CHUYỆN VUA BẢO ĐẠI DU HỌC
QUA CHÍNH SỬ TRIỀU NGUYỄN (2 kỳ)
Kỳ 1: Quá trình chuẩn bị đi du học
Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy – vị hoàng đế thứ 13 của triều Nguyễn và cũng là vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù là người sống gần với thời đại chúng ta nhất, tuy nhiên cuộc đời về vua Bảo Đại cho đến nay vẫn chưa hẳn được nhiều người biết đến. Hiện nay, trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt có khá nhiều tư liệu ghi chép về vua Bảo Đại, trong đó có việc vua sang Pháp du học năm 10 tuổi.
Lời căn dặn của vua Khải Định
Vào tháng 4, năm Nhâm Tuất (1922), Đông cung Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy khi ấy còn ở tuổi thiếu niên được vua cha Khải Định đưa đi cùng trong chuyến công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Marseille. Trong chuyến đi này, vua Khải Định muốn gửi gắm con mình nơi chính quốc để theo học nền văn minh phương Tây. Trong bài Dụ thần dân về chuyến ngự giá sang Tây sắp tới, vua Khải Định có nói về việc đưa Hoàng Thái tử đi theo, Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 9, mặt khắc 13 ghi rằng: “… Trẫm lại chuẩn cho Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy đi theo để gửi gắm triều đình Quý Pháp tài trợ cho học tập, mở mang kiến thức để mai này thành đạt tài đức kiện toàn, trở về làm chủ, trong nom tôn xã, bảo vệ quyền lợi quốc dân. Như thế là đúng hợp với ý nghĩa tùy thời, mà tình cảm nối liền giữa ta và Quý quốc đã thân lại càng thêm thân thiết hơn…”.
Trước khi đi, vua Khải Định xuống dụ cho Hoàng thái tử Vĩnh Thụy căn dặn: “Sở dĩ cha mệnh cho con đi du học chính là muốn con mở rộng kiến thức, tăng cường trí tuệ, đồng thời có được hiểu biết về công việc giao thiệp, để sau khi thành tài có được một tư chất hoàn hảo. Vả lại làm địa vị một người đứng trên những người khác thì trách nhiệm không phải dễ dàng. Với trách nhiệm nặng nề to lớn thì phải có tư chất hơn người mới có thể đảm đương được. Nếu may mà con đi du học thành tài trở về, đến khi cha già trăm tuổi qua đời rồi, triều đình lập con lên kế ngôi thì tư chất của con đã đủ để gánh vác trách nhiệm ấy. Còn nếu vạn nhất chẳng may vì duyên cớ ngoài ý muốn mà con không học được thành tài, khi đó nếu triều đình có đón con về lập ngôi thì con phải từ chối, nhất thiết không được nhận. Nhận ngôi để rồi không đảm đương được trách nhiệm thì không chỉ hại đến bản thân mà thôi đâu. Cái hại đối với bản thân mình thì còn nhỏ, để lại mối lo cho tôn miếu, xã tắc thì cái hại ấy mới thật là lớn. Con hãy nghe theo lời của cha”.
Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 2, mặt khắc 46 ghi chép về việc vua Khải Định xuống dụ cho Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy trước khi lên đường sang Tây du học
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Sau đó, vua Khải Định tiếp tục giảng dụ cho quan văn Lê Nhữ Lâm được thăng hàm Thái thường tự khanh, sung làm phụ đạo Hán học cho Đông cung. Nói qua về thầy Lê Nhữ Lâm. Lê Nhữ Lâm, sinh năm 1881, là con của Án sát Bình Thuận Lê Trí, người xã Vân Trình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Ông theo học trường Quốc Tử Giám 11 năm (1895 -1906). Năm Bính Ngọ (1906), Lê Nhữ Lâm thi Hương và đậu Cử nhân, xếp vị trí thứ 5 trong tổng số 35 người thi đỗ và làm quan dưới triều vua Duy Tân với chức Hành tẩu ở bộ Hộ và Văn phòng Nội các. Sở dĩ, vua Khải Định chọn Lê Nhữ Lâm làm Giảng tập cho con mình bởi Lê Nhữ Lâm là một người có văn tài và phẩm hạnh tốt, được mọi người trong triều nể phục. Bên cạnh đó, trước đó thầy Lê Nhữ Lâm cũng đã dạy Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy ở Kinh được hơn bốn năm.
Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 2, mặt khắc 47 có ghi bài Dụ của vua với Lê Nhữ Lâm rằng: “Việc Hoàng Thái tử xuất dương du học đã được đề cập rõ ràng trong lời dụ về chuyến ngự giá sang Tây của trẫm. Nhưng vì Hoàng Thái tử tuổi còn trẻ, e nếu học tập ở châu Âu lâu ngày thì sẽ quên hết Á học, sau khi học xong rồi thì kém phần hoàn thiện. Vì vậy, truyền Hồng lô tự thiếu khanh, sung Giảng tập Lê Nhữ Lâm chuẩn cho thăng thụ hàm Thái thường tự khanh, sung làm Hán học phụ đạo. Khanh hãy đi theo Hoàng Thái tử sang Tây để vào những lúc Hoàng Thái tử nghỉ ngơi rảnh rỗi sau khi học Tây học thì giảng dạy Nho học cho Thái tử, để sau này Thái tử thành tài đạt đức, có đủ kiến thức tinh vi ra trường trở về, thỏa niềm mong mỏi của trẫm. Khanh hãy kính vâng mệnh ra đi, chớ phụ mệnh trẫm”.
Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 2, mặt khắc 47 ghi chép việc vua Khải Định xuống dụ cho Hồng lô tự thiếu khanh sung Giảng tập Lê Nhữ Lâm về việc dạy Hán học cho Đông cung
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Công tác chuẩn bị lên đường du học
Trước khi lên đường cùng Hoàng Thái tử sang Tây, Giảng tập Lê Nhữ Lâm tâu vua, xin mang theo một số sách vở chữ Hán và chữ Quốc ngữ có liên quan đến việc học tập rèn luyện tâm thân và đạo đức cương thường để giảng dạy cho Thái tử. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 7, điều 979 còn khắc ghi về việc này như sau: “Đặc chuẩn cho Hồng lô tự thiếu khanh sung Giảng tập Lê Nhữ Lâm thăng Thái thường tự khanh sung Phụ đạo Hán học hầu Hoàng thái tử qua Tây du học. Nhữ Lâm được lệnh bèn dâng sớ tâu bày phương pháp giáo đạo cùng xin mang theo các sách chữ Hán như: Thư kinh tiết ước, Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học cùng Hoàng huấn cửu thiên, Tự Đức Thánh chế Tự học giải nghĩa ca, Việt sử trung học toát yếu, Minh Mệnh chính yếu; Chữ Quốc ngữ: Bản dịch Quốc triều tiền biên toát yếu, bản dịch Gia Long phục quốc, Quốc ngữ tân thư của Trần Văn Thông đều một bộ để dự bị tiến giảng. Vua khen ngợi nhận lời”.
Ngoài ra, Lê Nhữ Lâm cũng tâu vua về tình hình học hành, ăn ở của Thái tử, hễ cứ mỗi kì có tàu thuyền sang nước Đại Nam sẽ viết thành phiến sao ra 3 bản (Lưỡng cung mỗi cung 1 bản, Ngự lâu 1 bản) gửi về tiến lãm.
Trước lời đề nghị của Lê Nhữ Lâm, vua Khải Định đã phê: “Qua đề nghị của khanh, trẫm thấy khanh cũng là người có tâm. Có câu rằng, cổ nhân đã làm chức phận thì không dám cẩu thả, khanh chính là người như vậy, rất đáng khen ngợi. Trẫm đã để ý thấy Thái tử cũng là người dễ dạy bảo. Hơn nữa, trong tờ biểu trẫm cũng đã nói hết những điều chí tình về khuôn phép gia đình. Khanh hãy thể theo ý trẫm mà giúp đỡ bảo ban Thái tử phải nghe theo để trẫm bớt lo lắng. Chuyến đi này bắt đầu nhập học Tây học thì mọi đường đi nước bước phải học cho thông thạo, đó là yêu cầu hàng đầu. Sau đó mới tới các khoa khác, trong đó đáng kể tới các sách vở Á học để khi rảnh rỗi đem ra giảng dạy, cùng với những điều khanh đã nêu trong sớ tâu đem ra hướng dẫn cho Thái tử thì chỉ trong vòng không quá ba năm là có thể thành người hoàn bị. Khanh hãy kính cẩn ghi nhớ. Còn nếu muốn đệ phiến gửi về thì chỉ cần 3 tháng gửi về một bản, thông qua Nội các dâng lên là trẫm sẽ biết được điều khanh muốn chuyển đạt. Còn những điều khác chuẩn y cho. Khâm thử”.
Đón đọc kỳ 2: Du học ở trời Tây
Cao Quang
Tài liệu tham khảo.
1. Hồ sơ H35, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H47, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Bản dịch sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ – Tác giả Cao Tự Thanh, NXB Văn hóa – Văn Nghệ, năm 2012.