTQGIV)

Vua Gia Long ban Chiếu trả lời rằng: “Dân đương mắc nạn đói, không thể trông nhờ vào đâu, nếu đợi khám xét rồi mới chẩn cấp thì làm sao cứu được cái nạn cần kíp như lửa đốt lông mày”.

Việc kịp thời hỗ trợ người dân trong vùng lũ lụt đã chứng tỏ một điều vua Gia Long là người hết lòng thương xót nhân dân, các quyết sách của ông đều kịp thời, chính vì vậy trong suốt thời gian trị vì từ 1802 đến 1820, đời sống nhân dân dần được ổn định trước những khó khăn của việc lập nước. Đó là lần đầu tiên cả nước chung một hệ thống chính quyền bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

Các chính sách cứu trợ dân, luôn được thực thi dưới triều vua Gia Long. Năm Canh ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810), khi dân Bắc Thành bị đói, các trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng, Sơn Nam hạ bị hạn và lụt. Vua đã cho hoãn việc đòi lính, nghỉ hỏi kiện vặt, bãi các công dịch, lệnh cho thành thần bàn kỹ chính sách cứu đói. Nguyễn Văn Thành dâng sớ nói: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm. Xin bàn cách phát chẩn và cho vay, để đỡ túng ngặt cho dân, cấm chọn tiền để dân tiêu dùng được dễ”. Vua đều theo lời. Sai phát thóc kho ra 30.000 hộc, khiến bọn Trương Tấn Bửu, Phạm Như Đăng, Nguyễn Đình Đức chia đi các nơi chẩn cấp.

Các trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng và Sơn Nam hạ thuộc thành hạt lúa chiêm chưa chín, dân gian còn nhiều người đói. Thành thần xin phát chẩn thêm. Vua nói: “Nhà nước chứa góp vốn là kế nuôi dân”. Ra lệnh phát thêm gạo kho 5.000 phương, sai bọn Phạm Như Đăng, Nguyễn Đình Đức, Hoàng Ngọc Uẩn chia đi các nơi để chẩn cấp. Thành thần lại tâu nói: “Cửa sông Thiên Đức ở Kinh Bắc bị ứ lấp, mưa lụt làm hại, và đường sá ở Lạng Sơn thì rừng rú rậm rạp, xin họp dân đói cho khơi sông và phát đường, hằng ngày cho ăn”. Vua y lời tâu. Sai phát 3.000 phương gạo để cấp.

Trong 18 năm trị vì, vua Gia Long với các quyết sách đúng đắn kịp thời như đặt chức quan Đê chính Bắc Thành và ban hành điều lệ Đê chính, đồng thời thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng chống vỡ đê, lụt lội như đắp đê, vét sông,… đời sống nhân dân 11 trấn ở Bắc Thành đã từng bước được ổn định. Theo thống kê trong vòng 18 năm liền từ (1809-1826), triều Nguyễn đã giữ cho các đê ở Bắc Thành không bị vỡ.

Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Nxb Văn hóa thông tin, năm 2004.

2. Hồ sơ H21/21, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

3. Hồ sơ H23/23, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

4. Hồ sơ H38/38, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

5. Hồ sơ H40/40, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

6. Hồ sơ H42/42, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

7. Hồ sơ H44/44, Mộc bản triều Nguyễn, TTLTQGIV.

8. Bản dịch Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, năm 2004.

Khánh Vy