Từ buổi bình minh đến Nhà Nguyễn xác lập chủ quyền

Côn Đảo (tên gọi ngày trước là quần đảo Côn Lôn) với diện tích tự nhiên 72 km2. Trung tâm quần đảo là Đề lao Côn Lôn – là Hòn Côn Lôn lớn rộng 51 km2.

Quần đảo Côn Lôn ngay từ thuở hồng hoang đã được các nhà hàng hải của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới biết đến từ rất sớm trên con đường biển từ phương Tây sang, có tàu bè ghé lại Côn Lôn như: Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp. Theo tác giả Trần Văn Quế cho rằng, tên Poulo Condore (Côn Đảo) xuất phát từ tiếng Mã Lai, Pulao Kunlao có nghĩa là đảo bầu, đảo bí. Tác giả Nguyễn Minh Nhựt khẳng định “Một điều chắc chắn là Poulo Condore đã được người Mã Lai biết đến từ buổi bình minh của lịch sử, đây là điểm dừng chân của bọn hải tặc Mã Lai trong địa bàn hoạt động chạy dài theo duyên hải biển Cankhay và Vịnh Thái Lan”.

Bản đồ Côn Đảo từ năm 1862

Bản đồ Côn Đảo từ năm 1862

Thế còn người Tây phương đầu tiên biết đến Côn Đảo là ai? Theo như tài liệu đó chính là Marco Polo, nhà du hành nổi tiếng người Ý đã có chuyến hải trình qua đảo Côn Lôn vào năm 1294. Đến năm 1516, nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Andrade đã ghé đến Côn Đảo mục đích để tìm nước ngọt, mua gia cầm và hải sản. Đến năm 1686, khi Công ty Đông ấn Pháp phái một nhân viên tên là Verret làm nhiệm vụ điều nghiên tình hình để tìm một địa điểm lập thương quán trên hải trình từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Sau một thời gian khảo sát, trong báo cáo đề ngày 5/11/1686, Verret cho biết, “Địa điểm lý tưởng nhất chính là Poulo Condore bởi nơi đây có 3 cửa biển tốt, nhiều suối nhỏ và một con sông nhỏ, làm một vùng cây cối đẹp nhất thế giới… Thương thuyền các xứ như Trung Quốc, Tonkin, Cochinchine, các nơi như Ma Cao, Manille… nếu muốn đến bán buôn với Ấn Độ đều phải ghé qua Côn Lôn vì đây là nơi rất gần với Ấn Độ. Thương thuyền các nước như Anh, Hà Lan nếu muốn vào biển Trung Hoa cũng phải đi ngang qua đảo ấy cả đi lẫn về… Chiếm được nơi này, sẽ có lợi như là chiếm hai eo biển thuộc quần đảo Nam Dương và bán đảo Mã Lai vậy”.

Sang năm 1721, Công ty Đông ấn Pháp đã cử Reneaux Renoult sang cùng một trung đội lính được cử ra khảo sát Côn Lôn. Lúc này, Pháp đặt cho quần đảo Côn Lôn tên gọi Orleans.

Như vậy, cho đến lúc này, mặc dù tư bản Pháp không lúc nào từ bỏ ý định xâm chiếm Côn Đảo, nhưng trên thực tế quần đảo Côn Lôn thuộc quyền cai quản của các chúa Nguyễn.

Dựa theo sách “Phủ biên tạp lục” và sách “Nhà tù Côn Đảo 1862 -1945” và sách “Nhà tù Côn Đảo 1862-1930” viết “Từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu, việc tuần tiễu, khai thác hải sản ở các quần đảo này được tiến hành chu đáo, cẩn mật và thường xuyên”. Trong “Phủ biên tạp lục” Lê Quý Đôn cho biết thêm “Họ Nguyễn còn cho thiết lập thêm một đội Bắc Hải, đội này không định trước bao nhiêu suất, hoặc chọn lấy người thôn Tư Chánh (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn những người làng Cảng Dương (sát cửa Ròn), lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Quan địa phương cấp phát phó từ (tức văn bằng) và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác… Quan trên khiến những người trong đội chèo thuyền tư và thuyền nhỏ câu cá ra Cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải để tìm kiếm những hạng đại mội, hải ba, đồn ngư, lục quý ngư, hải sâm…”.

Từ những thông tin trên, có thể khẳng định rằng, muộn nhất vào thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn đã xác lập quyền khai thác và kiểm soát của mình đối với quần đảo Côn Lôn, và lớp cư dân người Việt đầu tiên đã bắt đầu có mặt ở Côn Đảo.

Sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 7, ở mặt khắc 21 ghi rõ: Năm Nhâm Ngọ, đời chúa Nguyễn Phúc Chu năm thứ 11 (1702), Chúa sai người đi tìm diệt giặc biển tại đảo Côn Lôn: “Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn… Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”.

Tại quyển 203, mặt khắc 12 có ghi: năm Kỷ Hợi, đời vua Minh Mạng thứ 20 (1839), đưa binh lính đến đảo Côn Lôn, Phú Quốc tìm lượm sản vật, tổ yến, trầm hương,…: Tại quyển 204, mặt khắc 13 và 14 có ghi: năm Kỷ Hợi, đời vua Minh Mạng thứ 20 (1839), Vua cho binh, dân, đài, bảo ở Côn Lôn lệ thuộc hạt Vĩnh Long: “Vua bàn đến hình thế sông núi ở Gia Định, Quýnh nhân nói: đảo Côn Lôn cách Gia Định xa mà đến Vĩnh Long thì gần, nghĩ nên cho đổi thuộc về tỉnh này cho tiện. Cho binh, dân, đài, bảo ở Côn Lôn lệ thuộc về quản hạt Vĩnh Long”.

Tại quyển 212, mặt khắc 38 có ghi: năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840), Vua cho phát triển dân sinh ở đảo Côn Lôn: “Vua sai thị vệ là Tôn Thất Hạ đi ra đảo Côn Lôn tỉnh Vĩnh Long do thám tình hình. Về nói rằng: dân sở tại có đến 200 người, những tù phạm đưa đến cũng nhiều, mà những ruộng hiện đã khai khẩn, ước được 150 mẫu. Dân ở đấy cứ đến tháng 3 tháng 4, nhân tiện gió thuận vào trong vùng dân cư mua gạo để ăn, từ tháng 5 đến tháng giêng, chiều gió dòng nước không tiện, chỉ kiếm lấy khoai núi nấu trộn với gạo để ăn… Vua hạ lệnh cho tỉnh thần chở gạo 1.000 phương đem chứa ở đảo Côn Lôn. Để đến thu đông, chiếu theo số dân, số tù, ai thiếu ăn, liệu mà cấp cho”.

Tại quyển 218, mặt khắc 23 và 24 có ghi: năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840), Vua ra chính sách phòng thủ tại những nơi xung yếu Côn Lôn, Phú Quốc: “Kể ra, biết tự trị thì mạnh, có phòng bị thì không lo. Nay cửa biển Đà Nẵng ở Quảng Nam, đã đặt thêm pháo đài phòng Hải; cửa biển Thị Nại ở Bình Định, lại mới xây pháo đài Hổ Cơ, để giữ chỗ hiểm yếu; còn đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long; đảo Phú Quốc ở Hà Tiên, đều có đặt đồn bảo chia phái lính thú tuần phòng, để răn ngừa sự lo bất ngờ. Như thế ta ngăn giữ bờ biển đã có cái thế đáng sợ mà không thể xâm phạm được. Việc võ bị mà chỉnh đốn, thì người ngoài trông thấy cũng tiêu tan lòng tà. Không chỉ người Tây dương cách trở xa xôi, không dám trông thẳng vào nước ta, mà nước mạnh láng giềng tiếp giáp cõi đất, cũng không dám manh tâm dòm ngó nữa”…

Tại sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 40, mặt khắc 16 và 17 có ghi: năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840), khai khẩn đất ở Côn Lôn: “Năm thứ 21 (1840), xuống Dụ rằng: đảo Côn Lôn ở tỉnh Vĩnh Long, đất rộng và tốt, có thể cày cấy trồng trọt được, mà dân cư còn thưa, đã xuống Dụ cho biền binh đóng giữ ở đảo ấy ngày thường không có việc gì, phải đem sức khai khẩn, nhiều lần lại đem các tù phạm án nhẹ, tháo bỏ xiềng khóa đưa đến ở đấy, cho làm ăn sinh sống, chắc hiện nay nhân dân dần dần nhiều thêm, nên chiểu cấp trâu cày, đồ làm ruộng của công, cho được nhờ vả, vậy quan tỉnh ấy phải chi ngay tiền kho công ra, xem xét mua sắm các thứ trâu cày, đồ làm ruộng và thóc để gieo mạ, và nên chở đến đảo ấy giao cho quan ở đồn ấy nhận lĩnh, xét cấp cho lính và dân, tùy theo địa lợi gieo trồng khoai, đậu để giúp cho việc ăn dùng; lại cho các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, Biên Hòa, An Giang đều phải xét hỏi trong hạt như có dân góa vợ, góa chồng, mồ côi, người già không có con, ngèo thiếu không nhờ vào đâu được, người nào nếu tình nguyện đi tới đảo ấy làm ăn mưu sống, thì không cứ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, và người nào muốn mang theo vợ con cùng đi, thì đều cho, nhưng do quan các tỉnh ấy xét cấp cho mỗi người tiền là mười quan, hoặc năm ba quan làm vốn; trong đó người nào hiện còn là dân tráng, phải chịu đi lính và lao dịch ở quê cũ người ấy, đều cho ruộng miễn, việc chiêu mộ cốt phải thuận theo lòng người, không được cưỡng ép, tỉnh nào mộ được bao nhiêu người cho giao cả cho thuyền máy ở Vĩnh Long tải đi, giao cho viên ở đồn ấy lại phải quan tâm chiếu cố, cốt mong đất đai ngày càng mở mang, cư dân ngày càng phồn thịnh, để cho hải đảo xa xôi dần dần thành chỗ đất vui sống”.

(CÒN NỮA)

Nguồn: baolamdong.vn