Đại Việt sử ký toàn thư là tập đại thành với nhiều bộ sử biên niên ghi chép một cách có hệ thống về lịch sử Việt Nam, từ đời Hồng Bàng cho đến năm 1675. Bộ quốc sử đã gắn liền tên tuổi nhiều nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII), Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), Phạm Công Trứ, Lê Hy (thế kỷ XVII),… Hiện nay trong kho lưu trữ mộc bản lớn nhất của Việt Nam còn lưu giữ được 668 tấm mộc bản tương đương với 1.086 mặt khắc, đây là bộ ván khắc quý giá có một không hai mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Xin trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc!

Bìa ván in sách Đại Việt sử ký toàn thư (Nguồn: TTLTQGIV)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) là một công trình sử học đồ sộ, là tập đại thành với nhiều bộ sử biên niên ghi chép một cách có hệ thống về lịch sử Việt Nam, từ đời Hồng Bàng trong truyền thuyết cho đến năm 1675. Đại Việt sử ký toàn thư gắn liền với tên tuổi nhiều nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII), Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV), Phạm Công Trứ, Lê Hy (thế kỷ XVII),…

Bộ sử có tên gọi đầu tiên là “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển do Lê Văn Hưu biên soạn xong vào năm 1272; sau đó được kế thừa, biên soạn bổ sung, chỉnh sửa, khắc in và ấn loát trải qua nhiều triều đại với các tên gọi “Sử ký tục biên hoặc Đại Việt sử ký” do Phan Phu Tiên bắt đầu soạn năm 1455; “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên bắt đầu soạn năm 1479; “Đại Việt thông giám thông khảo” do Vũ Quỳnh soạn xong vào năm 1511; Việt giám thông khảo tổng luận do Lê Tung soạn năm 1514; Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục do nhóm Phạm Công Trứ soạn xong năm 1665; Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm Lê Hy soạn xong năm 1697. Năm 1775, nhóm Ngô Thì Sỹ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Chất (Sá), Nguyễn Hoãn, Lê Quý Đôn, Vũ Miên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, viết nối dài bộ sử đến năm 1740. Đến triều Nguyễn, Hậu quân tham mưu Nguyễn Bá Khoa trên cơ sở các ván in năm 1697 bị thất lạc, ông đã cho tập hợp các tiêu bản để phục chế lại bộ ván in này trong thời gian từ năm 1802 – 1827.

Tuy nhiên, căn cứ theo các công trình nghiên cứu về bộ Đại Việt sử ký toàn thư, các bản in đã xuất bản từ trước đến nay; các nhà nghiên cứu, nhà sử học đều cho rằng ở nước ta hiện nay có hai bản in, 1 bản in dưới thời Nguyễn mà chúng ta thường dùng, 1 bản in do Giáo sư Phan Huy Lê, sau chuyến công tác tại Pháp về đã phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư (bản Nội các quan bản). Đó là bản in theo ván khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) được lưu giữ tại Thư viện Hội Á châu ở Paris([1]). Trong đó, bản in bộ Đại Việt sử ký toàn thư khắc cuối triều Lê (1697), do Lê Hy và Nguyễn Quý Đức viết lời tựa, dòng cuối lời tựa có ghi “Thợ khắc ván in các làng Hồng Lục và Liễu Chàng vâng chỉ san khắc”. Sách gồm 24 quyển được khắc ván in và ban bố trong thiên hạ vào năm 1697.

Lời tựa Đại Việt sử ký tục biên tự ghi thợ khắc ván in các làng Hồng Lục và Liễu Chàng vâng chỉ san khắc

Hiện nay trong kho lưu trữ mộc bản lớn nhất của Việt Nam tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt còn lưu giữ được 668 tấm mộc bản tương đương với 1.086 mặt khắc; đây là số ván in của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” còn bảo tồn được đến ngày nay. Có thể đánh giá bộ ván in quốc sử Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang quản lý, bảo quản là di sản quý giá có một không hai mà tiền nhân để lại cho hậu thế.

II. SƠ LƯỢC VỀ CÁC GIAI ĐOẠN BIÊN SOẠN BỘ TOÀN THƯ

2.1. Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu biên soạn (biên soạn xong năm 1272)

Lê Văn Hưu (1230-1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông sinh năm Canh Dần (1230), mất năm Nhâm Tuất (1322), thọ 93 tuổi (theo Gia phả họ Lê).

Năm Đinh Mùi (1247), ông thi đỗ Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của triều Trần có đặt ra danh hiệu Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 có ghi chép về ông ngắn gọn như sau: “Lê Văn Hưu người xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn, đỗ Bảng nhãn đời Thiên ứng Chính Bình, làm Hàn Lâm học sĩ kiêm Giám tu Sử viện, biên soạn sách Đại Việt sử ký”.

Theo An Nam chí lược của Lê Trắc (quyển 15, tờ 6), ông là thầy dạy học của Trần Quang Khải, một Thượng tướng dưới triều Trần Nhân Tông. Sau Lê Văn Hưu làm pháp quan, giữ việc hình luật, rồi làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, tước Nhân uyên hầu.

Sau này khi được chuyển sang giữ chức Học sĩ Hàn Lâm viện, kiêm Giám tu Quốc sử viện, Lê Văn Hưu đã dồn hết tinh lực, thu thập tất cả sử sách ghi chép thông tin thời Lý và các triều đại trước đó để biên soạn, bổ sung, hoàn thiện bộ sử với tên gọi Đại Việt sử ký. Bộ Đại Việt sử ký được Lê Văn Hưu bắt đầu biên soạn vào năm nào không thấy sử sách nói đến, theo những tư liệu để lại thì vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1272), bộ quốc sử được hoàn thành. Bộ sử là một công trình ghi chép lại những sự kiện quan trọng diễn ra trong gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Vũ đế cho tới vua Lý Chiêu Hoàng. Bộ sách gồm 30 quyển, sau khi bộ quốc sử hoàn tất, ông được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu khen ngợi và ban thưởng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5 chép: Nhâm Thân (1272), mùa xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 7 chép: Nhâm Thân, năm thứ 15 (1272) tháng giêng, mùa xuân. Sách Đại Việt sử ký đã biên soạn xong. Trước đây, Hàn lâm học sĩ kiêm Quốc tử viện Giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh biên chép sách Quốc sử từ đời Triệu Vũ đế đến đời Lý Chiêu Hoàng, nay sách ấy đã biên soạn xong, tất cả 30 quyển đem dâng; nhà vua hạ chiếu ban khen.

2.2. Sử ký tục biên hoặc Đại Việt sử ký do Phan Phu Tiên biên soạn (bắt đầu biên soạn năm 1455)

Phan Phu Tiên đã biên soạn bổ sung bộ quốc sử biên niên của Lê Văn Hưu, ghi chép về những sự kiện từ khi nhà Trần bắt đầu trị vì đến khi nhà Minh rút quân về nước (1226-1227).

Trong bài tựa sách Toàn thư, Ngô Sĩ Liên nói rõ thêm: Đến đời Trần Thái Tông mới sai học sĩ Lê Văn Hưu làm sử, bắt đầu từ Triệu Vũ đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng. Vua Nhân Tông triều ta (triều Lê) lại sai làm sử: Phan Phu Tiên biên nối từ Trần Thái Tông trở xuống đến khi người Minh trở về nước đều đặt tên là Đại Việt sử ký,…

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11 chép: Năm Ất Hợi (1455), sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại việt sử ký, từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 18 chép: Ất Hợi, năm thứ 2 (1455), sai Quốc tử bác sĩ Phan Phu Tiên sửa lại bộ Việt sử (Sử cũ không chép tháng). Bộ Việt sử này chép từ đời Trần Thái Tông (1225-1257) đến lúc người Minh rút về nước (1427), gồm 10 quyển.

Lời chua – Phan Phu Tiên: Người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, đỗ khoa minh kinh năm Kỷ Dậu (1429), niên hiệu Thuận Thiên.

2.3. Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn (bắt đầu biên soạn năm 1479)

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã tiến hành biên tập lại công trình của những người viết trước và bổ sung vào đó những lời bình của mình, đồng thời phân chia bộ sử thành 2 phần: ngoại kỷ và bản kỷ. Việc phân chia dựa theo thời gian bắt đầu trị vì của triều Ngô đến hết năm 938. Ngô Sĩ Liên đã viết thêm quyển 1 ngoại kỷ về những sự kiện nửa huyền thoại cho đến cuối thời gian trị vì của nhà Triệu. Bộ sách được cơ cấu thành 15 quyển tồn tại cho đến ngày nay, trong đó sách có lời tựa, giải thích quy tắc biên soạn bộ biên niên sử. Ngô Sĩ Liên viết “bản kỷ về ba Hoàng đế” gồm: Lê Thái Tổ; Lê Thái Tông; Lê Nhân Tông.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 8 chép: Năm Kỷ Hợi (1479), sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 23 chép: Kỷ Hợi năm thứ 10 (1479), hạ lệnh cho Ngô Sĩ Liên biên chép sách Đại Việt sử ký. Sách chép gồm 15 quyển: từ Hồng Bàng thị đến Ngô sứ quân 5 quyển gọi là ngoại kỷ; từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ 10 quyển gọi là bản kỷ.

2.4. Đại Việt thông giám thông khảo do Vũ Quỳnh biên soạn (biên soạn xong năm 1511)

Phần sách này viết lại toàn bộ lịch sử đến năm 1427, chuyển dịch ranh giới giữa ngoại kỷ và bản kỷ sang thời bắt đầu trị vì của triều Đinh (năm 968), đồng thời đưa ra cách phân bố mới chia thành 26 quyển.

Vũ quỳnh viết phần “bản kỷ bốn hoàng đế” gồm: Lê Thánh Tông; Lê Hiến Tông; Lê Túc Tông; Lê Uy Mục.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển 15 chép: Binh bộ Thượng thư, Quốc Tử giám Tư nghiệp kiêm sử quan đô Tổng đài Vũ Quỳnh (người xa Mô Trạch, huyện Đường Yên dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép từ Hồng Bàng thị đến Mười hai sứ quân về trước làm ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ Cao hoàng đế bản triều đại định thiên hạ làm bản kỷ, đều chép tường tận theo lối kỷ niên các triều đại gồm 26 quyển.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 26 chép: Tháng 4, mùa hạ, sách Đại Việt thông giám đã biên soạn xong. Trước đây, Vũ Quỳnh, Binh bộ Thượng thư, Quốc Tử giám Tư nghiệp kiêm sử quan đô Tổng tài, phụng chiếu biên tập sách Đại Việt thông giám, chép từ Hồng Bàng thị đến mười hai sứ quân làm ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm thứ nhất Lê Thái Tổ bình định được cả nước làm bản kỷ, trình bày rõ ràng theo sự biên niên các triều đại, gồm 26 quyển. Đến nay, biên tập xong, dâng nộp. Sau nhà vua hạ lệnh cho Lê Tung làm bài “Tổng luận”.

Vũ Quỳnh: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

2.5. Việt giám thông khảo tổng luận do Lê Tung soạn (năm 1514)

Lê Tung người xã Yên Cừ, huyện Thanh Liêm, nguyên họ Dương, tên là Ban Bản, sau được ban cho họ của vua, đổi tên là Tung, đỗ Tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1484), năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Bản này viết lại bản lược sử bộ sử biên niên của Vũ Quỳnh.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển 15 chép: Mùa thu, tháng 9, sai thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận.

“Tổng luận”: Đại Việt thông giám tổng luận, 1 quyển do Lê Tung soạn. Theo Phan Huy Chú, khi Vũ Quỳnh làm xong sách Đại Việt thông giám thông khảo dâng lên vua, Tương Dực Đế muốn tóm tắt những điều quan trọng trong bộ sử ấy và có phê phán, yêu cầu làm thành bài Tổng luận để đọc cho tiện, bèn sai Lê Tung soạn sách đó.

2.6. Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục do nhóm Phạm Công Trứ soạn (biên soạn xong 1665)

Trên những tư liệu đã có, nhóm Phạm Công Trứ đã viết lại toàn bộ bộ sử biên niên đến năm 1427 (tức khi nhà Minh kéo quân về nước). Sau khi chia quyển, nhóm Phạm Công Trứ đã đưa thêm phần “bản kỷ ba hoàng đế” của Ngô Sĩ Liên và “bản kỷ bốn hoàng đế” của Vũ Quỳnh. Đồng thời soạn thêm 3 quyển mới gồm quyển 16;17;18 phần bản kỷ. Đồng thời giữ lại cách phân chia thành ngoại kỷ và bản kỷ giống như Vũ Quỳnh đến hết 967; phần bản kỷ được chia thành Toàn thư (968-1433); Thực lục (1434-1527) và Tục biên (1533-1662). Ngoài ra, Phạm Công Trứ đã mở rộng giải thích quy tắc viết của sử gia Ngô Sĩ Liên, thêm vào bộ biên niên sử công trình của Lê Tung như là một phần riêng.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 34 chép: Tháng 11, mùa đông, sách Quốc sử thực lục (tức bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên) đã biên soạn xong. Năm Cảnh Trị trước (Cảnh Trị thứ 3 (1665) triều Lê Huyền Tông), Tham tụng Phạm Công Trứ chép nối theo quốc sử từ Trang Tông đến Thần Tông, nhưng việc khắc ván gỗ chưa xong. Năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676), Hồ Sĩ Dương trông coi việc Quốc sử, Sĩ Dương mất, triều đình lại sai Lê Hy và Nguyễn Quý Đức biên soạn sự thực trong 13 năm từ Huyền Tông đến Gia Tông, cũng gọi là Tục biên. Đến nay sách đã biên soạn xong, dâng nộp. Triều đình bèn cho khắc cả hai bộ sách này ban hành trong nước.

Như vậy, lần đầu tiên bộ biên niên sử được đem đi khắc ván để phục vụ việc in ấn.

2.7. Nhóm Lê Hy biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư (bắt đầu biên soạn năm 1676; biên soạn xong năm 1697). Nhóm này đã viết thêm quyển cuối là quyển 19 bản kỷ (1663-1675), bổ sung thêm lời tựa thứ 3 của mình.

2.8. Nhóm Ngô Thì Sỹ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Chất (Sá), Nguyễn Hoãn, Lê Qúy Đôn, Vũ Miên biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư (năm 1775). Nhóm đã viết thêm nối dài bộ sử đến năm 1740 sau đó được chuyển đi khắc in và ấn loát.

2.9. Nguyễn Bá Khoa thu thập, khắc lại bộ Đại Việt sử ký toàn thư (giai đoạn 1802 – 1827). Do các ván in năm 1697 bị thất lạc, nên Nguyễn Bá Khoa đã tìm các tiêu bản in từ các ván in năm 1697 để phục chế lại các ván in này.

III. VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI VÀ HỆ THỐNG VÁN IN TOÀN THƯ TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV

Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư đã trải qua quá trình biên soạn, bổ sung, chỉnh sửa dài lâu, trong khoảng hơn 400 năm, với khối lượng thông tin đồ sộ, lại được tu sửa qua nhiều đời với tên gọi các khác nhau. Như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, (đời Trần); Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên; Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh (đời Lê sơ); Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục hay Bản kỷ tục biên của Phạm Công Trứ; Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên của Lê Hy (đời Lê trung hưng),… Do những biến động của lịch sử, các ván in bị thất tán dần; cho đến thời kỳ triều Nguyễn, triều đình đã cho tập hợp, di chuyển các bộ ván khắc từ Bắc thành về bảo quản tại Quốc Tử giám Huế. Rất có thể những ván ít còn sót lại của bộ Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã được vận chuyển về Huế dưới thời vua Minh Mệnh vào năm 1827.

Chính sử chép vào năm Minh Mệnh thứ 8 (1827): “Sai quan Bắc Thành kiểm xét những bản in nguyên trữ ở Văn Miếu về các sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Vũ kinh trực giải (bản in của Quốc Tử giám nhà Lê) cùng Tiền Hậu chính sử (bản in riêng của Hậu quân tham mưu Nguyễn Bá Khoa) và Tứ trường văn thể (bản in riêng của Trấn thủ Hải Dương Trần Công Hiến), gửi về Kinh để ở Quốc Tử giám”[2].

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 261 cũng chép mục “Sách công và bản in sách” như sau:[3]

“Năm thứ 8 (Minh Mệnh), ban Chỉ rằng: Văn Miếu Bắc Thành, trước có chứa các bản in ngũ kinh tứ thư đại toàn và Vũ kinh trực giải, cho tìm soạn cho đủ số các mảnh ván có chữ in ấy. Nếu tấm nào lâu năm mọt nát, thì đem khắc lại điền bổ vào. Đến kỳ tải, cho đem tải vào kinh, giao cho Quốc Tử giám chứa giữ để in thành sách.

Lại Sắc: Bộ tư ra Bắc thành kiểm soạn các bản in chính sử trước sau, và quyển văn 4 trường, trước chứa ở thành ấy, thì cho chở cả vào kinh dâng nộp.

Năm thứ 9, ban Sắc: Người giữ việc phải in theo bản in Bắc thành chở vào là sách Tiền hậu chính sử, và Tứ trường văn thể, mỗi thứ 30 bộ, để cho đủ ban cấp.

Năm thứ 10, chuẩn y lời tâu: Năm trước theo sắc lệnh đã in sách Tiền hậu chính sử, và Tứ trường văn thể xong rồi….

Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), ban Sắc rằng: Quốc Tử giám trước có chứa các bản in về sách, Tứ thư ngũ kinh, Đại học diễn nghĩa, Đại Việt sử ký, Thi vận tập yếu. Vậy cho liệu bắt thuyền binh đi vận tải các bản in ấy đem về Quốc Tử giám mà chứa đấy”.

Quốc Tử giám hoạt động đến năm 1933 thì bị bãi bỏ, trường được dùng làm trụ sở Thư viện đầu tiên của Nam Triều. Sau đó, cơ sở này được tiến hành sửa chữa, nâng cấp với quy mô lớn, biến nơi đây thành một tổng Thư viện trung ương, lưu trữ tất cả những sách vở, những tài liệu của các khố văn thư lớn nhỏ, từng được thiết lập tại Huế, kể cả kho sách và tài liệu của Nội các.

Đến thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, để thiết lập tại Đà Lạt một Chi nhánh Văn khố lưu trữ hồ sơ tài liệu của các tỉnh Cao nguyên và miền Trung. Từ năm 1960-1961, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho di chuyển toàn bộ các tài liệu lưu trữ lịch sử, trong đó có toàn bộ khối tài liệu Mộc bản lên bảo quản tại Đà Lạt.

3.1. Cách thức hệ thống trước đây

Sau năm 1975, toàn bộ khối tài liệu lưu trữ được giao cho Cục Lưu trữ (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) quản lý. Từ năm 1993 đến 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã giao cho Trung tâm LTQGII, LTQGIV mời các nhà nghiên cứu tiến hành chỉnh lý, sắp xếp lại toàn bộ bản gốc khối Mộc bản triều Nguyễn, trong đó có các ván sách thuộc bộ Toàn thư. Tuy nhiên, khi tiến hành hệ thống, các ván in lại được sắp xếp dựa theo tên sách khắc trên ván, do vậy bộ sách đã bị chia thành nhiều bộ nhỏ riêng lẻ, nằm độc lập gồm: Đại Việt sử ký thực lục; Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Việt thực lục; Việt sử bản kỷ; Việt sử tục biên; Việt sử thực lục; Sử ký tục biên; Việt giám thông khảo tổng luận.

Trong chủ đề Lịch sử thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn, các sách thuộc bộ Toàn thư được hệ thống theo thứ tự gồm[4]:

 a.1. Đại Việt sử ký thực lục

– Số lượng 1 quyển (quyển 12 gồm 57 tờ )

  – Khổ khuôn in 20×29,5cm

– Kí hiệu hồ sơ: H30

 – Nội dung ghi chép về lịch sử Việt Nam triều Lê Thánh Tông (1460-1497).

a.2. Đại Việt sử ký toàn thư

– Số lượng 18 quyển và 1 quyển thủ (gồm 1 quyển thủ; Phần Ngoại kỷ (quyển 1,2,3,4,5); phần Bản kỷ (quyển 1,2,3,4,5,6,7,8,10,12,13,16,17). Tổng cộng: 330 tờ.

– Khổ khuôn in 20×29,5cm

– Kí hiệu hồ sơ: H31

– Nội dung ghi chép về lịch sử Đại Việt từ khởi thủy đến đời Lê Gia Tông Mỹ Hoàng đế (1675). Gồm 2 phần Ngoại kỷ và Bản kỷ.

a.3. Đại Việt thực lục

– Số lượng 4 quyển, tổng cộng 4 tờ gồm quyển 10,11,13,16

– Khổ khuôn in 20,5 x 29,5 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H32

– Nội dung ghi chép về lịch sử Việt Nam thời vua Lê Thánh Tông (1460-1479) và vua Lê Trang Tông (1533 – 1548).

a.4. Sử ký tục biên

– Số lượng 01 quyển, 4 tờ

– Khổ khuôn in 20,5 x 29 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H110

– Nội dung là bài tự của sách “Đại Việt sử ký tục biên” (bản giáp)

a.5. Việt giám thông khảo tổng luận

– Số lượng 01 quyển, 12 tờ

– Khổ khuôn in 20,4 x 29,5 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H139

– Nội dung ghi chép bình luận về lịch sử Việt Nam, những việc thành công tốt đẹp, những điều chưa hay, những việc chưa thành công của các Hoàng đế trong lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến thời Lê.

a.6. Việt sử bản kỷ

– Số lượng 2 quyển, 56 tờ (quyển 8,9)

– Khổ khuôn in 20,4 x 29,4 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H140

– Nội dung ghi chép về lịch sử Việt Nam đời nhà Trần.

a.7. Việt sử thực lục

– Số lượng 11 quyển, 325 tờ gồm quyển 1,2,3,5,9,10,11,12,13,14,15;

– Khổ khuôn in 20,8 x 29,4 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H141

– Nội dung ghi chép về lịch sử Việt Nam triều Lê – Mạc. Từ Lê Thái Tổ đến Mạc Đăng Doanh (1428-1540).

a.8. Việt sử tục biên (Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên)

– Số lượng 4 quyển, 213 tờ gồm quyển 16,17,18,19;

– Khổ khuôn in 20,3×29,3 cm

– Kí hiệu hồ sơ: H142

– Nội dung ghi chép lịch sử Việt Nam theo lối biên niên, từ đời vua Lê Trang Tông đến Lê Gia Tông (1533 – 1675).

Số lượng, vị trí cụ thể như sau:

3.2. Việc sắp xếp, phân loại bộ Toàn thư hiện nay

Trên cơ sở các ván in từ 8 bộ nhỏ lẻ, chúng tôi đã tiến hành hệ thống lại dựa vào tên sách khắc tại lòng bản tâm, đồng thời trên cơ sở tham khảo các bản in đã được xuất bản công bố gồm: bản in gồm 4 tập do nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2004; bản in 1 tập khổ lớn do Nhà xuất bản Văn học, xuất bản năm 2017, qua đó làm căn cứ đối chiếu lại các ván in và sắp xếp lại trật tự các sách, chuyển thành 1 tên gọi chung là Đại Việt sử ký toàn thư, cụ thể như sau:

Vấn đề văn bản của bộ ván in Đại Việt sử ký toàn thư hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cũng đặt ra nhiều câu hỏi đáng quan tâm, vì trong quá trình hệ thống, chúng tôi đã liệt kê ra những ván khắc cùng tên sách, tên quyển, số mặt khắc nhưng được khắc và khắc lại thành 2 ván in, thậm trí là 3 ván in. Điều này đặt ra giả thuyết: bộ ván in Toàn thư mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang quản lý có bao gồm những ván in đã được tập hợp từ Bắc thành về Huế hay không, có bao nhiêu ván in trước thời Nguyễn? Và sau khi được chuyển về Quốc Tử giám (Huế) lưu giữ, triều đình nhà Nguyễn đã cho khắc in bổ sung những bản đã thất lạc hoặc bị hư hỏng như thế nào? Như vậy, khi nghiên các ván in sách bộ Đại Việt sử ký toàn thư tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ khơi mở ra các vấn đề về văn bản học. Bởi khi so sách về hình thức chữ viết, độ bền của ván chúng tôi đã thấy được sự khác biệt cơ bản nhất định.

Do quá trình hình thành phức tạp của bộ sử; bên cạnh đó là việc lưu trữ, in ấn, thất lạc ván in dưới các triều đại – việc khắc bổ sung sau đó; vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi những người làm công tác lưu trữ chỉ xin giới thiệu về ván in bộ quốc sử “ Đại Việt sử ký toàn thư” duy nhất còn tồn tại đến ngày nay.

Về mặt văn bản học, chúng tôi hy vọng sẽ mở ra đề tài mới để những nhà nghiên cứu và độc giả để có câu trả lời chính xác cho những ván khắc trùng (2 lần, 3 lần) của bộ quốc sử quý giá do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt đang quản lý./.

Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Nxb Văn hóa thông tin, năm 2004.

2. Đại Việt sử ký toàn thư – Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004.

3. Đại Việt sử ký toàn thư – Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Văn học, năm 2017.

4. Những cứ liệu mới về việc chép sử Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, năm 2011.

5. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, Nxb Văn hóa, năm 1984.

6. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 1-8, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2005.

7. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch Viện sử học, Nxb giáo dục, 2007.

8. Ván in bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

9. Hồ sơ bản dập bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Chú thích:
[1] Lời Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho lần xuất bản năm 1998.
[2] Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 43, tập 2, tr581, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 2004
[3] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập quyển 261, tập 8, tr 564, bản dịch Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2005
[4] Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2004

 Xuân Hùng – Khánh Vy