Bòn bon (lòn bon, loòng boong) là loại quả nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam với hương vị thơm ngon, dịu ngọt. Dưới triều Nguyễn, bòn bon được chọn dùng làm vật phẩm dâng tiến lên cung đình vào các dịp lễ tiết quan trọng. Từ những ghi chép trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, cho thấy quả bòn bon xứ Quảng rất được vua và hoàng thân ưa chuộng.

Quả bòn bon còn được gọi là quả Nam trân, được vua Minh Mạng ban tên cho vào năm Kỷ Sửu (1829), theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí thì: “Nam trân: tục gọi là quả bòn bon, đầu đời Minh Mạng ban cho tên là Nam trân, nguồn Ô Da và nguồn Thu Bồn đều có, tháng 8, tháng 9 quả chín, sắc trắng, vỏ mỏng, vị ngọt và thơm, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự”.

Hình ảnh quả Bòn bon

Tương truyền, loại quả này được phát hiện ra trong một lần bị quân Tây Sơn vây đánh quyết liệt, chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này) đã cùng binh lính lẩn trốn vào phía thượng nguồn sông Ô Da, thuộc vùng rừng núi Quảng Nam. Đoàn quân lúc đó vừa đói vừa mệt, may gặp được rừng bòn bon, bèn hái lấy quả ăn, nhờ đó vượt qua được cơn đói khát. Trong Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 16, mặt khắc 1 cũng ghi lại chi tiết xảy ra năm Nhâm Tuất (1802) rằng: “Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, vua ở hành tại Động Hải. Dinh Quảng Nam chạy trạm dâng quả bòn bon chia cho tướng sĩ”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 16, mặt khắc 1 ghi việc quả bòn bon ở Quảng Nam được chia cho tướng sĩ, năm Nhâm Tuất (1802)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Nhờ thưởng thức và biết được hương vị của quả bòn bon mà bắt đầu từ năm Ất Sửu (1805), vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã hạ lệnh cho tỉnh Quảng Nam hằng năm đến tháng 9 thì dâng tiến quả bòn bon. Sau đó năm Nhâm Thân (1812) vua chuẩn y lời tâu: “Về hạt Quảng Nam, sau đây thường năm đến kỳ tháng 9, dự tính việc hái quả bòn bon chia làm 2 kỳ: mồng 8 tháng ấy một kỳ 6200 quả và phụ 4400 quả, ngày 12 một kỳ 2200 quả và phụ 4400 quả, đều đúng ngày đến Kinh mà nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng Miếu”.

Dưới triều vua Minh Mạng, vào tháng 5, năm Đinh Hợi (1827), trong chuyến ngự giá về Quảng Nam, biết vùng đất này có thổ sản nức tiếng, Vua đã sai Trung sứ mang biểu thỉnh an và quả bòn bon về Kinh để dâng cung Từ Thọ. Năm Giáp Thân (1824), vua chuẩn cho tỉnh Quảng Nam vào ngày 27, 28 tháng 9, nếu quả bòn bon đã chín thì đệ mang về triều.

Tuy nhiên do lúc bấy giờ, việc đi lại, vận chuyển bòn bon về Kinh cũng tốn không ít sức dân nên năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng xuống Chỉ giảm thổ sản và số lượng bòn bon để bớt việc cho người dân Quảng Nam. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 69, mặt khắc 12 ghi: “Vua dụ bộ Lễ rằng: “Quả này là để tiến vào những lễ tiết hưởng, kỵ và cơm mới ở Tôn Miếu. Dẫu đủ phẩm vật để tỏ lòng kính, nhưng lễ ý không quý ở nhiều. Nay theo lệ lấy tiến quả đến 13, 14 giỏ, đài đệ theo trạm tốn nhiều sức dân. Vậy hạ lệnh từ nay mỗi kỳ cung tiến lấy 6 giỏ làm hạn. Chép làm lệ”.

Đến năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng quy định thể lệ trả giá phẩm vật cho các địa phương dâng tiến sản vật, trong đó có quả bòn bon Quảng Nam: “Từ trước đến giờ, các tỉnh kính dâng phẩm vật như: quả dưa, cam đường, quả bòn bon, quả vải, quả chanh, tuyết lê và rươi, những loại ấy danh sắc có nhiều, tựu trung hoặc thổ ngơi thì phải cống, hoặc do dân đi tìm mà lấy, vật không đáng bao nhiêu, mà dân cũng lấy việc ấy làm lẽ sống, phải nên tùy từng hạng xét trả tiền, để dân được nhờ. Chuẩn giao bộ Lễ châm chước bàn bạc tâu lên, đợi chỉ thi hành, phải kính tuân đấy. Tuân phụng chuẩn y lời bàn sau đây: phàm các địa phương theo lệ kính dâng sản vật địa phẩm, trừ ra thứ nào quan địa phương tự mua biếu, dễ dãi tỏ lòng thành, còn ngoài ra có mua của dân thì: quả dừa cứ 100 quả giá tiền 3 quan, cam đường cứ 100 quả giá tiền 2 quan, quả bòn bon cứ 4 sọt làm 1 gánh, giá tiền 3 quan, quả chanh cứ 100 quả giá tiền 3 quan, dưa hấu cứ 10 quả giá 6 tiền…. Trên đây là các khoản, đều do quan địa phương chi tiền công ra trả cho dân làm ra các nghề, hoặc lấy của dân thì cho chiểu (từng hạng) mà lĩnh tiền để giúp cho cuộc sống của dân. Khi xong việc, cứ thực đề để chi tiền”. Cũng trong năm này, vua Minh Mạng cho đúc 9 cái đỉnh để trước sân Thế miếu. Cùng với các hình tượng như mặt Trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phổ Lợi, chim công, cá voi, hoa sen…. quả bòn bon cũng được khắc trên Nhân đỉnh.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 69, mặt khắc 12  ghi về việc vua Minh Mạng cho định lại lệ tiến quả bòn bon ở tỉnh Quảng Nam

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Dưới triều vua Tự Đức cũng đều có lệ định việc dâng quả bòn bon. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 120, mặt khắc 13 ghi rằng: Năm Tự Đức thứ nhất (1848), lệ định: Gặp tiết Vạn thọ, tỉnh Quảng Nam đệ dâng 4 sọt quả bòn bon. Năm thứ 3 (1850), lệ định: Gặp ngày giỗ ở điện Long An đệ dâng 4 sọt quả bòn bon. Năm thứ 4 (1851), có sắc: lần này tỉnh Quảng Nam đệ dâng quả bòn bon lần thứ 3. Nếu để đến lễ mừng thì ngày còn chậm. Chuẩn cho bộ Hộ chuyển tư cho quan tỉnh Quảng Nam chọn mua cho được quả bòn bon, phải đúng ngày 23 tháng 8 đi đến cho kịp lễ mừng; lại hàng năm lệ dâng các hạng quả 3 lần, cũng chuẩn cho quan tỉnh ấy thế nào nội ngày 23 đã đệ đến. Lại chuẩn lời nghị: hàng năm về tiết mùa thu, tỉnh Quảng Nam theo lệ kính dâng vào lễ cơm mới 3 lần, mỗi lần 4 sọt, tiết Vạn thọ đệ thêm 4 sọt bòn bon, sao cho trước 2, 3 ngày hiện đã đệ đến, từ sau hàng năm theo như thế mà làm”.

Trải qua thăng trầm lịch sử, từ loại cây hoang dại mọc trong rừng sâu, giờ đây cây bòn bon đã trở nên quen thuộc và trở thành thổ sản của người dân xứ Quảng. Dù bòn bon được nhân giống và trồng ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng về độ ngon ngọt, không nơi nào bằng quả bòn bon ở vùng đất này.

Tài liệu tham khảo:

1.     Hồ sơ H22/70, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

2.     Hồ sơ H48/120, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Bùi Mai

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV