Trong các bộ chính sử triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn, có thể nói bộ Đại Nam thực lục là bộ chính sử giữ nhiều kỷ lục nhất về thời gian biên soạn và khắc in, số lượng nhân sự tham gia, số lượng gỗ dùng làm ván khắc,…Bộ sử được bắt đầu khởi soạn sau khi vua Minh Mệnh lên ngôi được 1 năm tức vào năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) cho đến khi phần lục kỷ được khắc in xong vào năm Duy Tân thứ 3 (1909). Như vậy, thời gian biên soạn và khắc in bộ chính sử này đã trải dài 88 năm (không kể phần thất kỷ).

Về nhân sự tham gia biên soạn bộ sách này có thể đến gần 200 người, gồm các chức quan từ Tổng tài, Phó Tổng tài, Toản tu, Biên tu, Khảo hiệu, Hiệu san, Đằng lục, Thu chưởng,… Trong đó có nhiều cựu thần giữ các chức vụ quan trọng trong việc biên soạn, biên tập đã già đi và chết, trước khi bộ sách được hoàn thành. Riêng về thợ san khắc ván in, chúng tôi chưa có tư liệu thống kê cụ thể. Nhưng theo ghi chép từ thực lục, để san khắc phần đệ nhị kỷ gồm 221 quyển, Quốc Sử quán đã tâu xin tuyển thợ mộc giỏi ở Bắc kỳ “nên dùng thợ khắc 100 người”. Như vậy số lượng thợ san khắc, thợ xẻ gỗ và những người phục dịch có thể lên đến hàng mấy trăm người khi bộ sử được hoàn thành.

Theo thống kê tại kho Mộc bản thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt hiện đang bảo quản 7.326 tấm mộc bản, với 12.441 mặt khắc tương đương với 24.882 trang tài liệu. Bộ ván in sách còn 461 quyển, trong đó Đại Nam thực lục tiền biên gồm 13 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ 61 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ 221 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ 73 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ 71 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ 9 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ 12 quyển; Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ 1 quyển.

 Bìa sách Đại Nam thực lục tiền biên

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

1. Đại Nam thực lục tiền biên (còn gọi là Liệt thánh thực lục tiền biên)

Nhân sự tham gia giữ các chức vụ tổ chức biên soạn phần Tiền biên gồm 19 người, trong đó Trương Đăng Quế giữ chức Tổng tài.

Phó Tổng tài gồm các ông Hà Duy Phiên, Nguyễn Trung Mậu, Phan Bá Đạt. Toản tu gồm các ông Đỗ Quang, Tô Trân, Phạm Hồng Nghi, Võ Phạm Khải, Nguyễn Tường Vĩnh.

Biên Tu gồm các ông Phạm Chi Hương, Nguyễn Thu, Phạm Văn Nghi, Hoàng Trọng Từ, Dương Duy Thanh.

Khảo hiệu gồm các ông Nguyễn Huy Phiên, Đỗ Huy Diễm, Phạm Lân, Tống Văn Vạn.

Bộ sách này ghi chép về mọi mặt hoạt động của 9 đời chúa Nguyễn, bắt đầu từ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế – Nguyễn Hoàng (còn gọi là chúa Tiên) vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến hết đời Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (chúa Sãi) – Nguyễn Phúc Thuần năm 1777. Các sự kiện trải qua 9 đời chúa, tổng cộng 219 năm.

Đại Nam thực lục tiền biên được khởi soạn từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), khắc xong vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Do vậy, thời gian biên soạn phần sách này kéo dài 25 năm mới xong và cho đem đi khắc in.

Theo lời dụ của vua Thiệu Trị đề ngày 11 tháng 3, năm thứ 4 (1844) đã ghi “Kể từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) mở đặt Sử cục đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), trải trong khoảng 25 năm, đã biên soạn xong” (Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, dụ, mặt khắc 4).

Thời gian san khắc bộ sách này kéo dài gần 5 tháng, bắt đầu từ ngày 6 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đến ngày 7 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Số lượng thợ tham gia thực hiện việc san khắc hiện chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu ghi chép về việc này.

Tổng tài biên soạn bộ Đại Nam thực lục tiền biên Trương Đăng Quế

(Ảnh sưu tầm)

2. Đại Nam thực lục chính biên ghi chép các sự kiện xảy ra theo thứ tự ngày từ năm Mậu Tuất (1778) đến đời vua Khải Định (1916-1925).

Bộ sách được chia làm nhiều kỷ, mỗi kỷ là một đời vua: đệ nhất kỷ (ghi chép các sự kiện lịch sử dưới thời vua Gia Long); đệ nhị kỷ (về vua Minh Mệnh); đệ tam kỷ (về vua Thiệu Trị); đệ tứ kỷ (về vua Tự Đức); đệ ngũ kỷ (cuối đời vua Tự Đức đến đời vua Kiến Phúc); đệ lục kỷ (từ đời vua Hàm Nghi đến đời vua Đồng Khánh); đệ lục kỷ phụ biên (đời vua Thành Thái và Duy Tân); đệ thất kỷ (đời vua Khải Định).

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ gồm 60 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra dưới thời vua Gia Long.

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 24 người, trong đó Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn giữ chức Tổng tài. Phó Tổng tài gồm ông Hà Duy Phiên.

Toản tu gồm Đỗ Quang, Phạm Hữu Nghi, Tô Trân, Võ Phạm Khải, Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Thu, Trần Trứ.

Biên tu gồm các ông Phạm Chi Hương, Hoàng Trọng Từ, Dương Duy Thanh, Phan Huy Vịnh, Lê Hiếu Hữu, Võ Công Độ, Nguyễn Kim Xuyến, Đỗ Huy Diễm, Nguyễn Huy Phiên, Phạm Lân.

Khảo hiệu gồm các ông Lê Văn Huy, Tống Văn Vạn, Nguyễn Trọng Cầu, Lê Quang Huân.

Theo lời dụ của vua Tự Đức đề ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 1 (1848) về việc biên soạn và khắc in sách này, bắt đầu từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) cho đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) trải qua 27 năm mới biên tập xong. (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, dụ, mặt khắc 7).

Việc san khắc phần nhất kỷ kéo dài gần 1 năm từ ngày 21 tháng 2 năm Tự Đức thứ 1 (1848) đến ngày 2 tháng 12 năm Tự Đức thứ 1 (1848).

Bìa sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ gồm 220 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra dưới thời vua Minh Mệnh, từ năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840).

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 31 người, trong đó Trương Đăng Quế giữ chức Tổng tài. Phó Tổng tài gồm ông Trương Quốc Dụng, Trương Văn Uyển, Lâm Duy Giáp. Toản tu gồm các ông Tô Trân, Phạm Hữu Nghi, Phạm Chi Hương, Bùi Qũy, Phạm Huy, Đỗ Quang, Nguyễn Tường Vĩnh. Biên tu gồm các ông Phan Huy Vịnh, Võ Công Độ, Lê Hiếu Hữu, Võ Văn Tuấn, Phan Đình Dương, Nguyễn Huy Phiên, Nguyễn Huy Lịch, Võ Phạm Khải, Phạm Văn Nghi, Nguyễn Huy Vinh, Võ Thấu, Nguyễn Đăng Tuyển, Đỗ Huy Diễm, Nguyễn Xuyên, Đặng Long Đống, Phan Danh, Trịnh Xuân Thưởng. Khảo hiệu gồm các ông Lê Quang Lệnh, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Đức Ý.

Thời gian biên soạn phần nhị kỷ kéo dài 20 năm, theo lời dụ của vua Tự Đức đề ngày Dụ của vua Tự Đức đề ngày  25 tháng 5 năm Tự Đức thứ 14 (1861) về việc biên soạn Thực lục chính biên về Thánh tổ nhân hoàng đế như sau: Kính nghĩ bản thực lục về hoàng tổ là Thánh tổ Nhân hoàng đế (vua Minh Mạng) đã được Hoàng khảo ta là Hiến tổ Chương hoàng đế trước sau xét định, đạo thường phép lớn, cũng đã rõ ràng rồi, mà vẫn lệnh cho các sử quan hết sức biên chép mài gọt mà lần lượt đã tiến trình bản mẫu. Trong đó sự tích có một vài chỗ nên nghiên cứu sửa chữa, ta lại kính cẩn sửa đổi, đã giao cho bổ thêm vào, công việc đã xong. Kể từ năm Thiệu Trị thứ 1 đến nay, trải 20 năm, mới thành được sách đầy đủ thế này. (Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, Dụ, mặt khắc 8)

Thời gian san khắc phần nhị kỷ diễn ra trong hơn 3 năm từ ngày 25 tháng 5 năm Tự Đức thứ 14 (1861) đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ gồm 72 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra dưới thời vua Thiệu Trị, từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847).

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 44 người, trong đó Trương Đăng Quế, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản giữ chức Tổng tài.

Phó Tổng tài gồm ông các Lâm Duy Hiệp, Lê Bá Thận, Trương Quốc Dụng, Phan Huy Vịnh, Nguyễn Tư Giản, Lê Tuấn.

Toản tu gồm các ông Tô Trân, Phan Đình Dương, Nguyễn Huy Lịch, Phan Lịch, Hoàng Tịnh, Nguyễn Huy Vinh, Cát Văn Tụy, Nguyễn Viên, Lê Cơ, Trịnh Xuân Thưởng, Tô Đăng, Vũ Thấu, Nguyễn Đăng Tuyển, Vương Đình Chiếu, Tạ Khắc Quản, Lê Danh Lâm, Đặng Long Đống, Phan Danh, Nguyển Hiển, Lữ Năng Hoằng, Trần Huy Sáng, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Hữu Dực, Tôn Thất Thụ, Nguyễn Khắc Lý, Cao Duy Tự, Hỗ Sĩ Đĩnh, Nguyễn Văn Dương, Trương Hữu Tự, Phạm Quang Khản, Hồ Diên, Phan Huy Khiêm, Phạm Duy Lộc, Lê Văn Tuyển, Lưu Dao.

Thời gian biên soạn phần tam kỷ kéo dài 29 năm, trong bài biểu của Quốc Sử quán đề ngày 4 tháng 7 năm Tự Đức 32 (1879) dâng vua Tự Đức về việc khắc xong bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ có ghi “Khởi công biên soạn từ năm Kỷ Dậu (1849) đến mùa đông Đinh Sửu (1877) biên tập đã xong mà pho sử đáng tin”.

Thời gian san khắc phần nhị kỷ diễn ra trong hơn 3 năm từ ngày 25 tháng 5 năm Tự Đức thứ 14 (1861) đến ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 17 (1864). Thời gian san khắc bộ sách là gần 2 năm từ ngày 21 tháng 11 năm Tự Đức thứ 30 (1877) đến ngày mồng 4 tháng 7 năm Tự Đức thứ 32 (1879).

Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ gồm 70 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra dưới thời trị vì của vua Tự Đức (1848-1883).

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 12 người, trong đó Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Trọng Hợp giữ chức Tổng tài.

Phó Tổng tài gồm các ông Trương Quang Đản, Đoàn Văn Hội, Bùi Ân Niên, Nguyễn Thuật.

Toản tu gồm các ông Hoàng Hữu Xứng, Võ Nhự, Thành Ngọc Uẩn, Trịnh Tỉnh Tiềm, Tô Châu.

Thời gian biên soạn phần nhị kỷ kéo dài gần 12 năm từ năm Hàm Nghi thứ nhất (1884) đến ngày 24 tháng 11 năm Thành Thái thứ 6 (1894). Trong bản tâu của Quốc Sử quán đề ngày 24 tháng 11 năm Thành Thái 6 (1894) về việc kính sửa bộ Đại Nam TLCBĐTK đã xong, xin đem san khắc có ghi:… Năm Hàm Nghi thứ nhất, vâng lời dụ, bắt đầu chép làm…. Tính bắt đầu từ khi biên chép tới nay, trải 8, 9 năm, hết lòng tìm xét…”. Việc san khắc kéo dài 5 năm tính từ ngày 24 tháng 11 năm Thành Thái thứ 6 (1894) đến ngày 29 tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (1899).

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ gồm 8 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra dưới thời trị vì của vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, từ năm 1883 đến 1885.

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 8 người, trong đó Trương Quang Đản giữ chức Tổng tài.

Phó Tổng tài gồm các ông Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Xứng, Cao Xuân Dục.

Toản tu gồm các ông Nguyễn Hoan, Ngô Huệ Liên, Trần Sĩ Trác, Nguyễn Liên.

Thời gian biên soạn phần ngũ kỷ kéo dài 3 năm từ năm Đồng Khánh thứ 3 (1887) đến ngày 4 tháng 11 năm Thành Thái thứ 12 (1900). Thời gian san khắc phần ngũ kỷ kéo dài 2 năm từ ngày 9 tháng 11 năm Thành Thái thứ 12 (1900) đến ngày 28 tháng 7 năm Thành Thái thứ 14 (1902).

Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ gồm 11 quyển và 1 quyển thủ ghi chép các sự kiện xảy ra trong đời vua Hàm Nghi (1885) đến năm thứ 3 đời vua Đồng Khánh (1888).

Nhân sự tham gia thực hiện biên soạn gồm 10 người, trong đó Cao Xuân Dục giữ chức Tổng tài.

Toản tu gồm các ông Nguyễn Vi, Lưu Đức Xứng, Ngô Huệ Liên, Trần Xán.

Biên tu gồm các ông Lê Đình Luyện, Nguyễn Thiện Hạnh, Phạm Tuân.

Khảo hiệu gồm các ông Lê Hoàn, Trần Cán.

Thời gian biên soạn phần lục kỷ kéo dài 10 năm từ năm Thành Thái thứ 6 (1894) đến năm Thành Thái thứ 16 (1904). Thời gian san khắc phần sách này diễn ra trong vòng 1 năm.

Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ hiện nay trong kho lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV chỉ còn lưu trữ được 2 tấm Mộc bản quyển thủ của phần thất kỷ gồm 1 mặt khắc tờ biểu và 1 mặt khắc tờ phàm lệ. Phần thất kỷ thiếu nhiều có lẽ do biến cố lịch sử giai đoạn này nên Mộc bản chưa kịp khắc xong.

Bộ quốc sử “Đại Nam thực lục” hoàn thành đã ghi dấu về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Đây là tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu và độc giả có thêm nguồn tư liệu xác thực khi tìm hiểu các vấn đề chính trị – xã hội; văn hóa – giáo dục; kinh tế; quân sự – quốc phòng,… dưới triều Nguyễn.

Bộ sử không chỉ là tâm huyết của các vua nhà Nguyễn với mong muốn “Nước có chính sử là để tỏ rõ thể thống kỷ cương và truyền bảo cho đời sau, từ xưa đế vương dấy nghiệp, sửa sang xây dựng, không việc nào lớn bằng việc ấy”[1], khi bộ sử hoàn thành đã trở thành minh chứng về công sức, trí tuệ, thời gian của hàng trăm con người cần mẫn trong gần 1 thế kỷ. Với khối lượng công việc biên soạn đồ sộ, trải qua nhiều đời vua cùng các thế hệ sử quan; số lượng thợ san khắc được tuyển chọn trong khắp cả nước; số lượng ván in cũng lên đến hàng nghìn tấm. Bộ chính sử “Đại Nam thực lục” đã trở thành nguồn sử liệu giá trị phục vụ công tác nghiên cứu của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Hiện nay, độc giả có thể đến tham quan kho Mộc bản và nghiên cứu tư liệu tại phòng Đọc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Khánh Vy

Tài liệu tham khảo:

1. Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan, Nxb Văn hóa thông tin, năm 2004.

2. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, Nxb Văn hóa, năm 1984.

3. Ván in bộ Đại Nam thực lục, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

4. Bản dịch sách Đại Nam thực lục tập 1, Viện Sử học, NXB giáo dục, năm 2004.

[1] Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, dụ, mặt khắc 2.