Trong những thập niên qua, không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt lại trở thành một trong những địa điểm du lịch ưa thích hàng đầu của du khách. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu như ai đó thổ lộ bị hấp dẫn bởi nét duyên thầm của thành phố này hay đã từng đến thăm Đà Lạt nhiều lần. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Đà Lạt không chỉ có sự cuốn hút của thiên nhiên hoang dã và săn bắn mà còn có cả sự thuần khiết của thiên nhiên. Một không gian xanh bao quanh Đà Lạt càng tăng thêm sức thuyết phục về sự quyến rũ của nó. Ngày nay, thành phố đang phát triển theo đồ án quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu một thành phố sinh thái, thông minh và hiện đại, một thành phố thân thiện luôn sẵn sàng chào đón bạn bè đến từ các nước trên thế giới.
Thành phố Đà Lạt
Nguồn: Internet
Trên dải đất hình chữ S, người Pháp đã tìm kiếm và khám phá được nhiều địa điểm lý tưởng để xây dựng nơi nghỉ dưỡng tạm thời như Bà Nà, Sa Pa, Tam Đảo,… Nhưng sau cùng chỉ có Đà Lạt mới được thừa hưởng sự quan tâm đặc biệt của người Pháp. Thông qua nhiều bản đồ án quy hoạch thành phố của các kiến trúc sư nổi tiếng, đã cho thấy tâm huyết của họ cho thành phố này để vun đắp nó thành một “nước Pháp nhỏ miền nhiệt đới”.
Sau sự khám phá và những chuyến thám hiểm, những tiền đề của một thành phố tương lai được định hình. Năm 1900, ông Paul Champoudry được cử làm Thị trưởng ở Đà Lạt. Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị sau nhiều năm làm việc tại Tòa Thị chính Paris, Champoudry đã khởi xướng đồ án đầu tiên về đô thị hóa Đà Lạt. Bản đồ án này hướng đến một sự tách biệt kép, trước hết là giữa cực quân sự và dân sự. Theo đó, toàn bộ không gian bên bờ hữu ngạn sông Cam Ly là dành cho quân sự; bên tả ngạn là thành phố hành chính và dân sự. Có nghĩa là phần phía Bắc của cao nguyên cho tới núi Langbian với những vùng núi mấp mô nhưng rộng lớn có thể tiếp nhận doanh trại quân đội cũng như rất nhiều tòa nhà, trường bắn và tập luyện, chuồng ngựa. Phần còn lại dành cho dân sự tuy có vẻ bị thu hẹp hơn song lại có nhiều quả đồi có thể đành cho chuyên môn hóa sử dụng. Thực chất ngay từ giai đoạn này, thành phố được thiết kế theo một tổ chức hợp lý dựa trên nguyên lý chia khu. Ở trung tâm và phía Tây là khu hành chính bao gồm các cơ quan ra quyết định như Phủ Toàn quyền Đông Dương, Tòa Thị chính… Tại Trung tâm thành phố có một khu thương mại nối xung quanh với một chợ lớn và một khách sạn – nhà hàng – sòng bạc; cuối cùng phía Đông là nhà ga xe lửa và một trường học kéo dài dọc khu dân cư.
Đồ án quy hoạch của Paul Champoudry – Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt, năm 1906
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân đặc biệt là thiếu nguồn kinh phí nên bản kế hoạch này chỉ được thực thi một phần. Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp đã quyết định ở lại Đông Dương, vì thế họ quan tâm hơn đến trạm nghỉ mát trên cao này. Và sau thời gian “ngủ đông”, thành phố trỗi dậy với rất nhiều công trình, dinh thự được xây dựng.
Năm 1919, O’Neill đã đề xuất một đồ án mới có tên gọi “Thành phố Đà Lạt – Bản sơ đồ chu vi đô thị với những chỉ dẫn về khu đất nhượng” hướng đến sự cân bằng lại về lãnh thổ nghiêng về khối dân sự. O’Neill dự kiến xây dựng Đà Lạt thành một thành phố vui chơi, giải trí.
Đến năm 1923, Đà Lạt lại được quy hoạch để trở thành một “thành phố – thủ đô” với đồ án của Ernest Hébrard. Bản đồ án đầy tham vọng tin tưởng vào việc thành lập một trung tâm chính trị và hành chính quan trọng kết hợp với chức năng giải trí và dưỡng bệnh. Ernest Hébrard muốn thực hiện chia khu, xây dựng ba “thành phố” trong một gồm: một khu người Việt thực thụ ở phía Bắc mà O’Neill đã xác định với diện tích 284ha; một thành phố dành cho người Âu khoảng 280ha; một trung tâm hành chính khoảng 199ha. Mỗi khu phố lại được chia thành một không gian chuyên biệt. Kế hoạch của Hébrard lờ đi vấn đề cốt yếu về phát triển hạ tầng du lịch cũng không lưu ý tới cảnh quan xung quanh Đà Lạt. Mặc dù được thông qua, nhưng đồ án tỏ ra quá tham vọng vào thời điểm đó nhất là hệ thống đường xá nên gây ra sự phản ứng. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 và việc giảm ngân sách một cách mạnh mẽ làm cho đồ án thất bại, chỉ có một trong ba sự phân lô và con đường dạo quanh hồ trở thành hiện thực.
Bản đồ quy hoạch Đà Lạt của Ernest Hébrard, năm 1923
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Thập niên sau đó là thời gian của mọi tham vọng. Năm 1933, ông Pineau đưa ra đồ án quy hoạch mới đưa Đà Lạt hướng tới một dự án quy hoạch đô thị thực thụ, hòa nhập với môi trường. Vẫn là trạm nghỉ mát trên cao nguyên nhưng được mở rộng về không gian và tập trung dân cư làm ăn sinh sống, đáp ứng được nhu cầu nhân lực tăng lên; các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí trở nên đa dạng hơn. Pineau nhấn mạnh đến việc mở rộng hồ và các khu vườn, sự đa dạng kiến trúc để phát triển Đà Lạt thành một “thành phố – khách sạn” và việc bảo tồn cảnh quan, không gian tự nhiên. Cuối cùng sức hấp dẫn của một thành phố nghỉ mát và cảnh quan của thành phố đã được lựa chọn. Năm 1943, Lagisquet tiếp tục đưa ra kế hoạch mở rộng vùng đô thị đề xuất cải thiện, phát triển và làm đẹp thành phố để xây dựng một “thành phố vườn” trong tương lai.
Những kế hoạch chỉnh trang nối tiếp nhau từ kế hoạch của Champoudry vào năm 1906 cho đến bản kế hoạch của Lagisquet cho thấy: trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, quy hoạch đô thị luôn tìm cách hợp lý hóa kế hoạch chỉnh trang không gian bằng cách dung hòa hai đặc tính nội tại của hệ thống thuộc địa. Thứ nhất là sự chung sống giữa dân thường và quân sự. Thứ hai là sự phân biệt chủng tộc của cư dân người Âu và người bản địa về đánh giá phân loại theo thuyết tiến hóa và chủng tộc, đó là sự biện minh quan trọng cho sự tồn tại của chế độ thực dân và nhiệm vụ khai hóa văn minh của chế độ ấy.
Những tham vọng dở dang trong quá khứ đã không còn, thành phố hiện nay vẫn phát triển chức năng du lịch, giáo dục và tôn giáo của mình. Với những chính sách đổi thay qua thời gian, Đà Lạt trước hết vẫn là một thành phố nghỉ mát, thành phố của các dinh thự, nơi giải trí, nghỉ dưỡng và trầm tư. Có ai đó đã từng nói: nếu bản đồ chắc chắn tạo ra thành phố, đồng thời trong một thời gian vun đắp hình ảnh của một nước Pháp nhỏ miền nhiệt đới thì xem xét triển vọng của việc lập bản đồ lịch sử và kết hợp nó với việc lập bản đồ trong tương lai có thể làm sáng tỏ những lựa chọn được mô tả ngày nay và từ đó tạo ra sự phát triển của Đà Lạt trong tương lai gần hơn và xa hơn nữa. Những tư liệu này có lẽ là những tài sản quý giá, là tiền đề vững chắc trong hành trình khám phá, bảo vệ và phát triển du lịch tại nơi này. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu những đồ án quy hoạch của người Pháp sẽ là hành trang để Đà Lạt tiếp tục tiến bước trong một giai đoạn phát triển mới./.
TM-MD
dalat info số 117, tháng 10, năm 2018