Bắc Ninh là vùng đất cổ, bên cạnh sự nổi tiếng bởi các làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, tha thiết, trong đời sống tâm linh của người dân Kinh Bắc luôn mang đậm hồn cốt của dân tộc đã được truyền từ đời này qua đời khác. Điều đó đã được thể hiện trong nếp sống, nếp nghĩ và cách làm của mỗi người dân nơi đây đối với việc gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ. Đó là việc giữ gìn các chùa chiền, đình đền, miếu mạo cũng như giữ gìn nét đẹp độc đáo trong cảnh sắc thiên nhiên, các nền văn hóa lâu đời với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Có thể kể đến là Đền thờ Kinh Dương Vương – Đức thủy tổ của dân tộc Việt; Đền Đô – Nơi thờ phụng 8 vị vua triều Lý, đó là thành cổ hay các ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng, tuy trầm mặc nhưng vượng khí linh thiêng đến đỗi luôn quy tụ lòng người như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Tiêu…

Ghi chép về thời kỳ mở nước của dân tộc ta, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 còn lưu lại như sau: “Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông… Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương). Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”. Ngày nay, Lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Nói về các di tích ở Bắc Ninh, chúng ta không thể không nhắc đến di tích Đền Đô hay còn gọi là đền Lý Bát Đế. Đây là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở nền văn minh Đại Việt. Sau này khi nhà Nguyễn trị vì đất nước, các vua Nguyễn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho di tích này.

Bắc Ninh – Kinh Bắc cũng từng là trung tâm chính trị tôn giáo của đất nước thời kỳ Bắc thuộc, còn là nơi nảy mầm của Phật giáo những năm đầu công nguyên. Hệ thống di tích, chùa, tháp quần tụ đậm đặc ở đây với trung tâm là chùa Dâu hiện còn gìn giữ nhiều nguồn di vật, tài liệu cổ có giá trị cao tạo nên nét độc đáo trong văn hóa của dân tộc.

Không chỉ gắn liền với cội nguồn dân tộc, tỉnh Bắc Ninh còn được biết đến với nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông. Trong số đó Bình Than là một cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, gắn với câu chuyện kể về người thiếu niên Trần Quốc Toản bóp nát quả cam bên ngoài hội nghị Bình Than. Vào tháng 10 năm 1282, Vua Trần Nhân Tông triệu tập các vương hầu và danh sĩ tại Bình Than, bàn về việc đánh quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2. Và trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại quân Minh xâm lược, bến Bình Than lại được tái hiện qua câu thơ “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường; Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước…” trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Vốn là vùng đất được bồi đắp lên và tưới tắm bởi phù sa sông Hồng cùng rất nhiều con sông khác trong vùng, Bắc Ninh – Kinh Bắc cũng là địa phương đặc biệt nổi tiếng với những con song huyền thoại. Nơi đây có bốn con sông cùng mang chữ đức đó là: sông Đuống – Thiên Đức, sông Cầu – Nguyệt Đức, sông Thương – Nhật Đức, sông Lục – Minh Đức. Ven các dòng sông này từ hàng nghìn năm trước, người Việt cổ đã cư trú và lập làng. Nơi đây còn là nơi diễn ra nhiều trận chiến oanh liệt của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, điển hình là phòng tuyến trên sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 9 chép: Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta (người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành phân định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

Bài thơ được đọc vang từ đền thờ Trương Hống và Trương Hát với câu đầu tiên là Sông núi nước Nam vua Nam ở, chữ Hán là : Nam quốc sơn hà nam đế cư nên cũng được gọi là bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Và bài thơ này trở thành bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Với tất cả những dấu tích còn lại đến ngày nay, từ những di tích gắn với nhiều huyền thoại lịch sử, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt hay những ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng, tuy trầm mặc nhưng vượng khí linh thiêng đến đỗi luôn quy tụ lòng người đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Bắc Ninh từ xưa đến nay mà ít nơi nào trên đất nước ta có thể sánh được.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ 23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cao Quang