Công chúa Huyền Trân qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn

Lịch sử dân tộc Việt Nam từng có nhiều phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan… và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ, hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như An Tư, Huyền Trân, Ngọc Vạn,… Họ đều là những nàng công chúa “tài sắc vẹn toàn”, chấp nhận hy sinh lợi ích của bản thân vì quốc gia dân tộc. Trong số đó, có nàng công chúa Huyền Trân – người đã có công giúp nhà Trần mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Huyền Trân công chúa là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Vào, tháng 3, năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông làm cuộc viễn du sang kinh đô Chiêm Thành. Để tăng thêm quan hệ hòa hiếu giữa hai nước, Thượng hoàng hứa gả con gái cho vua Chiêm. Vua Chiêm lúc đó là Chế Mân đã sai bầy tôi là Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các phẩm vật lạ để xin hỏi cưới. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm.

Cuộc hôn nhân trọng đại của Công chúa Huyền Trân và Quốc vương Chế Mân đã tạo nên một cuộc tranh luận giữa các quần thần trong triều đình. Hầu hết các quan cho rằng không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Trần Khắc Chung là tán thành. Nhiều người còn mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm tiếc thương cho nàng công chúa sắc nước hương trời.

Tháng 6, năm Bính Ngọ (1306), sau khi nhận lễ vật cầu hôn, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Và kể từ thời gian này thì Châu Ô và Châu Lý thuộc vương quốc Chăm pa chính thức trở thành một phần lãnh thổ của nước Đại Việt. Đó là sính lễ mà Chế Mân dâng lên vua Trần Anh Tông để xin cưới công chúa Huyền Trân. Và khi Công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành thì nhân dân hai châu Hoan và châu Ái cũng rầm rộ chuyển vào tiếp nhận hai châu Ô và châu Lý. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 8, mặt khắc 43 còn ghi rằng: “Tháng 6, mùa hạ. Gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý”. Một năm sau, tức năm Đinh Tỵ (1307), vua Trần Anh Tông cho đổi tên Châu Ô và Châu Lý thành Châu Thuận và Châu Hóa.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 43 ghi về việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Về Chiêm Thành được hơn một năm, Huyền Trân hạ sinh được Hoàng tử cho vua Chiêm. Tuy nhiên không lâu sau đó, Chế Mân qua đời. Tháng 9 năm 1307, Thế tử Chế Đa Gia sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và thông báo tin buồn. Theo tục lệ của Chiêm Thành, vua chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa thiêu chết theo. Sợ công chúa bị hại, vua Trần sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa.

Tháng 10, mùa đông năm Đinh Mùi (1307), hai sứ giả Đại Việt đến kinh đô Chiêm làm lễ viếng nhân đó nói rằng: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm thấy có lý nên nghe theo, nhân đó, Trần Khắc Chung đã dùng thuyền nhỏ cướp công chúa tiến thẳng ra phía biển. M  ộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 45 ghi lại việc này rằng: “Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho Hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành, đưa Huyền Trân công chúa về nước. Theo tục Chiêm Thành, mỗi khi chúa trong nước mất, thì vợ chúa phải lên đàn thiêu để chết theo. Nhà vua được tin đó, sai Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm, và nói rằng: “Công chúa hỏa táng, thì không có ai làm chủ đàn chay, chi bằng công chúa ra ngoài bãi biển chiêu hồn chúa công cùng về, lúc ấy sẽ lên đàn thiêu là tiện hơn”. Người Chiêm Thành nhận lời. Khi đã ra ngoài biển rồi, Khắc Chung dùng chiếc thuyền nhỏ cướp lấy công chúa đưa về”.

 

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 45 ghi về việc Hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành, đưa Huyền Trân công chúa về nước

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

 

Không rõ vì mang ơn cứu mạng hay giữa Huyền Trân và Khắc Chung đã có lời ước hẹn từ trước, mà con thuyền đưa công chúa từ Chiêm Thành và Đại Việt loanh quanh trên biển đến gần một năm ròng. Bất chấp mưa to gió lớn của biển khơi, búa rìu dư luận và phép tắc của triều đình, con thuyền của Huyền Trân và Khắc Chung vẫn lênh đênh trên biển say đắm và thơ mộng.

Tháng 8, năm Mậu Thân (1308), sau 10 tháng thuyền của Huyền Trân, Khắc Chung về đến Thăng Long, Vua Trần Anh Tông thương em gái nên không đả động gì đến chuyện ấy, không một lời trách cứ Trần Khắc Chung. Nhưng trong tôn thất nhà Trần không phải không có người phản đối. Đặc biệt các nhà Nho đương thời xem mối tình sử của Khắc Chung với Huyền Trân là một việc xấu, đáng chê trách.

Câu chuyện về Huyền Trân công chúa được truyền tụng trong dân gian, không chỉ vì lý do chính trị mà còn về khía cạnh văn hóa thơ, ca nhạc  cũng như nghệ thuật sân khấu. Điều này khiến Huyền Trân công chúa trở thành công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Tương truyền là bài “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc:

“Nước non ngàn dặm ra đi

Mối tình chi !

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô, Lý.

Xót thay vì,

Đương độ xuân thì

Số lao đao hay là nợ duyên gì?….

Bài hát “Nước non ngàn dặm” với những lời nặng trĩu, mang tâm sự theo điệu nam bình như nhắc chúng ta nhớ về nàng công chúa sắc nước hương trời – Huyền Trân./.

Cao Quang

……………………………….

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ sơ H60/8, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H31/9, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.