Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “… phá tan quân giặc, chém được Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và 5 vạn quân giặc. Giặc chết đuối rất nhiều, nước sông ở Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn”. Được tin thắng trận báo về, Bình Định Vương lập tức tiến quân ra Bắc, xiết chặt vòng vây thành Đông Quan. Ngày 7 tháng 2 âm lịch năm 1427, để cứu vãn tình thế, quân Minh quyết định tổ chức đánh úp ra ngoài tại Cảo Động, My Động. Trong 2 trận này, Tướng Lý Triện và Đinh Lễ tử trận. Tướng Lê Xí trốn thoát được trong một đêm mưa gió.
Trong thời gian này, bộ chỉ huy Lam Sơn gửi thư dụ hàng quân Minh. Nguyễn Trãi đã dùng trí tuệ và ngòi bút của mình trở thành thứ vũ khí sắc bén, có sức uy hiếp mạnh mẽ đối với kẻ thù: “Trước đây, quan Tổng binh Thành Sơn hầu từ sau trận thua cay ở Ninh Kiều, có sai người đưa thư ước hẹn xin hòa. Nay lại đắp thêm lũy, sửa sang khí giới, tự cho là chước giỏi mưu tài. Bội ước thất tín đến thế là cùng! Vậy tính chước cho các ngươi bây giờ: chi bằng kéo ra khỏi thành, nhất quyết cùng toán quân của Thái Đô đốc rút lui về nước để cứu cho vài nghìn người trong thành được toàn tính mạng. Bằng chẳng thì trong khoảng nay mai, các người sẽ biết nhau thôi! Các ngươi nên nghĩ kỹ, đừng để sau phải ăn năn”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 14, mặt khắc 4.
Một loạt các thành trì khá kiên cố của giặc như ở Nghệ An và thành Diễn Châu đã phải hạ vũ khí đầu hàng. Cuối năm 1427, nhà Minh tiếp tục sai các tướng Liễu Thăng và Mộc Thạnh đem 15 vạn quân và 3 vạn ngựa sang cứu nguy.
Theo kế hoạch, cả hai đạo quân này sẽ tiến vào Đông Quan, hợp binh với Vương Thông để phản công. Trước tình hình đó, nhiều tướng sĩ khuyên Bình Định Vương đánh vào các thành ở Đông Quan để cắt nội ứng của giặc. Nhưng Ông nói:
“Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, là mưu chước vẹn toàn”.
Đồng thời kêu gọi vận động nhân dân làm kế vườn không nhà trống.
Cũng trong thời gian này, Bình Định Vương hạ lệnh cho bổ sung thêm quân. Tháng 9 âm lịch năm 1427, thành Xương Giang bị hạ. Ngoài ra, Bình Định Vương cho bố trí một hệ thống mai phục từ ải Chi Lăng tới Xương Giang. Ngày 20/9 âm lịch, quân Minh tiến vào Chi Lăng. Chỉ ít ngày sau, Tướng Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy quân Minh, chúng lọt vào ổ mai phục thứ hai tại Cần Trạm. Quân Minh thua trận.
Sau thất bại này, tướng Minh là Thôi Tụ lên nắm quyền chỉ huy.
Mấy ngày sau, quân tiên phong của Thôi Tụ đến Phố Cát (nay thuộc xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại đây, chúng đã sa vào ổ mai phục thứ ba của nghĩa quân Lam Sơn. Trong trận Phố Cát, đạo quân của các tướng Lê Sát và Lưu Nhân Chú đánh bại và tiêu diệt hơn 2 vạn quân địch. Trước tình thế đó, Thôi Tụ cố kéo quân về thành Xương Giang thế thủ nhưng khi tới nơi thì thành Xương Giang đã bị mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi. Gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào. Giặc chỉ còn cách đợi đến đêm vắng, bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tiếng súng thì ra cứu viện. Nhưng Đông Quan và các thành khác tự cứu còn chưa xong, biết đâu đến chỗ khác! (theo Mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư).
Trong khi đó, quân Lam Sơn đã nhanh chóng thắt chặt vòng vây. Sáng ngày 15 tháng 10 âm lịch năm 1427, trận đại tập kích của Lam Sơn bắt đầu. Chẳng bao lâu, cánh quân tiếp viện của quân Minh hoàn toàn bị bẻ gãy. Lúc này, cánh quân của Mộc Thạnh cũng đã tiến đến ải Lê Hoa. Tuy nhiên, Bình Định Vương chưa vội tấn công mà gửi thư để uy hiếp tinh thần địch. Bởi ông liệu tính rằng: “Mộc Thạnh tuổi đã già, từng trải việc đời đã nhiều, lại biết tiếng vua từ trước, nhất định còn đợi xem Liễu Thăng thành bại ra sao chứ không nhẹ dạ tiến quân. Vua bèn gởi thư mật, bảo cứ đặt mai phục chờ đợi, chớ giao chiến vội” (theo Mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư).
Mộc Thạnh nghe tin đạo quân của Liễu Thăng thua to nên đã cấp tốc rút quân. Nhưng trước đó, các tướng của Lam Sơn đã bố trí lực lượng chốt chặn trên đường. Quân địch bị bất ngờ đã không kịp đối phó và bị tiêu diệt. Mộc Thạch một mình một ngựa tháo chạy. Tin thất bại của Liễu Thăng và Mộc Thạnh liên tiếp truyền về Đông Quan. Trước tình thế đó, sau 1 thời gian do dự, Vương Thông xin giảng hoà và xin được mở đường cho về nước.
Để mở đường hòa hiếu và tránh hiểm họa binh đao lâu dài, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã bàn bạc để tổ chức lễ tuyên thệ rút quân cho Vương Thông. Ngày 22 tháng 11 âm lịch năm 1427, Hội thề được tổ chức tại khu vực phía nam thành Đông Quan. Bấy giờ các tướng sĩ và nhân dân rất căm thù quân Minh, liền khuyên Bình Định Vương giết bọn chúng. Ông nói rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho triệu vạn người để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, Sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”. Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 10, mặt khắc 46.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, Vương Thông bắt đầu rút quân, đất nước ta hoàn toàn sạch bóng quân Minh xâm lược. Mùa hè năm 1428, Bình Định Vương và nghĩa quân Lam Sơn đã vào tiếp quản thành Đông Quan. Đông Quan trở về với tên gọi Thăng Long.
Bản dập Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép về việc vua Lê Lợi lên ngôi và dựng quốc hiệu Đại Việt
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt”. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Chính thức khôi phục nước Đại Việt.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ khi dấy binh đến khi kết thúc thắng lợi, đã trải qua các giai đoạn phát triển về chiến lược quân sự. Lê Lợi trở thành lãnh tụ, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc, thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho đất nước.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá chống giặc ngoại xâm.
Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế và mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước Việt sau này./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H60/13, H60/14, H60/15, Mộc bản triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục;
2. Hồ sơ H31/15, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư;
Bản dịch Viện sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, năm 2004.
Phạm Yến