Trong bối cảnh hiện nay, khi quyền tự do cá nhân ngày càng được đề cao, xu hướng tách ra sống riêng sau khi trưởng thành đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều người cho rằng việc sống chung với cha mẹ, ông bà có thể làm hạn chế quyền riêng tư, đồng thời dễ phát sinh những mâu thuẫn trong sinh hoạt, lối sống và quan điểm giữa các thế hệ. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có không ít gia đình đa thế hệ sống chung với nhau đầm ấm, thuận hòa. Dưới triều Nguyễn, những gia đình có 5 đời cùng sống trong một mái nhà được gọi là “ngũ đại đồng đường”.
Quy định gia đình “ngũ đại đồng đường”
Theo Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 100, mặt khắc 26, dưới triều Nguyễn, gia đình đạt tới mô hình “ngũ đại đồng đường” yêu cầu phải đáp ứng những điều sau: “Phàm 5 đời chỉ gia đình các quan, dân đến tuổi kỳ lão, thân sinh được con cháu, chắt chút mà thế thứ không bị khuyết mất đời nào. Ví dụ như người thọ ấy sinh hạ con trai 3 chi giáp, ất, bính trong đó chi nào đã chết mà hiện còn con đẻ. Hoặc chi nào hiện còn, tuy chưa sinh con, cũng là tam đại đồng đường, tứ đại, ngũ đại theo lệ ấy mà suy ra. Không phải là chuyên chỉ 1 dòng họ có sinh hạ con cháu, mà đều là hiện còn cả”.
Như vậy, trước hết để đạt tới gia đình “ngũ đại đồng đường” thì tất cả các thế hệ chung sống cùng nhau đều phải còn sống. Đây là một yêu cầu khá cao bởi tuổi thọ trung bình của một người lúc bấy giờ khá thấp. Để gia đình “ngũ đại đồng đường” phải có người tuổi thọ, người có tuổi thọ thì con cháu mới đề huề, gia đình mới có nhiều thế hệ sống chung, vì vậy mà hàng loạt chính sách ưu đãi người già được các vua triều Nguyễn ưu tiên. Bản thân vua Minh Mạng cũng cho rằng: “Chính sự của bậc vương giả phải kịp thời ban ơn cho người già trước nhất” bởi theo nhà vua thì: “Thọ dân là điềm lành của thọ quốc, cho nên trẫm từ khi thân chính đến giờ gia ơn sâu rộng để mong hưởng tuổi thọ”.
Dưới Triều Nguyễn, minh chứng tiêu biểu cho mô hình “ngũ đại đồng đường” là có đến 60 người chung sống cùng nhau dưới một mái nhà. Đó là trường hợp của gia đình cụ ông Trần Công Yến ở Bắc Thành: “Trần Công Yến, người ở huyện Mỹ Lộc, trấn Nam Định, thuộc Bắc Thành, 98 tuổi, có 11 người con, 35 người cháu, 15 người chắt và 1 người chút”; Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 100 cũng ghi việc này như sau: “Nhân xem bản đồ vẽ thế thứ các người ấy, thì Trần Công Yến, một nhà đoàn tụ, hiện nhiều đến 60 người nối đời hoà thuận thịnh vượng, càng là việc vui mừng…”.
Ban thưởng “ngũ đại đồng đường”
Dưới triều Nguyễn, bên cạnh việc vinh danh, ban thưởng cho những người có tuổi thọ cao, các triều vua cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các hộ “ngũ đại đồng đường”. Vua Minh Mạng hạ lệnh cho bộ Lễ tư đi các địa phương xét hỏi trong dân gian, có ai được “ngũ đại đồng đường”, thì kê lập danh sách tâu lên chờ Chỉ biểu dương.
Sau khi xét đủ thế thứ, vẽ bản đồ thế hệ rõ ràng đích xác, vua Minh Mạng đã ban thưởng cho rất nhiều thọ dân, thọ quan và gia đình “ngũ đại đồng đường” ở khắp các tỉnh thành.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 39, mặt khắc 12 ghi việc vua Minh Mạng ban thưởng cho gia đình có người tuổi thọ và đạt tới ngũ đại đồng đường. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Năm Bính Tuất (1826), tỉnh Nghệ An tâu có người dân sống lâu ở huyện Thạch Hà tên là Nguyễn Duy Phiên thọ 100 tuổi, ngũ đại đồng đường. Vua Minh Mạng đã ra dụ: “Trẫm từ khi trị nước đến nay, ưu đãi người có phúc, ban ơn đôn hậu, ngày đêm trông mong cho nước thọ, dân thọ, đều tụ phúc to. Nay, các trấn Nghệ An tâu lên, có người dân kỳ lão ở hạt ấy là Nguyễn Duy Phiên 100 tuổi, ngũ đại đồng đường, thực là việc vui mừng đáng khen, trừ chiểu lệ cấp cho lạng bạc, vải, lụa, nhưng cho đem số bạc lạng tính chiết lấy 10 lạng, để quan địa phương dựng cho 1 cái nhà. Lại thưởng thêm 1 cái biển ngạch (hay còn gọi là bức hoành phi) cao 1 thước 7 tấc, rộng 3 thước. Hàng trước khắc 2 chữ “sắc tứ”, khoảng giữa khắc 4 chữ “dịch diệp diễn tường”, phía dưới khắc những chữ: “Nguyễn Duy Phiên, Nghệ An trấn, Hà Thanh phủ, Thạch Hà huyện, Trảo Nha xã nhân, thọ đăng bách tuế, ngũ đại đồng đường (có nghĩa là Nguyễn Duy Phiên, người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, trấn Nghệ An, thọ 100 tuổi, 5 đời cùng sống chung một nhà). Nay, đặc ân nêu thưởng để biểu dương điềm người thọ, đời thăng bình”.
Năm Canh Dần (1830), vua ban thưởng cho: “Lại có Lê Thị Liên xã An Tôn (thuộc huyện Ngọc Sơn), Thanh Hoa, Nguyễn Thị Yên xã Cù Sơn (thuộc huyện Chí Linh) Hải Dương, đều tuổi 80, ngũ đại đồng đường (Thị Liên có 1 con, 2 cháu, 2 chắt, 1 chiu; Thị Yên có 1 con, 2 cháu, 1 chắt, 1 chiu). Sai bộ Lễ chiếu lệ bàn nêu khen”. Hay năm Bính Thân (1836): “Nêu thưởng cho những người dân thọ một trăm tuổi ở các địa phương (Vĩnh Long 2 người; Bình Định, Ninh Bình, Nghệ An, Nam Định, mỗi tỉnh 1 người; Hà Tĩnh 4 người). Có người ở Tiên Lữ thuộc Hưng Yên là Nguyễn Duy Giản, ngũ đại đồng đường. Sai bộ Lễ chiếu lệ, biểu dương (Giản 85 tuổi, có 2 con, 12 cháu, 12 chắt và 1 chút)”.
Vua Thiệu Trị cũng khuyến khích, tôn vinh mô hình “ngũ đại đồng đường”. Khi bộ Lễ tâu: “Dân tuổi thọ ở Nghệ An là Kim Thế Hợp, tuổi Đinh Mão, thọ 108 tuổi, cần xin nêu thưởng”. Thế tổ Chương hoàng đế đã bảo: “Người này lễ tuổi([1]) với ta, sống lâu trăm tuổi, thực là việc tốt”. Vua lập tức sai quan ở bộ nêu thưởng nhiều hơn. Ban cho tấm biển có 4 chữ lớn “Kỳ di trưng thọ” để tỏ điềm người đời thái bình. Dân tuổi thọ các tỉnh và người được ngũ đại đồng đường đều được nêu thưởng cả.
Nối tiếp truyền thống của cha ông, vua Tự Đức tiếp tục biểu dương, xét khen thưởng cho những gia đình được “ngũ đại đồng đường”. Tuy nhiên, điều lệ khen thưởng đã có sự thay đổi và có phần khắt khe hơn so với các triều vua trước đây: “Từ nay về sau, hễ nhà nào ngũ đại đồng đường, mà xét ra nhà ấy quả thật lương thiện, không can án, không theo giặc, thì cấp cho 5 lạng bạc, lụa vải đều 1 tấm và 1 tấm biển ngạch”.
Đến triều vua Kiến Phúc và các triều vua sau này như Đồng Khánh, Hàm Nghi, Khải Định đều khuyến khích, ban thưởng cho những gia đình “ngũ đại đồng đường”. Và mô hình “ngũ đại đồng đường” vẫn được xem là khuôn mẫu cho kiểu gia đình lý tưởng dưới thời phong kiến lúc bấy giờ.
Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, cấu trúc cũng như các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có nhiều đổi thay. Từ mô hình gia đình truyền thống với nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà, đến gia đình hạt nhân ngày nay với ít thành viên hơn và tính cá nhân được đề cao hơn. Dẫu vậy, giá trị cốt lõi của gia đình Việt vẫn luôn được gìn giữ và phát huy – đó là sự đoàn kết, tình yêu thương chân thành giữa các thành viên và khát vọng hướng đến một mái ấm hạnh phúc./.
………………………………………………
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
(1) Lễ tuổi: cùng năm sinh theo can chi.
Cao Quang