Chiến tranh đi qua với bao đau thương mất mát và ngày nay chúng ta đang có Tổ quốc độc lập, tự do; non sông thống nhất, hòa bình; xã hội ngày càng phát triển; nhân dân ấm no, hạnh phúc. Những thành quả ấy đã phải đánh đổi bằng xương máu của chiến sĩ, đồng bào, bằng bao cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại và cả những chiến công đánh giặc vẻ vang trên chiến trường, trong đó có công lao đóng góp của “các xạ thủ bắn tỉa” – những người có tài thiện xạ thực hiện các kỹ năng ngắm bắn, tiêu diệt sinh lực địch rất cao.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta có phong trào thi đua “săn tây, bắn tỉa” phát động vào trung tuần tháng 4 năm 1954. Qua đó, chiến sĩ Đoàn Trương Lít (Đại đội 395, Trung đoàn 36) đã dùng 1 khẩu súng trường bắn tỉa 9 phát, diệt 9 lính Pháp ở vị trí 206 (Đồi A1) vào ngày 19/4, chiến sĩ Lộc Văn Thông (Trung đoàn 165) đã diệt 30 lính Pháp ở cứ điểm 105 (Đồi A1) từ ngày 30/3 đến 16/4 bằng khẩu súng trường Lee-Enfield của Anh Quốc,…

Tiếng hát át tiếng bom của đại đội bắn tỉa anh hùng sau chiến thắng ở Đường số 9 Nam Lào, năm 1969

Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Theo Lindsey Kiang, một nhà sử học người Mỹ có nhiều năm công tác tại Việt Nam viết trong bài báo “Lính Mỹ đã tôn trọng bộ đội Việt Nam như thế nào” – (Báo QĐND phát hành ngày 19/08/2014): Trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (Quảng Trị) 1968, có một xạ thủ bắn tỉa Việt Nam núp trên ngọn đồi bắn vào căn cứ Mỹ, gây ra những tổn thất, nỗi khiếp sợ và làm hạn chế hoạt động của lính Mỹ. Quân địch đã mở nhiều cuộc tuần tiễu có pháo binh bắn phá nhưng vẫn không triệt hạ được tay súng này. Cuối cùng, địch mở một đợt không kích với rất nhiều máy bay và đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom Napan đến pháo 120mm, bắn dữ dội cho đến khi cả ngọn đồi trở nên tan hoang. Tưởng như không gì có thể sống sót được, thì tiếng súng trường lại vang lên. Tất cả lính thủy quân lục chiến Mỹ trong căn cứ nhất loạt đứng dậy reo hò bày tỏ sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ đối với người lính Việt Nam đó. Tay súng dũng cảm với tinh thần quyết chiến là một thách thức đáng kể đối với lính Mỹ!.

Xạ thủ Đinh Văn Chung (bên phải) năm 1969

Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ngày ấy, ở chiến trường B5 (Quảng Trị), Đơn vị bắn tỉa 413 được huấn luyện tại miền Bắc và bí mật đưa vào Quảng Trị để hoạt động. Đơn vị này được thành lập ngày 30/4/1966, một mốc son ngẫu nhiên đến thú vị khi gợi nhớ đến ngày toàn thắng 30/4.

Những chiến sĩ thuộc đơn vị này đã trở thành nỗi ám ảnh khiếp sợ với quân địch, đặc biệt là “lính Cổ da” (Lính Thủy quân lục chiến Mỹ – TG). Có nhiều chiến sĩ trong đơn vị đã lập công lớn trong chiến đấu, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, có người là dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú. Trong đơn vị có xạ thủ Đinh Văn Chung, khi đó ở tuổi 20 mà số lính Cổ da anh “tỉa” được gấp 3 lần tuổi đời. Hình ảnh về người chiến sĩ ấy và đơn vị bắn tỉa được nhiếp ảnh gia – nhà báo chiến trường Mầu Hoàng Thiết ghi lại năm 1969 là tư liệu quý để thế hệ ngày nay được nghe kể chuyện bằng những bức ảnh về những con người đã đi vào huyền thoại. Những người trẻ Việt Nam ngày ấy đã sống, hành động, xả thân chiến đấu để giành chiến thắng cuối cùng không nhờ sức mạnh vật chất mà chủ yếu là bằng niềm tin chiến thắng, là tình yêu quê hương đất nước, ý thức về độc lập tự do của dân tộc. Chính yếu tố tinh thần ấy đã biến thành tiếng hát lạc quan giữa chiến trường đỏ lửa. Những “tiếng hát át tiếng bom” đã cùng quân dân ta đè bẹp những sức mạnh được yểm trợ bằng vũ khí tối tân của kẻ thù có sức mạnh vật chất.

Với tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, lòng quả cảm, sự hy sinh của những người lính Việt Nam trong mỗi trận đánh đã trở thành biểu tượng sáng chói, để tổ quốc và các thế hệ mai sau đời đời khắc ghi tên tuổi, công lao của các anh hùng đã đánh đổi cả thanh xuân cho hòa bình đất nước. Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2024, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những hình ảnh tư liệu về những người lính huyền thoại Việt Nam như một lời tri ân sâu sắc đến các anh hùng.

Vân Thanh

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sưu tập tài liệu ảnh của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết, TTLTQGIV.

2. Lính Mỹ đã tôn trọng bộ đội Việt Nam như thế nào, Lindsey Kiang, Báo Quân đội nhân dân, 2014. (https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/linh-my-da-ton-trong-bo-doi-viet-nam-nhu-the-nao-413735).

3. Kỷ vật của những “huyền thoại” Điện Biên Phủ, Nguyệt Anh, Báo Thể thao và Văn hóa, 2009 (https://web.archive.org/web/20160310093151/http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ky-vat-cua-nhung-huyen-thoai-dien-bien-phu-n20090505102210234.htm).

4. Lính bắn tỉa D413 – Hải Phòng thăm lại chiến trường Quảng Trị xưa, Nguyễn Quân, Báo Pháp Luật Việt Nam, 2010. (https://baophapluat.vn/linh-ban-tia-d413-hai-phong-tham-lai-chien-truong-quang-tri-xua-post43398.html).