Thương em anh cũng muốn vô,

Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Câu ca dao nổi tiếng trên được người dân Việt Nam truyền tai nhau qua biết bao nhiêu thế hệ. Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên, nơi ba con sông hội tụ trước khi đổ ra biển Đông. Đây là một vùng sông nước mênh mông hiểm trở hay có sóng lớn làm lật úp nhiều thuyền bè qua lại. Còn ngược lại, Truông nhà Hồ cớ sao anh lại sợ mà ngần ngại không dám vô với người yêu thương? Bởi vì ở Quảng Trị, Truông nhà Hồ trước đây là rừng núi rậm rạp, thâm sâu cùng cốc, nơi ẩn núp của nhiều bọn thổ phỉ cướp bóc người dân qua đường. Tuy nhiên, nơi đó đã trở nên bình yên khi có một vị quan tài giỏi được chúa Nguyễn cử vào để trấn áp bọn “thảo khấu”.

Hình ảnh Truông nhà Hồ ngày nay (Ảnh sưu tầm)

Một địa danh huyền thoại

Theo từ điển tiếng Việt, “truông” là vùng đất hoang, có nhiều cây cỏ. Theo những người dân địa phương, “truông” không chỉ là vùng đất hoang vu mà là vùng rừng (phương ngữ còn gọi là rú: chỉ về vùng cây cối rậm rạp nhưng không cao, ít dây leo) mọc len dọc theo đồng bằng để phân biệt với rừng ở các đồi, núi phía Tây. Truông nhà Hồ là nơi giáp giới giữa 2 châu Địa Lý và Ma Linh (sau là Minh Linh) thuộc xứ Thuận Hóa (nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Truông nhà Hồ trước đây có diện tích khá lớn, bao trùm cả một phần phía bắc huyện Vĩnh Linh (nay là các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp). Tuy nhiên, trải qua thời gian thì Truông nhà Hồ không rộng lớn như ngày xưa nữa mà giờ cũng chỉ còn một vùng nhỏ thuộc thôn Tứ Chính (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh).

Về nguồn gốc tên gọi “Truông nhà Hồ” cho đến nay vẫn chưa có sự giải thích nào rõ ràng. Chỉ biết rằng theo Mộc bản Triều Nguyễn, Truông nhà Hồ còn được sử dụng bằng một tên gọi khác nữa là rừng Hồ Xá. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 7, mặt khắc 18, rừng Hồ Xá được ghi như sau: “Rừng Hồ Xá: cách 7 dặm về phía Bắc huyện Vĩnh Linh, rừng dài 3 dặm. Tương truyền, ngày trước rừng cây rậm rạp, có nhiều côn đồ tụ họp, cướp bóc người đi đường…”. Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng ghi rằng “rừng Hồ Xá (tức Truông nhà Hồ)…

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 7, mặt khắc 18 ghi về rừng Hồ Xá (còn được gọi tên là Truông nhà Hồ)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Nội tán dẹp cướp ở Truông Nhà Hồ

Dưới thời chúa Nguyễn, truông nhà Hồ nổi tiếng là “cơn ác mộng” đối với lữ khách đi đường. Với địa hình rừng cây rậm rạp, dễ quan sát từ trong ra ngoài và trải dài qua nhiều địa phận, truông nhà Hồ là nơi ẩn náu của một đám “thảo khấu” (băng cướp) chuyên cướp bóc người đi đường. Mỗi lần ngang qua, ai nấy đều cảm thấy bất an, lo sợ trước bọn giặc cướp. Trước vấn nạn đó, các chúa Nguyễn đã nhiều lần huy động quân lính đến đây dẹp giặc, tuy nhiên mãi mà không dẹp được. Đến năm Nhâm Dần (1722), chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử một vị tướng nổi tiếng tài ba, đức độ đến truông nhà Hồ để dẹp bọn “thảo khấu”. Vị tướng đó không ai khác là quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Sự việc này được ghi lại trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 29 rằng: “Nhâm Dần (1722), cho Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán (bấy giờ gọi là Diên Tường hầu), coi cả việc quân, định lại điều lệ. Bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá (tức Truông nhà Hồ) thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại. Chúa sai Khoa Đăng đi kinh lược nơi ấy. Khoa Đăng tìm cách bắt để trị, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó trộm cướp im tắt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 29 ghi về việc chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Khoa Đăng dẹp yên giặc cướp ở truông nhà Hồ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Việc Nguyễn Khoa Đăng dẹp yên giặc cướp ở Truông nhà Hồ, không chỉ được ghi chép trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên mà còn được ghi trong Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5, mặt khắc 17, 18 như sau: “Nhâm Dần (1722), Hiển Tông năm thứ 31, được thăng Nội tán kiêm Án sát sứ coi hết việc quân quốc trọng sự, định rõ điều lệ. Đường rừng nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt”.

Về cách Nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp loạn ở Truông nhà Hồ cũng có nhiều điển tích, giai thoại khác nhau. Tuy mỗi giai thoại khác nhau nhưng tất cả đều mang tính ly kỳ, huyền thoại. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5, mặt khắc 19, 20 ghi về câu chuyện bắt cướp ở Truông nhà Hồ của Nguyễn Khoa Đăng rằng: “Lại, kẻ cướp ở Truông nhà Hồ ăn cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì. Người lái buôn đem việc ấy đến kiện. Đăng thong thả sức dân sở tại mỗi người khai họ tên quê quán, mỗi người một bản. Giá giấy do đó đắt lên, tên kẻ cướp đem giấy ra bán. Nhân thế, bắt được bọn cướp giấy. Đăng lại từng dò la biết được tên một bọn cướp, nhưng giả làm như không biết. Đầu làng có hòn đá to, nhân dân vẫn thờ làm thần. Đăng mật sai đào đất làm hầm ở dưới sân, rồi cho người ẩn trong hầm ấy. Sáng sớm, sai đem hòn đá lớn để lên trên hầm rồi tra hỏi hòn đá tên họ kẻ cướp. Dưới hòn đá có tiếng kêu khóc, rồi nói ra mồn một họ tên bọn cướp. Từ đó cứ thế mà bắt, chúng đều thú nhận khuất phục. Người ta cho việc ấy thực giỏi như thần”.

Bên cạnh việc dẹp yên giặc cướp ở Truông nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng  cũng ra sức chiêu mộ dân chúng đến lập các làng và sinh sống xung quanh truông, tạo nên các làng quê trù phú. Từ đó Truông nhà Hồ không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi của khách đi đường. Thế nên, mới có 2 câu sau:

“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ, Nội tán dẹp yên”.

Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, Truông nhà Hồ giờ đây vẫn luôn mang trong mình những câu chuyện cổ xưa, nhuốm màu huyền thoại. Còn đối với người dân huyện Vĩnh Linh sống quanh Truông nhà Hồ, nơi đây đã trở thành tiếng gọi quen thuộc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của biết bao người./.

………………………………

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H20, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H28, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Thu Thảo