Trong tác phẩm Lịch triều Hiến chương loại chí của tác giả Phan Huy Chú có ghi: “Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần”. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều bậc đế vương, anh hùng hào kiệt cho nước nhà.
Bắc Ninh, là đất phát tích của nhà Lý, triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt. Trong đó, Đức Thái tổ Lý Công Uẩn là người đặt nền móng đầu tiên. Lý Thái Tổ sinh năm Giáp Tuất (974) là người châu Cổ Pháp, tỉnh Bắc Giang, sau là huyện Đông Ngàn, hiện nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vốn có tư chất thông sáng, tuấn tú khác thường nên ngay từ nhỏ sư Vạn Hạnh đã nhận xét rằng “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Lớn lên, Lý Công Uẩn là người khảng khái, có chí lớn, làm quan cho nhà Tiền Lê. Đến tháng 10 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh băng hà ở tuổi 24, quần thần đồng thuận suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Và dấu ấn to lớn đầu tiên mà Lý Thái Tổ để lại cho hậu thế đó là xuống chiếu cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La vào năm 1010. Tiếp theo, vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long theo hình tượng rồng bay lên, như muốn khẳng định ước vọng “hóa Rồng” và mở ra thời kỳ thịnh vượng của dân tộc Việt vốn bị đô hộ cả ngàn năm trước đó.
Kế tục sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ, vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông,… đã xây dựng nên một quốc gia Đại Việt hùng mạnh, thái bình và thịnh trị khiến nhà Tống ở phía Bắc cũng như các nước nhỏ lân bang ở phía Nam đều phải nể phục. Nhìn chung có thể thấy rằng, suốt hơn 200 năm nhà Lý trị vì đất nước, lòng người quy thuận, xã hội phồn vinh các vị vua hết lòng vì dân, vì nước lập nhiều chiến công oanh liệt cũng như chăm lo cho nền văn hóa giáo dục của Đại Việt.
Một người con ưu tú khác của tỉnh Bắc Ninh mà chúng ta không thể không nhắc đến là Nguyên phi Ỷ Lan. Sinh ra và lớn lên ở Thổ Lũy, từ một cô gái hái dâu, bà được triệu vào cung, hạ sinh được Hoàng tử và với sự ham học hỏi, bà trở thành người phụ nữ sáng danh trong lịch sử với tài trị quốc an dân, chống giặc ngoại xâm, chấn hưng Phật giáo, góp phần tạo ra sự hưng thịnh của triều Lý. Hai lần buông rèm nhiếp chính giúp vua Thánh Tông khi đi đánh Chiêm Thành và vua Nhân Tông khi mới lên nối ngôi, Ỷ Lan không chỉ sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, chăm lo việc mở mang dân trí, ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân mà còn khuyên bảo vua làm điều thiện trị điều ác. Sử sách đã ghi nhận bà có công lao to lớn trong việc ổn định và phát triển đất nước dưới vương triều Lý.
Ngoài ra, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh còn có hàng trăm tiến sĩ, danh thần; mỗi người, mỗi tính cách, tài năng, đức độ, luôn góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngoài ra những tên tuổi như Thái sư Lê Văn Thịnh, Thượng thư Hàn Thuyên, Phan Thiên Tước, Nguyễn Cư Đạo, Nguyễn Tư Giản,… có lẽ là những nhân vật lịch sử không còn xa lạ đối với thế hệ trẻ hôm nay. Hàng trăm tiến sĩ, bảng nhãn, mỗi người, mỗi tính cách cùng tài năng và đức độ của họ luôn góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vùng đất này quả đúng với câu phương ngôn lưu truyền: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn…” và Bắc Ninh trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong cả nước nhưng về nhân tài, nơi đây lại nổi tiếng là tỉnh có nhiều Trạng nguyên nhất Việt Nam.
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 35, mặt khắc 14 ghi về
Công thần Nguyễn Tư Giản
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Hy vọng rằng với những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương mình cùng sự đoàn kết chung sức đồng lòng, những người con Bắc Ninh hôm nay sẽ kiến tạo nên một Bắc Ninh năng động, giàu mạnh để Bắc Ninh tiếp tục bứt phá tỏa sáng trong hành trình hội nhập và phát triển đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ 28, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H31, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Trần Minh