Với ước mong thực hiện chí khí của tiên hoàng là con cháu được nối nghiệp cơ đồ lâu dài, vua Minh Mạng bèn soạn mỹ tự truyền lại cho người nối dõi về sau, chia ra dòng đế, dòng phiên đế phân biệt thân sơ. Năm Quý Mùi, năm Minh Mạng thứ 4 (1823), sách vàng ngự chế về đế hệ (tức dòng chính của vua) và sách bạc ngự chế về phiên hệ (dòng của các vương công) làm xong. Dòng đế và dòng thân phiên đều 20 chữ.

Bài tựa của vua về sách vàng và sách bạc này như sau: Nhà nước ta họ Nguyễn, khởi tự Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Ba. Buổi đầu đời trước đã là họ lớn, đời đời làm quan đến hơn vài trăm năm, tích luỹ nhân đức, nên có ngày nay, thực có thể sánh với nhà Chu được. Do đó, trời cho mệnh tốt, sinh ra Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ta, gây dựng cơ đồ lớn, kế sinh Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta, dựng nền ở cõi Nam. Bèn lấy chữ Phúc nối theo chữ Nguyễn, gọi quốc tính là Nguyễn Phúc. Các vua thánh nối nhau, thánh này nối thánh khác, rồi đến Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, dẹp yên họa loạn mà có cả nước Việt, sắc định Ngọc phả, lấy con cháu Thái tổ vào Nam và dòng các vua thánh làm tôn thất họ Nguyễn Phúc, con cháu Thái tổ ở Bắc và các phái trước làm công tính họ Nguyễn Hựu. Đến như tên huý các thánh thì phần nhiều theo bộ Thuỷ; sau đến Thế tông Hiếu võ hoàng đế ta thì tên ngự và tên tôn thất cũng có khi dùng bộ Nhật. Truyền đến Hoàng khảo ta thì chuyên dùng bộ Nhật.

Từ trăm năm gần đây, tôn thất sinh thêm nhiều, đặt tên phần nhiều trùng điệp, Hoàng khảo ở ngôi, ý muốn đổi lại chữ đặt tên để truyền cho con cháu dùng mãi lâu dài về sau, tiếc rằng việc chưa làm được. Trẫm nghĩ nối theo ý tốt tiền nhân để thành được chí của tiên thế, tự soạn ra 20 chữ bộ Nhật, dùng để cho người nối nghiệp về sau đến ngày nối ngôi có thể lấy một chữ làm tên, lấy theo nghĩa nhật là tượng trưng ngôi vua, mà chữ tên đặt khi tuổi nhỏ làm tên tự. Còn những con cháu và con cháu của anh em thì lại soạn những mỹ tự, chia làm dòng (hệ) đế và các dòng của anh trẫm là Anh Duệ thái tử, cùng em trẫm là Kiến An công, Định Viễn công, Diên Khánh công, Điện Bàn công, Thiệu Hoá công, Quảng Oai công, Thường Tín công, Yên Khánh công, Từ Sơn công, cả thảy 10 hệ. Khi mới sinh xin đặt tên, thì tên hoàng tử chữ trên lần lượt lấy từng chữ ở bài thơ đế hệ, chữ dưới lấy chữ bộ nào về đời thứ mấy. Tên các công tử thì lần lượt lấy các chữ ở bài thơ về công hệ nào chữ dưới thì lấy ngũ hành tương sinh mà dùng bộ Thổ làm đầu. Ví như dòng đế, thì (Miên Tông, Miên) Định; dòng Anh duệ thì Mỹ Đường, Mỹ Thuỳ; dòng Kiến An thì Lương Kỳ, Lương Viên; dòng Định Viễn thì Tĩnh Cơ, Tĩnh Cận; dòng Diên Khánh thì Diên Vực, Diên Đề; dòng Điện Bàn thì Tín Kiên, Tín Phác; dòng Thiệu Hoá thì Thiện Khuê, Thiện Chỉ; dòng Quảng Oai thì Phượng Tại, Phượng Vu; dòng Thường Tín thì Thường Nhâm, Thường Dung; dòng Yên Khánh thì Khâm Thịnh, Khâm Bích; dòng Từ Sơn thì Từ Đàn, Từ Cương. Như thế thì thế thứ rõ ràng mà không lẫn, thân sơ phân biệt mà có thể biết rõ được. Cái đạo giữ luân lý hòa, họ hàng từ đấy thịnh lên, mà chi phái ngọc diệp thiên hoàng từ đấy rõ rệt. Con cháu ta nên theo giữ phép hay, khiến cho gốc cành trăm đời truyền ức muôn năm, để mong người báo đáp trời và tổ tiên cho mệnh tốt.

Kim sách có khắc 20 chữ bộ nhật và đế hệ thi

Ảnh sưu tầm

Vua tự định ra 20 chữ bộ nhật 日 là (Tuyền, Thì), Thăng, Hạo, Minh, Biện, Chiêu, Hoảng, Tuấn, Điển, Trí, Huyên, Gián, Huyên, Lịch, Chất, Chiết, Yến, Hy, Di. 20 chữ bộ nhật này để cho con cháu nối ngôi về sau, đến ngày lên ngôi lấy một chữ làm tên.

Chữ của dòng đế là: (Miên 綿) (bộ miên 宀), (Hồng 洪) (bộ nhân 亻), Ưng 膺 (bộ kỳ 示), Bửu 寶 (bộ miên 宀), Vĩnh 永 (bộ ngọc 玉), Bảo 保 (bộ phụ 阜), Quý 貴 (bộ nhân 亻), Định 定 (bộ ngôn 言), Long 隆 (bộ thủ 扌), Trường 長 (bộ hoà 禾), Hiền 賢 (bộ bối 貝), Năng 能 (bộ lực 力), Kham 堪 (bộ thủ 扌), Kế 繼 (bộ ngôn 言), Thuật 述 (bộ tâm 心), Thế 世 (bộ ngọc 玉), Thụy 瑞 (bộ thạch 石), Quốc 國 (bộ đại 大), Gia 嘉 (bộ hoà 禾), Xương 昌 (bộ tiểu 小).

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 20, mặt khắc 14 khắc đế hệ và phiên hệ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thân phiên dòng Anh Duệ thái tử là: Mỹ Lệ Anh Cường Tráng; Liên Huy Phát Bội Hương; Lệnh Nghi Hàm (trước là Sùng) Tốn Thuận; Vĩ Vọng Biểu Khiêm Quang.

Dòng Kiến An công là: Lương Cẩn An Hoà (trước là Nhân) Thuật; Du Hành Suất Nghĩa Phương; Dưỡng (trước là Dung) Di Tương Thức Hảo; Cao Tú Thái Vi Tường (trước là Chương).

Dòng Định Viễn công là: Tịnh Hoài Đảm Viễn Ái; Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha (trước là Ba); Nghiêm Khác Do Ai Đạt; Liên Trung Tập Cát Đa.

Dòng Diên Khánh công là: Diên Hội Phong Hanh Hợp; Nguyên Phùng Thái Lãng Nghi; Hậu Lưu Thành Tú Diệu; Diễn Khánh Thích Phương Huy.

Dòng Điện Bàn công là: Tín Điện Tư Duy Chính; Thành Tồn Lợi Kiến Trinh; Túc Cung Thừa (trước là Toàn) Hữu Nghị; Vinh Hiển Tập Khanh Danh.

Dòng Thiệu Hoá công là: Thiện Thiệu Thuần Tuần Lý; Văn Tri Tại Mẫn Cầu; Ngưng Lân Tài Chí Lạc; Địch Đạo Doãn Phu Hưu.

Dòng Quảng Oai công là: Phượng Phù Trưng Khải Quảng; Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ; Điển Học Kỳ Gia Chí; Đôn Di Khắc Tự Trì.

Dòng Thường Tín công là: Thường Hựu Tuân Gia Huấn; Lâm Trang Tuý Thịnh Cung (trước là Dung); Thận Tu Di Tiến Đức; Thụ ích Mậu Tân Công.

Dòng Yên Khánh công là: Khâm Tùng (trước là Ba) Xưng Ý Phạm; Nhã Chính Thuỷ Hoằng Quy; Khải Đễ Đằng Cần Dự; Quyền Ninh Cộng Tập Hy.

Dòng Từ Sơn công là: Từ Thái Dương Quỳnh Cẩm; Phu Văn Ái Diệu Hoàng (trước là Chương); Bách Chi Giai Phụ Dực; Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương.

Sau khi sách vàng và sách bạc đúc xong, vua sai đem việc ấy kính cáo ở đàn Nam Giao và các miếu. Ngày Bính Ngọ, vua cáo ở Thế miếu. Ngày Đinh Mùi, cáo ở Thái miếu. Sai hoàng trưởng tử cáo ở Triệu miếu, hoàng tử Yến cáo ở Hưng miếu. Ngày Mậu Thân, sai Chưởng Tượng cơ Nguyễn Đức Xuyên cáo ở Nam Giao.

Ngày Kỷ Dậu, đặt đại triều nghi ở điện Thái Hoà để tuyên đọc sách vàng. Lễ xong, ban sách bạc chép thế hệ cho các phiên thân công, tất cả mười quyển.

Vua ban dụ cho các hoàng tử rằng: Trẫm nghĩ tôn thống là quan trọng, muốn thực hiện chí của tiên hoàng, bèn soạn 20 chữ hay, lưu để cho người nối ngôi về sau, chia ra dòng đế, dòng phiên đế phân biệt thân sơ. Ngày mồng 7 tháng này đã thân hành yết Thế miếu; ngày mồng 8 thân hành yết Thái miếu; ngày mồng 9 cáo Nam Giao; ngày mồng 10 tuyên đọc sách vàng ở bệ. Điển lễ cử hành lần này, tưởng mong trời đất ông cha soi thấu, tất sẽ cho phúc lớn, thì phúc đời của nước nhà ta sẽ được lâu dài rộng lớn muôn đời.

Xưa nhà Chu bói năm được 700 năm, bói đời được 30 đời, mà hưởng quá số bói ấy. Trẫm tuy không dám bì với đời thịnh ấy, nhưng các đời trước của ta tích luỹ nhân đức, chính trị hay ơn huệ tốt của các vua thánh tất vun trồng cho họ Nguyễn Phúc ta được cỗi gốc sâu bền, nghiệp lớn tốt thịnh. Trẫm chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn sẽ được hưởng năm 500 năm, hưởng đời hơn 20 đời. Cũng không dám mong nhiều đâu.

Nay dòng đế đã định, bèn cho hoàng tử bọn ngươi tên hiệu tốt như sau: Hoàng tử Dong cho tên Miên Tông, hoàng tử Yến cho tên Miên Định, hoàng tử Dục cho tên Miên Nghi, hoàng tử Thự cho tên Miên Hoành, hoàng tử thứ sáu cho tên Miên An, hoàng tử thứ bảy cho tên Miên Thần, hoàng tử thứ tám cho tên Miên Phú, hoàng tử thứ chín cho tên Miên Thủ, hoàng tử thứ mười cho tên Miên Thẩm, hoàng tử thứ mười một cho tên Miên Trinh, hoàng tử thứ mười hai cho tên Miên Bảo, hoàng tử thứ mười ba cho tên Miên Trữ, hoàng tử thứ mười bốn cho tên Miên Hựu, hoàng tử thứ mười lăm cho tên Miên Vũ, hoàng tử thứ mười sáu cho tên Miên Tống, hoàng tử thứ mười bảy cho tên Miên Thành, hoàng tử thứ mười tám cho tên Miên Tể, hoàng tử thứ hăm mốt cho tên Miên Tuyên, hoàng tử thứ hăm hai cho tên Miên Long, hoàng tử thứ hăm ba cho tên Miên Thực. Từ sau đó sinh hoàng tử, đầy 100 ngày làm lễ bảo kiến (ẵm đến ra mắt vua) thì chiếu theo đế hệ mà cho tên. Khi đã cho tên mới thì tên cũ thôi hẳn, không dùng nữa. Bọn hoàng tử các ngươi đều phải biết tự mình ra sức, tuổi và đức đều tiến, việc học siêng năng, gắng thêm tấm lòng trung hiếu, dốc thêm lòng hữu ái, mà nhận lấy tên tốt ấy và hưởng phúc lâu dài.

Đế hệ và phiên hệ là những bài thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, được vua Minh Mạng định ra để đặt tên cho con cháu của vua và cho con cháu các thế hệ của anh em vua. Kim sách Đế hệ thi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2. Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).

3. https://tuoitre.vn/phia-sau-nhung-ky-thu-dac-biet-ky-5-cuon-sach-bang-vang-rong-cua-trieu-nguyen-20210115112150823.htm

Nhật Phương