ThS. Phạm Thị Huệ

Tạp chí Văn thư Lưu trữ tháng 9 năm 2010

 

Vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25/5/1791) tại Gia Định. Ông là con thứ tư của vua Gia Long. Năm 1820 ông lên ngôi, đổi tên nước thành Đại Nam. Ông trị vì đất nước trong 21 năm (1820-1840). Miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Trong những năm trị vì, vua Minh Mạng là người có nhiều công lao xây dựng và phát triển đất nước cả về quốc phòng, kinh tế, văn hóa – xã hội, tổ chức hành chính… Đối với Thăng Long – Hà Nội, thủ đô của đất nước Việt Nam hiện nay, vua Minh Mạng có dấu ấn đặc biệt, đó là việc đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội.

Về việc đặt tên Hà Nội thì từ trước đến nay chúng ta đã được nghe và được đọc nhiều trong sách sử và công trình của các nhà nghiên cứu, nhưng chắc chắn chúng ta chưa từng được nhìn thấy tấm Mộc bản nói về sự kiện này. Vừa qua, trong quá trình tra tìm tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, lựa chọn những tấm Mộc bản liên quan đến Thăng Long – Hà Nội để công bố nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ, lãnh đạo, viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tìm thấy tấm Mộc bản khắc về sự kiện trọng đại này.

Tấm mộc bản này đang nằm trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, tại hồ sơ H22/77, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 17, kích thước 43×23.6 cm, dày 2cm; khổ khuôn in 23×34.5cm.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 17
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ là bộ chính sử lớn nhất của triều Nguyễn, gồm 220 quyển và 1 quyển thủ, tổng cộng 5.512 mặt khắc. Do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Trương Đăng Quế làm Tổng tài. Nội dung: Ghi chép các sự kiện lịch sử diễn ra dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840) theo lối biên niên. Bộ sách được vua Tự Đức cho phép khắc in vào năm Tự Đức thứ 14 (1861).

Về việc đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội, tấm Mộc bản nói trên có ghi rõ: Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), phủ Hoài Đức thuộc Bắc Thành trước đây hợp với trấn Sơn Nam, đổi và đặt tên là tỉnh Hà Nội(1).

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 16
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thêm một thông tin khác liên quan đến tỉnh Hà Nội cũng trong hồ sơ H22/77 nói trên, đó là tại mặt khắc 16 cho thấy, tại thời điểm này, tỉnh Hà Nội được chia định địa hạt gồm: 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Nhân, Lý Nhân; 15 huyện là Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thượng Phúc, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Nam Xương, Duy Tiên, Bình Lục, Phú Xuyên, Kim Bảng, Thanh Liêm(2).

Đây là bản khắc duy nhất trong khối Mộc bản triều Nguyễn và có thể nói là bản khắc cổ nhất được tìm thấy tính đến thời điểm hiện nay nói về sự kiện đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội – Thủ đô của đất nước. Đây là cái mốc rất quan trọng đối với thủ đô Hà Nội được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới./.

……………………..

(1) Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, hồ sơ H22/77, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 17;

(2) Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, hồ sơ H22/77, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 16.