Mộc bản triều Nguyễn đặc sắc về hình thức, phong phú về nội dung. Ngoài các lĩnh vực: lịch sử, quân sự, chính trị – xã hội, pháp chế v.v…, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn đề cập tới lĩnh vực y học dược. Đó là những tài liệu ghi chép các loại dược liệu và tác dụng của nó trong nền y học cổ truyền Việt Nam.
Đây có thể xem là những nghiên cứu y dược học rất có giá trị. Mỗi loài cây đều được mô tả tên gọi bằng chữ Hán và tục danh, tức là tên thường gọi trong dân gian, đồng thời có chú dẫn tên gọi ở các sách trước đây. Tài liệu còn ghi chép công dụng, cách chế biến các loài thảo dược để làm thuốc chữa bệnh v.v…Qua tài liệu cho thấy sự phân bố các loài thảo dược ở các địa phương, cách nhận biết mùa thu hoạch,… Những bài thuốc dân gian này đã được các Vua, Chúa thời Nguyễn cho khắc in để lưu truyền hậu thế. Đây cũng là tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu dược liệu để chữa bệnh, đồng thời giúp cho việc phục hồi và phát triển vườn thuốc ở các địa phương,…
Tài liệu nằm trong hồ sơ số H20/5 – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm lưu trữ quốc gia IV. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và các nhà nghiên cứu có thêm nguồn tư liệu để khảo cứu.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
1. MẠCH MÔN ĐÔNG (tục danh là cỏ Tóc tiên): sách “Bản thảo Cương mục” gọi là Ô cửu hay Giai tiền thảo. Có công dụng giải nhiệt, thanh tâm và chữa ho. Sách “Bản thảo Cứu hoang” ghi: lấy củ ngâm nước cho hết mùi hôi rồi rửa sạch, xôi chín, bỏ lõi để ăn.
2. CỐT TOÁI BỔ (tục danh là cỏ Tổ ong): sách “Bản thảo Cương mục” gọi là Thạch mao khương. Sống ký sinh trên cây khác; củ giống như củ gừng, nhưng nhỏ mà dài hơn củ gừng. Có công dụng khỏe gân cốt và chữa đau lưng.
3. MÃ TIỀN THẢO (tục danh là cỏ Mã tiên): sách “Bản thảo cương mục” gọi là Long nha thảo hay Phụng cảnh thảo; thân vuông, lá giống lá Ích mẫu, đối nhau, bông như bông Xa tiền. Có công dụng sát trùng, cầm máu và trị chứng âm thũng.
4. BẠCH CHỈ (tục danh là cỏ Bạch chỉ): sách “Bản thảo cương mục” gọi là Phương hương, Trạch phương, Phù ly: mọc khắp nơi ở đồng nội. Cành gốc cách đất 5 tấc, lá to bằng ba đầu ngón tay, hoa trắng hơi vàng. Công dụng: rễ có thể chữa chứng đau đầu và đau mắt đỏ.
5. HẠN LIÊN THẢO (tục danh là Cỏ Mực): sách “Bản thảo Cương mục” gọi là Lễ trường hay Mặc đầu thảo. Có công dụng chữa mụn lở trên đầu.
6. THƯƠNG NHĨ (tục danh là cây Ké): sách “Bản thảo Cương mục” gọi là Tỷ nhĩ, Thi, Địa quỳ, Thử niêm tử, Thường tư thái, Dương phụ lai. Có công dụng chữa các chứng phong. Hoa, lá, rễ đều có thể ăn được. Là thuốc trường sinh. Quả có gai nhỏ, tục gọi là Đạo nhân đầu. “Bản thảo Cứu hoang” ghi: hái đọt và lá non luộc chín, thay nước, ngâm cho hết vị đắng, rửa sạch rồi trộn dầu muối để ăn. Hạt hơi vàng, giã bỏ vỏ, nghiền thành bột, làm bánh nướng hoặc đồ chín để ăn.
7. TANG KÝ SINH (tục danh là Tầm gửi cây Dâu): có công dụng chữa chứng phong thấp và đau lưng. Ngoài ra còn có loại Đào ký sinh, Liễu ký sinh cũng có thể làm thuốc.
Bản dập Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí khắc về các loại thảo dược
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
8. HỒ NHĨ (tục danh là La Hổ nhĩ): sách “Bản thảo cương mục” gọi là Thạch Hà. Là loại cây dây leo, lá như hình tai hổ. Thường được trồng ở hòn non bộ. Mùa hè nở hoa nhỏ, màu đỏ nhạt. Có công dụng chữa chứng ù tai.
9. BỒ CÔNG ANH: Sách “Bản thảo Cương mục” gọi là Cấu nậu thảo, Kim trâm thảo, Hoàng hoa địa đinh. Thường mọc ở chỗ kẽ hở của bờ tường. Có công dụng chữa ung độc ở vú và tan nhiệt độc.
10. NGƯU TẤT (tục danh là Cỏ Xước): đốt cây giống bắp chân trâu. Có công dụng thông tiểu tiện và tiêu phù thũng. Tuy cùng tên với Bắc ngưu tất nhưng là một loại khác.
11. ĐẠI TỪ BI: Thường mọc ở tường rào, lá có lông nhỏ. Có công dụng chữa chứng đau đầu và chứng phong bại ở trâu bò. Có loại Tiểu từ bi, lá có thể ăn sống được.
12. LÃO BỒ ĐẰNG (tục danh là cỏ Đậu ràng). Lại có tên là Liệu đậu thảo. Tự điển gọi là Lao dã đậu. Có công dụng giải non độc.
13. CHU THẢO hay CHÂU THẢO (theo tên do vua Minh Mạng đặt) (tục danh là cây Phất dụ), lại có tên là Huyết thụ, lá màu tía. Công dụng chữa chứng ho và nhiệt lậu.
14. ÂM DƯƠNG LIỄU (tục danh là Liễu âm dương): lá như lá chè mà mỏng, mặt dưới màu xanh, mặt trên màu tía. Công dụng chữa chứng ho.
15. XÍCH ĐỒNG NAM (tục danh là cây Bấn đỏ): mọc từng bụi, hoa màu đỏ. Công dụng: rễ có thể chữa chứng xích đới của phụ nữ.
16. BẠCH ĐỒNG NỮ (tục danh là cây Bấn trắng): mọc từng bụi, hoa màu trắng. Công dụng: rễ có thể chữa chứng bạch đới của phụ nữ.
(còn nữa)
Phạm Thị Huệ
Đăng trên Tạp chí VTLTVN số2, năm 2010