Thồ Lồ là một vùng bao la, rộng lớn với địa hình núi cao, rừng rậm, đường sá hiểm trở và dân cư thưa thớt, nằm giữa biên giới 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Phú Yên. Đây là căn cứ địa quan trọng của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Qua tài liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chúng ta càng hiểu rõ hơn về vai trò chiến lược của căn cứ này trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.

Những lần thám sát và điều tra về mật khu Thồ Lồ

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Nam – Bắc, vĩ tuyến 17 là ranh giới phân chia quân sự tạm thời. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuối tháng 8 năm 1954, ta công khai giải tán chính quyền nhân dân tại miền Nam. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa với sự tiếp sức của Mỹ đã ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, tiến hành cuộc khủng bố trắng trả thù đẫm máu những người kháng chiến cũ, quần chúng yêu nước và tìm mọi cách phá bỏ các căn cứ cách mạng của ta, trong đó có căn cứ Thồ Lồ.

Năm 1955, Ty Công an Quốc gia tỉnh Bình Định đã phái nhân viên thâm nhập vào mật khu Thồ Lồ để tiến hành điều tra. Vị trí, lực lượng, sơ đồ, đường giao thông và cách thức liên lạc của Việt Cộng được tường trình tại Công văn số 2220CSCA/VPI/M ngày 23 tháng 9 năm 1955. Theo đó, “mật khu tại Thồ Lồ thuộc xã Bà Đinh. Nơi này là cơ sở cũ từ năm 1949 của Bộ Tư lệnh khu 15.V.M, do Nguyễn Nên Tư lệnh trưởng và Bùi San Chánh ủy cùng quân đội lên gây cơ sở tại đó. Trong thời gian ấy, khu bộ 15 đóng tại làng Phú Giang, gần làng Đồng và làng Ruộng. Cơ xưởng của Trung đoàn 84 V.M đóng tại Suối Cát”. Để liên lạc trong mật khu, Việt Cộng thường dùng đường giao thông từ Vân Canh đến Thồ Lồ với những lộ trình khác nhau. Cuộc điều tra cũng cho thấy “Việt Cộng dã dời mật khu lên làng Mèo cách Thồ Lồ 25km về phía Tây Bắc”. “Vùng mật khu tại làng Mèo nói trên địa thế rất nguy hiểm trở và được yểm hộ bởi hai tiểu đoàn thiện chiến. Muốn tiêu trừ chúng, cần mở một cuộc càn quét quy mô với sự phối hợp các lực lượng quân sự Bình Định, Phú Yên và Pleiku, Kon Tum. Ngoài ra còn cần đóng quân thường trực ở những nơi hiểm yếu để chặn đón và cắt đứt giao thông liên lạc của chúng, hoặc ít nhất cô lập với quần chúng bọn cán bộ chính trị do mật khu chính yếu ấy thường tung vào 4 tỉnh giới cận.”

Tiếp nhận văn bản của Ty Công an Quốc gia tỉnh Bình Định, Nha Cảnh sát và Công an Quốc gia Trung Việt đã báo cáo việc Việt Cộng Liên khu V xây dựng mật khu tại Thồ Lồ và Làng Mèo (Bình Định) lên Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt và Tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn. Trong tháng 12 năm 1955, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục cử thêm cộng tác viên lên thám sát và điều tra tại Thồ Lồ.

Công văn số 2220CACS/VPI/M ngày 23 tháng 9 năm 1955 của Ty Công an Quốc gia Bình Định về việc tường trình về mật khu Thồ Lồ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Vùng bất khả xâm phạm của cách mạng miền Nam

Các cuộc điều tra đã xác định rằng Việt Cộng thường sử dụng các đường giao thông từ Vân Canh đến Thồ Lồ. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhận thức được sự tồn tại và quan trọng của căn cứ địa này, nhưng lại gặp khó khăn trong việc xác định chính xác vị trí các căn cứ.

Theo Phiếu nghiên cứu số 2138/PKDH/2 “xã Thồ Lồ là một vùng bao la, rộng lớn, gồm có rất nhiều làng thượng du không có tên trong bản đồ nằm tỉnh Phú Yên, Bình Định và Gia Lai. Địa thế toàn là núi cao, rừng rậm hiểm trở. Là một trục rất quan trọng, Thồ Lồ chia ra làm 3 căn cứ địa. Căn cứ chính là Thồ Lồ Hạ (BQ.740/980), căn cứ phụ là Thồ Lồ Thượng và Làng Mèo. Vì là một vùng bất khả xâm phạm, dân chúng thiểu số đã sống tự trị ngay trong thời Pháp thuộc, trước ngày kháng chiến V.M nên trừ Thồ Lồ Hạ ra, hai căn cứ phụ kia tọa đồ không minh định được rõ ràng”.

Đối với Thồ Lồ Thượng: “Mật vụ quân sự minh định căn cứ này tại tọa đồ BR.710/010, nghĩa là chỉ cách Thồ Lồ Hạ  độ hơn 3 cây số hướng Tây Bắc. Mật vụ hành chính lại minh định vào tọa đồ BR.650/120 nghĩa là nằm ngay trên biên giới liên tỉnh Bình Định và Gia Lai, và cách Thồ Lồ Hạ độ 15 cây về hướng Tây Bắc (chim bay)”.

Đối với Làng Mèo: “Mật vụ quân sự minh định căn cứ này tại tọa đồ BR.720/030, cách Thồ Lồ Thượng (theo sự minh định của quân sự) 2 cây số về hướng Bắc và Thồ Lồ Hạ độ trên 5 cây số về hướng Bắc. Mật vụ hành chính lại minh định vào tọa đồ BR.610/150 nằm hẳn trong tỉnh Gia Lai, cách Thồ Lồ Thượng (theo sự minh định của hành chính) 4 cây số về hướng Tây Bắc và Thồ Lồ Hạ độ 19 cây số (chim bay)”.

Phiếu nghiên cứu cũng nêu rõ mục đích sử dụng của từng căn cứ: “Làng Mèo là vùng chôn dấu kho tàng, vu khí của V.M đã thành lập từ năm 1949. Và ngay 2 tháng trước ngày tập kết (4/1955), V.M đã cho rất nhiều đợt dân công khiêng vũ khí ở các kho tàng trung châu đem lên chôn dấu tại đây. Thồ Lồ Thượng là vùng đóng quân phụ. Thồ Lồ Hạ hay Suối Cát Trên là vùng quan trọng nhất, vì đây không những là vùng đóng quân mà còn là chỉ huy sở của mọi hoạt động quân sự, chính trị và kinh tế của V.M. Về hai làng trên, ta không rõ nó gồm có những làng thượng du nào vì C.T.V (Cộng tác viên) và M.B.V (Mật báo viên) chỉ có thể đi tới gần Thồ Lồ Hạ mà thôi”.

Qua những báo cáo này có thể thấy, mặc dù đã xác định được sự tồn tại của các căn cứ tại mật khu Thồ Lồ nhưng về số đơn vị chiếm đóng, quân số, vũ khí của đối phương thì “đều không rõ”.

Công văn số 2/TMHQ/I/MK ngày 05 tháng 01 năm 1956 của Bộ Tham mưu hành quân – Đệ Nhị quân khu Quân lực Việt Nam Cộng hòa về việc hành quân ở vùng Thồ Lồ

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV 

Hành quân đại quy mô càn quét căn cứ Thồ Lồ

Nhận thấy mức độ nguy hiểm của mật khu Thồ Lồ, Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt đã trình lên Tổng trưởng Bộ Nội vụ và nhấn mạnh: “Để thanh trừ có hiệu quả và tiêu diệt bọn Việt Cộng đang lợi dụng địa thế hiểm trở ở miền sơn cước, hoạt động phá rối tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định và ở các hạt giáp giới với tây phần, cần mở một cuộc hành quân đại quy mô tại tất cả các địa điểm nói trên với sự phối hợp các lực lượng quân sự Bình Định, Phú Yên, Pleiku, Kon Tum… sau cuộc hành quân này còn cần đóng quân thường trực ở những nơi hiểm yếu để chặn đón và cắt đứt giao thông liên lạc của chúng”.

Ngày 07/12/1955, Trung tá Đỗ Mậu – Tư lệnh Phân khu Duyên Hải đã trình Phiếu nghiên cứu mật khu Thồ Lồ cho Đại tá Tư lệnh Đệ Tứ Quân khu để yêu cầu thượng cấp cho mở một cuộc hành quân đại quy mô càn quét và chiếm đóng mật khu này.

Ngày 05/01/1956, Tư lệnh Đệ Nhị quân khu đã có công văn về việc hành quân ở vùng Thồ Lồ. Theo đó, Tư lệnh Đệ Nhị quân khu nhận xét: “Thồ Lồ nằm giữa biên giới 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Phú Yên. Là một vùng rộng rãi bao la gồm có núi cao, rừng rậm, đường sá hiểm trở, dân cư thưa thớt. Việc sưu tầm tin tức trong vùng này rất khó khăn và những tin tức thâu lượm được thường rất mơ hồ. Với những đặc điểm nêu trên ta có thể quan niệm ngay rằng, Thồ Lồ là một địa thế rất thuận lợi cho một địch thủ đã sống ở đây lâu năm, thuộc lòng chi tiết về đường sá và địa hình, áp dụng triệt để chiến thuật du kích, chiến đấu với những lực lượng nhỏ, xuất nhập bất thần và kèm thêm những phương tiện cổ điển khác như mìn, hầm chông, cạm bẫy, v.v… Trong tình trạng này, một cuộc hành quân đại quy mô chỉ có thể thực hiện được một cách hiệu quả sau khi đã được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Theo phiếu nghiên cứu số 2138/PKDH/2 ngày 05/12/1955 của Phân khu Duyên Hải thì mật khu Thồ Lồ có 3 căn cứ chính, trong đó Thồ Lồ Hạ hay Suối Cát Trên là căn cứ quan trọng nhất. Nhưng chưa có một tài liệu nào có thể minh định vị trí đích xác của các căn cứ này …  Nhiều làng có tên trên bản đồ nhưng dân chúng không biết, vì đã bị thiên tai tiêu diệt hay đã di chuyển đến 1 địa điểm khác như trường hợp làng Trich ở tọa độ 815/005 trên bản đồ hay tọa đồ 805/982 của làng To Mo cũng là một tọa độ của 20 năm về trước. Trái lại có nhiều tên làng dân chúng cho, song lại không có tên trên bản đồ. Vì những sự kiện trên nên việc xác định địa điểm rất là khó khăn. Do đó, những tọa đồ đã có phải được xem như là hết sức tạm thời và cũng chỉ có giá trị hết sức tương đối… Theo những tin tức cuối cùng do ông Tỉnh trưởng Bình Định và các cơ quan an ninh ở đây thì mật khu Thồ Lồ là một vùng bất khả xâm phạm…

Như thế ta có thể xem sự hiện diện của những phần tử võ trang và cán bộ địch ở mật khu là một sự thật nhưng chưa một nguồn tin nào có giá trị cho biết một cách đích xác số đơn vị, số lượng, vị trí đóng quân và cách sinh hoạt của những lực lượng này.”

Cuối cùng, theo ý kiến của Bộ Tham mưu hành quân Đệ Nhị quân khu Quân lực Việt Nam Cộng hòa thì chưa cần và cũng chưa nên tổ chức hành quân đại quy mô vì “Các mục tiêu chưa được xác định, lực lượng địch chưa được biết rõ, hệ thống giao thông chưa được rõ và cũng chưa được chuẩn bị để có thể thực hiện được chuyển quân, việc tiếp tế và liên lạc, việc bố trí những lực lượng yểm hộ như Pháo binh, Thiết giáp, v/v …”

Đến tháng 2 năm 1956, sau khi nắm thêm được thông tin về mật khu, Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt tiếp tục đề nghị Tổng thống chỉ thị Bộ Quốc phòng xét lại vấn đề hành quân đại quy mô tại vùng Thồ Lồ. Những cuộc hành quân của Đại đội 2 và 3 thuộc Tiểu đoàn 3 quân lực chính quy ở Quy Nhơn bắt đầu từ ngày 04/4/1956 đến ngày 06/4/1956 qua các vùng thuộc mật khu Thồ Lồ và giáp giới tỉnh Phú Yên đã không thu được kết quả gì.

Như vậy, qua những thông tin được lưu trữ lại có thể thấy Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhận thức được sự tồn tại và tầm quan trọng của căn cứ địa Thồ Lồ, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác vị trí các căn cứ. Trên thực tế, trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Thồ Lồ là căn cứ địa cách mạng vững chắc nhất của Phú Yên, là vùng bất khả xâm phạm mà kẻ thù không thể kiểm soát nổi. Sau khi các cơ sở cách mạng lần lượt bị triệt phá, căn cứ Thồ Lồ được ngụy trang, giữ bí mật, an toàn tuyệt đối là thành công lớn của cách mạng miền Nam trong cuộc đấu tranh chống lại Mỹ và Chính quyền tay sai. Căn cứ Thồ Lồ đã đóng góp không nhỏ làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ 2040, Phông Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Căn cứ địa cách mạng tỉnh Phú Yên trong chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nguyễn Duy Luân (chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2013.

Mai Duyên