Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh (chín cái đỉnh). Cửu đỉnh gồm Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Vua muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đặt ở trước sân nhà Thế miếu, để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Cửu đỉnh đúc xong.

Vua sai chọn thợ khéo chạm khắc hình tượng vào đỉnh và ban thưởng cho thợ đúc Cửu đỉnh. Từ Ðốc biện đến biền binh thưởng một tháng tiền lương. Thợ và người làm thưởng chung cho 300 quan tiền. Vua bảo Nội các rằng: “Việc đúc, cố nhiên là ở nhân công, nhưng đồ quý trọng mà làm được, không phải không có thần giúp sức”. Vua sai bộ Lễ sửa lễ tạ ơn.

Ngày Cốc đán 25 tháng giêng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Cửu đỉnh được đặt ở trước sân Thế miếu (dưới chân đỉnh được kê tảng đá bằng). Vua thân đến tế cáo miếu, lễ xong lại thân ra xem xét, thấy chín cái đỉnh sừng sững, nguy nga, cao lớn kiên cố, không chút tỳ vết, có thể làm của báu truyền đời để lại cho con cháu đời đời vô cùng.

Vị trí đặt cửu đỉnh:

Chính giữa đặt Cao đỉnh, Tả nhất đặt Nhân đỉnh, Hữu nhất đặt Chương đỉnh, Tả nhị đặt Anh đỉnh, Hữu nhị đặt Nghị đỉnh, Tả tam đặt Thuần đỉnh, Hữu tam đặt Tuyên đỉnh, Tả tứ đặt Dụ đỉnh, Hữu tứ đặt Huyền đỉnh.

Cửu đỉnh triều Nguyễn (Ảnh: sưu tầm)

Mỗi đỉnh có kích thước khác nhau:

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ:

Cao đỉnh: miệng chu vi 10 thước 2 phân; thân chu vi 11 thước 9 tấc 1 phân; tai cao 1 thước 7 phân; từ miệng đến đáy cao 2 thước 7 tấc 1 phân; chân cao 2 thước 3 phân; tính chung chiều cao là 2 thước 3 tấc. Nguyên số chi để đúc là 4.211 cân 6 lạng 3 đồng cân 7 phân đồng, 233 cân 15 lạng 4 đồng cân 6 phân 5 ly kẽm, 233 cân 15 lạng 4 đồng cân 6 phân 5 ly kẽm, 233 cân 15 lạng 4 đồng cân 6 phân 5 ly thiếc, hao 371 cân 12 lạng 3 đồng cân, còn thành khí đồng được 3.886 cân 12 lạng 9 đồng cân đồng, được 215 cân 6 lạng 5 đồng cân kẽm, 2.156 lạng 5 phân thiếc, cộng là 4.307 cân 9 lạng.

Nhân đỉnh: miệng chu vi 10 thước 3 phân; thân chu vi 11 thước 8 tấc 4 phân; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 8 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 7 phân; tính chung chiều cao là 4 tấc 5 phân. Nguyên số chi để đúc là 4.067 cân 1 đồng cân 6 phân đồng, 225 cân 15 lạng 1 đồng cân 2 phân kẽm, 225 cân 15 lạng 1 đồng cân 2 phân thiếc, hao 359 cân 4 đồng cân, còn thì thành khí được 3.743 cân 14 lạng 2 đồng cân đồng, được 207 cân 15 lạng 9 đồng cân kẽm, 207 cân 15 lạng 9 đồng cân thiếc, cộng là 4.159 cân 14 lạng.

Phương đỉnh: miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.395 cân 6 đồng cân 7 phân đồng, 188 cân 9 lạng 8 đồng cân 1 phân 5 ly kẽm, 188 cân 9 lạng 8 đồng cân 1 phân 5 ly thiếc, hao mất 299 cân 11 lạng 3 đồng cân, còn thành khí được 3.125 cân 4 lạng đồng, 9 đồng cân đồng, 173 cân 15 lạng 2 phân kẽm được 173 cân 10 lạng 5 phân thiếc, cộng thành 3.472 cân 9 lạng.

Anh đỉnh: miệng chu vi 1 thước; thân chu vi 11 thước 7 tấc; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 4.165 cân 14 lạng đồng, 231 cân 7 lạng kẽm, 231 cân thiếc, hao hết 367 cân 12 lạng, còn thành khí được 3.834 cân 4 lạng đồng cân đồng, 213 cân 8 đồng cân kẽm, được 213 cân 8 đồng cân thiếc, cộng thành 4.261 cân.

Nghị đỉnh: miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước 7 tấc; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 1 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 4.112 cân 5 lạng 6 đồng cân 2 phân 3 ly đồng, 228 cân 7 lạng 4 đồng cân 2 phân 3 ly 5 hào kẽm, 228 cân 7 lạng 4 đồng cân 2 phân 3 ly thiếc, hao 363 cân 4 đồng cân 7 phân, còn thành đồng khí được 3.785 cân 10 lạng đồng, 210 cân 5 lạng kẽm, 210 cân 5 lạng thiếc, cộng thành 4.206 cân.

Dụ đỉnh: miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước 7 tấc; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 1 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.248 cân 4 lạng 7 đồng cân 1 phân 4 ly đồng, 190 cân 7 lạng 3 đồng cân 7 phân 3 ly kẽm, 180 cân 7 lạng 3 đồng cân 7 phân 3 ly thiếc, hao 268 cân 5 lạng 4 đồng cân 6 phân, còn thành khí được 3.006 cân 12 lạng 6 đồng cân đồng, 167 cân 7 đồng cân kẽm và 167 cân 7 cân đồng thiếc, cộng thành 3.340 cân.

Tuyên đỉnh: miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước 7 tấc; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 2 tấc 5 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.344 cân 12 lạng 4 phân 3 ly đồng, 185 cân 13 lạng 1 đồng cân 1 phân 3 ly 5 hào kẽm, 185 cân 13 lạng 1 đồng cân 1 phân 3 ly 5 hào thiếc, hao hết 295 cân 4 lạng 2 đồng cân 7 phân, thành khí được 3.079 cân 2 đồng cân đồng, 171 cân 9 đồng cân kẽm, 171 cân 9 đồng cân thiếc, cộng thành 3.421 cân 2 lạng.

Thuần đỉnh: miệng chu vi 10 thước; thân chu vi 11 thước; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.156 cân 12 lạng 6 đồng cân 3 phân 9 ly đồng, 175 cân 6 lạng 3 phân 5 ly 5 hào kẽm, 175 cân 6 lạng 3 đồng 5 ly 5 hào thiếc, hao hết 278 cân 10 lạng 7 đồng cân 1 phân, thành khí được 2.905 cân 15 lạng 8 đồng cân, 161 cân 7 lạng 1 đồng cân kẽm, 161 cân 7 lạng 1 đồng cân thiếc, cộng thành 3.218 cân 14 lạng.

Huyền đỉnh: miệng chu vi 10 thước 2 tấc 1 phân; thân chu vi 11 thước 5 tấc 2 phân; tai cao 1 thước; từ miệng đến đáy cao 2 thước 5 tấc 2 phân; chân cao 1 thước 8 tấc 8 phân; tính chung chiều cao là 5 thước 4 tấc. Nguyên số chi để đúc là 3.129 cân 12 lạng 5 đồng cân 8 phân 5 ly đồng, 173 cân 14 lạng 3 phân 2 ly 5 hào kẽm, 173 cân 14 lạng 3 phân 2 ly 5 hào thiếc, hao hết 276 cân 4 lạng 6 đồng cân 5 phân, còn thành khí được 2.881 cân 2 lạng đồng, 160 cân 1 lạng kẽm, 160 lạng thiếc, cộng thành 3.201 cân 3 lạng.

Hình tượng được khắc trên Cửu đỉnh:

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua ban Dụ rằng: “Trẫm xem xét đời thượng cổ, đúc vạc có tượng hình loài vật, nhưng cổ khí còn đến nay, ít thấy có ghi chép, các nhà (học giả) lại truyền thuật sai lạc những cái chép lại, phần nhiều là vạc ăn (thực đỉnh) cả. Còn như những vạc nặng và cao lớn, thì chẳng những cận đại không có, mà dẫn đến đời sau cận đại cũng ít được nghe nói đến. Nay bắt chước đời cổ, lấy ý mà thêm bớt, rồi đúc ra những chiếc vạc lớn, là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị định, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh, cả thảy 9 chiếc. Lấy thước đời nay mà đo, cao từ hơn 5 thước đến hơn 6 thước, lưng hơn 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, so với thước đời Chu (Trung Quốc) thì cao hơn như thế đã là vượt tầm, vượt trượng rồi. Vạc nặng 4 nghìn 1, 2 trăm cân có khác nhau, xem bản triều có giống chim bay cá lặn, động vật, thực vật gì, những loại binh khí, xe thuyền gì, cho đến thiên văn, địa lý, cái lớn, cái nhỏ đều phỏng theo hình dáng mà đúc ra đủ cả. Tháng 12 năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (1835) chọn ngày giờ tốt khởi công, đến tháng 12 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) là qua một năm thì hoàn thành”.

Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng thì hình tượng sông, núi và mọi vật không cần phải khắc đủ cả, nhưng khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 77, mặt khắc 28, 29 ghi:

Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.

Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen,
quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.

Chương đỉnh, khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả soài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng
điểu thương.

Anh đỉnh, khắc các hình: Sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, con hạc, con ngựa, con ve, con rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đạn bươm bướm.

Nghị đỉnh, khắc các hình: Sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.

Thuần đỉnh, khắc các hình: Gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, con bò lang, con trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền,
bài đao.

Tuyên đỉnh, khắc các hình: Mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.

Dụ đỉnh, khắc các hình: Sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác.

Huyền đỉnh, khắc các hình: Mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái.

Bản dập Mộc bản khắc về hình tượng trên Cửu đỉnh (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Vua Minh Mạng từng ban dụ cho Nội các rằng: Ðỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Từ xưa, các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm. Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đặt ở nhà Thế miếu, để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.

Ngày nay, cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn trước sân Thế miếu. Cửu đỉnh không chỉ thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của triều Nguyễn mà trên mỗi đỉnh còn thể hiện tác phẩm nghệ thuật đúc đồng độc đáo, tinh xảo của các nghệ nhân xưa.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ H22/178, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

2. Hồ sơ H48/247, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, 2004.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2005.

Nhật Phương