Ngày 21/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 08 chương 65 điều, đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.

Đây là một trong những căn cứ quan trọng, cơ sở pháp lý để cụ thể hóa vào thực tiễn trong công tác bảo quản và phát huy các phông/sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt.

Viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thực hiện nghiệp vụ thống kê tài liệu Mộc bản (Ảnh: TTLTGIV)

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH QUẢN LÝ, BẢO QUẢN TÀI LIỆU MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

1. Thời kỳ triều Nguyễn

Mộc bản Triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn. Mộc bản được hình thành chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến và còn lưu giữ được đến ngày nay.

Quốc Sử Quán([1]) triều Nguyễn là cơ quan biên soạn, khắc in các bộ chính sử, chính văn của triều đình, đồng thời cũng là nơi bảo quản các bộ ván khắc. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), triều Nguyễn cho dựng thêm Tàng bản đường để bảo quản Mộc bản, có thể nói đây là kho lưu trữ Mộc bản chính của triều Nguyễn.

Quốc Tử Giám cũng được xây dựng vào năm 1821, ngoài chức năng đào tạo, Quốc Tử Giám còn tiếp nhận bảo quản, tu bổ ván in sách. Hàng năm, các nhân viên coi giữ tài liệu phải thường xuyên kiểm tra các bản khắc xem bản nào bị hư hỏng, chữ nào mất nét thì giao cho viên Đốc Công Vũ khố cho thợ phục chế ngay.

Năm 1933, Quốc Tử Giám bị bãi bỏ, nhà trường được dùng làm trụ sở Thư viện đầu tiên của Nam Triều. Sau đó, cơ sở này được tiến hành sửa chữa, nâng cấp với quy mô lớn, biến nơi đây thành một tổng Thư viện trung ương. Năm 1937, công việc hoàn thành, Thư viện được đặt tên là Thư viện Bảo Đại, tập trung tất cả những sách vở, những tài liệu của các khố văn thư lớn nhỏ, từng được thiết lập tại Huế, kể cả kho sách và tài liệu của Nội các.

2. Thời kỳ Việt Nam cộng hòa

Năm 1959, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã thành lập Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia tại Đà Lạt để thu thập, sắp xếp, giữ gìn những hồ sơ, tài liệu cũ do các cơ quan hành chính tại Cao nguyên và Trung nguyên trung phần gửi lưu trữ; những tài liệu của cựu Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại và Hoàng triều cương thổ cùng khối tài liệu của triều đình nhà Nguyễn.

Lý do chọn Đà Lạt, bởi chính quyền VNCH nhận thấy đây là một nơi lý tưởng cho công tác bảo quản các thư tịch, tài liệu quý do địa thế cao nguyên khô ráo thoáng mát tránh được môi trường nóng ẩm, lụt lội tại Huế và đặc biệt tránh xa vùng chiến sự gần vĩ tuyến 17. Bộ Quốc gia Giáo dục thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đề xuất lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xin chuyển toàn bộ khối Châu bản, Mộc bản, Địa bạ và các thư tịch của Hoàng triều từ Huế lên bảo quản tại Đà Lạt.

Ngày 28 tháng 6 năm 1960, chuyến xe lửa đầu tiên chở khối tài liệu lịch sử quý hiếm trên được khởi hành (bao gồm sách chữ Hán, sách Ngự lãm, Địa bạ, Mộc bản, Châu bản, hồ sơ cũ của Tòa Khâm sứ, công báo, bảo vật,…). Toàn bộ 69 thùng tài liệu được xếp lên một toa 25 tấn. Đợt 2, chuyến xe lửa bắt đầu khởi hành ngày 17 tháng 12 năm 1960 đã vận chuyển được 41 thùng tài liệu cùng 3.909 bó Mộc bản. Đợt 3, ngày 14 tháng 6 năm 1961 chuyến xe lửa cuối cùng chở 351 quyển tứ khố toàn thư lên Đà Lạt đã hoàn tất.

Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn và các thư tịch khác đã được  Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia tại Đà Lạt tổ chức khai thác, in ấn, quản lý.

Tuy nhiên, trước tình hình chiến sự căng thẳng, ngày 27 tháng 3 năm 1975, Nha Văn khố Quốc gia đã gửi Phiếu trình hỏa tốc về việc di chuyển tài liệu Văn khố từ Đà Lạt về Sài Gòn với nội dung sau “Văn khố Quốc gia trân trọng kính trình ông Tổng trưởng công việc di chuyển tài liệu Văn khố từ Đà Lạt về Sài Gòn… “Ngày 27 và 28 tháng 3, mỗi ngày có một chuyến máy bay thuê bao chở nguyên tài liệu văn khố, mỗi chuyến 72 bao, tổng cộng khoảng 5 tấn cho cả hai chuyến”;“Sáng thứ tư 02 tháng 4 năm 1975, có máy bay thuê bao của Hàng không Việt Nam chở tài liệu từ Đà Lạt về. Số tài liệu này trọng lượng phỏng độ 2 tấn 500 và có thể chở hết về Sài Gòn trong một chuyến máy bay thuê bao đặc biệt như hai lần trước”. Bút phê đề nghị được “chấp thuận”.

Bên cạnh công văn có 3 bút phê thể hiện sự giải quyết công việc gấp gáp, khẩn trương nhưng không đạt kết quả, trong đó có 1 bút phê đề ngày 31 tháng 3 năm 1975 như sau “cho di chuyển và xin phi cơ loại Cargo C 130 của quân đội”. Tiếp đó có bút phê đề ngày 01 năm 4 năm 1975 “vấn đề này đã được Tổng trưởng chỉ thị cho ông Phụ tá Văn hóa sáng nay 01 tháng 4 năm 1975”. Và bút phê cuối cùng đề ngày 02 tháng 4 năm 1975 “Đường bay AVN Đà Lạt và Phan Rang gián đoạn sáng 02 tháng 4 năm 1975, đường bộ Sài Gòn – Đà Lạt chưa giải tỏa. Trong đêm mùng 1 qua 2 tháng 4, Đà Lạt di tản. Hết còn lo kịp”.

 Kết quả việc di chuyển tài liệu Mộc bản từ Đà Lạt về Sài Gòn đã thực hiện không được, do tình hình chiến sự, đường hàng không, đường bộ đều bị tắc nghẽn, Đà Lạt trong tình trạng hỗn loạn.

3. Thời kỳ sau năm 1975

Sau ngày đất nước giải phóng, công cuộc tái thiết nhanh chóng được thực hiện trên mọi mặt trận, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 242-CT/TW ngày 20 tháng 11 năm 1976 về việc tập trung quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ ở miền Nam. Trong đó có nêu khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ta đã thu được rất nhiều tài liệu của Mỹ – Ngụy, của các triều đại phong kiến, của thời Nhật thuộc, Pháp thuộc,… Do vậy, Ban Bí thư đã yêu cầu Phủ Thủ tướng cần có kế hoạch chỉ đạo việc tập trung, bảo quản những tài liệu lưu trữ của các cơ quan Trung ương, của chính quyền cũ, việc quản lý các kho và cơ quan lưu trữ của Ngụy quyền trước đây đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Huế, tránh phân tán, xé lẻ tài liệu.

Ngày 09 tháng 5 năm 1977, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng đã ban hành Thông tư số 101-BT hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 242-CT/TW về việc tập trung quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ ở miền Nam. Trong đó nhấn mạnh “tất cả tài liệu lưu trữ thuộc tài sản nhà nước, những tài liệu này đều được quản lý và lưu trữ theo chế độ thống nhất của nhà nước, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được giữ làm của riêng, dùng làm vật mua, bán, biếu tặng, tự tiện tiêu hủy, làm mất, hư hỏng. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Nha văn khố cũ và của các cơ quan trung ương Ngụy ở Sài Gòn do Cục Lưu trữ quản lý tại kho Lưu trữ TW II đặt tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Tại Công văn số 14/CLT ngày 15/01/1981 của Cục Lưu trữ gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu thập khối tài liệu do Trung ương quản lý. Sau đó, Cục Lưu trữ đã được Văn phòng Ủy ban tỉnh và Kho Lưu trữ TW II nhất trí di chuyển khối tài liệu giấy về Kho Lưu trữ TW II; đối với tài liệu Mộc bản do nặng và khó thống kê nên đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho để nguyên tại các Kho đang lưu trữ và giao cho phòng Lưu trữ Ủy ban trông nom bảo vệ.

Sau này khối tài liệu Mộc bản đã được chuyển về bảo quản tại Tòa nhà dòng Chúa Cứu thế. Sau năm 1988, tài liệu Mộc bản được chuyển về Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân số 2 – Yết Kiêu – Phường 5 – Thành phố Đà Lạt.

Ngày 25 tháng 8 năm 2006, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt được thành lập. Ngày 28 tháng 11 năm 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chấp thuận chuyển giao khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II sang cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý cho đến nay.

Hiện nay, toàn bộ khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn bao gồm 33.971 tấm([2])Mộc bản được bảo quản an toàn trong nhà Kho chuyên dụng thuộc dự án Kho T.IIB-02 được khánh thành vào năm 2006.

II. BẢO QUẢN VÀ PHÁT HUY NGUỒN TÀI LIỆU CÓ GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT

Theo khoản 1,2 Điều 20 của Luật Lưu trữ (sửa đổi), đã quy định những yêu cầu về công tác bảo quản, thống kê tài liệu lưu trữ. Đó là tài liệu lưu trữ phải được bảo quản an toàn, có các điều kiện công nghệ, kỹ thuật cần thiết để gìn giữ lâu dài và đáp ứng yêu cầu sử dụng. Tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử phải được bảo quản tại kho lưu trữ chuyên dụng. Phải được thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê.

Để tăng cường mức độ bảo quản, bảo vệ an toàn bền vững cho tài liệu lưu trữ thì đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng phải thực hiện chế độ lưu trữ dự phòng để sử dụng trong trường hợp tài liệu lưu trữ gốc bị mất hoặc không sử dụng được. Thông tin trong tài liệu lưu trữ dự phòng có giá trị thay thế thông tin trong tài liệu lưu trữ gốc trong trường hợp tài liệu lưu trữ gốc bị mất hoặc không sử dụng được (khoản 1,2 Điều 22).

Đặc biệt, Luật đã bổ sung chương mới về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”(Chương IV), trong đó quy định các tiêu chí về nội dung, hình thức, xuất xứ nhằm xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Theo khoản 4, Điều 38 của Luật có nêu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được lưu trữ dự phòng; được thống kê và ưu tiên tổ chức sử dụng, phát huy giá trị.

Để cụ thể hóa những quy định của Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào thực tiễn công tác bảo quản và phát huy những tài liệu có giá trị đặc biệt thì cần đề ra những biện pháp cụ thể:

a) Xây dựng kế hoạch tổng hợp và lâu dài

Bảo quản và phát huy hiệu quả những tài liệu lưu trữ thuộc các phông, sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân (lưu trữ tư) cần phải xây dựng một kế hoạch toàn diện có tính tổng hợp và lâu dài đối với từng loại hình tài liệu. Để làm được điều này, việc đánh giá xác định những tiêu chí “tài liệu có giá trị đặc biệt” về nội dung, hình thức, xuất xứ của tài liệu là hết sức quan trọng.

b) Xác định các biện pháp bảo quản an toàn tài liệu

Từ thực tế trong công bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009 và dựa trên những định hướng của UNESCO, đây cũng là cơ sở, biện pháp để áp dụng cho các tài liệu có giá trị đặc biệt khác.

Theo đó, hướng dẫn chung để bảo quản đối với di sản tư liệu của UNESCO thì bảo tồn (Preservation) được định nghĩa là quy trình tổng thể cần thiết để đảm bảo khả năng tiếp cận lâu dài, vĩnh viễn. Di sản tư liệu thế giới khuyến khích việc hỗ trợ mang tính nguyên tắc, nâng cao nhận thức cộng đồng, huấn luyện, đào tạo, hợp tác công nghệ và hỗ trợ trực tiếp. Hướng dẫn chung đưa ra 9 nguyên tắc quan trọng dưới đây cho việc bảo tồn tốt các di sản tư liệu, đây cũng là phương pháp mà chúng ta có thể áp dụng đối với những tài liệu có giá trị đặc biệt:

1. Careful documentation and collection control (Chỉnh lý bộ sưu tập tư liệu một cách cận thẩn)

2. Storage environments (Môi trường lưu trữ)

3. Prevention is better than cure (Phòng ngừa tốt hơn khắc phục)

4. Conserving an original document  (Bảo tồn tài liệu gốc)

5. Content migration or reformatting (Di chuyển và tái định dạng nội dung)

6. Putting long-term preservation at risk (Đặt kế hoạch bảo tồn dài hạn khỏi những rủi ro)

7. One size doesn’t fit all  (Không có một phương pháp chung nào cho tất cả)

8. Cooperation is essential  (Tổng hợp là điều cần thiết)

9. Traditional knowledge  (Am hiểu truyền thống)

Các nguyên tắc trên nhằm quản lý các tài liệu một cách phù hợp, tạo ra môi trường thích hợp để bảo quản, trong đó nhấn mạnh đến việc cần nỗ lực, đề cao các biện pháp phòng ngừa, hơn là việc xử lý khắc phục sau sự cố khi xảy ra.

Đối với những tài liệu dễ bị rủi ro thì phải nỗ lực bảo quản từ quan điểm lâu dài hơn là việc xử lý ngắn hạn. Vận dụng các đặc tính của từng tài liệu để sử dụng phương pháp bảo quản cho phù hợp với tài liệu đó, điều này cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan để chia sẻ nhiều kinh nghiệm về các biện pháp bảo quản.

Việc nghiên cứu phương pháp và kiểm soát tuổi thọ của tài liệu có giá trị đặc biệt cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, các công nghệ kiểm soát định kỳ và liên tục nhằm duy trì tuổi thọ của từng loại hình tài liệu ở từng thời điểm là vấn đề cần phải chú ý.

c) Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, lưu trữ dự phòng nhằm quản lý, bảo quản bền vững

Thông tin của các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt nên được lưu trữ dưới nhiều hình thức để bảo quản tốt bản gốc và tăng cường khả năng tiếp cận của công chúng. Việc số hóa, sao lưu cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ tài liệu sẽ là biện pháp hữu hiệu trước nguy cơ tình trạng tài liệu tự hủy hoại theo thời gian.

Phát triển những công cụ tìm kiếm nhanh chóng và phù hợp, số hóa tài liệu để người dân có thể tiếp cận với tài liệu mà không bị giới hạn bởi khuôn khổ không gian và thời gian.

d) Tăng cường các hình thức quảng bá, phát huy

Tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thông qua các kênh như: tổ chức trưng bày, triển lãm cố định và online; xây dựng phim chuyên đề gắn với nội dung tài liệu; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm; thực hiện truyền thông trên các nền tảng như báo viết, báo hình, fanpage, website, youtube, tiktok,…. Thực hiện các mô hình quảng bá như quà tặng, các buổi giao lưu sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, tọa đàm,…

e) Xây dựng các chương trình giáo dục đào tạo để nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ

Việc bảo quản những tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ nằm ở việc giữ gìn nguyên trạng bản gốc, mà thông qua đó cần phải truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống để giúp cho công chúng có thể tiếp cận được thông tin của tài liệu. Để đạt được điều này, cần phải phát triển một chương trình giáo dục về các loại hình tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, về nội dung của tài liệu, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, để thế hệ trẻ đóng góp một phần trách nhiệm vào công tác bảo quản và phát huy những tài liệu có giá trị đặc biệt.

f) Tăng cường đào tạo nhân lực chuyên môn

Để bảo quản và phát huy bền vững những tài liệu có giá trị đặc biệt thì việc tăng cường nhân lực chuyên môn là điều thiết yếu. Cần phải tăng cường nhân lực chuyên môn trong nhiều lĩnh vực như bảo quản, số hóa, thống kê, lĩnh vực truyền thông,… Đối với các tài liệu, nếu được viết bằng ngôn ngữ cổ thì cần phải có nhân lực chuyên môn có thể biên dịch lại thông tin bằng ngôn ngữ hiện đại. Việc đào tạo nhân lực liên quan thông qua việc hợp tác với các trường đại học hoặc các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp là rất quan trọng.

g) Tăng cường hợp tác quốc tế

Cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước, các tổ chức, giới học giả có liên quan trong công tác bảo quản và phát huy những tài liệu có giá trị đặc biệt.

Đối với những khối tài liệu đã được UNESCO công nhận, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, Uỷ ban quốc gia UNESCO, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến tư liệu UNESCO và Ủy ban Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, các tổ chức, nhằm đẩy mạnh việc hợp tác quảng bá giá trị của di sản tư liệu ra toàn thế giới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Lưu trữ (sửa đổi): Luật số 33/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2024.

2. Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 03/02/2016.

3. Báo cáo số 6356/BC-BNV ngày 13/12/2021 của Bộ Nội vụ về Sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” giai đoạn I (2016-2020) .

 4. Báo cáo tổng hợp sơ kết, tổng kết công tác năm 2021, 2022,2023 của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Kỷ yếu tọa đàm khoa học quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo quản tài liệu Mộc bản tại các nước Châu Á”, năm 2017.

6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Nha Văn khố và Thư viện quốc gia, hồ sơ 1055.

7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Trung tâm lưu trữ quốc gia II, hồ sơ 73.

8. Chỉ thị của Ban Bí thư số 242-CT/TW ngày 20 tháng 11 năm 1976.

9. Trang chủ mocban.vn.

10.https://unesdoc.unesco.org/in/documentViewer.xhtml?v=2.1.196&id=p::usmarcdef_0000125637&file=/in/rest/annotationSVC/DownloadWatermarkedAttachment/attach_import_9eb3ca18-f63f-47f9-b92c-8608d33e6b92%3F_%3D125637eng.pdf&locale=en&multi=true&ark=/ark:/48223/pf0000125637/PDF/125637eng.pdf#%5B%7B%22num%22%3A173%2C%22gen%22%3A0%7D%2C%7B%22name%22%3A%22XYZ%22%7D%2Cnull%2Cnull%2C0%5D

[1] Quốc Sử quán được thành lập vào năm Tân Tỵ (1821) đây là nơi biên soạn sử sách đồng thời cũng là nơi lưu trữ những bộ ván khắc in. Ngoài Quốc Sử quán, thì Nội các Triều Nguyễn được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) cũng là cơ quan trước thuật được nhiều công trình sử học có giá trị.
[2] Về số lượng tài liệu Mộc bản, thực hiện Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 03 tháng 2 năm 2016. Năm 2019, Trung tâm đã tiến hành chỉnh lý phần bản vỡ tích đống gồm 2.392 mảnh đã đánh số và một số mảnh vỡ chưa được đánh số. Sau khi công việc hoàn thành, Trung tâm đã xác định được nội dung của 1.328 mảnh vỡ, ghép thành 661 tấm Mộc bản. Đây chính là lý do trả lời cho câu hỏi “Tại sao số lượng Mộc bản theo những báo cáo trước đây là 34.619 tấm (gồm 32.226 bản nguyên và 2.392 bản vỡ) thì hiện nay giảm xuống 33.971 tấm (trong đó bản nguyên 32.888 tấm, bản vỡ 1.083 tấm). Do vậy, chúng tôi xin đính chính lại số lượng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn hiện đang được bảo quản trong kho chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là 33.971 tấm.

Xuân Hùng – Phạm Yến