Nhắc đến Chùa Cầu ở Hội An chắc hẳn sẽ có nhiều người biết đó là hình ảnh được in ở mặt sau của tờ tiền 20.000 VND mà mình thường dùng. Tuy nhiên, để hiểu về ý nghĩa, tên gọi cũng như nguồn gốc lịch sử của Chùa Cầu thì không hẳn ai cũng biết rõ. Chùa Cầu (tên khác là cầu Lai Viễn) là công trình kiến trúc duy nhất của người Nhật còn sót lại trên mảnh đất phố cổ Hội An ngày nay. Đây được xem là biểu tượng gạch nối “giữa quá khứ và hiện tại” trong mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản từ hàng trăm năm qua.

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023), trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.

Hình ảnh cầu Lai Viễn ở phố cổ Hội An được chụp lại và in trên tờ tiền 20 nghìn đồng Việt Nam

Ảnh: Sưu tầm

Về lịch sử xây dựng Chùa Cầu, tục truyền rằng, khi các thương nhân người Nhật tới đây buôn bán (vào khoảng thế kỷ 16, 17), họ cho rằng địa điểm xây dựng Chùa Cầu là cái sống lưng của con cù – một quái vật giống như con rồng, đầu ở tận Ấn Độ và đuôi ở tận đất Phù Tang (Nhật Bản). Mỗi lần nó quẫy đuôi là nước Nhật bị động đất dữ dội. Vì thế họ đã dựng lên Chùa Cầu coi như yểm thanh kiếm xuống huyệt lưng con cù, mong trừ một tai họa cho người dân Nhật Bản.

Về vị trí của Chùa Cầu, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 44 biên chép như sau: “Cầu Lai Viễn ở xã Cẩm Phố về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông Cái, bắc cầu ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc. Dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói…”.

Chùa Cầu do những người khách buôn Nhật Bản xây dựng được khắc trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 44

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là “Lai Viễn Kiều”, nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Đây là tên gọi được chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nhân chuyến thăm dinh Quảng Nam để tỏ ý kêu gọi các thương nhân nước ngoài đến Hội An buôn bán. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 26, ghi như sau: “Mùa xuân, tháng 3, năm Kỷ Hợi (1719), Chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía Tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”.

chua cau

Mộc bản khắc việc chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên cầu Lai Viễn khi đến thăm Hội An vào năm Kỷ Hợi (1719)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Chùa Cầu có kiến trúc hết sức độc đáo. Chùa được xây dựng trên một chiếc cầu bằng gỗ dài khoảng 18m, vắt ngang một lạch nước sâu chảy ra sông. Giữa cầu là lối thẳng cho xe ngựa qua lại, hai bên là hai lối cuốn lưng lừa dành cho khách bộ hành. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều được sơn son và chạm trổ rất tinh vi với nhiều họa tiết rất đẹp mắt, trong chùa có tượng Bắc đế cưỡi con cầu long. Ở hai đầu cầu, một bên có hai tượng chó, một bên có hai tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa.

Vào năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó.

Ngày nay, nét quyến rũ độc đáo của Chùa Cầu đã trở thành điểm du lịch ưa thích của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến phố cổ Hội An. Du khách tới đây ngoài việc được thưởng ngoạn vẻ đẹp kiến trúc đặc biệt của cây cầu mà còn được chiêm nghiệm về dấu ấn lịch sử văn hóa lâu đời của hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;

2. Hồ sơ H20/6, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H28/9, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Quảng Nam – địa lý, lịch sử, nhân vật của tác giả Lâm Quang Thự, năm 1974.

Cao Quang