Đã 50 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Mảnh đất Quảng Trị, từng chìm trong khói lửa chiến tranh, nay đã hồi sinh, hòa cùng nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, lịch sử vẫn ghi dấu những sự kiện đau thương mà dù thời gian có trôi qua, thế hệ hôm nay vẫn không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ trước tội ác chiến tranh mà quân thù gây ra đối với đồng bào vô tội.
Một trong những ký ức đau lòng đó là vụ thảm sát Hương Điền năm 1955 tại Quảng Trị, sự kiện đã cướp đi sinh mạng của gần một trăm dân thường. Đây không chỉ là vết thương chưa khép với người dân địa phương, mà còn là lời cảnh tỉnh về giá trị thiêng liêng của hòa bình và quyền con người.
Nhiều nguồn tin tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm liên quan trực tiếp đến vụ thảm sát này, khi đã cử một tiểu đoàn quân đội bắt giữ và hành quyết hàng loạt dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Tổng số nạn nhân bị sát hại lên đến 92 người. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại cho rằng thủ phạm chính là lực lượng Đại Việt, một tổ chức tay sai của thực dân Pháp, mới là kẻ thủ ác. Theo đó, vào các ngày 11, 13 và 15 tháng 7 năm 1955, lực lượng này đã tràn vào hai thôn Tân Lập và Tân Hiệp, ra tay giết hại dã man đối với những người dân vô tội. Nhân chứng sống sót Nguyễn Thị Thúy Liên cho biết vụ thảm sát diễn ra trong bối cảnh quân đội Ngô Đình Diệm đang truy đuổi lực lượng Đại Việt, khiến cho người dân vô tội trở thành nạn nhân.
Tài liệu lưu trữ tại Phông Tòa Đại biểu Chính phủ Trung Nguyên Trung Phần, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV vẫn còn lưu giữ thông tin về vụ thảm sát đẫm máu này. Trong số đó, có một bức thư của chị Nguyễn Thị Vân – người sống sót sau vụ thảm sát – gửi đồng bào và thanh niên Hương Điền năm 1957 đã ghi lại nỗi đau tột cùng của người dân:
Trích bản sao bức thư của chị Nguyễn Thị Vân – người sống sót sau vụ thảm sát (Nguồn: TTLTQGIV)
“Gần đây, tôi được biết Ngô Đình Diệm đang chuẩn bị bắt Quốc hội miền Nam phải thông qua dự luật ‘đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật’. Tin này làm tôi sôi sục căm thù. Nó gợi lại trước mắt tôi cảnh tượng đẫm máu của vụ Hương Điền tháng 7/1955, nơi gia đình tôi và 92 đồng bào vô tội bị giết oan. Những vụ thảm sát ở Vĩnh Trinh, Mỏ Cày, Chợ Được… cũng cùng một bản chất. Mỹ – Diệm gọi đó là ‘Chiến dịch Chống Cộng’, ‘Tố Cộng’. Nhưng thử hỏi: cha mẹ tôi, những người dân lương thiện chỉ mong được yên sống, cũng là Cộng sản sao? Những đứa trẻ 10, 12 tuổi chỉ biết cắp sách đến trường cũng bị đem ra giết hại, chúng cũng là Cộng sản sao? Ngay cả những bào thai chưa kịp chào đời cũng bị chúng moi ra tàn sát – chúng cũng là Cộng sản sao?”
Dù thủ phạm thực sự là ai, vụ thảm sát Hương Điền vẫn là một minh chứng đau đớn về sự tàn bạo của chiến tranh. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai. Câu chuyện bi thương này nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình không bao giờ là điều hiển nhiên – nó cần được gìn giữ và bảo vệ bằng tất cả sức mạnh và lòng nhân ái của mỗi thế hệ.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ 2398, Toà Đại biểu Chính phủ tại TNTP, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
2. Miền Nam giữ vững Thành đồng, Trần Văn Giàu (tập 1, 1954-1960), Nhà xuất bản Khoa học.
3. Sức mạnh Việt Nam, Nhà xuất bnar Quân đội Nhân dân, năm 1976.
4. 35 năm Chiến đấu và Xây dựng, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1980.
5. Lịch sử Việt Nam 1954-1975, Viện sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1996.
6. Địa chí Quảng Trị, năm 1996.
7. Lịch sử Đảng bộ huyện Hướng Hoá (1930-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1993.
Thanh Vân