Ngày 22/12 tròn 80 năm trước, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. 80 năm qua, kế thừa thống yêu nước, ý chí quật cường được hun đúc trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người lính của thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, viết thêm nhiều kỳ tích mới, được nhân dân yêu mến gọi với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”.

1. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đó là bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, sau những cuộc vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập với 34 chiến sỹ. Họ là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động chưa được đào tạo bài bản tại một trường quân sự chính quy nào. Ngay cả vị Tổng Tư lệnh đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất phát điểm cũng là một giáo viên dạy Sử.

Xuất thân từ những người dân với ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó. Từ khi ra đời, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải liên tục tiến hành nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, gian khổ, ác liệt chống lại nhiều kẻ thù có sức mạnh vượt trội. Các tướng lĩnh chỉ huy của những đạo quân xâm lược đều là những vị tướng thành danh từ các trường chỉ huy quân sự nổi tiếng thế giới, là những tướng vang danh từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ 34 chiến sỹ đầu tiên, trang bị vũ khí thô sơ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mở đầu trang sử truyền thống “bách chiến, bách thắng” bằng chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần. Và từ đây, cùng với nhân dân cả nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Đến nay, sau 80 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một quân đội hùng mạnh với đầy đủ các quân chủng, binh chủng chính quy, phát triển hiện đại, được Đảng và Nhà nước tin cậy, Nhân dân tin yêu và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với nước, với dân, xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”.

 Thế hệ trẻ trong chiến tranh luôn mơ ước trở thành chiến sỹ quân đội

Tác giả: Phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

2. Đến những kỳ tích ở thế kỷ XX

Sau khi được thành lập, quân đội ta đã tích cực vận động nhân dân đấu tranh, giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945. Thực hiện kháng chiến, kiến quốc; quân đội cùng nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt, giệt giặc ngoại xâm. Vừa chiến đấu chống thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền; vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phối hợp đánh địch cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam – Bắc, lớp lớp thanh niên miền Bắc, trong đội hình của những đoàn quân nối tiếp nhau xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Trong cuộc kháng chiến này, hầu như gia đình nào cũng đều có những người đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong hay dân công hỏa tuyến, đều chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những cung đường bất tử, những con đèo sinh tử, những ngã 3 huyền thoại, những thung lũng tử thần, khu rừng, bến phà, con sông, ngọn núi gắn với những chiến trường ác liệt đều thấm đẫm máu và nước mắt, đều ghi dấu những chiến công oanh liệt.

Đưa tiễn bộ đội ở Sài Sơn – Quốc Oai – Hà Nội vào Nam chiến đấu, năm 1967

Tác giả: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Lớp lớp thanh niên miền Bắc ngày ấy đã tạm biệt gia đình, quê hương, tạm xa mái trường, giảng đường, ruộng đồng, tình nguyện xung phong lên đường vào Nam chống Mỹ. Các anh, các chị xông pha trong mưa bom, bão đạn và như một cách tự nhiên, giản dị, họ đã trở thành những “Anh giải phóng quân” với hành trang giản đơn là đôi dép cao su, chiếc ba lô, chiếc mũ tai bèo, khẩu súng AK để vượt đường Trường Sơn huyền thoại. Họ không sợ gian khó, không ngại hiểm nguy, ra đi nhưng không hẹn ngày về. Ý chí kiên cường của toàn quân, toàn dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975.

Chào quê hương, các chàng trai Thủ đô vào chiến trường miền Nam chiến đấu, năm 1971

Tác giả: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, quân đội ta lại phải cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam chúng ta vừa phải chống lại quân Pol Pot-Ieng Sary xâm lược, vừa phải giúp đỡ đất nước làng giềng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người.

Sư đoàn 302 – Quân khu 7 thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt

Tác giả: Phóng viên ảnh chiến trường Đỗ Kết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Cuộc chiến này tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại rất khốc liệt với sự thiệt hại lớn về người và tài sản. Chiến thắng ngày 07/01/1979 thể hiện tinh thần đoàn kết thủy chung trong sáng, chí nghĩa, chí tình của 2 dân tộc và sự kề vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam với quân và dân Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nữ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Ang-koong (Angkor), Campuchia

Tác giả: Phóng viên ảnh chiến trường Đỗ Kết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Hình ảnh đẹp của những người lính tình nguyện Việt Nam bên điệu múa Apsara với nhân dân nước bạn dưới những tháp cổ Angkor sau khi chiến tranh kết thúc và nhiều hình ảnh nhân dân Campuchia tiễn những người lính tình nguyện Việt Nam sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đã khắc họa thêm cống hiến của những người lính “cụ Hồ”.

Tình cảm gắn bó giữa quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia

trong cuộc chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt

Tác giả: Phóng viên ảnh chiến trường Đỗ Kết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Với truyền thống và bản chất của một quân đội nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, Quân đội nhân dân Việt Nam mãi là niềm tin, là điểm tựa của nhân dân. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi hình ảnh của những người lính bất chấp mọi hiểm nguy làm chỗ dựa cho dân trong những ngày tháng đất nước gian nan chống đại dịch Covid-19, oằn mình chống lại những trận bão, lũ lụt kinh hoàng, …. Những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có mặt ở những nơi xung yếu, nguy hiểm nhất.

Cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa

Ảnh: Xuân Hùng

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa, biết bao địa danh lịch sử từ Ngã 3 Cò Nòi đến dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô đến “Cối xay thịt” mang tên Vị Xuyên; từ Hang Hỏa Tiễn (Hoàng Mai) đến Hang Tám Cô (Quảng Bình), từ Ngã 3 Truông Bồn (Nghệ An) đến Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh), từ Quảng Trị với “Sông Bến Hải bên bồi bên lở, Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương” đến Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Từ Tây Nguyên đại ngàn hùng vỹ vào miền Đông đất đỏ “gian lao mà anh dũng”. Từ duyên hải miền Trung nắng gió đến đồng bằng Sông Cửu Long mênh mông sông nước. Từ Trường Sơn đến Trường Sa đều in những dấu chân người lính “Bộ đội cụ Hồ”.

80 năm nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhắc lại chiến tranh để chúng ta thêm trân quý nền hòa bình, nhắc lại quá khứ một thời đạn bom để thêm yêu người lính. Sự xuất hiện của “Bộ đội cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc chưa đầy 1 thế kỷ, nhưng hình tượng “Bộ đội cụ Hồ”  đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước một cách tự nhiên và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.  Một biểu tượng cao đẹp và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng. Hình ảnh về những người lính “Bộ đội cụ Hồ” anh hùng, bất khuất trong thời kỳ chiến tranh đầy cam go, ác liệt với bao mất mát và hi sinh chắc chắn đã, đang và sẽ tiếp tục truyền lửa cho thể hệ trẻ ngày hôm nay về lòng yêu nước, tinh thần cống hiến và trách nhiệm với Tổ quốc.

Mai Duyên